Nhà thơ Thanh Quế: Những trang văn từ máu và nước mắt!

08.08.2016


Nhà thơ Thanh Quế thuộc dạng “gừng càng già càng cay”, càng lớn tuổi viết càng nhiều, càng hay. Ông là tác giả của hơn 40 tập thơ, truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật năm 2012. Ông vừa cho ra mắt tập thơ mới “Nơi phòng đợi” khá ấn tượng. Tôi có cảm giác trang văn của Thanh Quế được kết tinh từ nước mắt của chính ông và máu thiêng của đồng nghiệp thân thiết đã hy sinh.

Nhà thơ Thanh Quế: Những trang văn từ máu và nước mắt!

Người xứ Nẫu lãnh đạo văn nghệ xứ Quảng

Nhà thơ Thanh Quế họ Phan, sinh năm 1945 ở Tuy An - Phú Yên, tập kết ra Bắc học Trường học sinh miền Nam ở Hà Đông, tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào chiến trường Khu 5 tham gia chiến đấu từ năm 1969. Sau ngày đất nước thống nhất, ông sống cùng gia đình ở Đà Nẵng, nhưng luôn gắn bó với quê hương Phú Yên. Có lúc ông ra Hà Nội làm biên tập thơ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tưởng chừng ở luôn thủ đô. Nhưng rồi ông lại bất ngờ quay trở về Đà Nẵng.

Nhắc đến Thanh Quế mọi người thường nhớ đến hai câu thơ “Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em cũng lại là dòng sông” trong bài thơ “Trước nhà em sông Vu Gia” ông viết tặng cho một người đẹp đất Quảng từ thời còn chiến tranh. Cô gái ấy về sau trở thành người bạn đời chung thuỷ của ông. Và có lẽ cũng vì mối lương duyên ấy mà ông không trở về Phú Yên, chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai của mình.

 

Ở xứ Quảng nhưng giọng nói nhà thơ Thanh Quế vẫn rặt xứ Nẫu. Cả tính cách con người và khí chất thơ cũng vậy. Người xứ Nẫu gặp ông thấy rất Phú Yên. Còn người xứ Quảng thì xem ông thực sự là của Đà Nẵng. Có bạn văn còn bảo, sẽ thật trống vắng nếu mai đây Đà Nẵng không còn thấy một người nhỏ con chuyên đội mũ bêrê, áo bỏ trong quần gọn gàng, đạp xe chầm chậm thảnh thơi trên đường phố đến với anh em ở Hội Văn nghệ. Hiền lành và thẳng thắn, bộc trực và bao dung, nhà thơ Thanh Quế được đồng nghiệp các thế hệ ở Đà Nẵng tin yêu, nể trọng.

Chẳng những “tạm trú” mà nhà thơ chân chất xứ Nẫu còn trở thành lãnh đạo chủ chốt văn nghệ xứ Quảng “hay cãi”. Ông còn từng là Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Non nước. Ông đã góp phần phát hiện, nâng đỡ nhiều cây bút trẻ xứ Quảng thành danh như Nguyễn Kim Huy, Hồ Trung Tú, Bùi Tự Lực, Nguyễn Tam Mỹ,… đồng thời còn che chở giúp họ vượt qua nhiều “tai nạn” văn chương.

Nhà thơ Thanh Quế sống ở khu chung cư trước đây vốn là Trại sáng tác của Quân khu 5 tại Đà Nẵng. Tháng trước, tôi cùng nhà văn Trần Văn Tuấn và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đến thăm, nhà thơ Thanh Quế hồ hởi ký tặng chúng tôi hai tác phẩm mới xuất bản: “Bút ký & chân dung chọn lọc” và tập thơ “Nơi phòng đợi”. Ông bảo, một cuốn cung cấp nhiều tư liệu quý, một cuốn các bạn trẻ đọc để biết thơ… người lớn tuổi!

Từ cười xoà đến cười mỉm

Thời chiến tranh, nhà thơ Thanh Quế có bài thơ “Thăm chồng” viết tháng 1-1973, được nhiều người yêu thích. Bài thơ 7 chữ gồm 24 câu kể chuyện một chị cán bộ binh vận xã Hoà Định Đông bấy giờ thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên “lặn lội trèo non đi thăm chồng”, với con nhỏ bồng trước ngực và gùi bánh ngọt sau lưng. Anh chồng bộ đội vừa thắng trận, được cấp trên cho nghỉ phép đôi ba ngày để đón vợ con cách xa đã mấy năm. Trong lúc “Anh chồng ôm con hun chùn chụt” thì chị vợ đon đả pha trà, sắp bánh ngọt bưng ra mời đồng đội của chồng. Câu chuyện tưởng chẳng có gì nếu như không có khổ thơ cuối đầy bất ngờ:

Lính ta vui bữa liên hoan ngọt
Thơm má thằng cu kêu chút chút
Khi ngoảnh lại nhìn hai vợ chồng
Họ đã biến đi đằng nào mất.

Thơ Thanh Quế là vậy, ngôn ngữ mộc mạc, cấu tứ chặt chẽ, bất ngờ và hóm hỉnh. Càng về sau này thơ ông càng kiệm lời, nhưng vẫn luôn dựng tứ kỹ càng, ý tưởng hàm súc, thấm đẫm triết lý nhân sinh. Sau này, thơ ông không còn những nụ cười xòa như trong bài “Thăm chồng”, thay vào đó là những nụ cười mỉm đớn đau day dứt. Tập thơ “Nơi phòng đợi” có những bài thơ rất ngắn như châm ngôn sắc sảo. Ngẫm về “Cuộc đời”, ông viết:

Cuộc đời 
Ôm hôn đứa con béo tròn
Hắt hủi
Bầy con gầy trơ xương


Ở trong bài “Cuộc đua”, ông chiêm nghiệm:

“Rất nhiều năm tôi mới nghĩ được điều này:
Cuộc đời mỗi chúng ta 
Nhờ chạy đua với thần chết
Mà làm nên nhiều việc.

Rồi ông nhếch mép cười với “Chúng ta thích được khen”:

Chúng ta thích được khen
Nên những người khen ta vây quanh ta chật cứng
Đến nỗi những kẻ định chê ta
Chẳng bao giờ dám bén mảng…
Nặng nghĩa trọng tình.

Mảng ký sự chân dung văn học của ông không chỉ là nguồn tư liệu quý về đồng đội, đồng nghiệp một thời vào sinh ra tử, mà mỗi chân dung được dựng bằng cấu tứ như một truyện ngắn. Trong đó, xúc động nhất là những bài viết ông tái hiện hình ảnh những nhà văn đã ngã xuống trên chiến trường, mỗi người một tính cách, một số phận, một sự nghiệp….

Với nhà văn Dương Thị Xuân Quý (Dương Thị Minh Hương), trong bài “Người con gái gầy yếu và mạnh mẽ”, nhà thơ Thanh Quế nhìn lại: “Chị không thuộc loại những cô gái thích quẩn quanh trong bốn bức tường của cuộc sống gia đình chật hẹp, yên vui và đầy đủ tiện nghi. Chị như một con chim luôn thích phóng mình trong khoảng trời cao rộng, nhưng không phải những khoảng trời bình yên. Chị luôn tìm chỗ đứng ở nơi khó khăn gian khổ”.Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) chính là người đã khuyên Thanh Quế thi vào Khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963, rồi trở thành thầy trò của nhau khi thi sĩ quê Bến Tre dạy môn Lịch sử Văn hoá Hy - La ở khoa này. Và cũng chính từ lời khuyên và tấm gương của Ca Lê Hiến, Thanh Quế đã tiếp bước trở về miền Nam chiến đấu và sáng tác. Trong bài viết “Ca Lê Hiến tha thiết trở về quê nội”, nhà thơ Thanh Quế cho hay: “Ca Lê Hiến là một người đẹp trai, dong dỏng cao, có đôi mắt xám mơ màng và bộ tóc quăn dày rất đẹp. Anh lại lành tính, lúc nào cũng mỉm cười…”.

“Nhớ Chu Cẩm Phong trong cái rét tháng giêng”, Thanh Quế hồi tưởng: “Dạo đó, để thực hiện “mỗi ngày một nửa lon gạo”, Chu Cẩm Phong quyết định cơ quan phải phát rẫy rừng già bên kia bờ Nước Nghêu để trồng lúa. Công việc chủ yếu của phát rẫy rừng già là đốn cây to. Chu Cẩm Phong bán chiếc nhẫn mà mẹ anh gửi từ Hội An lên cho anh để mua dụng cụ sản xuất và sắm một cái rìu. Anh rất ưng ý với cái rìu mua được: nó bén và nhẹ. Anh thường ra suối vừa mài nó vừa mỉm cười: “Thế này thì cây nào không gục”.

Nhà thơ Thanh Quế cũng dành nhiều trang viết chân thực và xúc động về cá tính hơi cực đoan và tài năng của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn): “Chắc nhiều người chưa biết con người này từng bị ho ra máu vì những năm lang thang khổ cực kiếm sống và đang giấu thầy thuốc về bệnh kiết lỵ để khỏi lỡ chuyến đi, đã vất vả trên con đường hành trình dài ngày như thế nào? Phải nói là anh đi “bằng đầu”, bằng ý chí” (Nguyễn Thi - nhà văn tôi yêu mến).

Với nhà thơ Ngọc Anh, tác giả của “Bóng cây kơnia” mà một thời gian dài bài thơ này cùng nhiều bài thơ khác của chính ông chỉ đề “phỏng dịch” dân ca Tây Nguyên khi gửi ra miền Bắc đăng báo, nhà thơ Thanh Quế viết: “Ông phải “giấu tên” để đề cao thơ các dân tộc Tây Nguyên đang chống Mỹ, mặt khác cũng phù hợp với đức tính lặng lẽ khiêm tốn của ông”.

Sâu sắc nhất, gây cho người đọc nhiều ngạc nhiên nhiều nhất là khi ông viết về tác giả bài “Cuộc chia ly màu đỏ”. Nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhà thơ Thanh Quế cùng đồng hương huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Mặc dù đã thành danh khi còn ở Hà Nội với “Cuộc chia ly màu đỏ”, nhưng khi Nguyễn Mỹ về chiến trường Khu 5 lại không được tin dùng ở cơ quan văn nghệ, báo chí mà lại đưa ra đơn vị sản xuất và binh vận làm… ca dao. Nỗi lao đao lận đận đối với nhà thơ Nguyễn Mỹ không chỉ lúc sống mà còn theo ông đến lúc chết và mãi sau này nữa…

Những nỗi đau mà nhà thơ Nguyễn Mỹ và gia đình gánh chịu cũng là những góc khuất đầy bi kịch đè nặng lên nhiều số phận, nhiều gia đình do chiến tranh gây ra. Dù cho về sau những người còn sống có nhận ra sai lầm hoặc sửa chữa thì nỗi đau đớn ấy, như câu thơ Thanh Quế, đã: “Để lại một bể máu và nước mắt”!

Phan Hoàng
(vnca.cand.com.vn)