Nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Người luôn gặp 'cơ duyên'

27.07.2015

Nói đến Hoàng Tích Chỉ, không ít người nghĩ rằng ông chỉ là nhà biên kịch điện ảnh thuần túy. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn là như vậy. Bởi ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ rất lâu và đã có trên dưới chục cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản. Mặt khác, kịch bản điện ảnh của Hoàng Tích Chỉ có không ít tác phẩm bắt nguồn từ những cuốn tiểu thuyết của chính tác giả và do ông tự tay chuyển thể, nên rất có rất giá trị về mặt văn chương, đặc biệt là ở những kịch bản phim truyện nhựa. Chính vì thế mà ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt IV, năm 2012 với tư cách là nhà viết kịch bản văn học cho điện ảnh, chứ không phải về các lĩnh vực khác của ngành này.

Nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Người luôn gặp 'cơ duyên'


Nhà văn Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 01 tháng 9 năm 1932 tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình có đông anh em cùng cha khác mẹ, nhưng hầu hết đều nổi tiếng như anh cả là nhà báo Hoàng Tích Chu, anh hai họa sĩ Hoàng Tích Chù, từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2000 về lĩnh vực hội họa, anh ba là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh và bác sĩ Hoàng Tích Lộ, còn Hoàng Tích Chỉ là em trai út. Thân phụ của ông là cụ Hoàng Tích Phụng, một nhà nho từng làm đến chức Tri phủ Huấn học, song lại dấn thân vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với tinh thần chấn hưng dân tộc, và ra đi trong sự thanh tịnh của cuộc đời…

Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, khi 13 tuổi Hoàng Tích Chỉ đã trốn gia đình đi làm trinh sát ở Ty liêm phóng (công an) Bắc Giang. Những tưởng ông theo nghiệp này, nhưng sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1956), Hoàng Tích Chỉ lại chuyển về làm trưởng phòng Văn nghệ của Ty Văn hóa Bắc Giang và năm 1959, ông được cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Nhưng phải đến năm 1961, khi đã ngoài 30, ông mới bắt đầu theo học lớp biên kịch khóa I của  trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm Trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam, sau đó giữ chức Giám đốc Hãng phim truyện I.

*

Tuy nhiên, sau này ai hỏi ông về những thành công trong cuộc đời cầm bút viết văn hay viết kịch bản phim truyện và phim tài liệu của mình, Hoàng Tích Chỉ đều bảo đấy là do cơ duyên mà có. Cơ duyên đã đưa ông đến với môn nghệ thuật thứ Bảy khi miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Cũng vào thời điểm ấy, ông đã gặp NSND, đạo diễn Hải Ninh. Ông đã cùng người đạo diễn tài năng này dấn thân vào tuyến lửa Vĩnh Linh, nơi quân Mỹ đã rải hàng trăm ngàn tấn bom đạn xuống mảnh đất này, hòng chia cắt vĩnh viễn đất nước ta. Đấy vừa là cơ sở hiện thực vừa là nguồn cảm hứng để ông viết nên cuốn tiểu thuyết Bão tuyến, rồi sau đấy trong quãng 5 năm nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh mới chuyển thể thành kịch bản phim truyện nhựa, 2 tập cho bộ phim Vĩ tuyến 17: Ngày và Đêm. Có thể coi đây là một mốc son chói lọi đánh dấu cuộc đời hoạt động văn chương- nghệ thuật, không chỉ đối với cặp bài trùng biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Nguyễn Hải Ninh, mà còn là tác phẩm nghệ thuật kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Bộ phim có sự góp mặt của lứa diễn viên đầu tiên tài ba của Trường Điện ảnh Việt Nam như: NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Phi Nga (vợ của nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ, tác giả trường ca Em ơi! Hà Nội phố, viết về 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc). Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần II; Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moskva, 1975; Giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim Quốc tế Syria.

Rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, Hoàng Tích Chỉ đã quyết định ở lại Hà Nội để được chứng kiến những cơn mưa bom đổ ập xuống từ máy bay B52 của Mỹ, chứng kiến những đau thương, mất mát vô cùng to lớn của người Hà Nội, mà không chịu đi sơ tán cùng cơ quan lúc bấy giờ. Sau đấy, ông mới cùng Phó giám đốc xưởng phim, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi lên nơi sơ tán của cơ quan. Tại đây, Hoàng Tích Chỉ được nghe câu chuyện của nghệ sĩ Tuệ Minh kể về cô con gái bé bỏng dám một mình đi bộ hơn chục cây số từ ga Yên Viên về nội thành Hà Nội để đi tìm mẹ và em. Từ đấy câu chuyện về em bé Hà Nội đã thôi thúc ông viết thành một kịch bản phim truyện hay và xúc động vềEm bé Hà Nội qua diễn xuất rất hồn nhiên, chân thật và đáng yêu của NSND Lan Hương trong vai bé Ngọc Hà. Khi đóng phim này Lan Hương mới 12 tuổi, nên cô đã có thêm một cái tên mới mà công chúng yêu thích điện ảnh đã đặt cho là Em bé Hà Hội. Phim còn có sự góp mặt của NSDN Thế Anh trong vai Tiểu đoàn trưởng, NSND Trà Giang, các nghệ sĩ Thanh Tú, Kim Xuân... Bộ phim lấy bối cảnh là Hà Nội tháng Chạp năm 1972, sau đêm Giáng sinh, hàng loạt máy bay B52 của quân đội Mỹ đã ào ạt trút bom xuống thành phố. Ngọc Hà, một em bé 12 tuổi, ngơ ngác đi tìm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong những đống đổ nát, hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng cưu mang, giúp đỡ và sau đấy được hội ngộ với mẹ và em gái của mình. Câu nói “Cô ơi, đừng gạch tên mẹ và em cháu trong sổ gạo nhé!” đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của công chúng thủ đô khi xem phim này thời bấy giờ. Đấy là câu mà Ngọc Hà nói với cô mậu dịch viên bán gạo khi em đang đi tìm mẹ và em gái nhưng chưa thấy.

Đến ngày giải phóng miền Nam, nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã cùng gần chục nghệ sĩ của Xưởng phim truyện Việt Nam bám sát theo đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, trở thành một trong những người đầu tiên đặt chân vào Dinh Độc lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Ngay sau đấy ít lâu, kịch bản bộ phim tài liệu thời sự Thành phố lúc rạng đông đã ra đời và dựng thành phim. Đây là bộ phim tài liệu thời sự hot nhất lúc bấy giờ. Phim do Hoàng Tích Chỉ biên kịch, Hải Ninh đạo diễn, Trần Khánh Dư quay phim. Tại Liên hoan phim Lai-xích (CHDC Đức), năm 1975, Thành phố lúc rạng đông đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để nhận giải Bồ câu vàng với 12/12 phiếu chấm điểm 10 và Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III, 1975. Đây là bộ phim thứ hai nhận được điểm cao tuyệt đối, sau Chủ nghĩa phát xít thông thường của Mikhairom và Ximonop trước đó 17 năm tại Liên hoan phim này. Theo nhà đạo diễn phim tài liệu danh tiếng Ðri-ga Véc-tốp (Liên Xô cũ), đây là chân dung của nền điện ảnh sự thật.

Trước và sau đấy, nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết, kịch bản phim truyện và phim tài liệu có giá trị. Không những thế nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn viết và đạo diễn nhiều thể loại khác với hàng chục tác phẩm có giá trị như: Kịch bản phim truyện: Trên vĩ tuyến 17 (Bông sen bạc LHP VN lần thứ I), Biển gọi (Bông sen bạc LHP VN lần thứ I), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (Bông sen bạc LHP VN lần thứ II- Giải thưởng hoà bình thế giới của Liên bang Xô viết tại LHPQT Matxcơva 1973, Giải vàng Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Trà Giang trong vai Dịu), Em bé Hà Nội (Bông Sen vàng LHP VN lần thứ III - giải đặc biệt LHP QT Matxcơva 1975), Mối tình đầu (Bông sen bạc LHP VN lần thứ V. Giải Nhất chính thức của tổ chức Unesco tại LHP Karlovy Vary 1978, Giải Bạc LHP Tân hiện thực lần thứ XXI tại Cộng hòa Italy, 1981), Đất mẹCuộc chia tay mùa hạ, Đêm cuối năm, Đứa con người hàng xóm, Tọa độ chết (kịch bản Hoàng Tích Chỉ và A.Láp-xin; đạo diễn Nguyễn Xuân Chân và X.Gatxparốp), Săn bắt cướp...; Kịch bản phim truyền hình: Những đứa con đất cảngLục Vân Tiên...; Biên kịch phim tài liệu: Thành phố lúc rạng đông...; Đã xuất bản các tiểu thuyết: Bão tuyến, Mắt bãoTướng cướp hoàn lương, Bóng ma rừng Sác...

Đấy chính là những cái mà với nhiều người trong cuộc đời cầm bút của mình chẳng dám mơ và có không ít người nghĩ rằng làm được như vậy là do tài năng cá nhân, còn với nhà biên kịch lão thành và tài ba Hoàng Tích Chỉ lại cho rằng đấy là do cơ duyên mà có. Cái cơ duyên lớn nhất của người nghệ sĩ chính là biết đồng hành cùng cuộc sống chiến đấu bảo vệ và dựng xây Tổ quốc, biết cảm thông chia sẻ với những nỗi đau, sự hy sinh, mất mát của đồng bào mình, xót thương cho số phận con người trong những lúc bom rơi đạn lạc, hoạn nạn, chiến tranh hay sự đói nghèo, khó khăn của cuộc mưu sinh trong bộn bề những lo toan đời thường luôn trực bám, bươn chải trăm bề những mong được ngẩng mặt, rạng mày lên như bao người khác trên thế gian này. Xét về phương diện này thì trong gần nửa thế kỷ cầm bút sáng tác văn chương và biện kịch điện ảnh, Hoàng Tích Chỉ thực sự đã có được cơ duyên lớn ấy, mà không phải bất cứ nhà văn, nhà biên kịch nào cũng có được.

*

Còn nhớ vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi Hoàng Tích Chỉ còn đang là sinh viên bộ môn biên kịch ở Trường Điện ảnh, ông được Bộ Tư lệnh Biên phòng mời Trường Điện ảnh cùng xây dựng một bộ phim về những người lính biên phòng trên giới tuyến 17, Vĩnh Linh. Với vai trò là lớp trưởng lớp biên kịch khóa I, ông được chọn làm biên kịch cho bộ phim này, cùng Lý Thái Bảo, Nhất Hiên làm đạo diễn và Lưu Xuân Thư quay phim. Sau khi thống nhất chương trình, kế hoạch, Đoàn phim lên đường hành quân vào Vĩnh Linh, đi vào khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền Nam- Bắc của Việt Nam. Tại đây, ông bỏ nhiều công sức, tâm huyết để đi sâu tìm hiểu về các chiến sỹ công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) của đồn Cửa Tùng, cùng sẻ chia từng niềm vui, nỗi buồn, những giọt nước mắt trong cảnh chia ly.

Kỳ lạ là chỉ sau một tuần, Hoàng Tích Chỉ đã viết xong kịch bản phim đầu tay Trên vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ, bí mật quân sự là hết sức nghiêm ngặt. Bởi đây là kịch bản phim tài liệu nên yêu cầu về sự chân thực với thực tế cuộc sống của người chiến sĩ trên tuyến đầu giới tuyến tạm thời được đặt lên hàng đầu. Do vậy một chương trình kiểm duyệt cực kỳ cẩn trọng và trang nghiêm đã diễn ra với sự tham gia của cán bộ Đảng, chính quyền cấp tỉnh, huyện và cán bộ chỉ huy 10 đồn biên phòng dọc theo tuyến biên giới phía Bắc của con sông Hiền Lương hiền hòa và thơ mộng. Sau khi kiểm duyệt xong kịch bản, Bộ Tư lệnh biên phòng Vĩnh Linh đóng dấu đỏ xác nhận tính chất hợp pháp của kịch bản này rồi mới được đưa vào dựng thành phim.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhớ lại khi ấy tiếng vỗ tay hoan nghênh nổ lớn hơn cả tiếng bom mìn và kỳ lạ thay còn có cả những người bật khóc… Ông nhớ lại:  Đó là lần duyệt kịch bản thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi. Những chiến sỹ công an giữ đầu cầu ấy, họ rất kiên cường và ai cũng cao lớn, đẹp trai, đẹp lắm. Sau này, họ hy sinh gần hết. Những hình ảnh trong phim “Trên vĩ tuyến 17” là hình ảnh cuối cùng về họ, nhà biên kịch lão thành đến nay dù tuổi đã ở ngưỡng bát tuần, nhưng vẫn còn nhớ như in thời khắc trọng đại ấy của đời mình. Năm 1970, bộ phim đã đoạt giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I.

Rồi lại một lần nữa, Hoàng Tích Chỉ cùng đoàn làm phim ngày ngủ, đêm đi, vào vùng đất khói lửa miền Trung. Đoàn đã đến xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông vô cùng bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh bà con dân làng đồng loạt quấn trắng khăn tang sau trận oanh tạc thảm khốc của máy bay Mỹ ném xuống dọc bờ biển của địa phương này. Nhưng vượt lên tất cả, Hoàng Tích Chỉ vô cùng cảm phục khi nhìn thấy những người còn sống sót vẫn tiếp tục sát cánh bên nhau anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù.

Thực tế ấy đã khiến ông không thể không bắt tay ngay vào viết kịch bản cho một phim có tên là Biển gọi theo gợi ý của người đồng nghiệp rất đỗi quý trọng gần nửa thế kỷ nay là đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi. Cần nhớ rằng trước khi có Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm một kiệt tác điện ảnh để đời của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, một sản phẩm của tình bạn giữa nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh, thì bộ phim Biển gọi trước đó do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên (năm 1970).

Sau đấy một thời gian, có lần trở lại chảo lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hoàng Tích Chỉ gặp một nữ quân nhân quê ở Quảng Trị. Cô kể cho ông nghe về cuộc đời cơ cực thương đau, nhưng vẫn rất dũng cảm, ngoan cường chiến đấu chống lại kẻ thù, bảo vệ bà con cô bác và giải phóng quê hương. Ông cố hỏi tên và địa chỉ của người con gái ấy, nhưng cô ta chỉ hẹn: Bao giờ thống nhất em sẽ nói với anh. Đối với ông, người phụ nữ ấy có một sức lay động đến kỳ lạ, thôi thúc Hoàng Tích Chỉ viết nên tiểu thuyết Bão tuyến, mà nhân vật Dịu, hình tượng chính của tác phẩm là nỗi ám ảnh khôn nguôi từ nguyên mẫu người nữ chiến sĩ ấy.

Nhưng cũng phải mất gần 5 năm sau, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh mới hoàn thành việc chuyển thể tiểu thuyết Bão tuyến sang kịch bản phim truyện nhựa và lấy tên Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm. Ngay sau khi được công chiếu trên màn ảnh rộng, bộ phim đã làm lay động lòng người khắp trong nước và quốc tế. Hình ảnh một cô gái miền Trung tuy có giọng nói hơi nặng, nhưng tính nết dịu dàng bao nhiêu với mọi người, thì tính khí lại mạnh mẽ, quyết liệt bấy nhiêu với kẻ thù xâm lược Mỹ và bè lũ Ngụy quân, Ngụy quyền tay sai cho kẻ thù ngoại bang. Cô Dịu là đại diện cho hàng triệu người phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Mỹ, giải phóng quê hương, đất nước. Giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam và giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới đã dành cho bộ phim là hoàn toàn xứng đáng. Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Trà Giang trong Liên hoan phim quốc tế Matxcơva, lần đầu tiên đã đưa cô gái quê miền Nam này lên một tầm cao mới trong môn Nghệ thuật thứ Bảy.

*

Suốt gần nửa thế kỷ nay, nhà biên kịch tài ba Hoàng Tích Chỉ đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian đi tìm người phụ nữ có giọng nói nằng nặng ấy khắp các vùng Vĩnh Linh, Hướng Hóa mà không thể nào gặp được. Câu nói “khi nào thống nhất em sẽ nói với anh” của cô gái nọ là một sự ám ảnh khôn nguôi, đi theo ông gần suốt cả cuộc đời. Công bằng mà nói, ông không phải là người có lỗi, chỉ tại bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa và phi nhân tính mà kẻ thù đã gieo xuống nước ta khốc liệt quá mang lại, khiến ông ôm hận.

Nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ là người hiếm hoi trong làng văn và làng điện ảnh có được cái duyên với mảnh đất miền Trung đau thương và anh dũng trong cuộc chiến đấu chống lại giặc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương đất nước. Trong cuộc đời cầm bút của mình, ít ai có được cơ may viết nên hai cuốn tiểu thuyết, sau đấy chuyển thành kịch bản phim nhựa và một kịch bản phim tài liệu về những con người ở mảnh đất miền Trung, Quảng Bình và Quảng trị- Vĩnh Linh đau thương và quật cường trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta.

Đạt Thành
(vanhocquenha.vn)