Người khắc khoải đi tìm miền đất hứa cho thi ca

17.03.2015

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại thôn Hoàng Dương (làng Chùa) xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Ngoài làm thơ, ông còn viết văn, soạn kịch, viết kịch bản phim và viết tiểu luận phê bình. Nguyễn Quang Thiều đã đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Việt Nam và nước ngoài.
 Ông đã xuất bản các tập thơ: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bàgánh nước sông (1995), Những người lính của làng (1996), Thơ Nguyễn Quang Thiều (1997), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (2000), và 2 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 3 tập truyện cho thiếu nhi, và 1 tập tiểu luận. Thơ của ông đã được dịch và đăng trên nhiều tập san văn học trên thế giới.

Người khắc khoải đi tìm miền đất hứa cho thi ca

Khác với nhiều người, ngay tập thơ đầu tay Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều vừa ra đời đã nhận được Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1992. Vào thời điểm ấy, tập thơ đã gây ra những luồng dư luận trái chiều, người khen thì ít, mà kẻ chê lại nhiều. Đơn giản chỉ vì cách đây hơn 20 năm về trước, khuynh hướng thơ phi truyền thống, rất ít người thích, vì đọc khó. Thậm chí có người còn cho rằng Sự mất ngủ của lửa không phải là thơ, mà chỉ là sự mê sảng của một người mất ngủ lâu ngày được viết ra bằng một thứ ngôn ngữ giống như văn nói và được gọi là thơ. Có người còn bảo đấy là bản dịch từ tiếng Tây sang tiếng Việt. Cho đến nay vẫn còn không ít người còn e ngại, dè chừng với loại thơ này. Minh chứng là sau 20 năm, 2012, hai tập thơ Hoan ca của Đỗ Doãn Phương và Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy cũng được viết theo khuynh hướng này, đã nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, dư luận đã không tiếc lời phê phán một cách gay gắt, cho là một thứ thơ dễ dãi, gặp đâu nói đấy, vô hồn, thiếu cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Đương nhiên dần dà khuynh hướng thơ cách tân của Nguyễn Quang Thiều đã có phần đổi khác và được công chúng trong nước, nhất là các bạn trẻ từng bước chấp nhận.

Nếu chỉ xét ở góc độ thành công, có thể xem Nguyễn Quang Thiều là một trong số những người đi đầu trong đổi mới thơ Việt đương đại và sớm được khẳng định. Và trong một chừng mực nào đấy, ông cũng đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định trên thi đàn Việt. Không những thế, trong khoảng 25 năm trở lại đây, ông còn được xem như là sư phụ, người khai phá ra một khuynh hướng thơ mới cho đời sống thi ca nước nhà.

Trong một tuyên ngôn có tên Bản thông cáo, nhà thơ đã không ngần ngại công phá vào thành trì của lối thơ truyền thống hoa mỹ, mang đầy tính chất tụng ca sáo rỗng, một thứ hàng lỗi mốt, không hợp thời, nhưng vẫn cố tình tô son trát phấn bằng hình thức bên ngoài, hoặc như một loại hàng giả được bọc trong những bao bì lòe loẹt của ngôn từ:

Trong nghi lễ của ngôn ngữ                                

được trang hoàng lộng lẫy 

giống sự lòe loẹt

trong bức tranh dân gian của một nghệ sỹ mù

Theo Nguyễn Quang Thiều, con người có hàng trăm ngàn căn bệnh khác nhau, rất đáng sợ, nhưng đối với thơ ca có hai căn bệnh đáng sợ nhất là sự tha thứ và ngợi ca vô lối. Làm như vậy là con người đang tự lừa dối chính mình: 

Chúng ta giành nhau làm kẻ lưu manh

Thực tế chúng ta đều vô cùng ngờ nghệch

Chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau

Bởi chúng ta không dám kết tội

Chúng ta ngợi ca nhau

Bởi chúng ta không tìm được

Những ngôn từ để tố cáo bản thân.

...

Chúng ta rót rượu tràn chén mà không hề biết

Và cũng không hề biết

Sự lừa dối rót đầy chúng ta.

(Bức thư đề ngày 25 tháng 12)

Nguyễn Quang Thiều tuyên chiến với khuynh hướng thơ cũ, thứ thơ không bao giờ dám bắt tận tay, day tận trán cái hiện thực đời sống được làm nên bằng sự hiển hách và những chiến công của ngày hôm qua, cái mà hiện tại rất khó để cân, đong, đo, đếm được. Cũng vì thế chúng đầy rẫy những bất trắc, sự mù mờ mà ông cho rằng đấy là một thói quen tồi tệ nhấtlà dùng thời quá khứ (Giọng của H). Nó không còn lý do tồn tại ở thời hiện đại, nên buộc phải trốn vào những chiếc mặt nạ, làm chúng ta đau đớn nhất:

Và trên những ô kính mờ bụi của ngôi nhà, đôi lúc

Treo đầy những mặt nạ biết nói

Đấy là điều chúng ta đau đớn

Bởi chúng không làm thế nào để thay đổi những âm tiết

(Danh phận)

Hơn thế, đây tuồng như trong một lễ hội giả trang, nhưng chỉ khác là không giả trang bằng những cân đai, mũ áo, những cái mặt nạ với đủ loại hình hài và cũng không cần phải giấu mặt vào bóng tối, mà hiển hiện giữa thanh thiên, bạch nhật, cũng đi đứng, nói năng còn hơn cả ma quỉ, khiến người thơ càng cảm thấy hoảng sợ:

Tất cả những ngọn đèn tỏa sáng, tất cả rượu vang chảy và âm nhạc 

vang lên buổi tối này trong phòng khánh tiết

Tất cả nói cười, chúc tụng và ngợi ca nhau 

Ta đi giữa các ngươi quay cuồng và sự hoảng sợ

mỗi lúc một tăng lên 

 

Giọng nói các ngươi vang lên quanh ta, mặt các ngươi lướt quanh ta 

Các ngươi đấy nhưng ta không thể nào nhận nổi 

Hơn cả trò chơi của quỉ, các ngươi không ẩn trong bóng tối 

Các ngươi giả trang bằng chính mặt mình

(Hội giả trang)

Điều trớ trêu, thơ cũ là những thứ mà các nhà cách tân chán lên tận cổ, nhưng chẳng có cách nào vứt bỏ nó đi được. Có lúc ông cảm thấy dường như quá sức chịu đựng chẳng khác nào phải sống chung với lũ ruồi và những kẻ hợm hĩnh:

Đó là những từ vựng mệt mỏi và đổ đốn

Nhưng có một buổi trưa

Tôi phải chung sống

Như chúng ta từng chung sống với ruồi

Và những kẻ hợm hĩnh quen biết

 

Gã chống lại những con chó đái ở góc phố

Gã chống lại những đồng tiền

Gã chống lại những chính trị gia

Gã chống lại một văn bản khác văn bản gã viết

Gã chống lại khu phố gã ở và uống bia suốt trưa

Đó là những từ vựng quá tồi tệ và hèn nhát

Nhưng có một buổi trưa

Tôi phải chung sống

Như chung sống với thứ nghệ thuật thủ dâm

Trên tờ báo của gã, trên trang web của gã, trên blog của gã

 

Gã chống lại những cô gái bán dâm mà gã viết thơ tặng

Gã chống lại những người nhiều tiền mà gã bắt tay

Gã chống lại một chiếc xe hơi đi qua mà gã không sở hữu được

Nhưng gã lại không bao giờ chống được

Cái lưỡi thô tục và tham lam của gã

Đang cuống cuồng bò trong vòm miệng nhớp nháp của gã

Bộ mặt của thơ cũ mà người ta quen gọi là thơ truyền thống, trong ý nghĩa của sự đối lập với thơ cách tân, đã được Nguyễn Quang Thiều vẽ nên thật sự gớm ghiếc và đáng kinh sợ biết nhường nào. Dẫu biết rằng người ta không thể tự tay vặn ngược bánh xe lịch sử của sự phát triển thi ca, thế nhưng trớ trêu là các nhà cách tân vẫn không sao quẳng truyền thống ra ngoài cuộc chơi được, mà vẫn phải sống chung với nó, như người ta vẫn phải sống chung với nhiều thứ khác.

Các nhà cách tân, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, kể cả thơ ca, không phải là những kẻ thích đi ngược chiều, mà là những người muốn đi trước đón đầu, nên chắc chắn gặp phải sự chống trả quyết liệt của các nhà thủ cựu được choàng lên mình tấm áo hoa mỹ mang tên truyền thống. Nhưng, nếu xét ở một chiều kích khác, chính thơ truyền thống lại là một động lực mạnh mẽ tạo nên những cú hích ngoạn mục đánh thức tiềm năng sáng tạo đối với các nhà cách tân. Vậy thì hà cớ gì mà các nhà thủ cựu và các nhà cách tân lại không sống chung trong một mái nhà mang tên THI CA. Bởi về mặt bản chất, thi ca không có mới, không có cũ, không cách tân hay thủ cựu, mà chỉ có hay và không hay mà thôi. Điều này chắc chắn với một người như Nguyễn Quang Thiều sẽ hiểu hơn ai hết.

Tuy nhiên, với tư cách là một chủ thể sáng tạo thi ca, Nguyễn Quang Thiều vẫn ngày đêm khắc khoải đi tìm cho mình một miền đất hứa nào đấy, những mong ở đấy ông hoàn toàn được tự do, thỏa chí sáng tạo mà không bị bất cứ một trở lực nào./.

Viên An
(http://vanhocquenha.vn)