Nhà thơ Yến Lan “không may mắn như bạn cùng thời"
Sáng 01/3 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan. Thêm một lần nữa, tài năng của Yến Lan được khẳng định, nhưng cũng đáng tiếc một số tác phẩm bị thất lạc nên tài năng của ông chưa được nhìn nhận toàn vẹn.
Một tài thơ bảng lảng lắm giai thoại
Từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, Yến Lan cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn ở Bình Định đã làm nên nhóm thơ có tên gọi tứ linh hoặc Bàn Thành tứ hữu nổi danh khắp nơi. Nếu được ví với tứ linh thì Yến Lan là Lân, Hàn Mặc Tử là Long, Quách Tấn là Quy, Chế Lan Viên là Phụng.
Bút danh Yến Lan như một giai thoại của văn chương nói rằng đó là tên của hai người con gái tên Yến và tên Lan mà ông yêu mến, có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của ông. Hai người phụ nữ này là đôi bạn thân thiết cùng thầm thương trộm nhớ người thầy giáo tài hoa Lâm Thanh Lang (tên thật của Yến Lan). Không những thế họ còn tuyên bố lấy chung một chồng. Giai thoại này cho đến nay chưa có ai kiểm chứng đúng sai thế nào.
Yến Lan là một cây bút có sức lao động bền bỉ, số lượng tác phẩm để lại cũng không nhỏ nhưng có lẽ tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời của ông, được bạn bè, độc giả văn chương các thế hệ nhắc đến nhiều là bài thơ Bến My Lăng. Bến My Lăng được Yến Lan viết khi còn rất trẻ, mới 17 tuổi.
Bến Mi Lăng là bến ảo, bến mộng như một ẩn số không thể giải mã và không nên giải mã. Nhà thơ Thanh Thảo tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Bến My Lăng ở đâu?. Hình như ở trong mơ, dưới trăng, một vầng trăng bạc xám ám ảnh trên thành cổ Đồ Bàn. Có thể là bến sông của một cô gái người Chàm, của một kỵ sĩ Chàm, của một ông lái đò không tên, không tuổi, quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, ông lái đò của những thời khắc hiện tại, của dòng sông đang trôi chảy. Bến My Lăng ở đâu? Có lẽ, bến sông ấy chỉ có trong thơ Yến Lan, trong những tầng sâu nhớ quên của nhà thơ. Đừng giải thích, đừng định vị”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đồng quan điểm khi đánh giá về Bến My Lăng: “Không nên tìm ý nghĩa hiện thực hay hay tư tưởng tác động xã hội của bài thơ này. Không tìm vì nó không có. Không có vì nó không thực, nhưng nó đủ lý do để tồn tại. Đó là thơ, là chức năng của mộng ảo đối với đời thực của người”.
Bến My Lăng của Yến Lan là một cái tên giống như Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, đọc để gợi, để cảm chứ không phải để cắt nghĩa, để hiểu. Chính vì thế, bao thế hệ độc giả vẫn cứ mãi say sưa đi tìm, có lẽ họ nghĩ rằng Bến My Lăng vừa xa vừa gần, vừa thực vừa ảo và muốn chinh phục nó, muốn giữ lấy làm của riêng. Và đó là lý do để Bến My Lăng càng huyền bí, càng mời gọi.
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (ảnh Hà Anh)
Luyến tiếc những tác phẩm thất lạc
Trong lời tâm sự của con gái nhà thơ Yến Lan thì trong đời thơ Yến Lan “không may mắn như bạn cùng thời. Những tác phẩm có thể làm nên tên tuổi đưa ông lên vị trí cao hơn trong làng văn thì bị thất lạc như hai tập thơ Giếng loạn, Bánh xe luân hồi (viết về đạo phật)”. Còn tác phẩm khác “không bị mất thì cũng bị người khác đứng tên như vở kịch thơ đầu tiên của nền Văn học Việt Nam “Bóng Giai Nhân”. Riêng vở kịch thơ Bóng Giai Nhân đứng tên chung Yến Lan và Nguyễn Bính cũng tốn không ít giấy mực của giới văn chương để phân giải ai là tác giả thực.
Bánh xe luân hồi cũng là một tác phẩm kịch thơ chưa kịp xuất bản, tác giả chỉ kịp gửi lại cho bạn để đi tập kết. Còn Giếng loạn gồm gần 30 bài thơ. Hiện nay, mới chỉ tìm lại được lác đác các bài thơ thất lạc, chẳng hạn như bài Vắng vẻ (Chiều nay chim bạch câu/ Vỗ từ một chái lầu/ Bay qua bờ giếng lạnh/ Chim ơi bay về đâu). Việc Giếng loạn bị thất lạc “khiến tầm vóc Yến Lan bị thu lại đáng kể” (Lâm Bích Thủy- con gái nhà thơ).
Yến Lan để lại một lượng tác phẩm đồ sộ nhưng tên tuổi của ông lại chỉ được độc giả biết nhiều qua bài thơ Bến My Lăng. Ngoài Bến My Lăng Yến Lan còn đóng góp đáng kể ở thể thơ tứ tuyệt mà nhà thơ Trúc Thông từng đánh giá: “Trong số lưa thưa các bậc hảo háo Thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc vào hạng “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm”.
Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ so sánh tác phẩm và tên tuổi của Yến Lan và đưa ra nhận định: “Ông không nổi danh như những người bạn mình, tên tuổi Yến Lan không được nhiều người biết đến, đặc biệt là các thế hệ sau này. Có lẽ như Chế Lan Viên đã nhận xét trong lời tựa tập Thơ Yến Lan: “có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng, nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên, tán dương thì nó bị vùi lấp đi. Đầu là trong im lặng mà sau là trong lãng quên”. Yến Lan chưa đến mức bị lãng quên, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông chưa được đánh giá một cách thỏa đáng.
Nhà thơ Yến Lan được bạn bè đánh giá là người hiền lành, ít nói, không bon chen, trọng tình bạn, tình người.
Khi nói về vị trí của người cầm bút, nhà thơ Yến Lan từng viết: “Nhà văn phải tự tạo lấy vị trí của mình, thành tài năng đích thực của mình, tức là phong cách…”
Năm 2007 nhà thơ Yến Lan đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Hà Anh (tổng hợp)
(vanhocquenha.vn)