Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Thắp và giữ ngọn lửa tình yêu quê hương

25.04.2016


Có một nhà thơ đã từng nói "Chỉ gặp Nguyễn Quang Sáng có 20 phút đã khắc họa ông, một chân dung văn học khá hoàn chỉnh". Nghe vậy tôi thấy phục. Với tôi - người làm báo, dù đã đọc các tác phẩm của ông và có cơ may được gặp ông vài lần nhưng khi viết về ông tôi cảm thấy "bất lực" trước văn nghiệp hoành tráng của ông. Nhân hai năm ngày mất của ông, tôi xin được chia sẻ những kỷ niệm về nhà văn lớn mà tôi rất đỗi ngưỡng mộ.
1.Cuối năm 1973, tôi làm khóa luận với đề tài "Thủ pháp nghệ thuật truyện ngắn qua tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng". 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Thắp và giữ ngọn lửa tình yêu quê hương

"Chiếc lược ngà" được viết năm 1966, nhanh chóng được đưa vào sách giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò. Thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn khóa luận cho tôi và bảo: "Anh Sáng vừa ở niềm Nam ra đấy, cậu tới gặp và xin thêm ý kiến  anh ấy".

Tôi đến số 2 phố Cổ Tân và gặp được ông trong căn phòng nhỏ, bừa bộn, sách vở, quần áo. Tôi hỏi rất nhiều chuyện, và ông cho biết: bắt đầu viết từ năm 1952, khi còn ở rừng U Minh, năm 1956, truyện ngắn đầu tiên "Con chim vàng" mới được in trên báo Văn nghệ Việt Nam. Khi hỏi về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm "Chiếc lược ngà", nhà văn nói, năm 1966, ông từ miền Bắc trở về Nam và tới vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước và đi thuyền vào sâu trong rừng, sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây.

Ông nghe được câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà. Sau khi nghe cô kể chuyện, ông ngồi viết một ngày là hoàn thành tác phẩm này."Chẳng có bàn ghế gì, tôi ngồi viết trên chiếc xuồng". Với vốn kiến thức trong thời gian làm khóa luận, tôi góp chuyện: "Đọc “Chiếc lược ngà” rất xúc động và tác phẩm này đã cổ vũ và nâng cao tâm hồn tôi và bạn đọc nói chung.

 Ông nghe tôi đọc xong, cười khà khà...: "Những người làm nghiên cứu, phê bình văn học thì cứ tán thoải mái, tụi sáng tác như mình thì chỉ nghĩ viết thế nào cho hay là được". "Vâng, nhưng có lẽ  biết cách kể chuyện, bố cục cũng làm nên cái hay, có được cốt truyện hay để xâu chuỗi những sự kiện, tình tiết mà mình muốn đưa vào tác phẩm là một nghệ thuật không phải ai cũng làm được"- Tôi đáp lời ông.Xin phép nhà văn, tôi xin trích ra một đoạn khóa luận: "Nguyễn Quang Sáng là nhà văn của cái đẹp, nhà văn đã ca ngợi vẻ đẹp của con người thông qua niềm tin, thông qua sự hiểu biết, những suy nghĩ về con người miền Nam quật cường, anh dũng. Truyện "Chiếc lược ngà" còn là một bài thơ, trong đó chất hùng ca quyện chặt với chất trữ tình".

Ông bảo: "Đúng rồi, để có cốt truyện hấp dẫn phải đi nhiều, nghe nhiều, rồi nghĩ đến bể óc mới hay được". Nghe ông nói, tôi tự so với những truyện ngắn như "Con chim vàng", "Ông Năm Hạng", "Tư Quắn", "Người quê hương", "Bông cẩm thạch" mà ông đã từng được giải thưởng từ năm 1959, thì quả thật, tâm hồn ông là một thế giới kỳ diệu, khác biệt, độc đáo. Đọc những tác phẩm của ông người đọc như được thắp lên trong lòng ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước, và làm cho tâm hồn  giàu có, bay bổng. Còn khi được gặp, nghe ông nói trí óc tôi sáng ra...

2. Sau lần được tiếp kiến ông, tôi đã lĩnh hội và bổ sung những ý ông gợi mở vào khóa luận và hoàn thành bản thảo 35 trang viết tay, rồi đưa ông xem và hẹn tôi tuần sau đến lấy. Khi nhận lại bản thảo, tôi nghĩ là ông sẽ "phê rất nhiều", nhưng không, ông chỉ đánh dấu bằng bút chì những đoạn cần góp ý. Một lần nữa tôi lại có dịp trò chuyện với ông.

Ông bảo: "Làm nghề văn nhọc lắm, nếu không đi vào thực tế, không thể ngồi nghĩ ra được, mà đi chiến trường thì cực lắm, tui cũng nhiều lần thoát chết, phải có lòng dũng cảm và mưu trí mới vượt qua được". Đoạn cuối khóa luận tôi viết đại ý: "Truyện của Nguyễn Quang Sáng có tác dụng cổ vũ và nâng cao tâm hồn con người. Bút lực của ông dồi dào. Nhà văn chắc chắn sẽ có những bước tiến xa...

Ông khiêm tốn bảo, "bỏ mấy chữ "dồi dào", "tiến xa" đi! Tôi cảm thấy cạn rồi"... Tôi nói: "Đọc truyện của nhà văn truyện nào cũng thấy độc đáo trong các chi tiết, bố cục, hầu như không tìm được một sự lặp lại nào, dù là nhỏ. Vốn sống của nhà văn đầy đặn như thế hẳn là phải còn nhiều tác phẩm nữa chứ". Ông lại khà khà, vỗ vai tôi: "Thế thì tùy suy nghĩ của cậu". Lúc chia tay khỏi cửa, ông chỉ lên gác và nói: "Ông Đoàn Giỏi - Đất rừng phương Nam ở trên này".

3. Không ngờ 11 năm sau - năm 1985, nhà văn Đoàn Giỏi lại là hàng xóm với tôi, cùng khu tập thể của Bộ Ngoại thương ở ngõ Văn Chương, Quận Đống đa, Hà Nội. Một dịp nữa tôi lại biết thêm về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông Đoàn Giỏi và ông Sáng có những "biến cố đời sống" khá tương đồng: Hai ông từng là chiến sĩ - ông Giỏi là chiến sĩ Công an, rồi viết văn, ông Sáng đã từng đeo lon Chuẩn úy Quân đội. Hai ông đều tập kết ra Bắc năm 1954, cùng là cán bộ của Phòng Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Hai ông đều được học khóa viết văn ở Quảng Bá, Tây Hồ và được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng "hướng đạo".

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt hàng ông Giỏi viết cho Nhà xuất bản Kim Đồng và ông Giỏi đã có tác phẩm để đời "Đất rừng phương Nam". Nguyễn Huy Tưởng cũng đã góp ý để ông Sáng có tác phẩm "Đất lửa". Trong những ngày ở bên cạnh Đoàn Giỏi, khi trao đổi về văn học, ông Giỏi "nể văn tài" của ông Sáng.

Ông bảo: "Truyện của anh Sáng có nhiều tình huống bất ngờ tự nhiên, giàu chi tiết sống động. Hệ thống nhân vật, sự kiện, tình tiết, chi tiết cô đúc, mang nhiều ẩn ý, nên tạo cho tác phẩm những chiều sâu". Tôi kể lại chuyện được làm khóa luận với đề tài: "Thủ pháp nghệ thuật truyện ngắn qua tác phẩm "Chiếc lược ngà" ông Giỏi ồ lên và khuyên tôi: "Muốn khai thác văn tài của anh Sáng thì phải đọc cho hết các tác phẩm hiện có của anh ấy, (vì từ năm 1973 đến 1985 ông Sáng có thêm một số tác phẩm nữa) và những gì anh ấy đang thai nghén.

Nghe nói lúc bấy giờ ông Sáng đang viết đề cương cuốn "Dòng sông thơ ấu", còn ông Giỏi đang làm đề cương cuốn "Núi cả cây ngàn". Văn của Nguyễn Quang Sáng và Đoàn Giỏi là một thứ văn chương hồn hậu, mang được hơi thở, phong cách, khẩu khí Nam Bộ. Tuy nhiên, hai ông khác biệt nhau, tạo nên phong cách riêng trong cách bố cục truyện, cách xây dựng nhân vật và cách khai thác đề tài...

4.Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4 -1975, ông Sáng về TP. Hồ Chí Minh, giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh vài khóa liền. Năm 1993, khi vào làm trưởng Ban đại diện của Báo Đại đoàn kết tại TP. Hồ Chí Minh tôi bất ngờ gặp ông ở quán phở Bắc, ngay trong khuôn viên của Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh ở phố Trần Quốc Thảo.

Khi chúng tôi ngồi ăn phở, ông hỏi tôi "sao lại vào đây?", và câu chuyện về làm báo và làm văn lại có dịp tái hồi. Tôi nói với ông: "Từ ngày "hồi hương" ông viết khỏe quá, đẻ ra bao tác phẩm, nào là "Dòng sông thơ ấu", "Bàn thờ tổ của một cô đào" rồi kịch bản phim "Cánh đồng hoang"... Nhưng tôi thích truyện "Tôi thích làm vua"".

Tôi còn đùa vui ông: "Bây giờ ông Sáng là vua trong giới văn nghệ TP. Hồ Chí Minh rồi còn gì!". Lúc đó Nguyễn Quang Sáng đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố và các tác phẩm của ông làm chủ thị trường sách văn học lúc bấy giờ. Ông vẫn điệu cười khà khà: "Chú chỉ được cái... phét lác". Hai chúng tôi cười vang, đến nỗi cô chủ hàng phở người Bắc cũng phải chú ý đến.

Có thể nói, từ  truyện ngắn "Tôi thích làm vua" bạn đọc bắt đầu thấy có một Nguyễn Quang Sáng khác với Nguyễn Quang Sáng thời "Chiếc lược ngà". Truyện của ông giai đoạn này hướng về những suy tư, những chiêm nghiệm cuộc đời. Ví như truyện "Đạo Tưởng", Nguyễn Quang Sáng nghĩ về những ảo tưởng vô vọng của con người. Cái thứ đạo chỉ được xây dựng bằng ý chí và sự huyễn hoặc về mình và đám đông mà thiếu một cơ sở thực tiễn thì trước sau cũng tan như "khói hương trong cơn gió". Dưới ngòi bút của ông, cuộc sống là sự bề bộn, ẩn chứa bao nghịch lí, đôi khi đến trớ trêu chứ không phẳng phiu. Ông nói: "Một tác phẩm đứng được theo thời gian phải là một tác phẩm được viết bằng tâm huyết, lòng say mê và vốn sống của mình".

5.Một lần đi công tác ở An Giang, tôi có dịp về quê gốc của nhà văn ở Chợ Mới, hỏi từ người cao tuổi đến trẻ em đều biết Nguyễn Quang Sáng và người con trai ông là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Tên tuổi của ông đã ăn sâu vào lòng người dân quê hương và bạn đọc nói chung. Với hơn 50 năm cầm bút lao động sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho nền văn học Việt Nam một "món quà tinh thần" to lớn. Ông đã vượt lên chết chóc, khắc nghiệt của chiến tranh, và trong thời bình vượt lên mọi khó khăn kinh tế để tìm được ý nghĩa tồn tại bằng sự cao quý của văn chương, Nguyễn Quang Sáng đã trở thành tấm gương sáng về nhân cách sống và nghị lực sống. 

Đăng ngọc
(vnca.cand.com.vn)