Nhạc sĩ An Thuyên - người đau đáu nỗi thương nhớ quê hương

06.07.2015

Tâm hồn được nuôi dưỡng trong những làn điệu dân ca miền Trung nên âm nhạc ông cũng thấm đẫm cái tình quê hương.
Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vùng quê nghèo nhưng giàu có về điệu hò ví dặm đã nuôi dưỡng tâm hồn của ông từ khi còn là một cậu bé.

Nhạc sĩ An Thuyên - người đau đáu nỗi thương nhớ quê hương


Nhạc sĩ từng tâm sự, mỗi lần nhắc về quê hương là ông lại thấy trào dâng những nỗi ngậm ngùi. 
Cả tuổi thơ của ông là những tháng ngày ăn cơm độn khai, cái đói lúc nào cũng thường trực. Ngày mẹ ông qua đời, trong túi áo nâu cũng chỉ có 5 đồng, chum sành đựng gạo trong buồng cũng chỉ có vài đấu gạo, còn nửa chum là khoai lang phơi khô ăn dần.

Năm 11 tuổi, cậu bé An Thuyên đã đàn hay, sáo giỏi. Thêm vài tuổi nữa, cậu sáng tác bài hát Nối gót anh hùng nhân dịp người dân quê hương đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ca khúc đầu tiên đã mang về cho cậu bé phần thưởng là quyển sổ, một cây bút kim tinh và quan trọng là những lời động viên của đồng chí Bí thư huyền uỷ.


Năm 1975, ông vào bộ đội và trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu 4. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.Khi bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An vào năm 1967, nhạc sĩ An Thuyên có cơ hội được tìm hiểu nhiều về âm nhạc quê hương. Ông trực tiếp tham gia công tác sưu tập nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh. Ông kể, ban đầu, ông chỉ là chân "điếu đóm, phục vụ cơm nước” cho các nhạc sĩ về từ Viện Nghiên cứu âm nhạc, nhưng vì ông quá say mê, ông đã được chính thức cấp máy ghi âm, xe đạp, băng cối, pin con thỏ… trở thành một cán bộ sưu tầm. Lặng lẽ đi khắp các chặng đường, bám theo dải sông Lam, ghi chép, học hỏi, thu âm, quên cả những trận ngã nước, sốt rét…, ông đã thu âm được hàng trăm bài hát dân gian có giá trị từ các nghệ nhân bằng hàng trăm cuốn băng tự tạo. Cũng nhờ đó mà dân ca cứ thấm vào ông, rồi trở thành máu thịt lúc nào không hay. 

An Thuyên là một trong số ít những nhạc sĩ sáng tác đều tay. Hàng chục ca khúc của ông được công chúng yêu mến như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi... Điều đưa âm nhạc của ông chiếm được trái tim người nghe là những giai điệu nặng lòng mảnh đất nơi mình 'chôn rau cắt rốn'. Tình yêu với dải đất miền Trung luôn cháy bỏng trong tái tim ông, đến nỗi, dù sống ở thủ đô bao nhiêu năm nhưng ông vẫn giữ âm sắc Nghệ An trong giọng nói, hàng ngày vẫn uống nước lá từ quê gửi ra. 

“Trong cuộc đời tôi có những lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác năm 1973. Lần thứ hai là khi viết bài Neo đậu bến quê năm 1993, khi tôi bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được Úp mặt vào sông quê. Lần thứ ba là khi viết bài Mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994, khi Bộ Chính trị lần đầu tiên quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có công với đất nước. Và một lần nữa, ấy là lúc viết Tiếng đàn khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa", nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.


                                         Cố nhạc sĩ nổi tiếng là người chồng, người cha, người ông giản dị trong đời thường.

Với âm nhạc, ông là người nhạc sĩ yêu quê hương đau đáu cả cõi lòng, còn trở về cuộc sống đời thường, ông là người lính giản dị bên tổ ấm của mình. Hai con ông - nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ Bông Mai đều gắn bó với nghệ thuật như bố. Ông luôn là tấm gương, người cha đáng kính mà hai con yêu thương. Nhạc sĩ An Thuyên vẫn tự nhận mình là người may mắn vì những sáng tác đầu tiên đã ghi dấu tên ông trong lòng người yêu nhạc. Ông từng tâm sự về bài hát Ca dao em và tôi. Ông viết ca khúc khi xem vở diễn Trương Chi vào cuối những năm 1980. Cảnh Trương Chi trở về bến sông quen thuộc đã thốt lên 'Cắt nửa vầng trăng' và nó đã trở thành câu đầu tiên trong đặt bút viết. Ông bảo, ông chỉ muốn qua nhạc phẩm gửi gắm đến người nghe thông điệp: Hãy yêu và trân trọng cuộc đời thực này, những gì mình có và những gì xung quanh mình, đừng nên huyễn hoặc và chạy theo những ảo tưởng viển vông. Có như vậy, con người mới có được hạnh phúc!

Trong những năm tháng công tác tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhạc sĩ An Thuyên là người thầy của biết bao thế hệ ca sĩ Việt Nam. Chính ông là người phát hiện và bồi dưỡng cho Hồ Quỳnh Hương từ một cô gái vùng mỏ bé nhỏ, trở thành ca sĩ nổi tiếng như bây giờ. Nhiều giọng ca nhạc đỏ như Trọng Tấn, Lê Anh Dũng, Anh Thơ, Bùi Lê Mận... cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ông. 

Giờ đây, dù nhạc sĩ An Thuyên rời xa cuộc đời để trở về 'bến đò sông quê' của riêng mình, nhưng âm nhạc của ông vẫn sống mãi trong lòng hàng triệu khán giả. Hình ảnh người cha hiền, người lính, người thầy tận tâm sẽ luôn được bạn bè, đồng nghiệp và học trò khắc trong tim. Ở 'bến đò' ấy, ông sẽ bình yên, sẽ được tắm mát bởi những câu hò, điệu ví thân thuộc từ thuở ấu thơ. 

Lễ viếng Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra từ 7h30 đến 12h30 ngày 9/7 tại Nhà tang lễ Bộ quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Lễ an tang cùng ngày tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, xã Dân Hoà, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. 

Bình Yên
(ngôi sao.net)