Nhà điêu khắc Lê Công Thành: Cuộc đời nghệ thuật của "vị thần cai quản phái đẹp"
Tốt nghiệp khóa mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957), nhà điêu khắc Lê Công Thành nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Ông được giới trong nghề tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp” với số lượng đồ sộ các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam.
Ấn tượng với khu “vườn địa đàng”
Nhờ một người bạn, tôi đã có dịp tới thăm nhà nghệ sỹ điêu khắc Lê Công Thành, một căn hộ tập thể cũ nằm trong phố Vĩnh Hồ. Lê Công Thành đã chọn một lối sống giản dị, không khoe mẽ và dường như còn muốn cất giấu độ nổi tiếng để tự do, an nhiên trong những khối, những hình.
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Lê Công Thành muốn tôi đi thăm “vườn địa đàng” của ông, đó là một phòng trưng bày nhỏ, được ông tận dụng từ ban công của căn nhà rồi sửa sang, cơi nới cho rộng ra để bày tượng. Khu vườn tượng của Lê Công Thành tuy nhỏ nhưng lại hấp dẫn với ngay những người ngoại đạo bởi tác phẩm ông làm về phái đẹp thể hiện cái nhìn hiện đại, khỏe khoắn và hoành tráng. Có bức tượng đã được phóng tác trong thực tế, có bức thì câm lặng nằm trên giá trong nhiều năm. Có bức từng được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton mua trong chuyến thăm Việt Nam đầu những năm 2000.
Lê Công Thành từng nói: “Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước vẻ đẹp của phụ nữ. Tôi cần vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi”. Chắc vậy, nên trong sự nghiệp sáng tác, ông trung thành với mảng đề tài về phái yếu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tượng đài của ông về người phụ nữ Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều nơi trên dải đất hình chữ S.
Tượng bày kín trong khu “vườn địa đàng” của nhà điêu khắc Lê Công Thành
Trăn trở cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam
Sau tai nạn bị ngã từ độ cao 30m trong quá trình làm tượng Núi Thành (Quảng Nam), tưởng đã chạm tay vào thần chết, khi nằm trên giường bệnh, Lê Công Thành không còn sức khỏe để làm tượng đài nữa. Giờ ông chỉ chuyên tâm cho việc nặn tượng, tôn thờ vẻ đẹp của người phụ nữ từ những khối khi tròn trịa, căng mọng lúc lại được tạo tác bằng những đường lưỡi mác thanh thoát.
Và ông là nhà điêu khắc may mắn khi có được lượng lớn những người đẹp tình nguyện làm mẫu khỏa thân. Mỗi cô gái đến với ông đều nghèo, và có một hoàn cảnh riêng trong đời sống cá nhân. Người đẹp nào ông cũng trân trọng và dành nhiều vật chất, tình cảm để bù đắp cho sự cống hiến của họ với nghệ thuật. Và cũng từ đó xuất hiện những câu chuyện thêu dệt về tình cảm giữa nhà điêu khắc và người mẫu. Tuy nhiên, Lê Công Thành đều phủ nhận và bảo rằng, tất cả chỉ có tình yêu với nghệ thuật, còn những cuộc tình khác thì không.
86 tuổi, nhà điêu khắc Lê Công Thành vẫn giữ phong thái nói chuyện cầm chừng. Những câu trả lời của ông rất ngắn gọn và có thể đếm từng từ trong câu nói. Đặc biệt, Lê Công Thành chỉ tiếp khách trong một thời gian nhất định, nếu hỏi không nhanh, đến lúc ông đứng lên thì có muốn hỏi nữa, Lê Công Thành cũng một mực chối từ. Nghe có vẻ như ông “kiêu” nhưng thực ra, Lê Công Thành còn nhiều mối bận tâm khác bên cạnh nghệ thuật. Không biết có phải do rất chịu khó cập nhật cái mới mà đến nay, Lê Công Thành vẫn tiếp tục sáng tác và dòng chảy nghệ thuật dường như chưa vơi cạn trong người nghệ sỹ này.
Nổi tiếng trong giới điêu khắc và là thầy của những người thầy nhưng Lê Công Thành trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật đều xa rời các cuộc thi và ngay việc giới thiệu tác phẩm cũng không được ông chú trọng.
Tác phẩm làm ra lại được bày trong khu “vườn địa đàng” nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, tượng của Lê Công Thành vẫn bán tốt. Đời sống vật chất của ông không đến nỗi chật vật, chỉ có điều, ông vẫn luôn trăn trở cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Giá như có thêm thật nhiều các tài năng trẻ tâm huyết với nghề, với sự xuất hiện các ngôn ngữ tạo hình mới và đặc biệt là cái nhìn cởi mở, hiện đại của các nhà quản lý, Việt Nam sẽ có thêm những không gian nghệ thuật đẹp mắt tại các nơi công cộng. Và cũng biết đâu, trong số những không gian ấy, các bức tượng hoành tráng về người phụ nữ Việt Nam của Lê Công Thành lại có dịp xuất hiện trước công chúng.
Phạm Thu Hương
(anninhthudo.vn)