Nhạc sĩ Lã Văn Cường: Tìm lại bóng tôi

08.04.2014

Là suốt thời trai trẻ, tôi lẩm nhẩm đoạn ca khúc: “Lúc vui buồn đừng ngại đến vườn yêu/ Chốn hẹn hò chiều sang có em về/ Anh sẽ trồng lại cây xanh thương nhớ/ Chốn thiên đường ngập trời lá và hoa/ Nơi hoang vu bao la chỉ đất trời/ Ta bên nhau yêu đương không chia rời” (Vườn yêu). 

Lớn thêm một chút, thất vọng và đổ vỡ, tóc xanh phai theo dấu chân của từng người tình, tôi lại hát: “Tìm không ra bóng em/ Tôi tìm lại bóng tôi/ Một đời như ngủ quên âm thầm như bóng đêm/ Tôi tìm ai té dưới chân vỉa hè/ Tôi tìm ai trú dưới chân hàng me/ Tôi tìm trong quán rượu/ Tôi tìm trong xó chợ/ Một đời đảo điên” (Tìm bóng).

Nhạc sĩ Lã Văn Cường: Tìm lại bóng tôi

Và bây giờ, khi tôi viết những dòng này, thoảng nhìn con trai lớn và con trai nhỏ đang ngủ bình an, tôi lại lẩm nhẩm: “Ôi có đôi khi thèm như lúc tuổi thơ/ Sáng sáng tung tăng, đùa vui hát vang lừng/ Chẳng biết suy tư đời kia vấn vương gì/ Rồi chiều tới mơ màng/ Đợi chờ sáng tưng bừng” (Ôi, có đôi khi).

Tất nhiên, nhạc sĩ Lã Văn Cường còn rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác, nhưng ba ca khúc tôi vừa trích dẫn, là những bài hát của anh mà tôi yêu thích nhất.

1. Quán, nơi tôi gặp nhạc sĩ Lã Văn Cường, nằm khuất trong con hẻm lớn. Quán, mang âm hưởng của câu thơ mà nhà thơ Thanh Tùng từng viết: “Quán ngập lá và mắt em đen thế/ Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi”. Tôi, như một người cũ, như khi thi sĩ Du Tử Lê cảm thán: “Tóc đương xanh nhưng lòng đã bạc nhiều/ Chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn”. Như khi tôi viết trên Facebook cá nhân: “Sáng nay, một khởi đầu. Mình ngồi dưới bóng dù, bên vệ hè, ngoài kia ngập nắng. Nhớ điều gì không rõ, mà da diết lắm. Nghĩ mãi, mới biết là đang nhớ nắng xưa, trong khoảnh vườn xơ xác lá ở quê nhà. Mình thương hết thời gian mà mình đã sống”.
Ngoại trừ nhạc sĩ Lã Văn Cường, người tôi muốn gặp thứ hai trong giới văn nghệ là nhạc sĩ Thanh Tùng. Lý do duy nhất mà tôi gặp nhạc sĩ Thanh Tùng, chỉ nhằm để có dịp ngồi với người đã viết được những câu: “Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn, cùng với tôi về” (Một mình).
Tôi thích những không khí của sự cô đơn, như nhiều năm trước tôi thích không khí náo nhiệt của phố phường.
Những ngày dài, tôi nằm lì trong phòng, không đọc sách, cũng không nghe nhạc. Tôi không làm gì cả, chỉ mang máng nhớ những câu thơ của nhà thơ Yến Lan: “Tỉnh nhỏ/ Đìu hiu/ Mặt trời ngủ giữa chiều/ Trở mình trên mái rạ./ Cây đứng nép bên đường/ Tay xương nắm lá/ Như tay người đưa thư/ Áo vải tây vàng hai vai đã vá/ Đi giữa đường mấp mô/ Không có kẻ đợi chờ/ Đôi chiếc xe dụm đầu ngái ngủ/ Tỉnh nhỏ/ Cô em/ Nằm xem/ “Kiếm hiệp””.
Và, tôi chấm dứt sự mỏi mệt, chán chường đầy khoái trá ấy bằng bài hát Ôi, có đôi khi của Lã Văn Cường. Y như sau mỗi trận bóng đá, tôi có thói quen uống rất nhiều nước đá lạnh.
Từ rất lâu rồi, tôi ngồi ăn điểm tâm với nhà thơ Lê Minh Quốc. Tôi có hỏi anh Quốc về Lã Văn Cường, Quốc dành cho bạn rất nhiều lời ưu ái. 
 
 
Lã Văn Cường, những ngón tay gầy, khuôn mặt xương xương, mắt lấp lánh sự tin anh. Nhìn anh, không cần quá giỏi về tướng số thì cũng có thể biết được đó là một người thông minh. Mà thường, rất ít người thông minh lại không tài hoa.
Anh bảo, em muốn hỏi gì anh. Tôi trả lời, một thời thanh niên sôi nổi. Anh đáp, vui lắm.
“15 năm anh làm thanh niên xung phong, lên rừng xuống biển đều có mặt anh. Anh cầm binh, chứ không cầm bút trong lực lượng tiên phong này. Chiến dịch biên giới, mở khu Đắk Nông - Đắk Min, rồi anh làm Giám đốc Nông trường Duyên Hải trồng 20 ngàn hec-ta đước đầu tiên, xong anh lại lên làm chỉ huy trưởng thi công lòng hồ Trị An. Sáng thì anh chỉ huy anh em làm việc, tối về viết nhạc. Vui thì hát cho anh em nghe, làm thì làm mà chơi thì chơi thôi em”.
Năm 1976, Lã Văn Cường đã vụt sáng trong giới âm nhạc với ca khúc Trên đường đời, bài hát trong bộ phim Ngọc trong đá. Một trong những bài gắn liền với những cá nhân đã từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Anh, nổi tiếng từ rất sớm.
“Nhưng làm lãnh đạo như anh thì đôi khi cũng bó buộc cá tính nghệ sĩ?”. “Chơi vẫn chơi, còn cái vụ yêu đương thì không dám. Dẫu sao, mình cũng phải giữ gìn hình tượng lãnh đạo”.
Về lại thành phố Hồ Chí Minh, Lã Văn Cường đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khu di tích Lăng Ông - Bà Chiểu. Tôi nghe nhiều anh em nghệ sĩ nói, thời anh làm giám đốc khu di tích này, anh sống rất phóng khoáng, bao bọc nhiều anh em nghệ sĩ lắm. Có lẽ, đó là khu di tích có sự phục vụ của nhiều văn nghệ sĩ nhất cả nước, tính ở thời điểm đó, như: Sơn Nam, Vũ Ngọc Giao, Châu Đăng Khoa, Đoàn Vị Thượng, Bùi Chí Vinh… Rồi đêm nhạc Trần Tiến, Phan Vũ… đều được tổ chức tại nơi này.
Tôi vẫn từng nghĩ, khí vận thì lúc này lúc khác, còn khí chất thì là mãi mãi. Lã Văn Cường vẫn giữ được cái khí chất hảo hán đúng kiểu thanh niên xung phong này từ ngày làm lãnh đạo cho đến ngày chỉ còn rong chơi.

2. Khi chúng tôi nói đến chủ đề mà tôi nghĩ rằng Lã Văn Cường sẽ rất thích, thì mới phát hiện ra rằng người phụ nữ ngồi kế bên anh là “nhà” của anh. Vậy đó, nên cho dù Lã Văn Cường có trấn an tôi rằng: “Em cứ hỏi thoải mái, vì sắp tới anh còn dự tính làm chương trình “Người tình trong âm nhạc của Lã Văn Cường”, có đến 22 người lận mà”. Nhưng ít nhiều, tôi vẫn ngại. Chuyện của đàn ông, tốt nhất nên khoanh vùng với đàn ông.
“Mỗi người tình là một ca khúc ạ?”. “Có đâu, đôi khi anh gặp người này người kia, anh hỏi dăm câu vài chuyện lấy cảm hứng rồi viết thôi”.
Anh nói vậy, tôi biết vậy. Nhất là khi, có “nhà” của anh ngồi bên cạnh. Phụ nữ của nhạc sĩ, của nhà thơ, của nhà văn… đều là những người phụ nữ đáng thương, đáng trân trọng. Bởi sự hy sinh mà họ dành để chịu đựng những cơn hưng phấn tình ái nhất thời cả chồng mình là thứ mà không phải ai cũng có thể làm được. Đàn ông, nhất là đàn ông có tài năng, đều là giống mê chơi.
“Nhưng, Tìm bóng, thì chắc chắn phải là một phụ nữ có thật phải không anh?”. “Đó là chuyện của anh, anh viết cho chính anh. Anh không tìm người tình đâu, anh tìm lý tưởng của anh thôi. Lúc đó, anh đang thất vọng nhiều thứ. Em có để ý không... Tìm không ra bóng em/ Tôi tìm lại bóng tôi/ Tìm cho ra bóng tôi”.
“Yêu nghệ sĩ ấy mà anh, chuyện này giống như chỉ như có với nhau một đoạn duyên phận thôi, chứ chẳng đâu đến đâu cả, anh nhỉ?”. “Đúng rồi, điều này em nói đúng. Phụ nữ yêu nhạc sĩ, đôi khi chỉ yêu một bài hát, một đoạn ca khúc rồi tìm đến tỏ tình. Là vậy thôi. Người nghệ sĩ không yêu họ hoài được, mà họ cũng không thể đáp ứng những tiêu chí nhất định của người nghệ sĩ được. Chỉ là cái yêu hương hoa, yêu cảm xúc thôi”.
“Nhưng có vẻ, nghệ sĩ thường rất khó từ chối tình cảm của người khác. Đa phần, yêu sẽ được yêu lại”. “Không có đâu em. Mình cũng phải ngại chuyện này chuyện khác chứ. Có nhiều người không yêu được mình, cũng quậy mình banh nhà chứ”. “Anh từng gặp phải trường hợp quậy banh nhà chưa?”. “Cũng có chứ, anh biết chứ”.
“Như Lý Mạc Sầu suốt ngày khổ đau vậy. Đôi lúc quậy banh nhà là vì tình cảm dành cho nghệ sĩ quá lớn mà thôi”. “Cũng không hẳn, bởi phụ nữ khi yêu theo anh thấy thì thường có ý niệm chiếm đoạt, muốn mình là của riêng họ. Mặc dù, họ biết mình có gia đình rồi thì họ vẫn cứ thích chiếm đoạt”.
“Nhưng, nhiệm vụ của nghệ sĩ là cứu rỗi, làm sao mà từ chối người yêu mình cho được?”. “Em nhầm, không ai có thể cứu rỗi người khác được. Đấng quyền năng về tâm linh còn chưa làm được điều đó kia mà. Cái đó khó lắm”.
“Có bao giờ anh nghĩ, phụ nữ yêu nghệ sĩ đơn giản chỉ bởi nghệ sĩ là nghệ sĩ không. Ví dụ như họ yêu anh, vì anh là Lã Văn Cường chứ không phải là vì nhạc sĩ Lã Văn Cường?”. “Cái này cũng có, mà ít thôi. Ban đầu, họ phải tìm đến với mình vì tài năng, tác phẩm của mình đã chứ. Sau tiếp xúc thì họ mới yêu cá tính của mình, con người thật của mình. Mà khi họ yêu con người thật của mình rồi, thì… mình khổ lắm”.
“Một người bạn của anh từng nói đại ý, đừng tưởng phụ nữ yêu mình nhiều là mình sướng đâu. Họ trả hết duyên phận cho mình rồi thì họ đi thôi, mặc mình đau đớn biết bao nhiêu”. “Em đừng tin, có khi bạn anh nói vậy thôi chứ không phải vậy đâu. Anh biết rõ ông nghệ sĩ này mà. Ổng đi chơi với ai, gặp ai ổng cũng tán hết. Ông bạn anh đang rất nổi tiếng, tán ai mà không được. Cái này, không gọi là duyên phận được đâu”.
“Nhưng có cái này cần duyên phận. Anh biết có những người tài hoa hơn anh rất nhiều, nhưng lại không nổi tiếng. Hình như là họ thiếu duyên phận thật, em ạ”.
“Người có danh vọng thì rất thú vị”. “Đúng rồi. Như khi anh đang ngồi cà phê, anh nhận được  cuộc gọi đến. Họ nói, họ đang ở Buôn Mê Thuột và vừa hát xong một ca khúc của anh. Họ muốn được gặp anh. Anh trả lời, anh cảm ơn tình cảm của họ và hẹn dịp gặp mặt. Họ bảo, cứ ngồi yên đấy chờ họ độ 2 tiếng. Chưa đầy 2 tiếng sau, họ đã có mặt ngay đúng quán anh ngồi để tán chuyện phiếm với anh. Anh may mắn gặp nhiều trường hợp vậy”.

3. Lời của nhạc sĩ Lã Văn Cường khi chúng tôi chào nhau ra về: “Trong đời, có hai thứ mà em buộc phải lựa chọn. Hoặc là có tiền, hoặc là sự nổi tiếng. Nếu muốn sự nổi tiếng thì phải bớt việc kiếm tiền và ngược lại. Đừng nói với anh là được hai thứ sẽ tốt hơn. Vì không bao giờ có chuyện đó xảy ra”



  Ngô Kinh Luân
Nguồn: cand.com.vn