Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Âm nhạc là định mệnh cuộc đời
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời lại tiếp tục trở thành một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ Elvis Phương nói rằng dù nhìn ông ở vị trí nào: nhạc sĩ trình diễn hay nhạc sĩ sáng tác, thì ở ông vẫn luôn có những điều khác biệt. Và sự khác biệt ấy, cho đến nay, vẫn chưa thể bị thay thế.
Những năm 1960, phòng trà Queen Bee (Sài Gòn) tối nào cũng đông khách. Người ta đến vì những nàng thơ trên sân khấu, một phần cũng vì một người ngồi hơi lui vào góc khuất, gò mình đệm đàn, hai bàn tay thoăn thoắt chạy trên từng nốt nhạc và có một lối trình diễn rất sôi động. “Cái lối đàn giật giật từng nốt đó thật là đặc biệt” - Elvis Phương nhớ lại. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
"Thích nhất mỗi lần được Nguyễn Ánh 9 đệm đàn"
Theo nam danh ca Elvis Phương, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một trong những người đầu tiên tại Sài Gòn đã áp dụng lối chơi đàn ngẫu hứng, mang nhiều nét phương Tây để thay thế cho cách đệm bolero đang rất phổ thông lúc ấy.
“Ông ấy phối hay lắm, những đoạn intro mở đầu bao giờ cũng gợi hứng thú cho người nghe và người hát. Cách phối ấy chỉ thấy ở trong những bài nhạc Pháp được Nguyễn Ánh 9 sử dụng rất tài tình, cách mở điệu slow cho mỗi bài cũng rất đặc biệt”.
Chính Khánh Ly sau này cũng nói rằng bà chỉ thích nhất mỗi lần được Nguyễn Ánh 9 đệm đàn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang, ông chính thức ngồi ở vị trí quan trọng trong dàn nhạc tại Queen Bee vào năm 19 tuổi (1959). Bố của ông là một thầu khoán và đặt kỳ vọng ông sẽ là một kỹ sư có tương lai sáng lạn.
Lúc nhỏ ông đã say mê âm nhạc và tự học đàn bằng cách mua sách vở về tự học, nghe đĩa nhạc và học thêm những ngón đàn độc của của những nghệ sỹ danh tiếng nước ngoài. Lúc đó, chuyện cậu con út lén học đàn đã làm người cha rất tức giận và thậm chí ông còn đòi từ con vì không nghe lời mình.
Sau đó, người cha đã cấm triệt để không cho con trai đụng vào đàn rồi “tống cổ” ông lên Đà Lạt học nội trú để cách biệt với âm nhạc. Không may, chính tại nơi này, sự nghiệp âm nhạc của ông chính thức được mở đầu khi ông gặp được nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tác giả bài hát Ai lên xứ hoa đào). Tình yêu âm nhạc cứ dần lớn lên trong ông và năm 18 tuổi, sau 4 năm nội trú tại trường Yersin, Nguyễn Ánh 9 đã trốn gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp.
Năm 19 tuổi, ông chính thức trở thành một người chơi nhạc chuyên nghiệp khi đệm tại rất nhiều phòng trà danh tiếng tại Sài Gòn như: Anh Vũ, Quốc Tế, Olympia, Mỹ Phụng, Queen Bee…
Bài hát sáng tác đầu tiên của Nguyễn Ánh 9 là bài Chiều nguyện cầu. Ngày đi Nhật với Khánh Ly vào năm 1970, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác bài hát Không. Nhưng bài hát lại trở thành “hit” của Elvis Phương và nó cũng định luôn tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 trong vai trò là nhạc sĩ sáng tác.
Bài này có style rất lạ, nhanh, cuốn hút, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 viết lời xong rồi mới lắp nhạc nhưng không ngờ lại thành công đến vậy. Bài hát sau đó mở màn cho lối sáng tác rất thịnh hành mà như sau này ông bày tỏ “thật ra là sến”, quá nhiều người bắt chước.
Viết nhạc vì tâm hồn, không vì thương mại
Nhiều người nhận xét rằng nhạc của Nguyễn Ánh 9 không mới, không cũ và có những âm điệu nhẹ nhàng, bàng bạc của tình yêu. Chính xác thì tình yêu đã làm nên âm nhạc của ông.
Elvis Phương cho rằng, điều khác biệt ở Nguyễn Ánh 9 là dù ông có là nhạc sĩ trình diễn hay sáng tác thì đều là khác biệt. Ở địa hạt sáng tác thì tài năng của Nguyễn Ánh 9 lộ rõ ở quan điểm “viết về tình yêu nhưng không bao giờ bi lụy” - Elvis Phương chia sẻ.
Bạn bè vẫn thường nói nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải thất tình mới sáng tác được. Những bài hát nổi tiếng nhất của ông như Lời cuối cho em, Buồn ơi chào mi… đều là viết từ những kỷ niệm.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng từng tự nhận rằng, cho đến mai sau ông cũng không thể nào viết hay hơn được 2 nhạc phẩm mà ông rất ưng ý:Tình khúc chiều mưa và Buồn ơi chào mi, hai bài hát ra đời vào những ngày mà tâm hồn ông buồn bã nhất.
Với tài năng như thế thì việc sáng tác những bài ăn khách là một chuyện không phải nằm ngoài tầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng cuối cùng ông chọn cho mình một lối đi “không viết loại nhạc thương mại” kiểu như “nhạc thị trường” hiện nay.
Bởi với ông, ông không thể sống sung túc bằng việc sáng tác vì ông chỉ sáng tác cho riêng cá nhân ông, không thương mại, không xuất bản. “Nhạc tôi kén người nghe, chỉ rất ít người nghe có trình độ cao cao một chút thì thích, số còn lại sẽ bảo rằng đó không phải là nhạc thương mại. Mà giờ bảo tôi viết loại nhạc ấy thì tôi chịu thôi”, ông từng trả lời điều này gần 50 năm trước và đến giờ này có thể thấy ông đã làm đúng như những gì ông đã nói”.
Kể cả khi cuộc đời khốn khó (từng có lúc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây) thì âm nhạc của ông vẫn nguyên vẹn như thời ban đầu. Không mang nhiều tư tưởng mới nhưng nó là nhịp cầu dẫn dắt theo những tâm hồn đồng điệu.
Âm nhạc của ông như một chỗ trú nhỏ, vừa vặn cho những cảm xúc buồn bã trôi đi theo những cơn mưa để rồi sau đó “Lòng vẫn yêu trọn đời người yêu ơi”.
Mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam
Danh ca Elvis Phương chia sẻ: “Tôi rất buồn trước tin này. Hôm trước tôi có gặp nhạc sĩ Nguyễn Quang thì anh ấy bảo “ba em cũng đã đỡ rồi” nên cũng yên tâm, định vào thăm anh thì bất ngờ hôm nay nghe hung tin. Với tôi, Nguyễn Ánh 9 là một người rất tài năng, đạo đức, sống cực kỳ chan hòa và luôn yêu thương, nâng đỡ đàn em. Tôi với ông có rất nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là bài Không, một bài hát đem lại cho cả tôi và nhạc sĩ Nguyễn ánh 9 thêm nhiều danh tiếng. Ông mất đi, với tôi, là một sự mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam”.
Nguyên Minh
(thethaovanhoa.vn)