Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Ngược dòng số phận”

22.08.2016

Nếu tính bài hát “Ai xây chiến luỹ”, viết năm 1949, là tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì tới năm 2003, ca khúc “Mối tình câm”, coi như là giai điệu cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc của ông. Nói vậy, bởi từ đó đến nay ông không viết được nữa do bệnh tật và cô đơn.
Sự nghiệp của ông được tôn vinh bởi Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật, năm 2000, với chùm ca khúc rất nổi tiếng: “Mẹ yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, ”Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Dáng đứng Bến Tre”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Ngược dòng số phận”



Nhưng cùng với đó lại là những “Dư âm” của một thời vang bóng và những hệ luỵ gắn bó cho đến tận những năm tháng cam go nhất trong cuộc đời nghệ sĩ lãng mạn và tài hoa này.

Giờ đây, một ngày của ông được tính từ 1 giờ đêm, vì ông luôn thao thức không thể ngủ nổi. Ông đếm từng canh giờ, lắng nghe những chuyển động trong tâm hồn mình với bao ký ức tràn về... 

Thuyền tình không tới bến và hệ luỵ của “Dư âm”

Đó là một câu chuyện dài với ca khúc “Dư âm”, mà ông viết vào năm 1950 khi đang làm Trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304. Ngạn ngữ cổ “Tình chị duyên em” xưa, đã xảy ra với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, khi ông được một người bạn giới thiệu để tìm hiểu một người con gái ở Thanh Chương, cùng quê lúc ấy.

Sau khi người vợ đầu tiên yểu mệnh từ năm 1947, cũng đã đến ba năm trời nuôi nấng con nhỏ, nên việc người bạn giúp tìm bạn mới làm nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Tý háo hức lắm. Nhưng cái duyên cái số mới lạ lùng và trêu ngươi. Đã mấy lần gặp gỡ nhưng vẫn chưa bén tình với cô chị, thì cô em bất ngờ xuất hiện, với nụ cười hồn nhiên và đôi mắt long lanh hút hồn người nhạc sĩ. Đó là nỗi khát khao ập đến như một tia chớp vậy. Sét đánh chăng?. Đúng thế! Nhạc sĩ họ Nguyễn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy. Khi người chị đuổi cô em ra khỏi câu chuyện của mình thì cũng là lúc tình yêu của nhạc sĩ, cho dù mơ hồ, thoáng chốc với cô em lại nồng cháy. Ngược lại cô em cũng vậy, như sự đồng vọng của thần giao cách cảm, cũng không ngủ được. Nàng hong tóc ngoài hiên và ôm đàn hát bâng quơ trong nỗi niềm mơ mộng trong đêm. Còn chính nhạc sĩ lại trở nên ngơ ngẩn vì tiếng tơ lòng ngân nga. Cảm xúc trào dâng, ngay giữa đêm đó, một câu nhạc chợt vang lên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã quây cót che bớt ánh sáng của đèn dầu và ghi lại những nốt nhạc trên cái nong kê nghiêng. Nhạc sĩ ôm cây ghi ta và thầm hát lên những lời đầu tiên về tình yêu trong mộng ước: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn, dìu muôn tiếng tơ…”. Anh có cảm giác như có ai đó trên trời đọc cho mình chép ra những dòng nhạc dạt dào tuôn chảy. Đó là linh cảm của vị ngọt của tình yêu không tới. Bởi lẽ sau đó là sự cấm đoán chia xa. Hai người không thể gặp nhau.

Tuy tình chẳng tới, nhưng người nghệ sĩ lại có những phút giây sáng tạo đột xuất để lại cho đời, và ca khúc “Dư âm” đã làm nổi danh cái tên Nguyễn Văn Tý từ đó. Đặc biệt từ khi bài hát này được lồng trong phim “Kiếp hoa”, chiếu ở vùng địch tạm chiếm. Mặc cho “Dư âm” bị cấm trong vùng kháng chiến, nhưng trong những ngày tháng ấy, nó vẫn được phổ cập sâu rộng trong đời sống và nhất là tầng lớp tiểu tư sản và học sinh sinh viên. Nhưng thật rủi thay, đó cũng là một tai hoạ cho người nhạc sĩ trẻ này, khi ba năm sau có một cuộc chỉnh huấn bất ngờ, và “Dư âm” là một dị phẩm bị đưa ra là một điển hình để khảo cung.

Đây là sự kiện làm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý choáng váng, bởi nó xảy ra sau lễ thành hôn của ông với ca sĩ Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Niềm vui chưa kịp thoả thì một không khí u ám bao trùm với những câu hỏi dồn ép với nhạc sĩ rằng, vì sao bài hát “Dư âm” lại được đưa ra vùng bị địch tạm chiếm, sào huyệt của kẻ thù; Hoặc nhạc sĩ đã nhận được gì của kẻ địch trả công cho?...

Sau nhiều lần làm kiểm thảo, nhưng mọi chuyện cứ giằng co, bị đào bới mãi, làm nhạc sĩ mệt mỏi, tuyệt vọng. Đến nỗi ông đành phó mặc cho số phận run rủi, và kêu lên rằng, sẵn sàng chịu bị bắt nếu có chứng cứ gì xác đáng. May sao một thời gian sau, lãnh đạo cấp trên cũng thông qua bản kiểm điểm thành khẩn của nhạc sĩ và không có bằng cớ để xử lý kỷ luật. Nhưng mọi chuyện đâu đã kết thúc…?

Đường dài lắm nỗi…

Quả là án treo dư âm kia vẫn dai dẳng đến mức, vẫn là nguyên cớ ngầm cho cuộc chỉnh huấn lần thứ hai, khi có chuyện đồn thổi là, tác giả “Dư âm” là một thành viên của nhân văn giai phẩm. Đáng chú ý, khi đó Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang là một trong 5 người được cử ra thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vào năm 1957. Tất nhiên họ cũng chẳng hề quan tâm đến những thành tựu, sau 4 năm phấn đấu, mà nhạc sĩ đạt được sau lần chỉnh đốn tư tưởng lần trước.

Ai cũng rõ rằng, sau “Dư âm”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có giải thưởng cao nhất, với ca khúc “Vượt trùng dương”, vào năm 1952 và thêm một lần nổi lên với ca khúc “Mẹ yêu con” (viết năm 1956), qua giọng hát của Khánh Vân và Thanh Huyền, được phát liên tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ đã thanh minh không biết bao lần, về cái chuyện có tên ông trong ban biên tập nội dung của tạp chí “Nhân Văn”, do nhà thơ Đặng Đình Hưng vì yêu mến nhau từ trước, tự đưa vào mà không cho ông biết thôi. Nhưng tình ngay ý gian, giấy trắng mực đen, thật khó giải thích. Ông cãi chẳng lại và bị kiểm điểm ở đình Ngọc Hà, năm ấy trước cả trăm con người. Và lẽ dĩ nhiên đó là sức ép buộc ông phải tự nguyện rút ra khỏi ban chấp hành Hội Nhạc sĩ khoá I.

Sự thật sao trớ trêu, sau đó có những kết luận của những người có trách nhiệm về chuyện oan trái này, nhưng vẫn ông bị cho là lập trường tư tưởng có sai lầm, và phải được chỉnh đốn bằng chuyến đi thực tế, lên Điện Biên Phủ 6 tháng liền, hồi 1958.

Lúc này bản lĩnh của người nghệ sĩ, chiến sĩ đã vực dậy một trạng thái lao đao hoang mang, tưởng như tuyệt vọng trong ông. Nhiều đêm, ông thường nhớ đến lời của người cha dặn khi còn nhỏ rằng, hãy nhẫn nhục làm lại từ đầu, khi nỗi tuyệt vọng đã phủ kín cuộc đời mình. Và ông đã bước đi một cách vững vàng, với sáng tác nổi bật: “Tiếng hát bản Mèo”, độc đáo và có tiếng vang xa, qua giọng hát Minh Đỗ.

Chưa hết, sau đó ông gần như bị vô hiệu hoá, khi phải ngồi một chỗ để dịch sách âm nhạc, cùng với Đặng đình Hưng và Tử Phác. Mãi tới bốn năm sau ông may mắn thoát khỏi bốn bức tường, khi có dịp đi xuống thực tế tại Hưng Yên, theo chủ trương của cấp trên.

Tưởng đi một năm, vậy mà ông đã bị cắt hộ khẩu và tem phiếu lương thực, đành nghiến răng chịu đựng và phấn đấu vượt lên trong khó khăn bằng những sáng tác đặc sắc nhất. Trong 5 năm trời, từ 1962 đến 1967, ông đã lăn lộn với thực tế trên đồng ruộng, cho ra đời những ca khúc hay như: “Bài ca năm tấn”, “Chim hót trên đồng đay”, “Tiễn anh lên đường”, “Múa hát mừng chiến công” và “Người giỏi chăn nuôi”. Ấy là chưa kể các tác phẩm nhạc nền cho những vở chèo của tỉnh và đạt những HCV trong các hội diễn sân khấu.

Và may sao, sau khi trở về Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn giữ phong độ sáng tác về những đề tài quê hương rất sung sức với những ca khúc thấm đẫm chất dân ca, có sức truyền cảm sâu sắc. Chẳng ai có thể quên được những giai điệu ngọt ngào và rất ấn tượng của “Em đi làm tín dụng”(1971), “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”(1973), hay “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”(1974). Thời điểm này, ông nổi lên như một ngôi sao tiên phong trong việc sáng tác mang phong cách âm nhạc dân gian, với những đề tài mới.

Thế rồi con người năng động và ưa sáng tạo trong ông luôn luôn gắn liền với những dịch chuyển, nay đây mai đó. Cuối cùng, ông định cư ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 1976. Cho đến nay, phong cách sáng tác của ông vẫn được phát huy triệt để qua những sáng tác về quê hương, đất nước, đến nỗi anh em đồng nghiệp còn gọi ông là người chuyển trị “Tỉnh Ca”, vì ông thường nhận lời viết theo đơn đặt hàng cho các tỉnh. Trong chùm bài hát viết về quê hương này ông có một số tác phẩm rất để đời. Đó là những ca khúc: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (1976), hay như “Dáng đứng Bến Tre” (1980), “Về Thuận Hải” (1984), và “Hát về thành phố biển dầu” (1984)…

Vĩ thanh

Đôi lúc chợt nghĩ lại những tai nạn đã trải qua ông lại thầm cảm ơn số phận đã đẩy ông dấn thân vào còn đường sáng tạo vô cùng phong phú. Ông tự rèn luyện trên con đường nghệ thuật, thay đổi phong cách để khẳng định tài năng và chứng minh cho nỗi oan khuất của mình. Đó là sự dâng hiến cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng. Chính giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, mà ông được trao năm 2000 đã khẳng định tất cả.

Và giờ đây, sau mười năm cam chịu với bệnh tật và nỗi buồn chia xa, khi người vợ yêu quý của ông đã mất từ 2004. Ông côi cút với tuổi 87 trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Hằng đêm, ngắm nhìn ảnh vợ treo trên tường, ông đếm thời gian trong từng khoảnh khắc. Canh một. Canh hai. Canh ba… Bà vẫn mỉm cười nhìn ông như thuở nào còn luộc khoai, nướng sắn. Còn trong ông một giai điệu lấp lánh đâu đó như muốn cất lên nhưng sao nghẹn lại. Ánh mắt đục trầm ngước lên trong đêm tối. Những “Dư âm” cuộc đời bỗng ngân vang trong tâm tưởng. Ông thầm hát lại bài ca cũ, với âm thanh trầm khê, sưởi ấm những đêm lạnh lẽo, cô đơn.

Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)
(vanhocquenha.vn)