Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tuổi tác chưa bao giờ ngáng chân tôi”

20.02.2017

Họa hoằn lắm, người ta mới thấy Nguyễn Cường chịu rời cái mũ - vật bất ly thân và cũng là một trong những hình ảnh làm nên “thương hiệu” của ông. Ấy là khi ông có mặt tại lễ viếng Y Moan hay cố nhạc sĩ Thanh Tùng… Quy luật thời gian nghiệt ngã đã kịp cướp đi của ông bao người bạn, người anh em trân quý trong nghề. Nhưng thời gian vẻ như cũng đã không làm gì được người đàn ông sở hữu vóc dáng cường tráng ở vào cái tuổi “cổ lai hy”, “không biết sao lên cầu thang là cứ phải chạy” này…

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tuổi tác chưa bao giờ ngáng chân tôi”

Không còn Y Moan hay Siu Black, tôi vẫn viết về Tây Nguyên

- “Đêm nào tháp bay về” - Sáng tác mới nhất của ông vì sao lại có cái tên gần giống với ca khúc nổi tiếng của Trần Tiến, cũng lại dành cho giọng hát Tùng Dương? Ông có thể tránh mà?

- Tại sao tôi lại phải tránh? Hay mà! Thì thế mới cần phải nghe để xem nó khác ở chỗ nào. Dù đúng là cũng áp lực đấy, khi ca khúc “Mưa bay tháp cổ” của ông bạn tôi đã quá nổi tiếng rồi, và cũng từng được Tùng Dương thể hiện quá thành công. Nhưng nói chung là giao cái gì cho Tùng Dương thì cũng không phải lo, nhất là những ca khúc dân gian đương đại, đậm chất ca trù, ma mị như thế.

- Vậy cụ thể là khác gì?

- Khác… cái tháp. Tháp của Trần Tiến là tháp Chăm, còn tháp của Nguyễn Cường là tháp Việt (Tháp Bình Sơn - di sản kiến trúc đời Trần thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, vừa đón nhận bằng Di tích quốc gia - PV). Chất liệu âm nhạc do đó cũng khác.

 - Hai người hát nhạc Nguyễn Cường thành công nhất là Y Moan thì đã khuất núi, Siu Black thì đã gần như giải nghệ… Có lúc nào ông cảm thấy cô đơn và tiếc cho âm nhạc của mình không?

- Y Moan và Siu Black quả đúng là hai người hát nhạc của tôi tuyệt vời nhất. Họ đã làm được một việc rất đặc biệt cho tôi và cho cả chính họ. Nhưng đừng quên gia tài âm nhạc của tôi không chỉ có mảng sáng tác về Tây Nguyên mà còn có hai mảng quan trọng khác là hợp xướng và mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ như: Hò biển, Mái đình làng biển, Thành phố miền quan họ, Đàn cầm dây vũ dây văn, Một nét ca trù ngày xuân… cũng đã từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng khác thể hiện thành công không kém.

- Nhưng để đạt được đến độ tri giao tri kỷ như Y Moan thì chắc là khó! Tùng Dương đã đủ là tri kỷ mới của ông chưa, trong âm nhạc?

- Tôi biết Tùng Dương đã lâu, nhưng “gặp” thì mới gần đây. Nó hẳn là chữ “thời” trong Kinh Dịch. Đã có duyên gặp gỡ, thì chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Tùng Dương đa dạng lắm, lại sâu sắc, mà nhạc của tôi thì kén người hát. Có những ca khúc bao người hát, nhưng phải đến Tùng Dương mới lôi được ra cái mà tôi gửi gắm vào đấy, chẳng hạn như Một nét ca trù ngày xuân. Vì vậy, hiện tại, tôi và Tùng Dương đang hợp tác thu một album gồm 11 ca khúc thuộc mảng sáng tác của tôi về đồng bằng Bắc Bộ. 

- Ông có nghĩ, phải làm mới còn hơn là ngủ quên trên chiến thắng? Cứ mãi là một Nguyễn Cường của Tây Nguyên, của Y Moan sao được?

- Không, tôi chẳng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng cả! Vì tôi chưa bao giờ coi đó là một chiến thắng. Làm nhạc với tôi chỉ đơn giản là một cách tìm vui trong cuộc sống. Không còn Y Moan hay Siu Black hát nhạc của tôi thì tôi cũng vẫn làm nhạc, vẫn viết về Tây Nguyên. Sắp tới, Tùng Dương cũng sẽ hát một sáng tác mới nhất của tôi về Tây Nguyên: “Tháng tư Tây Nguyên”. Tây Nguyên của Dương khác lắm đấy, ma mị và tinh tế lắm!

“Luôn tận dụng mọi cơ hội để… làm khó mình”

- Vì sao ông lại tự nhận mình là “một giấc mơ gãy cánh, có thể thành nhưng không đạt”?

- Vì ước mơ của tôi và nhiều nhạc sĩ cùng thời với tôi thật ra lớn hơn thế. Chúng tôi được nghe nhạc cổ điển từ bé, được học nhạc bài bản đâu phải chỉ để viết một vài ca khúc? Cho dù, trong môi trường làm nghề ở Việt Nam, điều đó có thể giúp mang lại sự nổi tiếng. Tôi nói thế không phải có ý đánh giá thấp ca khúc, nhưng giấc mơ của tôi và những bạn nghề cùng chí hướng với tôi quả thật lớn hơn nhiều: Phải là những bản đại hợp xướng để nói lên được một điều gì đó thật mạnh mẽ, lớn lao, như đôi lúc ta muốn nói. Một bản đại hợp xướng kéo dài mấy chục phút chắc chắn phải khác một ca khúc 2 - 3 phút chứ!

 Nói sao nhỉ? Nó cũng giống như một người muốn viết tiểu thuyết, nhưng để tiện xuất bản, và dễ dàng được đón nhận hơn, anh ta lại đành đi viết truyện ngắn. Tôi vì thế luôn tận dụng mọi cơ hội để được… làm khó mình: thay vì làm một chương trình tổng hợp gom nhặt dăm ba tiết mục hát, múa, tôi lại chọn cách đóng cửa trong nhiều tháng trời để viết những bản đại hợp xướng dành riêng cho sự kiện đó, miễn sao có tài trợ, và nhà tài trợ đó cũng có chung khát vọng làm ra một thứ tử tế.

- “Muốn nói lên được một điều gì đó thật mạnh mẽ, lớn lao” - Mạch nguồn xúc cảm đó có phải chính là chất dinh dưỡng nuôi dưỡng sức thanh xuân ở ông không?

- Một cách có ý thức thì không, nhưng vô thức, thì chắc là có. Có lẽ trời sinh ra tôi là thế: Trừ những lúc phải đóng cửa hàng tháng để vắt kiệt mình cho những bản đại hợp xướng, thường thì tôi ham chơi lắm. Tôi đi suốt, đi hùng hục, xa mấy cũng đi, tuổi tác chưa bao giờ ngáng chân tôi được. Hay chí ít cũng là đi bộ, tập thể dục. Tôi chẳng bao giờ đi thang máy. Leo thang bộ không biết sao cứ phải chạy, không đi bộ bình thường được như người ta. Tôi thấy cầu thang cứ như một con mèo thấy con chuột vậy, cứ phải chạy, lạ thế! (cười). Tôi luôn thích những cái gì thật cao, thật lớn, không biết sao. Ghét mấy thứ nhạt nhẽo, cớm nắng. Sáng tác, tự nhiên nó cũng thành ra làm thế: không bao giờ thích viết về những cái lạnh lẽo, tối tăm…

- Phụ nữ, thì sao? Đừng nói là ông sẽ thích một cô “thật to lớn” đấy nhé!

- Ô, phụ nữ bao giờ chả lớn lao!

- Xin cảm ơn ông!

Thủy Lê thực hiện!
(daibieunhandan.vn)