Nhà thơ Nguyễn Duy : " Thời gian đi, xám mặt đỉnh đồng "

18.03.2016

Nhà thơ Nguyễn Duy hẹn gặp tôi tại tư gia của anh ở đường Nguyễn Văn Sỹ (thành phố Hồ Chí Minh). Lâu lâu rồi không gặp nhau, dù chúng tôi cùng học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi học trước Nguyễn Duy một năm và tôi cũng rất thích thơ Nguyễn Duy ngay từ khi anh còn học đại học.
Nguyễn Duy dẫn tôi lên tầng trên cùng của ngôi nhà nhiều tầng mà theo anh nói là do làm lịch thơ mà xây được. 

Nhà thơ Nguyễn Duy :

Mảnh sân thượng của ngôi nhà trở thành vườn thơ, nơi anh trồng cây cảnh, có bàn trà đãi khách, trà ướp hoa nhài thơm, bạn thơ gặp nhau và câu chuyện cũng xoay quanh chuyện văn chương, quanh những bài thơ của anh, những bài thơ được nhiều người yêu thích, trong đó có tôi.

Tôi hỏi, có phải người bà đã có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc đời thơ của anh không? Nguyễn Duy nói đúng vậy. Anh nói bà đã dạy anh nhiều điều, mà điều quan trọng nhất là đạo lý làm người "Ở hiền gặp lành". Tôi đọc những câu thơ mà tôi đã thuộc lòng trong bài thơ của Nguyễn Duy viết về bà: "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế/ Bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan/ Bà đi gánh chè xanh Ba Trại/ Quán Cháo, Đồng Giao, thập thững những đêm hàn……/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi …".

"Bà tôi là người không biết chữ, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng bà lại thuộc rất nhiều ca dao, truyện tiếu lâm, cổ tích, bà đọc thuộc lòng những đoạn rất dài trong Truyện Kiều. Nhà thơ Nguyễn Duy kể: Bà đem ca dao, tục ngữ, thành ngữ ra dạy các con, các cháu. Tôi cò#n nhớ như in những đêm trăng, mẹ tôi trải chiếu ra bên bờ sông Mã, chúng tôi quây quần ngồi nghe bà kể chuyện. Bà kể chuyện con chim sẻ đi lạc bầy, bị chết thảm, chuyện Thạch Sanh chém trăn tinh…Nhà thơ Nguyễn Duy kể về những ngày thơ bé, những ngày "Níu váy bà đi chợ Bình Lâm…".

Ông ngoại tôi họ Đoàn, quê ở Nam Định, vào làm thợ mộc ở Thanh Hóa rồi kết hôn với bà tôi. Tên bà là Mai Thị Đào. Bà sinh được duy nhất một người con là mẹ tôi, Đoàn Thị Quang. Mẹ tôi nhuộm răng đen, váy thùng, thường nằm trên võng cói ru tôi. Mẹ tôi mất sớm do uống nhầm thuốc, hai anh em chúng tôi đều do bà nuôi nấng, dạy dỗ. Tôi thường lấy hình ảnh bà lắp vào mẹ tôi. Bà tôi sùng đạo Phật, luôn dạy con, cháu phải sống lương thiện, làm việc thiện, sống có nhân lành mới có quả tốt, luôn nhắc nhở các cháu cái đạo lý "ở hiền gặp lành"…

Bà thường gánh chè xanh đi bán, bà đi bộ 14 cây số để mua chè, chè xanh bà nấu thơm ngon nổi tiếng. Bà đi chân đất, dắt tôi đi theo ra tận đền Sòng, đền cô Bơ, đền Cây Thị …

Cha tôi làm men, nấu rượu, nổi tiếng ở phố Lèn. Ông tên là Nguyễn Duy Di, mà người ta thương gọi là "Di Men" vì men rượu ông làm nổi tiếng. Một thời, cha tôi trở nên khá giả, làm được nhà ngói năm gian, có sân gạch, có của ăn của để. Sau khi mẹ tôi mất, cha tôi lấy vợ kế, hai anh em chúng tôi ở với bà ngoại.

Khi tôi lập gia đình, có con, tôi thường kể những câu chuyện về bà, về mẹ cho các con  tôi nghe và luôn dạy con đạo lý mà bà tôi đã dạy anh em chúng tôi "Ở hiền gặp lành …".

Nhà thơ Nguyễn Duy có hai người con là Nguyễn Duy Bùi sinh năm 1973 và Nguyễn Duy Sơn sinh năm 1976. Mặc dầu ông nói mình dạy con không thành công, nhưng tôi biết chính con trai ông - Nguyễn Duy Sơn, họa sỹ đồ họa - đã cùng ông thiết kế, trình bày lịch thơ và tập thơ thiền Lý - Trần nổi tiếng.

Trầm ngâm một lúc, nhà thơ Nguyễn Duy bảo tôi: "Thế mà trong đời tôi cũng như bà tôi nhiều lần gặp chuyện chẳng lành đâu. Một lần cơ ngơi làm ăn, nhà cửa của ông bà tôi bị hỏa hoạn, cháy sạch …. Còn tôi từ cái lần bài thơ "Thơ tặng người ăn mày" (1973), tôi đọc cho sinh viên nghe ở hai trường đại học, đang đọc thì điện chập, một căn phòng bốc cháy…

Khi chữa cháy xong tôi lại leo lên bục đọc tiếp. Sau lần đó tôi bị quy cho đủ thứ tội. Cũng năm 1973 tôi làm bài thơ "Lời ru trong bão", lấy cảm hứng từ cuộc đời của mình, của gia đình mình, muốn các con cũng sống cuộc đời đạm bạc như mình, sống với đạo lý ở hiền gặp lành. Nhưng có vẻ các con tôi không thích con đường ấy, ít tiền, khổ hạnh. Vợ tôi làm việc ở Thư viện Thanh Hóa, năm 1976 chuyển vào Nam và xin về hưu. Vợ tôi phải mổ tim, mổ cột sống, nhồi máu não, phải ngồi xe lăn …".

Tôi nhớ những năm sau chiến tranh (1975) , những bài thơ của Nguyễn Duy được ngâm ngợi rất nhiều. Như bài thơ "Tre Việt Nam": "Thân gầy guộc, lá mong manh/ mà sao nên lũy, nên thành tre ơi/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu/ Có gì đâu, có gì đâu/ mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều/ Rễ siêng không ngại đất nghèo/ tre bao nhiêu rễ, bấy nhiêu cần cù …". Hay như bài "Hơi ấm ổ rơm": "Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ trong hơi ấm gấp ngàn lần chăn đệm/ của những cọng rơm xơ xác, gầy gò…".

Khi tôi hỏi Nguyễn Duy có phải người ta đã lập miếu thờ một bài thơ của anh viết về chiến tranh hay không? Nhà thơ Nguyễn Duy nói: "Phải đấy, đó là bài "Đá ơi". Anh cho biết số phận bài thơ ấy truân chuyên lắm. Bài thơ nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng, in ở Mỹ, ở Pháp… Rồi được khắc lên một phiến đá. Một nhà văn ở Thanh Hóa quê anh mang phiến đá có khắc bài thơ ấy về, lập một cái miếu trong vườn để thờ…

Nguyễn Duy vào căn phòng trên cùng của khu nhà, chất đầy sách, có lẽ đó là thư viện của anh. Anh mang ra tặng tôi cuốn sách mới xuất bản, in rất đẹp, cuốn tuyển tập thơ chữ Hán "Về Côn Sơn" của Nguyễn Trãi.

Nguyễn Duy nắn nót ghi "Thân tặng bạn thơ Dương Kỳ Anh".

Đó là tuyển tập thơ in bằng tiếng Việt và tiếng Anh do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên, chụp ảnh minh họa và dịch các bài thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi thành những bài lục bát mà tôi rất thích, như bài "Chiều Tĩnh Yên": "Chiều tà, khói nhạt, mưa thưa/ Sắc mầu như có, lại vừa như không/ Đất trời muôn thủa tươi trong/ Vì ta mà nước non lồng nên tranh".

Tài thơ lục bát của Nguyễn Duy thì nhiều người đã nói, đã viết. Tài dịch thơ chữ Hán thành thơ lục bát của anh cũng rất siêu. "…Trời xanh như nước lặng thinh/ Lạnh nghe tiếng hạc vô tình vút cao". (Nguyễn Trãi - Đề bức tranh Bá Nha đánh đàn); "…Ăn toàn rau, ngủ thiếu chăn/ Mười năm đọc sách, nghèo cằn tận xương" (Nguyễn Trãi - Gửi Bạn); "Đời như một giấc mơ hoang/ Tỉnh ra mọi sự chỉ toàn ảo thôi" (Nguyễn Trãi - Chợt hứng làm thơ). Nguyễn Duy cho rằng đang có một lỗ hổng rất lớn trong xã hội, lỗ hổng về quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, quan hệ anh em, quan hệ bạn bè không được như những gì mà mình mong muốn.

Sống ở đời, cái hay, cái dở là vô cùng. Điều quan trọng là tấm lòng. Từ chuyện lớn, chuyện nhỏ, đến tâm tính thời đại đều phải chân thực, đó là đạo lý; mà ngày nay hình như người ta không cần đạo lý! Anh sợ lỗ hổng này giống như ổ mối, nếu không chữa trị kịp thời sẽ làm hỏng thân đê - đạo lý.

Nhà thơ Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1947 tại Thanh Hóa. Năm 1966, anh nhập ngũ, là lính đường dây của Bộ Tư lệnh thông tin. Nguyễn Duy tham gia chiến dịch Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, thành cổ Quảng Trị. Sau ngày nước nhà thống nhất, anh chuyển về làm ở Báo Văn Nghệ, là trưởng đại diện của tuần báo cho tới ngày anh nghỉ hưu.

Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, từ ngày anh còn học phổ thông ở trường Lam Sơn (Thanh Hóa). Năm 1973, Nguyễn Duy đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần Báo Văn Nghệ. Nguyễn Duy còn viết tiểu thuyết, bút ký. Anh thành công nhất là ở thể thơ lục bát. Những bài thơ lục bát của Nguyễn Duy (có bài đã được đưa vào sách giáo khoa) vừa dân dã, truyền thống, lại vừa mới mẻ, hiện đại từ hình tượng thơ đến cách nghĩ, cách cảm, đến cách gieo vần và nhạc điệu trong thơ. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói về nhà thơ Nguyễn Duy: "Hình hài Nguyễn Duy như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc lên trên đám đất hoang đó".

Năm 1997, Nguyễn Duy tuyên bố "gác bút", nhưng thơ ca với anh như một duyên nợ. Nguyễn Duy bắt đầu in lịch thơ, triển lãm thơ trên tranh, tre, nứa, lá…, thậm chí trên cả bao tải.

Năm 2005, Nguyễn Duy cho ra mắt cuốn thơ Thiền trên giấy dó (30 bài thơ Ly - Trần khổ 81 x 111cm có bản tiếng Hán, dịch nghĩa thơ ra tiếng Việt và tiếng Anh với nhiều ảnh minh họa  đẹp của chính Nguyễn Duy).

Năm 2007, Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2010, Nguyễn Duy được giải thưởng lớn về thơ của Viện Hàn lâm Rumani.

Sau bao thăng trầm, thi sỹ Nguyễn Duy vẫn trước sau với hồn quê, trước sau với những triết lý thâm trầm, như câu thơ anh viết "Thời gian đi, xám mặt đỉnh đồng".

Dương Kỳ Anh 
(vnca.cand.com.vn)