Nguyễn Nho Khiêm - Mênh mang nắng trên đồi.

25.02.2013

(Một vài cảm nhận  tập thơ Nắng trên đồi của Nguyễn Nho Khiêm,

Nxb Đà Nẵng 12/2011)

 Kinh nghiệm của tôi là, khi bạn bè gửi tặng một tập sách, một tập thơ, chỉ đọc thôi mà không viết một điều gì đó-dẫu là những cảm xúc thăng hoa hoặc những chán chường, thất vọng, thì cũng xem như tôi chưa khám phá, chưa hiểu biết, chưa chia sẻ gì mấy với bao điều mà nhà thơ gửi gắm.

Nguyễn Nho Khiêm - Mênh mang nắng trên đồi.

Điều ấy thường làm tôi áy náy, lo lắng, cảm giác như mình có lỗi, như mình quá vô cảm, vô tâm trước sức mạnh, cái đẹp của thơ ca. Bởi vậy, mặc dầu tôi cũng đã viết giới thiệu, cũng có  một số nhận xét có thể rất chủ quan, chưa thấu đáo, thỏa đáng và đầy đủ về hai tập thơ của nhà thơ  Nguyễn Nho Khiêm trước đây là : “ Khói tỏa về trời” ( 1994) và tập “ Bên ngoài cánh đồng” (2003); nhưng nay, khi đọc tập mới của anh : “Nắng trên đồi”, thì tôi lại cũng mong muốn đóng góp một vài nhận định, “ cào xới” một chút ít “ cánh đồng thơ” của anh, xem như một cách học hỏi vậy

 

Cảm nhận ban đầu về tập “ Nắng trên đồi” của tôi là, dường như để đánh dấu một hành trình khá dài, khá vất vả nhưng cũng nhiều ham muốn yêu thương, nặng nợ với thơ ca nên tập thơ đầy đặn hơn, nhiều bài vở, có chọn lọc, sàng lọc, có sắp xếp các khuynh hướng như một lối “chỉ đường”, hoặc một vài “ cột mốc” cho bạn đọc ? Thơ anh nhuần nhụy về ngôn từ, về giai điệu, đặc biệt tôi thích thơ tự do, anh viết hay, sinh động, tung tỏa: “ Ta sống với nhau tròn hai mươi năm/ nắng ngoài hiên nhạt dần/ mưa rơi bên ngoài mùa thương, mùa nhớ/ ngày nào cũng tíu tít/  chân đi không bén gót/ anh vừa lau nhà xong/ gió bụi lại thổi về/ hai mươi năm anh lau mãi căn nhà không sạch” . Rồi anh viết tiếp “ Trong lúc anh dắt em chạy trong giấc mơ/ mùa thu đến bên vườn cúc thả những đám mây trong nụ hoa nhu nhú/ bãi cát dưới chân núi Sơn Trà ôm đại dương đùa nắng gió/ anh biết bây giờ nắng đang nhạt dần” ( Mưa nắng).Địa chỉ câu thơ gửi đến là thời gian, ký ức đời con người ta dần bị đánh mất đi, dần bị tước đoạt bởi bao bận rộn, những vấn nạn của cuộc sống.  Hình ảnh “ không bén gót”, “ lau mãi căn nhà không sạch”, “ nắng đang nhạt dần” gợi nỗi đau đớn, xót xa. Giọng thơ nhỏ nhẹ, mong manh, đứt đoạn, tựa như khi anh viết những dòng thơ này trái tim anh run rẩy, thổn thức lắm.

 

Thơ anh bàng bạc về tình yêu, nhưng không phải thứ yêu trai gái chỏng chơ, giường nệm, cũng rất ít thứ tình yêu trọn vẹn nồng nàn, rên siết. Tình yêu trong thơ anh, dù với quê, với mẹ, cha, với em hay với con đều có một “  cái cớ nào đó”, một ám dụ nào đó về trái khoáy, gập ghềnh : “ Chiếc áo đen, mái tóc dài đen/ ẩn vào đêm/ khuôn mặt em/ dìu dịu mến thương/ soi trên trang giáo án” ( Sắc màu). Cách dùng điệp ngữ “ đen”, hình ảnh “ đen”hợp với từ “ ẩn” kín đáo, trang trọng, và cả từ “ soi” tạo ra cái đẹp của  đối tượng mà nhà thơ hướng đến, là “em” và “tình yêu”.

 

Tôi tâm đắc với quan niệm sau : “Thơ ca với muôn vàn những quan niệm khác nhau và dị biệt, luôn được cải biến hoàn thiện, phong phú cùng với thời gian tựa như cây lớn trong trời rộng chiết thêm nhiều cành nhánh. Mỗi cá thể sáng tạo đều chọn cho mình con đường riêng biệt, duy nhất của mình; nhưng trong sự riêng tư, tưởng như đơn độc ấy, anh ta đã gặp nhân loại, gặp cội nguồn những khát vọng, chạm mặt mơ ước của loài người… Đó là thế giới của những giá trị nhân văn. Do vậy, tầm vóc của thi sỹ nhiều khi không nằm ở vấn đề mà anh ta đặt ra, mà ở cách tiếp cận, cách dồn nén cảm xúc đến tột đỉnh cho một vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng hiệu quả của nó thật lớn lao và bất ngờ.” ( vẻ đẹp và quyền năng thơ ca- Mai Văn Phấn).

 

Soi rọi quan niệm trên vào thơ của Nguyễn Nho Khiêm ta bắt gặp một vài đồng cảm. Đọc những bài thơ như: “ Trước bức tranh đồng chiều”,  “ Mưa nắng”,  “ Tháng 5”, “Một trang nhật ký năm 1991”, bạn đọc dễ dàng có cảm nhận tác giả cô đơn, cô độc, có nhiều suy nghiệm nội tâm, những dằn xé, khát vọng cả những hiện thực lẫn hư không : “ Anh vào google tìm mãi không thấy bụi chuối ba hương nơi mẹ ẵm cho anh bú cùng giọt mồ hôi ròng ròng đôi cánh hoa sen; tìm không ra chùm hoa lồng đèn góc đường vắng anh đã hái tặng em khi đôi chân run và đôi môi lẩy bẩy”( Trước bức tranh đồng chiều). “ Tôi về nhà/ bật công tắc điện/ tối câm/ sờ tay tìm điếu thuốc/ trống trơn/ khép cửa/ tôi bước ra phố/ đi/ chẳng biết đi đâu” (  Một trang nhật ký năm 1991). Bài trên-một bức tranh thơ ngôn ngữ lãng mạn. Bài dtừ “ giọt lệ”: Ồ,ta tuổi năm mươi rồi ư, sống ở thành phố 20 năm mà đám mây trên cánh đồng nụ cười mẹ cứ bay về quấn quýt thịt da/ sao lồng ngực như ống sáo dưới cánh diều ngân vang trong hơi thở của em, trên hơi sương bình minh triền dâu, bãi bắp ven sông” ( Trước bức tranh đồng chiều). Và dường như tôi cũng nghe hạnh phúc của anh sau bao thác ghềnh, bi kịch : “ Người đàn ông hai tay ôm mặt/ nấc lên/ biển không còn sóng/ bầu trời thẫm đen/ gió xuân chìm trong lá” ( người đàn ông khóc) . “ Rờn rợn khu vườn màu đen sệt/ căng mắt nhìn đêm bóng tối đầy/hửng sáng, vườn xanh trưng lá mới/mắt người khôn sánh với mắt cây” ( Thơ bốn câu).

 

Tuy nhiên, tiếng nói thầm thì, thỏ thẻ, nỗi niềm ưu tư riêng tư hết sức bất ngờ, bất chợt, đôi khi đối kháng , hoặc bên kia của sự linh hiển thơ ca, của sự mạnh mẽ, phóng khoáng, của cái vô tận tri thức và tầm tư tưởng mà những nhà thơ đương đại luôn luôn hướng  đến. Và như thế ở tập “ Nắng lên đồi” của Nguyễn Nho khiêm ta rất ít bắt gặp vế thứ hai. Nhiều bài phần sau của tập dường như mang tính chủ quan, sự dễ dãi của việc sáng tạo ngôn ngữ- mà ngôn ngữ là hơi thở của thi ca, đã làm cho bạn đọc giảm đi nhiều hứng khởi.

 

Nói thế nhưng đâu phải thế, “ chẳng ai có thể nói trước được điều gì” ( Chảy cho hết một đời sông- Nguyễn Nhã Tiên); thơ ca cũng như mọi giá trị nghệ thuật khác cần thời gian sàng lọc, thời gian là tiếng nói sau cùng để chỉ ra cái đẹp. Nhưng đôi lúc tôi đã bắt gặp Nguyễn Nho Khiêm nói hộ về những lý do : “ Lẽ ra ly nước chanh chiều nay đã đến môi em từ 20 năm trước/ cơn gió đẩy ta lưu lạc, nắng mưa con đường tháng hạ ngày đông/ ly nước chanh chiều nay ngọt chua hạnh phúc/ mắt em hiện một chân trời mây trắng dáng yêu xưa” ( Dáng xưa). Và tôi hy vọng một điều này linh nghiệm trong thơ Nguyễn Nho Khiêm : “ Trong sứ mệnh chinh phục con người, thơ ca có những phép màu đặc biệt. Nó biết chọn lưa vô số những khác biệt, để tìm thấy những mẫu số chung. Nó làm cho mỗi con người tự tin cất bước trong quyền năng của cái đẹp và điều thiện”(  Vẻ đẹp thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị- Nhà Thơ Hữu Thỉnh). Thành thật chúc mừng sự lan tỏa niềm xúc động của thơ anh.

 

 

Huỳnh Minh Tâm

                                                                                                                                                          
                                                                                             GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam