Cùng với những tên tuổi như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ… nhà văn Đoàn Giỏi được xem là một trong những cây bút viết cho thiếu nhi để lại nhiều dấu ấn nhất từ trước tới nay. Những trang văn của ông gần gũi, chân phương, gieo vào lòng bao thế hệ tuổi thơ những điều tốt đẹp, những rung động, say mê với cảnh sắc thiên nhiên và số phận con người. Với họ, những trang viết đượm màu sắc Nam Bộ như “Ngọn tầm vông”, “Cá bống mú” hay “Đất rừng phương Nam”... đã khắc chạm trong kí ức tuổi thơ, là “những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ - như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”.
Khác hẳn với hình dung của nhiều người, “Đất rừng phương Nam” hoàn toàn là một tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng. Năm 1957, sau khi tập kết ra Bắc và làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Đoàn Giỏi nhận được đơn đặt hàng từ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đề nghị viết một cuốn sách cho thiếu nhi giới thiệu quang cảnh, thiên nhiên và con người Nam Bộ. Loay hoay 3 tháng mãi không xong, nhưng có lẽ khi cảm xúc ùa về cùng với nỗi nhớ quê hương vời vợi, ông đã bắt đầu phóng bút và hoàn thành tác phẩm trong 1 tháng. Nhớ về người bạn, người đồng chí của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh kể: Bước ra từ một gia đình giàu có nhưng khi dấn thân vào con đường cách mạng, Đoàn Giỏi bỏ lại sau lưng quyền thừa kế một gia sản lớn và trở thành một người không có nhà cửa. Với ông, cống hiến lớn nhất là tác phẩm dành cho bạn đọc.
“Đoàn Giỏi đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho văn học thiếu nhi, nhưng ông bước qua được nhiều định kiến. Ông viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng rất say mê. Ông viết tiểu thuyết và đã trở thành kịch bản phim rất tuyệt vời. Ông nhận đặt hàng nhưng không gò bó gì cả, hoàn toàn phóng túng, cởi mở để trút toàn bộ tài năng lên trang giấy, say mê vô cùng”, nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự.
Sau thành công của “Đất rừng phương Nam”, nhà văn Đoàn Giỏi trải lòng mình với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hơn: “Cuộc truy tìm vũ khí” (truyện, 1962), “Cây đước Cà Mau” (truyện kí), “Tiếng gọi ngàn”, “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày” (truyện kí, 1988). Phải chăng, những trang văn gần gũi với thiếu nhi ấy không dễ gì có được nếu nhà văn không trải nghiệm và say mê với con người, thiên nhiên Nam Bộ. Như một nhà văn đã từng nói, nhà văn Đoàn Giỏi đã thấu thị “linh hồn đất đai”, ngôn ngữ, giọng điệu của con người nơi đây. Còn với bà Lê Thị Thái Hà, mỗi lần kể về người cha dượng yêu quý của mình lại nhớ về lời dạy của ông khi gieo từng hạt mướp đắng, về những phần cơm, chiếc kẹo ông san sẻ cho các con và cho cả vật nuôi trong nhà, ngay cả lúc sắp ra đi.
“Ba tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày thì đổ bệnh, ông được bệnh viện Thống nhất giữ lại. Trong lúc nằm, tay ba tôi vẫn cứ viết ra giấy “con về nhớ cho thạch sùng ở cửa sổ ăn cơm”. Tôi không hiểu như thế nào nhưng khi ra đến cửa sổ nhà, vừa làm động tác lạch cạch, chưa kịp “tặc” thì đã thấy mấy con thạch sùng nhao ra, mắt tròn nhìn lên cửa sổ. Hóa ra ông đã luyện thế nào mà tuy không biết mình đâu nhưng từ mấy nhà dưới lên trên ô văng của tầng đấy để đợi ba tôi cho nó ăn”, bà Thái Hà xúc động kể.
Nhờ Đoàn Giỏi mà biết bao thế hệ thiếu nhi ngày ấy được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt sau Vĩ tuyến 17, để biết về cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang xôn xao tiếng chèo động nước rổn rảng, con sông Tiền, sông Hậu mênh mang. Nhiều bạn học sinh bây giờ, đến với những trang văn của Đoàn Giỏi qua đoạn trích “Đất rừng phương Nam” trong sách giáo khoa, cùng với loạt tác phẩm viết về đất nước, con người Việt Nam như “Cô Tô” (Nguyễn Tuân), “Vượt thác” (Võ Quảng).... Nhưng, các em đã biến hóa từ tác phẩm văn học sang những loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, điện ảnh để làm sinh động hơn bài học của mình.
Chị Lê Thị Thanh Tâm, giáo viên Ngữ Văn, trường trung học cơ sở Vinshool, Hà Nội cho biết: “Đây là một tác phẩm vừa có yếu tố địa phương, vừa tràn ngập tình yêu mảnh đất quê hương, đồng thời có nét đẹp của một loại văn rất chân phương, mộc mạc, có nhiều sức gợi cho con trẻ. Một tiết học văn của chúng tôi chỉ có 30% là diễn giảng thôi, còn chủ yếu các hoạt động IT, học nhóm, sáng tạo, học dự án thì những video, clip hay phần giới thiệu về bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã được vận dụng trong các giờ học”.
Khi chúng ta còn trăn trở vì một nền văn học Việt Nam trong 40 năm trở lại đây hiếm thấy tác phẩm thực sự có giá trị, thì việc trở lại những tác phẩm kinh điển cho thấy: kho tàng văn học thiếu nhi Việt Nam không bao giờ nghèo nàn hay nhỏ bé. Thử thách của thời gian sẽ ngày càng làm rõ hơn giá trị lâu bền của những tác phẩm đó. Cộng với diện mạo mới nhờ sự hỗ trợ của kĩ thuật, công nghệ, bạn đọc Việt Nam sẽ được khơi gợi, tiếp xúc với nền văn học đích thực của dân tộc mình. Còn nhà văn Đoàn Giỏi, sau ngày ông ra đi, nhiều người vẫn luôn nhắc đến ông với niềm tự hào: “Đoàn Giỏi yêu tuổi thơ nên ông được cả thế giới”./.
Phương Thúy/VOV – Trung tâm Tin