Nhạc sĩ Thanh Sơn: Xin trả lại những kỉ niệm buồn, vui

09.05.2016


Thanh Sơn là nhạc sĩ viết về hoa phượng nhiều nhất với "Nỗi buồn hoa phượng", "Ve sầu mùa phượng", "Phượng buồn", "Buồn như phượng". Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn và điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc.
Ngọn lửa còn cháy mãi
Thành danh từ lúc còn rất trẻ, khi mới 19 tuổi, Thanh Sơn đã đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1959. 

Nhạc sĩ Thanh Sơn: Xin trả lại những kỉ niệm buồn, vui

Sau đó, theo học sáng tác ca khúc và nghiền ngẫm tự sáng tác, rất nhanh chóng cái tên Thanh Sơn trở thành quen thuộc với công chúng. Dù thời cuộc thế nào, có nhiều đổi thay, nhưng Thanh Sơn vẫn luôn là một ngọn lửa cháy mãi trong thị hiếu âm nhạc của nhiều thế hệ. Đi đâu người ta cũng thấy nhạc của ông, từ dòng nhạc quê hương, tới dân ca, bolero… dòng nào ông cũng để lại những dấu ấn đậm và sâu.

Người ta nghe nhạc ông rồi hát nhạc ông, nhập tâm rất dễ dàng như một cách đánh thức bản năng âm nhạc trong mỗi người Việt Nam. Từ những ca khúc gắn với thời áo trắng như Nỗi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh… tới những bài về quê hương trong Hình bóng quê nhà, Bạc Liêu hoài cổ, Áo mới Cà Mau... người ta đều thấy sao dân dã và dễ hát, dễ nhớ đến thế. Nhưng không phải cứ dễ hát là dễ viết, dẫu rằng Thanh Sơn để lại tới 500 ca khúc và hầu như ca khúc nào cũng nhanh chóng nổi tiếng. Người ta gọi ông là một nhạc sĩ năng nổ, theo tôi, là một cách gọi chính xác nhất.

Ký ức người nghe

Tôi nhớ một lần đi công tác, ngồi trong quán cà phê ở Cà Mau, chợt vang lên bài hát Áo mới Cà Mau với những ca từ thân thương quá đỗi, qua giọng ca của ca sĩ Phi Nhung: Xuôi mái chèo sông Ông Đốc, đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau, xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng… Tự nhiên nghe xong bài hát đó, lòng tôi cứ bâng khuâng, nôn nao và muốn đi ngay, đi sâu vào vùng đất ấy - vùng đất mà vừa tới đã được Thanh Sơn nhấn nhá bằng một ca khúc vô cùng dễ thương - Áo mới Cà Mau với những địa danh được ông khéo léo đưa vào nhạc. Sau này, cứ mỗi lần ngồi trên những chuyến xe đò về miền Tây công tác hoặc thăm bà con, tôi lại nhớ Áo mới Cà Mau và nếu có điều kiện, lại ý tứ yêu cầu tài xế mở giùm ca khúc ấy.

Thế hệ chúng tôi là những người trẻ từ nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước kéo về Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Nhưng để sống và bền bỉ với Sài Gòn, nếu không yêu thành phố này thì không thể nào nương tựa vào nó được. Và một trong những cách để chúng tôi yêu phương Nam, yêu Sài Gòn hay yêu Bến Tre, Bạc Liêu hoặc Cà Mau, thì không gì hơn cả, đó chính là âm nhạc. Và âm nhạc Thanh Sơn đã trở thành nhịp cầu để chúng tôi thêm yêu mến và trân quý những vùng đất mà mình chưa đặt chân tới hoặc chưa hiểu nhiều về nơi ấy:

Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu, Như sống lại hồn Cao Văn Lầu, Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son, Một thời để nhớ ngày đó xa rồi... Thanh Sơn đã viết rất nhiều, hầu hết các địa danh của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đều có mặt trong các sáng tác của ông. Và không có ca khúc nào bị lãng quên hay bị nhạt. Những đứa con tinh thần của ông cứ sống mãi trong nhịp thở của nhiều người: Quê hương ba miền, Đôi lời gửi Huế, Trở lại thành phố sương mù…

Nhạc sĩ của những hoài niệm

Người nào yêu nhạc và yêu… nhiều, hẳn sẽ nhớ và sẽ hát nhiều bài của Thanh Sơn. Bản thân ông cũng là một người đa sầu và hay hoài niệm, có nhiều kỷ niệm đã “đốt cháy” ông, giống như trong bài Hoa tím người xưa, ông từng tâm sự: “Bài hát Hoa tím người xưa này là một chuyện tình có thật. Một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó vào năm 1965. Tình yêu của tôi rất tràn trề. Tuổi đời của tôi lúc đó ngoài 20. Tôi có quen với một người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào một vườn hoa tím rất đẹp. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn, và thốt lên một câu: Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu”.

Với bài hát này, qua giọng ca nhẹ thanh và da diết của Như Quỳnh, như một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ. Tôi nghĩ, nếu không thất tình hoặc không nặng tình, hẳn sẽ khó mà viết nên những tình ca tuy dân dã mà đậm sâu như những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông là người viết cho kỷ niệm, kỷ niệm về tình yêu, kỷ niệm về quê hương, về người lính, về mái trường… Ở đâu cũng có dấu ấn và có ca khúc ghi dấu. Và hầu như trong sáng tác nào của ông cũng có chút gì đó tiếc nuối.

Thiên Đức/Duyên dáng Việt Nam
(motthegioi.vn)