Người nhạc sĩ sáng tác trên cây đàn piano... bằng giấy

25.01.2013

Hẹn mãi rồi anh cũng dành cho tôi một cuộc trò chuyện thú vị về hành trình hơn 35 năm gắn bó với âm nhạc của mình. Đến bây giờ, khi đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng, anh vẫn lặng lẽ sáng tác. “Nhạc vốn đã có linh hồn, người nhạc sĩ phải nắm được cái thần chất của ca từ, biết cách nâng bổng thành giai điệu” - anh nói thế, khi đã gắn bó với âm nhạc hơn 3 thập kỷ qua.

Người nhạc sĩ sáng tác trên cây đàn piano... bằng giấy

Nhạc sĩ Thái Nghĩa làm tôi khá bất ngờ khi kể về những kỷ niệm một thời say mê phong trào nghệ thuật quần chúng và từ đó anh đã trưởng thành. Cách anh tiếp cận với âm nhạc cũng là một điều lý thú. Năm 1969, anh là Trưởng Ban văn nghệ của phong trào “Vui ca vươn lên” và “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Nha Trang, nhờ vậy anh đã học “lỏm” nhạc từ một trường dòng.

Sau đó anh tự “sáng tạo” một cây đàn piano bằng giấy, dán lên chiếc bàn nhỏ và  học nhạc, sáng tác nhạc... bằng cây đàn giấy đó. Nhiều ca khúc đầu tiên được anh viết thành giai điệu và cứ thế, niềm say mê âm nhạc đã từng ngày ăn sâu, ngấm sâu vào dòng máu của anh. Đến bây giờ, dù đã có trong tay hơn 100 ca khúc các thể loại, anh lại muốn trở về với những buổi đầu sơ khai đó, để có được sự mê say háo hức của tuổi trẻ...

Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên trước giải phóng, đến nay anh đều đặn hoạt động trong chuyên ngành biên khảo, nghiên cứu, lý luận, phê bình và đã sáng tác hàng trăm ca khúc về các thể loại như ca khúc thiếu nhi, ca khúc quần chúng, ca khúc nghệ thuật, và ở mỗi lĩnh vực anh đều có những thành công nhất định.

Hai ca khúc viết cho thiếu nhi: Điệu lý quê em, Tiếng hát tuổi thơ của anh được đánh giá là một trong những ca khúc xuất sắc nhất trong 50 năm qua của nền âm nhạc Việt Nam. Anh kể, ca khúc này được anh sáng tác năm 1978, khi còn là phóng viên thời sự của Đài PT-TH Quảng Nam - Đà Nẵng.

Hồi đó, anh đi làm tin thời sự về chương trình “Hoa phượng đỏ”. Khi ngành văn hóa duyệt chương trình, thấy không có bài hát nào về Quảng Nam- Đà Nẵng nên Ban tổ chức đã vận động anh chị em nhạc sĩ sáng tác nhạc để bổ sung chương trình. Điệu lý quê em ra đời, được chọn. Và sau đó anh cũng được điều động về làm Trưởng Ban Văn nghệ của Đài PT-TH Quảng Nam-Đà Nẵng... Anh nói đó là nhân duyên. Cái nghiệp kết với cái duyên nên mình phải theo và gắn bó, dù biết con đường đến với thành công không dễ chút nào.

 

Tâm sự về nghề và những câu hỏi xoay quanh chất lượng các tác phẩm viết về Đà Nẵng, anh cho rằng, để có ca khúc hay, ca khúc để đời, ngoài tài năng thì người nghệ sĩ cần được khơi dòng để sáng tác. Cho đến thời điểm này, có hơn 1.000 ca khúc viết về Đà Nẵng, tuy nhiên đó cũng chỉ là kết quả, điều mong muốn lớn nhất của Hội vẫn là vươn tới hiệu quả. Những ca khúc đọng lại, để công chúng biết đến thì rất ít. Đà Nẵng cần một bài như Huế Thương (của Huế), Dáng đứng Bến Tre hay Nha Trang mùa thu lại về...

Chúng ta đã qua một quá trình trải nghiệm dài, nhưng trong cuộc kiếm tìm cảm xúc, thật khó tránh khỏi sự lai tạp của những xáo động từ bên ngoài cuộc sống. Trong khi thị trường âm nhạc lại quá sôi động, với nhiều góc độ, cạnh tranh, vì vậy kinh phí để dàn dựng, phát hành một ca khúc cho chuẩn mực là không nhỏ. Nói như vậy không có nghĩa là nặng về kinh phí nhưng khác với mọi loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc cần sự cộng hưởng từ nhiều phía mới có cơ hội ra mắt được công chúng.

Sau 35 năm Đà Nẵng mới chỉ có một đĩa DVD “Sông Hàn tình yêu của tôi”. Như chúng ta đã biết, thời gian qua, thành phố đã có rất nhiều sự quan tâm đối với với âm nhạc, đã tổ chức nhiều trại sáng tác, mời nhiều nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước về Đà Nẵng để sáng tác ca khúc về Đà Nẵng. Nhưng, theo nhìn nhận chung, chất lượng nhiều ca khúc tuy có hay, có dấu ấn, nhưng chỉ mới đáp ứng được cho một giai đoạn phát triển của Thành phố.

Hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Thái Nghĩa là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng kiêm Trưởng Ban Văn nghệ Đài PT - TH Đà Nẵng. Anh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam, Huy chương vì thế hệ trẻ, Huy chương vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình, báo chí…

Trong đó, vẫn phải kể đến một số ca khúc công chúng biết đến nhiều như: Nhịp điệu thành phố của Trần Ái Nghĩa, Đà Nẵng tình người, thơ của Ngân Vịnh, nhạc Đình Thậm; Thành phố đầu biển cuối sông thơ của Nguyễn Văn Soong, nhạc Minh Đức; Đà Nẵng thành phố tôi yêu của Thanh Anh; Chuyện tình Tiên Sa của Phan Ngọc; Cây cầu mang hình dáng Mẹ, thơ của Trần Trúc Tâm, nhạc Trần Ngọc Sanh; Đà Nẵng tuổi thơ tôi của Hoàng Dũng; Hát bả trạo chào bình yên của Thái Nghĩa... Cần phải tạo điều kiện khơi dòng cho những cảm xúc và quan tâm đến hội nhập, quảng bá. Đó cũng là ước mong của nhiều nhạc sĩ Đà Nẵng hiện nay.

Tôi hỏi anh, sống bao năm ở thành phố đầu biển cuối sông, anh đã bao lần để tâm hồn mình ngân thành giai điệu? Anh cười, nhiều lần. Không nhớ hết. Người nghệ sĩ, bao giờ cũng phải “nắm” được cảm xúc của mình và làm chủ được nó. Khi đó, mọi thứ sẽ trở nên mượt mà hơn, sâu lắng hơn. Nói rồi anh lấy đàn guitar, đàn và hát cho tôi nghe một đoạn trong ca khúc Sông Hàn trong tôi: “Thành phố thân yêu như bàn tay nhỏ, nâng niu từng người bằng tình yêu chứa chan - Đà Nẵng trong tôi mùa xuân đang tới, bến sông Hàn vẫn là bến đợi, tôi yêu sông Hàn từng ngày, tôi yêu sông Hàn, hàn gắn yêu thương…”.

Thì đúng vậy. Sông Hàn, hàn gắn yêu thương. Đó cũng là cái chất nghệ sĩ trong con người anh - người nhạc sĩ từng học và sáng tác nhạc trên cây đàn piano bằng... giấy.

Bài, ảnh: Nguyên Giao

                                                                                                                                                                                                       Nguồn: http://cadn.com.vn