Ngồi xe lăn cầm cọ

24.03.2014

Đón chào mùa xuân mới Giáp Ngọ, Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm tranh của 18 họa sĩ trẻ đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật trên địa bàn thành phố. 42 bức tranh với nhiều chủ đề và phong cách sáng tác khác nhau đã trình làng để nhiều người yêu thích hội họa gần xa đến thưởng lãm. Trong số đó, có 4 bức tranh ngựa khá đặc biệt đã thu hút người xem bằng một sự xúc động dâng trào. Người thưởng lãm không những lưu tâm đến những bức tranh ngựa này bằng chất liệu hay phong cách sáng tạo, mà họ đã quan tâm đặc biệt đến câu chuyện cuộc đời của tác giả đã phi thường vượt qua mọi cảnh ngộ éo le của đời sống để làm ra những bức tranh này…

Ngồi xe lăn cầm cọ

Chàng trai trẻ cầm cọ ngồi xe lăn ấy có tên là Nguyễn Tấn Hiền – Một người bị khuyết tật rất nặng với chấn thương tủy sống cổ, liệt hai tay, hai chân. Hiền sinh năm 1979, ở vùng cao nguyên Đắk Lắk đầy bụi đỏ của đất ba zan. Tuổi thơ của Hiền lớn lên cùng với bạt ngàn cà phê, cao su với những cánh rừng xanh hút mắt trong tình yêu thương vô bờ bến của những đấng sinh thành. Năm Hiền lên 7 tuổi, cha mất. Một mình người mẹ tảo tần hôm sớm để nuôi dạy đàn con nheo nhóc đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Thương mẹ vất vả, neo đơn, Hiền đã quyết tâm thật nhiều trong con đường học vấn với những ước mơ bay bổng của một chàng trai tráng kiện chốn núi rừng.

Tốt nghiệp cấp 3, Hiền theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong môi trường quân đội, Hiền có điều kiện gần gũi bạn bè để học tập những điều hay của cuộc sống. Đó cũng là những ngày Hiền rất cố gắng trong luyện tập cả về sức khỏe lẫn kiến thức để làm bước chuẩn bị cho giấc mơ sẽ trở thành thầy giáo sau ngày xuất ngũ của mình. Ra quân, Hiền thi đỗ ngay vào Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Tây Nguyên. Những người thân, bạn bè ai cũng mừng cho ước mơ của Hiền sẽ đến ngày kết quả. Thế nhưng, trời như không chiều lòng người. Trong một ngày mưa của năm học thứ nhất, khi đang trên đường đi học về, một tai nạn kinh hoàng đã làm Hiền bị chấn thương tủy sống cổ, hai tay và hai chân của Hiền dần bị liệt không còn cử động được. Vừa đau đớn về thể xác, vừa đau đớn về tinh thần, Hiền những ngày ấy như một cái xác không hồn nằm bất động trước nỗi đớn đau đến tột cùng của người mẹ già nua. Những giọt nước mắt thương con dường như đã cạn khô trong trái tim khổ đau của người mẹ ấy. Nhìn mẹ tảo tần kham khó, Hiền thương mình thì ít mà thương mẹ lại nhiều hơn khi biết mọi hy vọng của mẹ về đứa con trai ngoan hiền chỉ trong phút chốc đã chìm trong tan biến…

Rồi cơ hội lại đến với Hiền, khi Hiền được đến điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng. Ở đó, Hiền đã được các y bác sĩ tận tình giúp đỡ, chăm sóc. Sau một thời gian được điều trị, được giúp đỡ về các liệu pháp tâm lý, được nâng cao thể chất và thực hiện tốt các bài tập chuyên khoa. Sự gần gũi và yêu thương bệnh nhân một cách tận tụy của những người thầy thuốc ở Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng đã dần dần giúp Hiền thay đổi cách nhìn, thay đổi lối sống tích cực hơn. Như chuyện thần kỳ, sau thời gian chữa trị tại Bệnh viện, Hiền đã có thể sinh hoạt độc lập được một đôi chuyện tối thiểu và đã có thể di chuyển bằng xe lăn. Những ngày ấy, các thầy thuốc cũng như người thân đã có thể yên tâm khi nhìn thấy trên môi chàng trai ấy đã hé những nụ cười. Sau này Hiền tâm sự: “Sống trong một hoàn cảnh mà xung quanh mình đều là những người bất hạnh, được các thầy thuốc yêu thương nên ai cũng tự vượt lên chính mình để chiến thắng mọi khó khăn và bệnh tật. Nhờ thế mà Hiền cảm thấy đáng sống và ngày một yêu đời hơn”.

Năm 2007, Hiền được bệnh viện bố trí ở cùng với một bệnh nhân tên Phương, đó là một bệnh nhân có cùng chấn thương và hoàn cảnh giống với Hiền. Phương đang học năm thứ 2 Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thì bị u tủy cổ dẫn đến liệt cả tứ chi. Hàng ngày, ngoài thời gian luyện tập các bài phục hồi của thầy thuốc hướng dẫn, Phương đã dùng những kiến thức về hội họa của mình để hướng dẫn, truyền dạy cho Hiền. Sau rất nhiều cố gắng và khổ luyện, từ khi Hiền học vẽ bằng cách cầm bút thụ động bằng cách duỗi cổ tay, Hiền đã vẽ được bức tranh bằng bút chì đầu tiên với chủ đề “Khắc khổ”. Những tác phẩm đầu tay của Hiền không phải là quá đẹp nhưng người xem có thể nhìn thấy từ trong đó cái sâu thẳm nội tâm của một người nghệ sĩ. Nhiều người đã xem tranh của Hiền, ai cũng khen ngợi và động viên. Có người đã rút hầu bao mua tranh của Hiền để động viên ủng hộ. Như được thổi thêm nhiều cơn gió lạ, Hiền đã miệt mài tìm tòi, học hỏi và thực hiện những tác phẩm hội họa của mình trên những lĩnh vực phức tạp hơn như tranh vải, tranh màu nước, tranh sơn dầu…       

Nhớ lại những ngày đầu học vẽ, Hiền thường rùng mình, không hiểu tại sao lúc đó lại vượt qua “cửa ải” gian truân ấy. Với người bình thường học vẽ đã khó, với Hiền khi mười ngón tay duy chỉ có một ngón cái cử động được, việc cầm bút xem như là viển vông. Hiền đã khó nhọc nghĩ ra cách dùng ngón cái đang cử động bình thường tì bút vào những ngón liệt còn lại trên bàn tay lê lết. Thế mà... cũng thành công!    

Nói về bệnh nhân Nguyễn Tấn Hiền, Bác sĩ Thân Văn Chín – Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng cho biết thêm: Hiền là người có một khả năng rất giỏi về tài thuyết phục, thông cảm và sẻ chia với người khác. Do đó, khi chọn nhân viên vào vị trí công tác xã hội của khoa Tổn thương tuỷ sống, Hiền đã được nhận ngay. Và từ đó, Hiền đã trở thành một nhân tố đặc biệt của Bệnh viện, đó là Nhân viên Xã hội. Hiền đã đóng góp tinh thần và giúp nhiều bệnh nhân vượt qua được stress về tâm lý sau khi bị tổn thương tuỷ sống. Đã có trên 100 bệnh nhân tổn thương tuỷ sống được tư vấn và đã an tâm với điều trị, hạn chế biến chứng do liệt gây ra. Đặc biệt, từ nơi Hiền, họ đã như được tiếp thêm nghị lực cuộc sống, sự tự lực trong chặng đường gian khổ dài lâu. Từ tài năng và tình yêu nghệ thuật, với nghị lực chịu khó, giọng nói dịu dàng, đã tạo cho Hiền cơ hội gắn kết bạn bè. Tình yêu của Hiền cũng đơm hoa từ đó. Nguyễn Thị Lý quê ở Phong Bình, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) là một Kỹ thuật viên phục hồi chức năng đã đem lòng yêu Hiền từ những lần giao lưu kết bạn. Chị Lý từng thổ lộ: “Từ buổi đầu gặp gỡ anh Hiền, em đã quý mến và cảm phục ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của anh ấy…”.

 

Tranh ngựa của Hiền.

Dù rất mặc cảm với số phận, nhiều lúc, Hiền như muốn lẩn tránh tất cả để Lý có một cuộc sống mới êm đềm hơn, nhưng rồi cuối cùng anh cũng bị tình yêu của chị chinh phục. Đến năm 2010, sau một thời gian dài phải vượt qua rất nhiều rào cản ngăn cách của gia đình. Hiền và Lý quyết định đi đến hôn nhân. Đám cưới của Hiền và Lý cũng thật đặc biệt. Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho họ trong niềm vui mừng hạnh phúc khôn xiết của bạn bè, người thân nội ngoại đôi bên.

Có được một người vợ hiền, hết mực chịu thương chịu khó bên cạnh, Hiền ngày một quyết tâm hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Được đắm mình trong hạnh phúc lứa đôi, nhiều bức tranh mang hơi thở của cuộc sống, tình yêu đã được Hiền thể hiện một cách sâu lắng như các bức: Hắn của ngày hôm qua, Cha và con, Hạnh phúc đơn sơ 1, Hạnh phúc đơn sơ 2, Niềm hạnh phúc của nàng, Suy ngẫm... mà Hiền đã mang từ Đà Nẵng ra Huế để tham dự triển lãm “Khát vọng” của các họa sĩ khuyết tật do Tạp chí Sông Hương tổ chức.     

Đến nay, tranh của Hiền đã được tham dự nhiều triển lãm với những nhà cầm cọ tài năng. Nhiều người mua tranh của Hiền nói rằng họ nhìn thấy được trong từng bức tranh ấy có một trang đời đầy nghị lực thể hiện trên từng nét vẽ. Tranh Hiền cũng đã “xuất ngoại” không ít vì đã chinh phục được những chuyên gia, tổ chức nước ngoài đến làm việc tại Đà Nẵng tìm đến thưởng lãm và mua về làm kỷ niệm. Nhờ vậy, cuộc sống của Hiền cũng đỡ khó khăn hơn về mặt kinh tế...                

Phát biểu trước báo giới và đông đảo người đến xem tranh trong triển lãm mừng xuân Giáp Ngọ. Hoạ sỹ Vũ Dương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng) - cho biết, tranh của Hiền rất có triển vọng. Đó là những bức tranh đẹp nhất, không chỉ riêng với triển lãm tranh Giáp Ngọ - Đà Nẵng 2014.    

 

Tranh ngựa của Hiền tại triển lãm Giáp Ngọ.

Hạnh phúc tột cùng đã đến với vợ chồng Hiền khi Lý mang thai và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Hiền đã đặt tên cho con mình là bé Nguyễn Tấn Hy Hữu, vì Hiền cho rằng anh có được hạnh phúc của ngày hôm nay là một sự hy hữu vô cùng của số phận. Hiền bảo, dẫu rằng cuộc sống của vợ chồng Hiền còn đó những khó khăn nhưng đổi lại trong căn phòng hạnh phúc của vợ chồng Hiền lúc nào cũng tràn ngập nụ cười con trẻ. Hạnh phúc và tình yêu sẽ chắp cánh cho Hiền và Lý vỗ cánh bay xa và họ sẽ kề vai nhau để kể tiếp câu chuyện cổ tích giữa đời thường như một thông điệp thấm đẫm tình yêu thương gửi đến với mọi người trong cuộc sống…


  Phan Bùi Bảo Thy