Nhà văn Sơn Tùng: Một con người trí mệnh!

10.03.2015

Trong số những nhà văn Việt Nam, Sơn Tùng là một trường hợp đặc biệt. Ông đặc biệt không chỉ bởi là nhà văn duy nhất cho đến nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, mà bởi ông là thương binh hạng nặng 1/4, mang trên mình tới 14 vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong sọ não, nhưng bằng nghị lực và trí lực phi thường, ông sống và sáng tác, tạo nên dấu ấn đậm nét trong nền văn học nước nhà. Ông thực sự là “người có trí mệnh” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông.

Nhà văn Sơn Tùng: Một con người trí mệnh!

Phòng văn ở ngõ Văn Chương

Một sáng đầu năm 2015, trời Hà Nội rét buốt, tôi đến thăm nhà văn Sơn Tùng ở ngõ nhỏ của Khu tập thể Văn Chương cũ kỹ của Hà Nội. Ông nằm bất động trên chiếc giường cá nhân chật hẹp. Mặc dù không nói được nhưng ông vẫn nhận ra khách tới thăm. Ông nắm chặt tay tôi. Nhìn ông, tôi thực sự đau lòng. Hơn 60 năm qua ông đã sống, lao động một cách phi thường, mặc dù trong người có tới 14 vết thương và còn ba mảnh đạn găm trong sọ não. Nhưng rồi, cơn tai biến cách đây ba năm đã “quật ngã” nhà văn. Căn phòng ông ở vẫn vậy: chật hẹp, cũ kỹ. Vẫn cái căn phòng này đây, bao nhiêu năm qua từng đón tiếp biết bao nhiêu các nhà hoạt động chính trị,  nhà ngoại giao,  nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ, nhà báo, những “tao nhân mặc khách” ở trong nước và nước ngoài.

Tôi vào phòng làm việc của ông thăm lại tấm phản nơi vẫn được coi là “Chiếu văn” của khách thập phương. Trước đây, khi ông còn khỏe, khách tới, chủ và khách đều “ngồi bệt” dưới tấm phản này. Có không biết bao nhiêu câu chuyện: Chính trị, văn chương, nhân tình thế thái... trong mấy chục năm qua đã được bàn luận trên “Chiếu văn” này. Cũng trên “Chiếu văn” này ông Nguyễn Minh Triết khi đang là Chủ tịch nước cũng đã đến thăm lại người đồng đội cùng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ của mình - nhà văn Sơn Tùng.

Trên bức tường cũ kỹ vẫn những bức ảnh ghi dấu ấn lịch sử cuộc đời ông. Trên đó là bức ảnh anh nhà báo trẻ Sơn Tùng đứng cạnh Bác Hồ đang ghi ghi chép chép. Đấy là sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết. Khi ấy cả nước đang học tập noi gương Hoa Xuân Tứ, một người “tàn nhưng không phế” do Sơn Tùng phát hiện và viết. Hôm ấy Bác gặp lại Sơn Tùng, thân mật hỏi vui: “Này, chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế chú bịa mấy chục phần trăm khai thật với Bác đi!”. Sau này nhà văn kể lại, đó là lần cuối cùng ông được gặp Bác.

Lại kia nữa, cũng trên vách tường nhà. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn. Đó là lần Thủ tướng sau khi đọc “Búp sen xanh”, biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà văn đã mời ông đến cùng ăn cơm chuyện trò. Còn bên cạnh là ảnh nhà văn trong vòng tay ôm siết thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay bên cạnh đó là tấm bằng Anh hùng Lao động của nhà văn do Nhà nước phong tặng ngày 14/7/2011.

                                                              Tác giả trong một lần đến thăm nhà văn Sơn Tùng


Một nghị lực phi thường

Sơn Tùng SN 1928, tại làng Hoa Lý (nay là Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An) - một vùng đất ngay bên bờ biển. Sơn Tùng lớn lên trong một cộng đồng dân chài lấy thuyền làm nôi và tiếng sóng vỗ bờ làm lời ru của mẹ. Chính cái mênh mông, phóng khoáng của biển cả đã hun đúc nên khí phách phóng túng pha chút ngang tàng của Sơn Tùng. Nhưng “gã thuyền chài” ấy lại được giáo dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”. Trước lúc qua đời, ông đồ nho còn cầm tay con mà dặn: “Nếu sau này chẳng may có gặp chuyện oan ức thì cũng chỉ được nhận là nạn nhân chứ không thể là sát nhân”.

Còn mẹ, một người đàn bà hát phường vải nổi tiếng xứ Nghệ thì luôn khuyên con cái phải tuân thủ lời thề của họ Bùi là “muốn làm gì thì làm, nhưng dứt khoát không được làm quan!”. Có lần ông tâm sự: “Mẹ tôi ít học hơn cha nên không hay dùng chữ, chỉ biết dặn con cái những chuyện đại loại như: “Đi lấy phần thì nhường cho người phần hơn, nhận về mình phần ít”; “Cho người vay gạo thì đong có ngọn, khi người trả thì lấy ngón tay gạt ngang ống bơ mà nhận”... 7 anh chị em nhà tôi lớn lên trong tinh thần ấy”. Có lẽ sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nên đã hình thành một Sơn Tùng vừa bướng bỉnh, nhưng vị tha; vừa kiên trì, nhưng lại dứt khoát...

Năm 1971, tại căn cứ Tà Nốt chiến khu B (thuộc tỉnh Tây Ninh), khi ông cùng đồng đội đang chuẩn bị lên khuôn cho kỳ báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn TNCS HCM, thì máy bay Mỹ ồ ạt tấn công với mưu đồ triệt phá cơ quan đầu não của Quân giải phóng. Sơn Tùng bị thương rất nặng, mảnh đạn M79 găm khắp thân thể ông, từ vỏ não tới các chi và lưng. Giữa bom đạn ác liệt ấy, có một thanh niên đã lao ra bất chấp mưa bom bão đạn, cõng Sơn Tùng đi cấp cứu, đó là Đội trưởng Đội bảo vệ cơ quan Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày nay), người đồng chí và là đồng nghiệp của Sơn Tùng ở Báo Thanh niên giải phóng.Năm 1944, ở tuổi 16 tràn đầy nhiệt huyết, Sơn Tùng tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên ở địa phương hòa vào dòng chảy của cơn lốc cách mạng. Những năm tháng sục sôi cách mạng ấy, ông được gặp bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) và ý thức việc sưu tầm tư liệu về Bác. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học Nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967, ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng. Năm 1971, ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam mang trên mình 14 vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong sọ não.

Nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ. “Nhưng điều làm tôi lo sợ nhất là sau khi tỉnh dậy tôi quên đi rất nhiều. Mình là Bùi Sơn Tùng ở Diễn Châu, Nghệ An thì nhớ, nhưng thời nhỏ lớn lên như thế nào thì không tài nào nhớ nổi. Mình hoảng quá, tự ôn lại cả quá trình đã sống. Trời ơi, như một cuốn phim mốc, loang lổ...”, Sơn Tùng nhớ lại. Ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh và được vào viện điều dưỡng ba năm liền. Sau đó ông xin về nhà và ... luyện khí công. Với nghị lực phi thường ông khổ luyện từ 2h sáng tới 20h, sức khoẻ ông dần bình phục. Trí nhớ cũng hồi phục dần. Khi tay phải duỗi ra được, chân tập tễnh bước thấp bước cao, Sơn Tùng đã lao vào công việc. 

Người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh

Đánh giá về sự nghiệp văn chương của Sơn Tùng, giáo sư Phan Ngọc viết: “Đó là con đường khiến anh trở thành con người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh” với một “Phong cách Sơn Tùng”. Có lần nhà văn Sơn Tùng tâm sự: “Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh”. Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng không chỉ chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại, mà còn là sự vận động không ngừng của sự tiếp cận quy luật để nhận thức Chân - Thiện - Mỹ từ người sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là căn cốt của “Phong cách Sơn Tùng”.

Tác phẩm thành công nhất của Sơn Tùng, cho đến nay, vẫn là “Búp sen xanh”. Đây cũng là công trình mà ông bỏ ra nhiều thời gian và công sức nhất, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành vào năm 1980. Bằng những chuyến đi không biết mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, cuối cùng ông đã gặp được bà Lê Thị Huệ để rồi từ những câu chuyện với bà Huệ ở tuổi 80, ông đã tái dựng lại một trong những quãng đời gian khó, nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát hiện của Sơn Tùng đã mở ra một bước ngoặt, một cách tiếp cận hoàn toàn mới tới cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tháng 3/1982 “Búp sen xanh” với 30.200 bản ra đời đã gây một tiếng vang lớn. Hơn 30 năm kể từ ngày ra mắt (1982), với không ít những thăng trầm, đến nay tiểu thuyết “Búp sen xanh” liên tục được tái bản tới hơn 30 lần, một điều hiếm thấy nếu không muốn nói là duy nhất trong đời sống văn học Việt Nam.

Ngoài các tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa, Sơn Tùng còn có hai tiểu thuyết chiến tranh là “Trái tim - Quả đất” viết về Chiến dịch Biên giới (1950) và “Lõm” viết về Tổng tiến công Mậu Thân (1968). Ở tiểu thuyết đầu, tác giả có độ lùi khá xa (hoàn thành năm 1989) và sử dụng những nguồn tư liệu lịch sử để dựng nên những hình tượng và hoàn cảnh có tính điển hình.


                                                                                  Nhà văn Sơn Tùng và vợ

Tình yêu kỳ diệu

Sẽ là không phải khi viết về Sơn Tùng mà không nhắc tới một người phụ nữ bởi nếu thiếu bà thì cuộc đời ông chắc gì đã được như ngày hôm nay. Đó là vợ ông, người phụ nữ đã chấp nhận thôi làm y tá ở bệnh viện để về nhà làm hộ lý suốt đời cho ông. Bà vừa là thư ký riêng, vừa là người dìu ông vào Nam ra Bắc đi sưu tầm tài liệu. Một mối tình lãng mạn chẳng kém gì một bài thơ đẹp: Ngày xưa có cô bé Phạm Hồng Mai ở tuổi trăng tròn được anh nhà báo Sơn Tùng biểu dương trên báo Tiền phong. Không ngờ cô gái ấy đang là y tá tại một bệnh viện đã gặp lại tác giả bài báo trong một trường hợp khắc nghiệt đến vậy. Cô gái ấy đã tự nguyện đến với ông và Sơn Tùng có lại một cuộc đời... Bà là người chăm sóc ông, là người nối dài cánh tay của nhà văn Sơn Tùng để đánh máy hàng vạn trang viết của nhiều cuốn tiểu thuyết.  Và cho tới hôm nay, khi ông nằm đó bất động, bà vẫn bên cạnh ông, vẫn vì ông mà nồng nàn hơi thở: 

Anh không nhớ thời gian
Mà đếm tuổi cây bàng qua màu lá
Và đo tầm lớn của em qua cửa sổ
Qua chiều sâu thương nhớ giữa lòng anh. 
(Trích “Cửa sổ xanh” của Sơn Tùng).

Lê Thọ Bình
(baogiaothong.vn)