Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Say sưa truyền thụ âm nhạc dân tộc
31.03.2015
Được coi là bậc thầy duy nhất còn sót lại của đờn ca tài tử “nguyên gốc” Nam Bộ với nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 8. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại Sa Đéc, trong một gia đình điền chủ có thú chơi âm nhạc tài tử.
Cụ thân sinh của ông là Nguyễn Hàm Ninh, một địa chủ và là một thầy thuốc Đông y tài hoa, sử dụng thành thạo ba nhạc cụ đàn kìm, đàn tranh, đàn cò. Không những thế, thân sinh ông ca tài tử và hát bội rất hay. Gia đình ông còn là nơi họp mặt của nhiều nhà nho, văn sĩ và thi sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam đầu thế kỷ XX. Chính nền tảng và truyền thống gia đình mà cậu bé Vĩnh Bảo mê nhạc từ rất sớm.
Được học đàn bài bản trực tiếp qua các nghệ nhân, nghệ sĩ và hàng trăm bạn đàn dù nhiều hay ít, cùng với biết bao lần biểu diễn, nhạc sư Vĩnh Bảo đã tự trui rèn cho mình những ngón đàn riêng độc đáo. Nối tiếp các nhạc sư Cao Văn Lầu, Trần Văn Kiên, nhạc sư Vĩnh Bảo sớm nổi tiếng với khả năng đàn và là một trong những gương mặt nghệ sĩ cổ nhạc của thế hệ tài danh một thời như: Chín Kỳ, Giáo Thinh, Hai Biểu, Chín Trích, Tư Nghi, Bảy Hàm, Mười Tiểng, Hai Phát, Năm Vĩnh, Mười Còn, Sáu Quý, Văn Sĩ, Sáu Tửng… Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn là người cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Năm 1956, Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) thành lập thì nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những người thầy có mặt đầu tiên. Ông được mời dạy môn đàn tranh và là Trưởng ban Giáo sư nhạc tài tử miền Nam. GS Nguyễn Thuyết Phong, người nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc đã nhận xét: “Vào những năm cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, hai nhạc sư Vĩnh Bảo và Nguyễn Hữu Ba là hai trí thức âm nhạc, là hai cánh chim đầu đàn của cả thế hệ âm nhạc toàn miền Nam”.
Năm 2005, ông được nhà nước trao giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp của ông đối với sự phát triển của nhạc Đờn ca tài tử. Năm 2006, tại Hội thảo Dân Tộc Nhạc Học thế giới lần thứ 51 diễn ra tại thành phố Honolulu, bang Hawaii, Hoa Kỳ ông là một trong năm nhạc sư ở Châu Á được vinh danh “Quốc gia chi bảo”. Năm 2008 nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã được Tổng thống Pháp tặng huy chương Officier des Arts et des Lettres - phần thưởng cao quý của nước Pháp dành những nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương. Có thể nói, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, Mp3, máy in... để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới nay dù ở tuổi 98, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp , Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ...). Ông cho biết: “Tôi năm nay 98 tuổi, vẫn còn đờn. Đó là câu trả lời cho câu hỏi rằng nhạc tài tử Việt Nam có cái gì hay”. Tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã in đậm trong trí nhớ của GS-TS Trần Văn Khê: “Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi thì thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị...”, và GS-TS Trần Văn Khê đã xưng tụng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “Đệ nhất danh cầm”.
Gần một thế kỷ sống với đờn ca tài tử, với âm nhạc truyền thống dân tộc, ông có một nhân cách mà người đời cho là “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” hiếm có trong cả một đời giữa biết bao biến thiên, đổi dời, thăng trầm của thời cuộc. Đối với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, giải thưởng Phan Châu Trinh thật sự là “món quà thú vị”. “Là một nhạc sĩ sống nội tâm, đối với tôi không có cái gì lớn, không có cái gì nhỏ nhưng khi được nhận giải thưởng này tôi thấy rất vui. Tôi trân trọng giải thưởng này vì nó mang tên nhà chính trị lớn, nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ Phan Châu Trinh”. Giờ đây, hằng ngày tiếng đàn tranh từ căn phòng nhỏ trong căn nhà nhỏ của ông vẫn vang xa, qua mọi miền, qua mọi biên giới để đến với những người yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam khắp năm châu.
T.H
(http://cinet.gov.vn)
Có thể bạn quan tâm
Hồn sông, hồn quê trong thơ, trong nhạcNhà văn Phi Vân: Người kể chuyện nông thôn Nam BộNhững tồn nghi về Tình già - bài thơ khởi đầu Thơ mớiNhững căn rể của sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1954Đối thoại liên ngành văn học - y học trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đạiLê Vượng - Người ham mê đi tìm vẻ đẹp dân tộcNhà thơ Phan Vũ: Lãng du giữa hai miền Thi - HọaNhà văn Đỗ Tiến Thụy: Hành trình bay từ A đến Y với văn chươngNguyễn Ngọc Hạnh, một góc hồn quê Đi tìm nhân vật trung tâm trong văn học