Nhà văn Konstantin Simonov: Tình yêu như thảm họa
Tâm trạng nhà văn mới gần ba mươi tuổi nhưng đã rất từng trải, trở nên u ám vì phải nghe những lời khai ghê rợn của những tội phạm… Rời phiên tòa về, anh chỉ cảm thấy nhẹ lòng hơn khi ngồi vào bàn viết thơ. Chính trong những ngày ở Kharkov ấy, Simonov đã hoàn thành bài thơ dài “Thư ngỏ” (Gửi người phụ nữ ở thành phố Vitrug), một dạng tiếp nối bài thơ trữ tình nổi tiếng “Đợi anh về”:
“Chị viết rằng thấm thoắt đã gần năm
Kể từ khi chị biết anh chồng mới,
Còn chồng cũ, có may mà trở lại,
Chị cũng không cần, nói chi chuyện không may...”
Thực ra, bài thơ đó không chỉ gửi cho người phụ nữ nào đấy ở thành phố Vitrug mà gửi cho chính “nàng thơ” của Simonov - nữ diễn viên Valentina Serova. Maria Simonova, con gái chung của hai người sau này đã phải công nhận: “Mẹ không biết chờ đợi bao giờ dù rằng bài thơ Đợi anh về đã được viết chỉ để tặng riêng cho mẹ!”.
Tình yêu quá đỗi hạnh phúc mà cũng quá chừng đau đớn mà Simonov dành cho Velentina lại càng làm cho tâm trí nhà văn xao động khi anh ở Kharkov. Bởi đây chính là nơi mà Valentina đã được sinh ra và lớn lên. Mẹ của chị, Claudia Polovikova, cũng là một nghệ sĩ sân khấu, từng biểu diễn ba năm ở nhà hát mang tên Lesi Ukrainka ở Kiev và hai năm ở nhà hát mang tên Puskin ở Leningrad. Tuy nhiên, Claudia Polovikova chỉ thực sự tỏa sáng ở Moskva và tại đó bà đã được phong danh hiệu NSND nước Cộng hòa liên bang Nga. Sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bà đã cùng con gái Valentina đóng chung trong phim Glinka (Valentina vào vai vợ của nhà soạn nhạc, còn người mẹ thì đóng vai mẹ của nhân vật nữ)…
Valentina đã nối nghiệp nhà của mẹ. Năm lên 8 tuổi, cô bé Valia đã lần đầu ra sàn diễn trong vai một cậu bé… Năm 1939, khi người chồng đầu tiên của chị, anh hùng phi công Anatoli Serov, nhân vật rất được lãnh tụ Stalin yêu quý, bất ngờ hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, Valentina đang tham gia bộ phim Cô gái cá tính và đã rất được mọi người xót xa, mến mộ…
Ở thời điểm đó, Simonov cũng đã phải lòng chị ngay từ khi mới nhìn thấy. Lúc đó nhà văn mới được làm cha trong cuộc hôn nhân đầu tiên với nữ trưởng phòng biên tập thơ ở tạp chí Moskva, Evguenia Laskina. Trái tim thi sĩ bẩm sinh đã khiến chàng sĩ quan trẻ và đa tình bỏ bê gia đình và tối nào cũng mò tới nhà hát để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nữ diễn viên góa bụa xinh đẹp và hấp dẫn, ngôi sao chính trong những vở diễn đang rất ăn khách ở Moskva lúc đó…
Valentina Serova và Konstantin Simonov
Vốn quen được người chồng phi công lãng tử chiều chuộng đủ điều, thậm chí có thể sáng ra lái máy bay rời thủ đô tới Leningrad để xuống đứng ở sân ga đón người vợ mà tối trước vừa tiễn lên tàu tại Moskva, Valentina thoạt tiên đã cảm thấy hơi khó chịu với phong cách sùng mộ chân phương cùng những bó hoa làm chị bị xao lãng với vai diễn của người khán giả mới. Tuy nhiên, khi biết đó là nhà thơ trẻ đang lên thì Valentina đã đổi giận thành vui và bắt đầu cho Simonov vào phòng hóa trang của mình, rồi dần dà cho tới căn hộ năm phòng mà lãnh tụ Stalin đã tặng cho gia đình anh hùng phi công Serov trước kia.
Kể từ đó, Simonov coi như dứt tình luôn với người vợ cũ. Hành động không lấy gì làm hay ho này của nhà thơ thực ra chỉ có thể biện hộ bằng sự xuất hiện của vần thơ tuyệt tác sinh ra cùng tình yêu mới:
“Dù rồi sau rủa nguyền
Bóng hình em, tất cả,
Tình yêu dành cho em
Vô cùng, như thảm họa.
Chẳng có người bạn nào
Giữa thanh thiên bạch nhật
Lôi được anh ra ngoài
Đám cháy này ngùn ngụt.
Chờ cấp cứu nhọc công,
Sống đời mê trong thật
Anh bên em khác chi
Ở với cơn động đất.
Khi nào anh tự thoát
Khỏi cảnh này u mê,
Về em, anh nói khác
Mọi lời ong tiếng ve...”
Ở đầu những năm 40, Valentina Serova và Simonov dù chưa thành vợ chồng chính thức nhưng đã là cặp tình nhân lừng lẫy nhất ở Liên bang Xôviết. Rồi chiến tranh bùng nổ, Simonov ra chiến trường nhưng vẫn chưa được trở thành người chồng chính thức của chị. Tuyệt tình ca Đợi anh về sinh ra ở thời điểm đó. Ra tới chiến trường rồi, anh lại ngỏ lời cầu hôn với chị bằng bài thơ Anh muốn được gọi em là vợ:
“Anh muốn được gọi em là vợ
Vì mọi người chưa ai gọi thế đâu
Vì trong căn nhà anh chiến tranh làm hoang đổ
Chắc gì mình sẽ gặp lại nhau.
Vì anh đã mong cho em cả điều dữ,
Vì chẳng mấy khi em xót xa anh,
Vì đêm ấy em muốn là em đến,
Không đợi lời anh nài nỉ, cầu van.
Anh muốn được gọi em là vợ,
Không phải để rồi loan báo khắp nơi,
Không phải bởi tự lâu em đã
Luôn bên anh trong mọi sự trên đời.
Anh muốn được gọi em là vợ
Vì sẽ dài vô tận những ngày xa,
Vì rồi đây những bàn tay lạ sẽ
Vuốt mắt quá nhiều người giờ đang ở bên ta.
Vì em luôn đối với anh thẳng thắn,
Không hứa yêu, không hẹn một điều,
Giây phút cuối buổi chia tay của lính
Em mới lần đầu nói dối rằng, yêu!
Em sẽ là của ai? Của anh hay người khác?
Trái tim anh sao biết được bây giờ...
Hãy thứ lỗi, anh gọi em là vợ
Theo quyền những chàng trai có thể chẳng quay về...”
Tuy nhiên, ngay cả lời tỏ tình tha thiết đến thế cũng chỉ được đáp lại sau đó hai năm. Và cũng chỉ sau một thất bại của Valentina trong những cố gắng kiếm tìm một hạnh phúc khác với vị tướng dũng mãnh và đẹp trai Rokossovsky. Thiên hạ đồn rằng, phải đích thân Stalin can thiệp vào. Khi gặp tướng Rokossovsky, Stalin hỏi luôn: “Đồng chí không biết cô Valentina là vợ của ai ư?” - “Dạ, của Simonov ạ!”.
“Đúng, tôi cũng nghĩ là như thế đấy!” - lãnh tụ tối cao buông lời. Chỉ sau cuộc nói chuyện này, tướng Rokossovsky quyết định dứt tình chớm nở cùng người nữ nghệ sĩ xinh đẹp đa đoan và trở về cùng vợ và cô con gái của mình. Còn Valentina Serova đành phải đồng ý đăng ký kết hôn với Simonov. Những cố gắng mai mối của lãnh tụ Stalin đã giúp cho cặp vợ chồng thi nhân nghệ sĩ này trụ lại cùng nhau được thêm 14 năm đằng đẵng nữa…
Thiên hạ cho rằng, sở dĩ cuộc hôn nhân của họ tan rã là do lỗi của Valentina: đến một thời điểm nào đó, chị bắt đầu nát rượu quá mức. Không có gì khủng khiếp hơn một nàng thơ suốt ngày say bí tỉ! Simonov cực chẳng đã phải li dị với Valentina và lấy con gái tướng Aleksei Zhadov làm vợ: chị là goá phụ của nhà thơ liệt sĩ bạn ông, Semen Gudzenko, hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Từ đó, ngòi bút của Simonov chẳng viết thêm được một vần thơ tình say đắm nào nữa, điều mà chính ông cũng phải công nhận:
“Thơ chẳng thể nào viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ.
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.
Cảm ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi.
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau.
Nhưng bao buồn tủi, đớn đau
Tay em đã chất lên đầu tôi xưa
Mặc tôi giữ, mặc tôi lo,
Số tôi đâu lạ xót xa, nổi chìm.
Muộn rồi, trách móc gì em,
Sợ chi gió thổi trắng đêm ngậm ngùi.
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu...”
Valentina Serova qua đời ngày 11/12/1975 trong cảnh bần hàn. Simonov lúc đó đang đi nghỉ ở miền nam và gửi về Moskva viếng người vợ cũ bằng 58 bông hồng đỏ, đúng bằng tuổi hưởng dương của bà…
Simonov mất ngày 28/8/1979. Trước khi chết không lâu, ông gọi người con gái Maria vào bệnh viện và yêu cầu chuyển cho ông toàn bộ những thư từ và giấy tờ mà người vợ cũ để lại. Ông nói: “Cha không muốn để những bàn tay lạ chạm vào chúng!”. Rồi sau đó, ông đã tiêu hủy toàn bộ những tư liệu và giấy tờ đó…
* Những bài thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga
Huyền Anh
Nguồn: cand.com.vn