Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: con trâu là đầu văn nghiệp

18.01.2017

Nói đến tiểu thuyết Con trâu là người ta nghĩ ngay đến tác giả của nó chính là nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Đối với nhà văn xứ Quảng này, Con trâu là sự khởi đầu văn nghiệp khá hoàn hảo. Mặc dù, trước Cách mạng tháng Tám, ông cũng đã cho xuất bản các truyện ngắn Say nửa chừng (1943), Dưới đáy sông Hương, Làm lại cuộc đời và Ba người bạn đều xuất bản vào năm 1944, nhưng ít gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: con trâu là đầu văn nghiệp

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh ngày 1/1/1921, tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà Nho. Lúc nhỏ ông học tiểu học ở quê nhà, sau đó ra học trường Quốc học Huế và đỗ tú tài, rồi đi dạy  trường tư ở Thuận Hóa (Huế).

Ông tham gia Cách mạng từ tháng 8/1945 ở Ðà Nẵng và trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cùng với việc cầm bút viết văn Nguyễn Văn Bổng đã tham gia công tác quản lý văn nghệ từ năm 1948, làm Chi hội phó Chi Hội Văn nghệ Liên khu V. Ngoài một thời gian ngắn ra Hà Nội làm việc cho tạp chí Tiên phong, quãng thời gian còn lại ông hoạt động trong các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, văn nghệ ở Ðà nẵng và Liên khu V. Sau hòa bình lập lại, năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Ông là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, sau đấy giữ các chức danh như Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam khóa I (nay là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam). Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II và III. Từ năm 1962, nhà văn Nguyễn Văn Bổng quay trở lại chiến trường miền Nam, với bút danh Trần Hiếu Minh và giữ cương vị Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1966, ông họat động trong vùng Sài Gòn- Gia Định đang bị giặc Mỹ tạm chiếm, công tác trong phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc.

Cuối năm 1968, ông trở ra Miền Bắc, làm Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ của Hội

Nhà văn Việt Nam. Năm 1970- 1975, nhà văn Nguyễn Văn Bổng trở lại Miền Nam hai lần, dự chiến dịch Ðông Xuân và chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử, 1975.

Sau khi đất nước thống nhất, ông trở ra Bắc và tham gia Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam cho đến 1983.

Nguyễn Văn Bổng là nhà văn có sở trường viết ký và tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn viết kịch bản sân khấu và kịch bản phim truyện. Tác phẩm của ông quy tụ vào hai mảng đề tài chính là vấn đề nông thôn và người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ; Sài gòn và các thành thị Miền Nam trong những năm đánh Mỹ. Vốn là con người năng động, Nguyễn Văn Bổng có phong cách của một phóng viên chiến trường. Ông đi nhiều, viết khỏe. Tác phẩm của ông mang đậm nét hiện thực tỉnh táo và thường có tính thời sự nóng hổi.

Trong cuộc đời hoạt động văn chương của mình, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã để lại một khối lượng tác phẩm tương đối lớn như: Say nửa chừng (1943), Dưới đáy sông HươngLàm lại cuộc đời và Ba người bạn (1944), Cái bắt tay của người tù binh (1949), Con trâu (1952), Cửu Long cuộn sóng (1965), Rừng U Minh (1970), Áo trắng (1972), Đường đất nước (1976), Ghi chép về Tây Nguyên (1978), Sài Gòn 1967 (1983), Chuyện bên cầu Chữ Y (1985), Cuộc đời (1989), Thời đã qua (1995),...

Ông từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý về văn chương như: Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội Văn nghệ Liên khu V, 1952-1953 và Giải nhì, 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam cho tiểu thuyết Con trâu; Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội đồng văn học nghệ thuật Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập bút ký Cửu Long cuộn song; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001 cho ba cuốn tiểu thuyết là: Con Trâu, Rừng U Minh, Cuộc đời. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng mất năm 2001 tại Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.

*

Có lẽ lịch sử đã đặt lên vai những người thuộc các thế hệ nhà văn sinh ra trong nửa đầu thế XX như Nguyễn Văn Bổng một trọng trách quá lớn chăng? Tôi nghĩ vậy! Bởi trước khi trở thành nhà văn, hầu hết các ông đều là những công dân- chiến sĩ hạng MỘT. Chưa biết văn chương sẽ đi đến đâu, thậm chí có người sau khi đi đánh giặc về rồi mới viết văn, nhưng ở thời buổi loạn ly, nước nhà bị quân xâm lược giày xéo, trước hết và quan trọng nhất là các ông đã ý thức được trách nhiệm công dân ở một đất nước đang bị ngoại bang xâm chiếm, nên cần phải cầm súng chiến đấu vì tự do, độc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mình. Để làm được điều ấy, không còn cách nào khác, các ông phải trở thành những người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình, gia nhập đoàn quân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Từ cuộc chiến ấy, các ông đã ghi lại những chuyện đời bi thương và anh dũng của những người con đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biết lứa tuổi, dân tộc, địa vị xã hội,...

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã có lần tâm sự: ... Một quyển sách là câu chuyện của cả một đời người. Nhưng đời viết văn không chỉ có một quyển sách. Đời viết văn trong thời đại chúng ta còn phải góp mặt mình vào nhiều công việc khác (1).

Vậy là, đối với thế hệ các ông, đời viết văn cũng là đời làm cách mạng. Nói một cách chính xác, là nhờ có cách mạng mà các ông mới có thể trở thành những nhà văn lớn. Khi còn trẻ, Nguyễn Văn Bổng học ban Toán ở Quốc học Huế, đỗ tú tài, đi dạy học tư, nhưng lại mê văn chương. Cái mộng mơ của tuổi mới lớn ùa vào ông khá tự nhiên như cơm ăn, nước uống, khí giời để hít thở vậy. Sinh thời, có lần ông nhớ lại: Tôi thuộc thế hệ những người viết văn ở nước ta mà phần lớn đi từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực. Trước, chúng tôi cho trí tưởng tượng là tất cả (2).

Thế nhưng khi lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, làm công tác tuyên truyền, giáo dục, viết báo, viết văn rồi quản lý văn nghệ, ông mới cảm được nhận hết cái vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nó như một cơn lốc cực lớn có thể cuốn phăng hết mọi suy nghĩ riêng tư, tính toán cá nhân của giới trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ: Bước vào thời đại mới, với những hiện thực vĩ đại như Cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ..., chúng tôi bị choáng ngợp một cách chính đáng... vì thực tế thường vượt quá sức tưởng tượng (3).

Những người thuộc thế ông trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đều sẵn sàng lặn lội khắp các thôn xóm, làng quê, lên Tây Nguyên, rồi ra Việt Bắc, đi làm công tác cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, theo bước chân bộ đội, dân công... để viết bài cho tạp chí Tiên phong, báo Chiến Thắng (cơ quan của UB kháng chiến Quảng Nam- Đà Nẵng)Những bài báo chỉ là của ăn, còn những tác phẩm văn chương mới là của để. Nhưng chính nhờ những bài báo ấy mà Nguyễn Văn Bổng có thêm nhiều tư liệu từ thực tế sống động của cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của toàn dân tộc. Chẳng thế mà khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang dần đi đến thắng lợi, Nguyễn Văn Bổng đã cho ra đời các tác phẩm văn chương như: Cái bắt tay của người tù binh (1949) và Con trâu(tiểu thuyết, 1952).

Có thể nói tiểu thuyết Con trâu đã làm nên danh hiệu văn chương cho ông cán bộ phong trào và phóng viên mặt trận Nguyễn Văn Bổng. Đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất, mặc dù Áo trắng mới là cuốn sách có tác động tới bạn bè quốc tế một cách sâu sắc nhất. Nói về quá trình viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết nổi tiếng làm nên văn hiệu của mình, nhà văn Nguyễn Văn Bổng từng kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên lại sống ở Huế... Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng (4).

Bước sang thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã tình nguyện rời Hà Nội trong cương vị của một cán bộ văn nghệ cao cấp, ông đã có mặt ở Bến Tre, Cà Mau và nhiều tỉnh thành miền Nam khác để ba cùng với những người nông dân Nam Bộ, rồi vào hẳn sào huyệt của kẻ địch ở Sài Gòn để hoạt động bí mật trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go nhất từ 1966 đến hết chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong nhiều năm lăn lộn với cuộc sống, chiến đấu ở những chiến trường khốc liệt, Nguyễn Văn Bổng đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương có giá trị như: Cửu Long cuộn sóngRừng U Minh, Sài Gòn 1967Sài Gòn ta đóChuyện bên cầu chữ Y...

Vào nửa cuối của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Văn Bổng quay lại chiến trường miền Nam, sau đấy ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Áo trắng (1971-1972), tái hiện một cách sinh động phong trào phản kháng của giới trí thức, đô thị miền Nam trước sự kìm kẹp của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm thời gian trước đây, vì ngày 01/11/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng chính quyền của ông đã bị phe đảo chính lật đổ và ông đã bị giết ngay say đấy. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Áo trắng đã được dịch in ở Hàn Quốc và tới nay, nó đã được tái bản tới 4 lần. Tất nhiên những lần dịch trước đều qua bản tiếng Anh và tiếng Nga, nên đến năm 2006, GS- TS Bae Yang Soo, Trưởng khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc tế Pusan đã dịch lại trực tiếp cuốn tiểu thuyết này qua bản tiếng Việt. Theo ông Soo cho biết thì ở Hàn Quốc cuốn sách được chuyền tay, săn lùng rất dữ, thậm chí, nó còn dấy lên phong trào học tập cuốn sách như tinh thần đấu tranh yêu nước, ứng xử khôn khéo, bản lĩnh của người làm cách mạng (ở Việt Nam- Đ.N.Y)... (5).

Vào những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã quay trở lại chiến trường miền Nam lần thứ năm, 1975. Có thể nói trong giới văn chương thời bấy giờ, ít có người ra vào chiến trường miền Nam theo kiểu đi chợ phiên như Nguyễn Văn Bổng. Ngay khi chiến dịch Buôn Mê Thuột bắt đầu, ông đã có mặt, theo chân các binh đoàn chủ lực thần tốc xuống phía Nam và có mặt ở Sài Gòn ngay trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Và các tác phẩm Đường đất nướcGhi chép về Tây Nguyên... ra mắt độc giả sau này là kết quả của những năm tháng lăn lộn trên khắp các điểm nóng của chiến trường miền Nam cùng với các đoàn quân chiến thắng.

Có thể nói, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Văn Bổng gắn liền với sự nghiệp cách

mạng giải phóng dân tộc. Cuộc đời ông là dằng dặc những chuyến đi vào Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược, từ nông thôn đến thành thị. Vừa đi, vừa viết, vừa chiêm nghiệm về những vùng đất, những con người mà ông từng trải qua. Và chốt chặn cuối cùng trong cuộc đời cầm bút làm văn chương của ông là cuốn tiểu thuyết Cuộc đời(1989). Mặc dù cho đến những năm tháng cuối đời, ông vẫn không ngừng nghỉ, mà vẫn suy tư và viết như là để thỏa ước nguyện được cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc đời này, vì chính cuộc đời đi theo cách mạng đã cho ông cơ hội trở thành một nhà văn lớn, mà ông hằng hàm ơn.

Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Bá về lần gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng khi ông xuống miền Tây Nam Bộ (năm 1965) để tập huấn cho các trại viên dự trại sáng tác văn chương do Tiểu ban Văn nghệ khu mở: Ở Cà Mau, anh(nhà văn Nguyễn Văn Bổng- Đ.N.Y) chờ xong thời khóa trại, nhờ cơ quan văn nghệ khu đưa vào sông Cái Tàu để đi lấy tài liệu thực tế chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết Rừng U Minh... Anh làm quen với đồng chí Bí thư xã Lương Hòa là Năm Viết, ngủ ngoài vạt lá với ông già đồng chí Năm Viết. Đội nữ du kích xã Lương Hòa: Cô Tô Thị Huỳnh, Kiên Thị Nhẫn là nhân vật anh hùng trong bút ký văn học của anh. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nêu cho chúng tôi bài học rất lớn là phải nghe thấy rõ mới viết. Phải đi thực tế để hiểu chính xác đề tài mới được viết. Anh xông vào khu ấp chiến lược, ấp Tân Sinh, dinh điền để ghi chép về nơi nguy hiểm (6).

Với những hoạt động xông xáo như thế, đã có lần Nguyễn Văn Bổng bị địch bắt giam ở bót, song cơ sở bảo vệ của ta đã tìm cách giải cứu được nhà văn (7). Chính tác phong làm việc sâu sát thực tế, không ngại khó khăn, nguy hiểm đã nêu một tấm gương sáng cho những người cầm bút viết văn, nhất là thế hệ trẻ sau này về ý thức trách nhiệm công dân, về tinh thần và thái độ nghiêm túc trong lao động sáng tạo nghệ thuật./.

........................

Tham khảo

(1), (2), (3), (4). Kiến Văn. www.qdnd.vn.

Đỗ Ngọc Yên
(vanvn.net)