Nhạc sĩ Xuân Hồng: Duyên nợ với xuân

15.02.2016

Năm nay vừa tròn 20 năm, nhạc sĩ Xuân Hồng từ biệt mọi người về thế giới bên kia. Tên khai sinh của anh là Nguyễn Hồng Xuân, mang đầy nữ tính, rồi với bút danh Xuân Hồng mạnh mẽ hơn chút ít, nhưng với tên gọi thân quen anh Ba Mực nghe thật mộc mạc, chân chất như hạt lúa, củ khoai, đúng như chính con người của nhạc sĩ nổi tiếng đáng yêu này. Và cũng ít ai biết rằng, trong cuộc chiến tranh ác liệt vừa qua, chính kẻ thù cũng rất sợ những hoạt động âm nhạc của Xuân Hồng đến nỗi chúng từng tuyên án tử hình vắng mặt người nhạc sĩ này và dán bản án ngay giữa chợ. 

Nhạc sĩ Xuân Hồng: Duyên nợ với xuân


Trong giới nhạc sĩ cả nước hiếm có người viết nhiều tác phẩm về mùa xuân như nhạc sĩ Xuân Hồng. Điểm sơ qua, anh đã có những bài như  Xuân chiến khu (1963), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh  (1975), Mùa xuân bên cửa sổ (1985 - thơ Song Hảo), Bức ảnh mùa xuân (1988), Khúc xuân (1995 - thơ Ngân Thương), Gương mặt mùa xuân (1996 - trích thơ  Trương Vũ Thiên An)...

Ca khúc đầu tiên về xuân khá nổi tiếng của Xuân Hồng là Xuân chiến khu ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa khói lửa đạn bom nhưng rất vui tươi, lạc quan, yêu đời: Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu… Đây là tác phẩm thứ hai của Xuân Hồng được phổ biến cả nước sau Bài ca may áo ra đời trước đó 2 năm (1961).

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại chiến trường Nam bộ, nhạc sĩ Xuân Hồng được cấp trên điều về làm Trưởng đoàn Văn công quân giải phóng miền Nam. Lúc bấy giờ trên khắp chiến trường miền Nam, ta giành nhiều thắng lợi liên tiếp. Năm 1963, theo chỉ thị của trên, đoàn phải xây dựng một chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Hát mừng mùa xuân thắng lợi”, trong đó phải có sáng tác mới. Thế là nhạc sĩ Xuân Hồng bắt tay vào việc tìm nét nhạc chủ đề (motif) mang tính dân tộc cho ca khúc. Sau vài ngày đêm trăn trở. Miệng luôn lẩm nhẩm mấy bài ca cổ quen thuộc, anh chợt nghĩ đến bài Bình bán vắn vui tươi, lạc quan, giản dị, trong sáng rất “xuân”. Anh còn nhớ đôi câu lời mới do mấy bà ở quê đặt theo nhạc bài Bình bán vắn để chế nhạo đám thanh niên ham mê đờn ca, bỏ bê công việc: Liu tồn liu xáng u/ Xáng trên đầu ba bữa còn u… Nét nhạc chủ đề chợt xuất hiện như nguồn nước được khơi dòng, nhạc và lời của bài Xuân chiến khu bắt đầu tuôn chảy theo cảm hứng. Bài hát hình thành trên đường hành quân, bản thảo được Xuân Hồng vừa đi vừa ghi chi chít bằng cây bút bi trên bắp tay mình. Lần biểu diễn đầu tiên do tốp nữ của đoàn hát được bộ đội hoan nghênh nhiệt liệt và được yêu cầu hát lại lần hai.

Sau thành công của Xuân chiến khu, Xuân Hồng bắt đầu như có duyên nợ với mùa xuân. Sau này anh có dịp tâm sự: Mùa xuân của đất trời đã đi qua theo mây gió nhưng mùa xuân của con người vẫn đọng lại trong tôi như những nốt nhạc chạm trên dòng kẻ và cả những âm thanh vô hình được in vào trí nhớ như đã ghi trong một cuốn băng từ. Và từ đó, cứ mỗt lần tết sắp đến, mùa hoạt động của văn công, các anh lại gọi tôi, lại nhắc tôi: “Xuân Hồng ơi, mùa xuân đến rồi đó, sáng tác về mùa xuân đi…”.

Bài hát về xuân tiếp theo của Xuân Hồng là Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh rất được yêu thích và phổ biến đến tận hôm nay, sau hơn 4 thập niên ra đời. Rạng sáng ngày 10-3-1975, một đơn vị đặc công bất ngờ nổ phát súng đầu tiên tấn công vào Buôn Ma Thuột. Trưa ngày 11-3-1975, toàn bộ quân địch ở thị xã này bị tiêu diệt. Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Xuân Hồng linh cảm ngày chiến thắng đang tới. Một ý nghĩ trong anh chợt đến: Ngày Nam bộ khởi đầu kháng chiến vào mùa thu, nay sẽ kết thúc thắng lợi vào mùa xuân, thật đẹp và trọn vẹn. Thế là Xuân Hồng mở đầu bài hát mới của mình dựa vào nét nhạc câu đầu của bài Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn: Mùa thu rồi ngày hăm ba thành ra câu: Mùa xuân này về trên quê ta. Những câu nhạc kế tiếp lại xuất hiện: Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi hoa lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà... Dòng nhạc và ca từ của anh tiếp tục tuôn chảy theo từng bước tiến quân như vũ bão của quân giải phóng ở Huế, Đà Nẵng… Khi các binh đoàn bắt đầu bao vây Sài Gòn, sào huyệt của ngụy quân ngụy quyền, Xuân Hồng đặt bút phác thảo những câu nhạc cuối cùng. Ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh ra đời, đây quả là một tác phẩm tuyệt vời ghi dấu cuộc toàn thắng vĩ đại của dân tộc sau 30 năm chiến đấu và hy sinh: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/ Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ/ Mà niềm vui như đến bất ngờ/ Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ/ Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay đi giữa chốn rừng cờ…

Sau ngày thống nhất đất nước, Xuân Hồng lại cho ra đời sáng tác thứ ba về mùa xuân cũng khá nổi tiếng: Mùa xuân bên cửa sổ. Nếu như Xuân chiến khu mộc mạc, chân tình, lạc quan, tin tưởng, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh hân hoan, phấn khởi, rộn ràng, sôi động thì Mùa xuân bên cửa sổ lại duyên dáng, trữ tình, mượt mà, trẻ trung. Trong hàng ngàn bài tình ca thể hiện mọi sắc độ của tình yêu nam nữ, mọi trạng thái tâm hồn tế nhị của đôi lứa, Mùa xuân bên cửa sổ nổi lên như một ca khúc trữ tình mang nét đặc thù của thời kỳ mở cửa, hội nhập với quốc tế, xây dựng kinh tế nhưng luôn luôn cảnh giác bảo vệ đất nước. Thật là đẹp hình ảnh anh lính từ biên giới về, cô gái vừa tan ca, họ tràn trề hạnh phúc trong mùa xuân đang tới. Đôi bạn trẻ như muốn nêu lên một triết lý “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có cả những nụ hôn…”

 

Nhạc sĩ Trương Quang Lục
(sggp.org.vn)