Nhà văn Thái Bá Lợi: Nôn nóng là ảo tưởng
Nếu chỉ nhìn vào đời thường thì Thái Bá Lợi là một nhà văn khá truân chuyên và thậm chí là bất hạnh. Đã có một thời anh phải “gà trống nuôi con” tới gần hai mươi năm, khi vợ anh chỉ vì không may trong công việc mà phải lâm vòng lao lý.
Lúc ra khỏi tù, chị đã xuất gia… Là con người sinh ra có lẽ chỉ để đau đớn cùng trang giấy, Thái Bá Lợi đã bình tĩnh chấp nhận mọi cú đánh của số phận, không chỉ thực hiện đúng nghĩa vụ người chồng, người cha của mình mà cả nghĩa vụ văn học. Và trong bất luận hoàn cảnh nào, anh vẫn giữ nguyên tâm tính của một người tử tế, thậm chí một hiền nhân. Anh không chao đảo theo thời cuộc và cũng không bị tác động từ những biến thiên xu thời của xung quanh. Tới Đà Nẵng, được trò chuyện cùng anh, đối với tôi là một hạnh ngộ…
Có thời để nhớ
- Hồng Thanh Quang: Thưa anh Thái Bá Lợi, anh là gốc người Quảng Nam đúng không?
- Nhà văn Thái Bá Lợi: Không. Tôi người gốc ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.
- Vậy anh bắt đầu biết đến mảnh đất này từ bao giờ?
- Năm 1965 tôi đi bộ đội, đánh nhau ở đường 9, rồi cả ở Lào. Năm 1968 vào Huế, rồi năm 1969 thì vào trong này.
- Theo những gì tôi biết thì trên chiến trường Khu 5 trong giai đoạn đó đã trưởng thành một thế hệ những người viết trẻ mà trong đó có anh Nguyễn Trí Huân, anh Nguyễn Bảo, chị Vũ Thị Hồng, phu nhân của nhà văn Chu Lai… Hiển nhiên là anh cũng ở trong đội ngũ này?
- Tôi vào lính thì làm y sỹ. Bắt đầu vào khoảng năm 1970, tôi có viết văn và được nhà văn Nguyên Ngọc phát hiện. Đến năm 1971 thì tôi được đưa lên Ban Văn học Khu 5. Ban này thoạt tiên nằm trong biên chế của Phòng Tuyên huấn Khu 5. Chính vì thế nên kích cỡ của nó là lại quá nhỏ so với những ông như Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung, vì vậy sau đó Cục Chính trị Khu 5 đã lập nên một Ban Văn học trực thuộc Cục luôn.
- Thời ấy những nhà văn sống là chiến đấu ở Khu 5 như tác giả “Bức thư làng Mực” Nguyễn Chí Trung hay tác giả “Đường chúng ta đi” Nguyên Ngọc là những tên tuổi lừng lẫy ở tầm quốc gia rồi.
- Ở thời ấy, đó là những người anh, người thầy của chúng tôi trong nghề viết, phát hiện, dìu dắt, tạo điều kiện cho chúng tôi bước vào nghề được thuận lợi nhất.
- Lúc ấy Quân khu 5 do ai làm Tư lệnh?
- Lúc ấy, Quân khu V do ông Chu Huy Mân làm Tư lệnh.
- Một vị tướng tầm cỡ! Thực tế cho thấy, những vị tướng lớn rất ưu ái văn nghệ sĩ. Rất tôn trọng và nâng niu.
- Đúng thế. Và các thủ trưởng thời ấy rất quan tâm tới việc phát hiện những người có năng khiếu viết dưới đơn vị để đưa lên. Và tôi cũng được đưa lên Ban Văn học Quân khu vào đầu năm 1971. Đến tầm tháng 9 hay tháng 10 gì đó năm 1971 thì Ban này có thêm Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng… từ ngoài Trường Viết văn Quảng Bá vào. Khi vào trong này thì cấp trên phân 3 người là Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng và Nguyễn Bảo xuống các đơn vị, số còn lại cũng khá đông thì hoạt động trong Ban Văn học này. Tất cả đều bám vào thực tế chiến trường để sáng tác cho đến ngày thống nhất đất nước.
- Thế sau ngày giải phóng 30-4-1975 thì tất cả các anh chị có được làm việc cùng nhau nữa không?
- Sau năm 1975, khi Khu ủy Khu 5 giải tán thì mới thành lập một trại sáng tác trực thuộc Quân khu 5. Đây là một tổ chức tập hợp các nhà văn chuyên đi thực tế và sáng tác, nó không trực thuộc Hội Văn nghệ. Trại này hoạt động từ năm 1975 đến năm 1980. Lúc ấy, ông Nguyễn Chí Trung rất rộng rãi, ông vào trong Nam “sưu tầm” thêm nhà thơ Thanh Thảo, họa sĩ Lê Văn Tài ra tham gia trại. Ngày ấy, họa sĩ Bửu Chỉ ở Huế cũng vào trong này để sáng tác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì thường xuyên vào đây vui chơi với anh em chúng tôi tại bản doanh của trại ở số 10 Lý Tự Trọng bây giờ.
- Tiêu chuẩn sinh hoạt lúc ấy của các anh như thế nào nhỉ?
- Tiêu chuẩn lúc ấy thì ăn theo lương. Ví dụ như tôi lúc ấy là trung úy quân đội thì ăn lương trung úy, ngoài ra Quân khu còn có nhiều cái hỗ trợ thêm. Nói chung cuộc sống lúc ấy tương đối đầy đủ. Đây là một trại viết rất đặc biệt và là nơi dừng chân của nhiều nhà văn nổi tiếng từ những nơi khác đến, như Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Đình Thi, Ngô Thảo… Nói chung các nhà văn trong Nam ngoài Bắc khi đi qua miền Trung thì đều ghé lại cái trại viết này.
- Chắc trong giai đoạn này các anh chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay nhất của mình? Chẳng gì thì cũng được ưu ái như thế trong những khó khăn chung rất lớn về vật chất của tất cả đất nước.
- Nhiều tác phẩm mang dấu ấn của Khu 5 đều ra đời từ trại viết này, như các tác phẩm của Nguyễn Khắc Phục, trường ca Những Người đi tới biển của Thanh Thảo, trường ca Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai, các tác phẩm của Nguyễn Trí Huân, Bùi Minh Quốc… Bản thân tôi ở trại này đã viết được 3 cuốn sách là Hai người trở lại trung đoàn, Thung lũng thử thách và Họ cùng thời với những ai…
- “Họ cùng thời với những ai” đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1981-1983. Ở thời điểm đó, theo tôi hiểu, giải thưởng này rất giá trị về mặt văn chương. Mà cũng có thể tôi đã bắt đầu già rồi nên thường thấy quá khứ hay hơn hiện tại. Và tôi cũng thấy rằng, những khích lệ về mặt vật chất nó không làm nên những tài năng, nhưng chắc chắn là khích lệ cho những tài năng có thể thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.
- Thời đó, ở trại sáng tác này đã tạo ra được một cơ chế rất là vui vẻ, anh em chúng tôi sống với nhau vui vẻ lắm. Rất nhiều người là văn nghệ sĩ dưới chế độ cũ của miền Nam như Vũ Hữu Định chẳng hạn cũng thường xuyên đến địa chỉ này để chơi và chơi rất hòa đồng.
- Vũ Hữu Định, thi sĩ đến chân tơ kẽ tóc. Tác giả của “Còn chút gì để nhớ” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành một ca khúc tuyệt hay với những “em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ nên mắt em ướt và tóc em ướt/ nên em hiền như mây chiều trong…”.
- Hồng Thanh Quang cũng biết bài này ư?
- Tôi biết chứ, vì tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Pleiku. Tôi đã ở đây khi là trung úy của Quân đoàn 3. Một thời trai trẻ.
- Thời trẻ bao giờ cũng hay. Khó khăn cũng hay, cũng vui.
- Nhưng liệu vui vẻ quá thì có dễ sa ngã không anh? Tôi muốn nói trên mọi phương diện, thưa anh?
- Lúc đó có gì mà sa ngã, anh em chủ yếu ngồi uống rượu rồi đàm luận văn chương, chứ chẳng có ai hư hỏng cả. Cho đến năm 1980, khi chấm dứt sự tồn tại của trại sáng tác này thì anh em mới chia tay nhau mỗi người đi mỗi ngã. Ai trước đây ở Văn nghệ quân đội thì về Văn nghệ quân đội, ai đi học Trường Viết văn Nguyễn Du thì đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, ai về các địa phương của mình thì về đấy để xây dựng phong trào văn nghệ. Nói chung, những nhân tố ấy sau này đều trưởng thành…
Nét riêng Đà Nẵng
- Vậy là từ thời điểm ấy (1980), anh bắt đầu gắn bó với thành phố Đà Nẵng này? Với gần 4 thập niên sống ở đây, chắc rằng anh sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc những thay đổi của thành phố Đà Nẵng?
- (Cười rồi chợt suy tư):…
- Nói tóm lại là, với tư cách nhà văn, anh thấy Đà Nẵng so với hơn 30 năm trước có sự thay đổi vượt bậc nào không hay chỉ là một sự phát triển tiệm tiến?
- Nói thật ra thì Đà Nẵng thực sự có sự thay đổi vượt bậc từ năm 1997, khi mà đơn vị hành chính cũ là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách ra làm hai đơn vị hành chính là thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam như bây giờ. Hồng Thanh Quang phải biết rằng, từ xưa tới nay, từ thời Pháp thuộc khi mới thành lập thì Đà Nẵng đã là thành phố trực thuộc Trung ương. Và cả cho đến lúc dưới chế độ của chính quyền Sài Gòn. Bao giờ Đà Nẵng cũng là một thành phố trực thuộc Trung ương cả. Nhưng sau ngày giải phóng, khi mà chúng ta sáp nhập nó vào thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thì nó bị trì trệ rất nhiều.
- Sự trì trệ ấy xuất hiện vì nó bị kiềm chế bởi một tấm áo hành chính quá chật hay là trì trệ vì một sự kiềm tỏa nội tại nào?
- Nó trì trệ là vì những cơ chế nội tại kiềm tỏa không cho nó vươn lên, phải đến khi chia tách thì nó mới phát triển một cách vượt bậc. Sở dĩ vậy là do thành phố này rất may mắn có một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, đó là ông Nguyễn Bá Thanh. Ông ấy là một người thực sự có tấm lòng với thành phố này.
- Với tư cách là một nhà văn, nếu như anh chọn ông Nguyễn Bá Thanh để làm nhân vật cho tác phẩm của mình thì anh sẽ nói gì về ông ấy?
- Nếu tôi viết về ông Thanh thì chắc chắn tôi sẽ viết về tấm lòng của ông ấy đối với thành phố này. Tất nhiên trong quá trình xây dựng thành phố thì sẽ có chuyện này, chuyện khác, có sai, có đúng như các bạn đã biết, nhưng tựu trung lại là ông ấy quyết tâm bằng mọi cách để cái thành phố này đi lên.
- Chắc chắn đối với một nhân cách lớn thì sẽ không bao giờ ít chuyện, đúng không anh?
- Tất nhiên rồi!
- Bằng nhãn quan nhà văn của mình, anh thấy ông Nguyễn Bá Thanh đối với dân chúng ở đây như thế nào? Và dân chúng ở đây nhìn nhận như thế nào về ông ấy? Anh có thể nói rõ được không?
Đây là những điều công khai, theo tôi chẳng có gì khó nói cả. Bây giờ chúng ta có thể hỏi rất nhiều người ở Đà Nẵng, họ đều sẵn sàng nói. Tuy nhiên, mỗi người sẽ nói theo một cách khác nhau. Trước hết, đa số người dân thành phố này đều thấy được rằng ông Thanh là một người làm được việc. Thứ đến là ông này có rất nhiều đột phá để giải quyết những vướng mắc trong quá trình phát triển của thành phố. Những việc đó nó đa sắc diện, ví như chuyện ông ấy đi gặp những người mới ra tù để hỏi han tâm tư nguyện vọng của họ, hỗ trợ cho họ vay vốn, tạo điều kiện cho họ nhập hộ khẩu, hộ tịch để tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho họ. Hay việc ông ấy gặp mặt những ông chồng hay đánh vợ để tâm sự về những vấn đề xung quanh chuyện bạo lực gia đình. Rồi việc hỗ trợ chỗ ở và tạo việc làm cho phụ nữ đơn thân… Nói chung, ông ấy làm những việc rất cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Để có một bộ mặt Đà Nẵng như hôm nay, trong quá trình quy hoạch đã phải trải qua rất nhiều gian khó. Chuyện giải tỏa và tái định cư ở thành phố này cũng có những hồi rất căng thẳng, nhiêu khê. Nhưng, tôi nghĩ rằng, để xây dựng nên một thành phố có tầm vóc thì phải cần có những con người quyết đoán cộng với cơ chế đặc biệt thì mới thành công. Ngày xưa, khi xây dựng thành phố Saint Peterburg thì ông Piotr Đại đế cũng phải độc tài chứ, phải là bạo chúa chứ! Xây dựng để có một Paris hoa lệ như hôm nay cũng phải thế.
- Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI ở Việt Nam.
- Tất nhiên là đối với nước mình thì không thể làm như thế, nhưng chắc chắn cần phải có một con người quyết đoán một cách dứt khoát.
- Tôi hoàn toàn chia sẻ với suy nghĩ của anh. Thế nhưng, ở đời thường, đi bên cạnh những thành tựu như thế bao giờ cũng còn có những mất mát, đau thương. Những người được hưởng lợi từ các thành tựu ấy của Đà Nẵng sẽ có một cái nhìn như anh, nhưng đối với những người phải chịu thiệt thòi bên cạnh những thành tựu ấy họ sẽ nghĩ khác chứ?
- Anh nói đúng. Ví dụ như việc đền bù giải tỏa ở Đà Nẵng không phải ai cũng thuận tình, đâu đó vẫn có chuyện này, chuyện khác. Nhưng cái hay của Đà Nẵng là bộ máy lãnh đạo chính quyền địa phương thường có mặt rất kịp thời để phân xử một cách minh bạch, tìm một sự thỏa mãn cho người dân.
- Như vậy là dù không thể trọn vẹn 100% nhưng mọi chuyện nói chung là ổn?
- Đúng rồi. Hồng Thanh Quang thấy đấy, cái nhà của mình đang sinh sống mà đùng một cái phải dời đi nơi khác thì phải có chuyện bực dọc chứ.
- Nhà văn Thái Bá Lợi có bị nằm trong diện giải tỏa để tái thiết thành phố Đà Nẵng không?
- Tôi… không bị (cười).
- Vâng, và vì thế nên tôi thấy anh có tâm trạng rất thoải mái với Đà Nẵng hiện nay.
- Đúng là như thế.
- Có ý kiến cho rằng, thường thì những kinh nghiệm của một thành phố được lớn lên bởi sự khác biệt thì không thể áp dụng trên diện rộng được. Anh đánh giá như thế nào về ý kiến này với tư cách của một nhà văn?
- Theo tôi, sự khác biệt nó có hai xu hướng, cái khác biệt có xu hướng dẫm chân tại chỗ và có một khác biệt của xu hướng tiến lên. Nếu sự khác biệt theo xu hướng đứng một chỗ thì dở, nhưng sự khác biệt theo xu hướng tiến lên thì rất tốt.
- Nhưng nó sẽ không áp dụng cho quy mô rộng được? Vì như thế đôi khi sẽ là lợi bất cập hại, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng.
- Tất nhiên là như thế. Nhưng chân lý bao giờ cũng bắt đầu từ những cái rất nhỏ thôi, và từ những cái rất nhỏ ấy mà được áp dụng đúng thì sẽ tốt. Ví dụ như chuyện ngày xưa chúng ta rất thiếu gạo, mọi người dân phải ăn hạt bo bo, nhưng chỉ cần thay đổi một chút thôi thì ta lại trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo.
- Người ta hay nói câu “Quảng Nam hay cãi”. Anh là một người từ Nghệ An vào sống ở đất này, với tư cách là một nhà văn, anh thấy câu nói ấy như thế nào?
- Tính hay cãi của người Quảng Nam nó có tính chất phản biện, mà như anh biết thì cái tính hay cãi của người Quảng Nam là nó có một phần cố chấp nhưng nó cũng giúp cho người được cãi nhìn ra việc này việc khác. Tuy nhiên, cư dân ở thành phố Đà Nẵng thì lại khác vì dân ở đây không phải chỉ người Quảng Nam không thôi. Theo tôi biết, có đến 40% người sống ở Đà Nẵng là nói giọng Huế, nhiều người khác từ các vùng quê khác đến đây. Vì vậy, người Đà Nẵng tính cách không hoàn toàn là bị ảnh hưởng của người Quảng Nam. Người Đà Nẵng cũng vẫn tiếp thu được cái phần hay cãi của người Quảng Nam, phần phản biện của người Quảng Nam, nhưng nó dịu dàng hơn, biến hóa hơn. Tính cách của người Đà Nẵng ngày càng khác biệt với người Quảng Nam vì họ tiếp xúc nhiều, giao lưu nhiều không chỉ đối với cộng đồng trong nước mà còn cả với người nước ngoài. Hồng Thanh Quang thấy đấy, cả tỉnh Quảng Nam rộng lớn như thế nhưng có thành phố Hội An là khác, vì nó tiếp thu với nhiều con người đến đó từ nhiều nơi và tính cách của con người cũng ảnh hưởng theo xu hướng hội nhập. Tôi nghĩ, người Đà Nẵng rồi sẽ hình thành được một tính cách riêng của mình, đó là tính phản biện, tính quyết đoán. Vì đây là một thành phố trẻ.
Không nên vội vã
- Bây giờ chúng ta lại chuyển về chuyện văn chương một chút. Mặc dù anh đang sinh sống ở Đà Nẵng nhưng chắc là anh vẫn thường xuyên theo dõi đời sống văn chương của nước nhà. Vậy tâm trạng của anh như thế nào khi nhìn vào đời sống văn học của chúng ta hiện nay?
- Nói chung, nếu nhìn ra bên ngoài thì chúng ta đang có một tâm trạng chung là không được vui. Nhưng với riêng tôi thì tôi không nghĩ như vậy, vì tôi nghĩ văn học là một việc rất lâu dài. Không thể chỉ vì một hai tác phẩm nó vượt lên, một hai tác giả xuất hiện mà tạo được một nền văn học. Xây dựng một nền văn học là một quá trình lâu dài, vì viết ở đâu cũng thế thôi, lâu lâu mới được một cuốn sách, vài ba trăm năm mới có một Truyện Kiều. Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh thôi. Làm văn học không thể nôn nóng. Đối với văn chương mà nôn nóng là ảo tưởng. Chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc giới thiệu tác phẩm hay là dịch các tác phẩm văn học ra tiếng nước ngoài rất tốn tiền. Tôi nghĩ, cứ viết hay thì kiểu gì người ta cũng dịch, có thể bây giờ họ chưa dịch nhưng vài chục năm nữa họ lại dịch thì đã làm sao?!
- Vậy là chúng ta không nên quá tốn kém vì cái việc “tự sướng” ấy? Mình viết ra rồi cứ tưởng mình hay và tìm mọi cách để tự giới thiệu, tự tổ chức dịch ra tiếng nước ngoài với hy vọng, lắm khi hão huyền, là thiên hạ họ cũng có thể cần tới sách của mình?
- Đó là hành động “tự sướng” một lúc chứ không phải là “tự sướng” lâu dài. Tôi thấy có rất nhiều nền văn học cách đây 100 năm họ trẻ như mình nhưng họ biết bình tĩnh nên bây giờ họ trở thành một nền văn học lớn. Như Mỹ chẳng hạn. Họ khác mình ở chỗ họ có một đội ngũ phê bình văn học rất giỏi, bất kỳ tác phẩm văn học nào của họ ra đời họ đều phê bình rất đàng hoàng. Có một thể loại phê bình của họ là viết lại cái tác phẩm mà họ đang phê bình. Ví như anh viết ra một cái truyện ngắn, tôi nói cái truyện đó hay dở thế này, thế kia thì anh sẽ tự ái, cho nên tôi viết lại cái truyện ngắn ấy để anh thấy được cái sở trường, sở đoản của mình.
- Ở Việt Nam ta thường là, tôi không viết được truyện nên tôi mới đi làm nhà phê bình. Còn ở Mỹ, theo nhà văn Thái Bá Lợi, thì tôi thừa sức viết được truyện nên tôi mới đi làm nhà phê bình (cười)?
- (Cũng cười): Đúng rồi, họ đã mất khoảng 50 năm để phê bình theo kiểu ấy, để rồi họ có một loạt các nhà văn danh tiếng sau này.
- Anh có thể lý giải theo cách của anh về sự nôn nóng của một số các tác giả của chúng ta, một số bộ phận trong làng văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay?
- Tôi nghĩ trong giới văn học nước ta có một số người sáng tác cái gì là vội vàng trình diện với người khác ngay và người khác cũng phải khen ngợi tác phẩm đó ngay, chứ họ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi và lắng nghe người khác chê bai tác phẩm của mình. Thú thật, đối với các nhà văn, nhà thơ bây giờ nếu tôi đứng trước tác phẩm của họ mà tôi chê một cách rất thật thà thì có lẽ tôi sẽ mất bạn ngay sau đó.
- Vâng, gần như là đúng như thế. Mà điều đó không những chỉ biểu hiện ở các tác giả trẻ…
- Các tác giả lớn tuổi thì càng già càng khó chịu hơn. Chê mấy ông nhà văn già một chút là chết tươi luôn chứ không phải đơn giản đâu. Vì vậy mà từ đó nó thành một tập quán là phải khen nhau chứ có ai chê tác phẩm của mình là không chịu được. Có một nhà văn nước ngoài từng nói một câu rất hay là “tôi chưa từng thấy một niềm căm giận lớn lao nào mà có thể thắng nổi tập quán”.
- Vậy là những nhà phê bình vì không viết văn viết thơ nên đi làm phê bình thì lại càng tuân theo cái tập quán khen nhau đó?
- Tôi thấy các nhà phê bình của mình họ thường viết theo ý của họ, chứ họ không viết theo hiện thực mà tác phẩm trình bày.
- Tức là họ viết theo cách hình dung của họ về tác phẩm chứ không phải theo những nội dung mà tác phẩm phản ánh?
- Vâng, họ viết theo xu hướng của họ, theo quan niệm và tư tưởng của họ. Khi tôi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi cũng có một ông thầy viết phê bình theo kiểu thế này.
- Tôi biết người đó là ai nhưng tôi sẽ không nêu tên họ của vị giáo sư đó ra vì những lý do tế nhị. Có khi nào anh có ý nghĩ rằng giá như mình đừng đi học thì mình sẽ tự lập nhiều biết bao nhiêu trong quan điểm của mình? Nói thật là đôi khi tôi nghĩ đúng là như thế.
- Trong học tập tôi chủ yếu là tự đọc, tự học để tìm kiếm những gì thích hợp với mình. Học ở Trường Viết văn Nguyễn Du cũng vậy, mặc dù là tôi tiếp thu rất nhanh nhưng cái gì không phù hợp với tôi thì tôi không cần nhớ.
- Ở trại sáng tác Khu 5 ngày ấy, có nhiều người cùng thời với anh bây giờ nắm giữ rất nhiều vị trí quan trọng của nền văn học nước nhà. Anh có thể đánh giá về những con người cụ thể ấy không? Ví dụ như nhà văn Trung Trung Đỉnh?
- Ông Đỉnh ngày ấy ở trên Tây Nguyên, ông ta làm lính, ông ấy viết cái truyện có tên là Những khấc coong chung rồi gửi xuống báo Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ vào năm 1972. Phải mất 3 tháng thì tòa soạn mới nhận được. Khi tôi đọc xong bản thảo thì tôi nói với anh Nguyên Ngọc là, có cái cậu này cậu viết văn hay lắm, chi tiết cực kỳ hay nhưng nó bố cục không được, nên em sắp xếp lại theo kiểu của em. Lúc ấy anh Nguyên Ngọc bảo rằng, em làm như thế tốt hơn, vì khi “thằng” Đỉnh nó đọc được bản thảo của nó với bản của mình biên tập là tự nó sẽ biết để viết. Và đúng y sì sau đó, ông Đỉnh viết rất hay. Sau này, ông Đỉnh có về trại sáng tác, rồi ông ấy đi học thư viện, đến 1978 ông trở lại trại sáng tác rồi sau đó đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Và rồi trưởng thành dần và trở thành một nhà văn như hiện nay. Tôi thấy những con người có chất văn học như ông Đỉnh là rất hiếm…
- Anh có thể nói gì về nhà văn Nguyễn Chí Trung? Một con người rất tốt, rất kiên định trong các quan điểm của mình. Chúng ta có thể nói gì về ông trên phương diện văn học?
- Về văn học thì mình chưa bàn, nhưng về việc xây dựng lực lượng các nhà văn thì ông Trung là một người rất tâm huyết. Trại sáng tác Khu 5 là sáng kiến của ông Võ Chí Công và ông Chu Huy Mân, nhưng đề xuất thành lập trại này là của ông Nguyễn Chí Trung. Ông Trung có cái máu là muốn tập hợp anh em lại để làm trại sáng tác, ông ấy lặn lội đi nhiều nơi để tìm người về. Nhưng cũng phải nói rằng, ông này là người tâm huyết rất cực đoan, ông ấy muốn tất cả những người ở trại đều trở thành nhà văn có tài cả, ông rất nôn nóng nên anh em phải lao động rất cật lực để có tác phẩm.
- Tôi không nghĩ văn học nó mang tính tập đoàn, vùng miền gì đâu nhưng dẫu sao tôi vẫn muốn hỏi anh ở Đà Nẵng có tạo ra một bản sắc gì riêng về văn học không?
- Ngày xưa ông Nguyễn Khải ông bảo rằng miền Trung nên đào tạo lý luận phê bình thôi vì tính phản biện cao. Nhưng tôi nghĩ cái vùng này nó có một đặc điểm là, các bài thơ ở đây xuất hiện ít nhưng bài thơ nào cũng có tính độc đáo của nó…
- Như kiểu “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh?
- Như Bích Khê chẳng hạn… Văn xuôi thì phát triển chậm hơn, nhưng vẫn có một số truyện ngắn và tiểu thuyết như của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Những truyện này có rất nhiều chất Quảng Nam. Nó vừa mộc mạc mà vừa mạnh mẽ, như cuốn Bão rừng của ông Xuân viết năm 17 tuổi.
- Vì văn học là một sự lâu dài nên chúng ta cũng không nên vội vã tổng kết những tác phẩm mới ra gần đây trong đó có tiểu thuyết “Minh Sư” của anh, vừa được giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hỏi rằng, anh đã gửi gắm gì trong tác phẩm ấy?
- Minh Sư là tiểu thuyết tôi viết về chúa Tiên Nguyễn Hoàng, trong sách có một đoạn ông Nguyễn Hoàng nói rằng: Dù cái chiến công của mình có lớn bao nhiêu thì mình cũng đừng quá vì điều đó mà nên quan tâm đến việc xây dựng các thế hệ con người để làm sao làm cho ngày càng giảm bớt những điều ác thì càng tốt. Nếu công tích nhiều mà điều ác cũng nhiều thì công tích ấy sẽ không có ý nghĩa gì cả. Tôi có một cuốn sách mà có lẽ nhiều người không để ý, đó là cuốn Khê Ma Ma, tôi viết về những con người cực kỳ tốt bây giờ. Nhiều người bảo với tôi rằng vì sao bây giờ xã hội có nhiều chuyện xấu thế mà ông Lợi lại viết về người cực kỳ tốt? Tôi thì thấy thế này, ngày xưa khi đất nước mới thống nhất, tôi đã viết truyện dài Hai người trở lại trung đoàn. Lúc ấy, mình đang chiến thắng rất tưng bừng hùng dũng, đến đâu cũng nghe ca ngợi con người tốt. Thì lúc đó tôi đã cảm thấy hình như không phải như vậy. Tôi viết Hai người trở lại trung đoàn là báo hiệu một cái thứ cơ hội, xấu xa sắp sửa xuất hiện. Bây giờ cũng vậy, tôi viết về người tốt vì tôi thấy có một điều gì đó như thế rồi nó sẽ đến.
- Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!
Hồng Thanh Quang
Nguồn: cand.com.