Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: “Triệu đóa hồng” cho tuổi 70
Có thể nói nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là gương mặt điện ảnh hiếm hoi còn sót lại từ lớp diễn viên khóa 1 (1959-1963) cho đến nay. Có dịp gặp anh cùng tham gia trại sáng tác ở Tam Đảo (3/2014), tôi mới hay ngoài tham gia đóng phim, anh còn là một tác giả kịch bản khá quen thuộc. Anh kể, hồi năm 1968 vở kịch Nắng soi dòng suối Păng Pơi của anh, do đoàn kịch Công an vũ trang dàn dựng, đoạt HCB của hội diễn, đã được điều lên Tam Đảo biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc. Sau đó, anh còn được Bộ Tư lệnh Công an vũ trang tặng thưởng, một chiếc đồng hồ đeo tay và bảy mươi đồng. Biết bao ký ức tràn về trong tâm trí anh, khi vừa bước chân lên đỉnh núi mù sương này.
Một gương mặt rất “Xi-nê-ma”
Nhiều người nhận xét nghệ sĩ Mai Ngọc Căn có một gương mặt rất góc cạnh và ăn ảnh. Một khuôn hình không lẫn vào ai khi đứng trước ống kính. Nhiều vai của anh khá dị vì gương mặt có chất tạo hình cho nhân vật. Thêm nữa với khả năng diễn xuất hết sức chuyện nghiệp, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn càng lợi thế với dung nhan có sức hút của mình. Đó là một gương mặt đậm chất điện ảnh, rất “Xi-nê-ma” như người ta thường nói.
Tôi đoan chắc vì gương mặt ấy mà trước đây, ông thầy A-Giu-đa A-bra-ghi-môp, một chuyên gia người Nga đã chọn anh vào lớp học diễn viên điện ảnh, khóa 1, năm 1959. Khi ấy anh mới 19 tuổi. Nói vậy, bởi lúc đó anh chỉ là một công nhân mỏ ở Quảng Ninh, trốn nhà đi Hà Nội dự thi. Anh chỉ có ước mơ trở thành diễn viên đóng phim, nhưng không hề có một chút ít kiến thức nào về nghệ thuật. Ngay tiểu phẩm dự thi họ cũng bày ra một hoàn cảnh, bạn anh một công nhân bị chết vì tai nạn lao động, nghe tin vậy anh thử diễn xem sao. Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn nhớ lại, lúc đó mình không hề biết diễn, mà chỉ tưởng tượng ra hoàn cảnh của bạn mình, rồi ứa nước mắt vì thương cảm. Tiếng khóc nghẹn đắng trong lòng toát ra từ đôi mắt làm xúc động lòng người. Đôi gò má rung lên như nén nỗi đau lặn vào trong một cách chân thực. Và thế là gương mặt góc cạnh của Mai Ngọc Căn đã đưa anh đến thế giới điện ảnh, như một tiền duyên từ kiếp trước.
Trong thời gian đi học, Mai Ngọc Căn đã được mời đóng các bộ phim nhựa đầu tiên ở nước ta như: “Chung một dòng sông”, “Kim Đồng”, “Vợ chồng A Phủ” và “Một ngày đầu thu”. Nhớ lại quãng đời học trò này, anh khó có thể quên kỷ niệm ngày mình được gặp Bác Hồ. Những bài học về ngôn ngữ mà Bác đã dậy, người Việt phải dùng tiếng Việt như thế nào. Nghệ sĩ càng phải là người thể hiện chân thực hình tượng nhân vật với ngôn ngữ dung dị và dễ hiểu. Có điều đó điện ảnh mới truyền cảm và thu hút người xem. Các nghệ sĩ cùng trang lứa với anh ngày đó như Lâm Tới, Trà Giang, Minh Đức, Thúy Vinh, Ngọc Lan, Tự Huy… đều trưởng thành từ bài học đầu tiên.
Cũng dịp này, các nghệ sĩ còn được Bác thưởng quà, mỗi người một điếu thuốc lá. Riêng nghệ sĩ trẻ Mai Ngọc Căn đã cất giữ điếu thuốc để làm kỷ niệm. Trong hàng chục năm sau, anh mang theo điếu thuốc và ghi nhớ bài học đầu tiên mà Bác đã dậy trong suốt quãng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Từ những chuyến đi biểu diễn hay đi học lớp đạo diễn điện ảnh ở Nga sau này, Mai Ngọc Căn luôn nhớ đến tiêu chí nghệ thuật cơ bản mà Bác Hồ là người thày đã dậy anh. Hàng chục phim anh đã tham gia và hàng chục kịch bản anh viết, bao giờ hình tượng nghệ thuật của anh cũng gửi đến hàng triệu khán giả những thông điệp về tình yêu cuộc sống với sự biểu hiện chân thực nhất.
Gương mặt anh thật khó quên và gây ấn tượng với những người xung quanh. Mấy họa sĩ cùng tham gia trại sáng tác lần này cũng đều bị gương mặt có chất “Xi-nê-ma” của anh quyến rũ. Họ thay nhau theo anh để chụp ảnh và ghi nhận nét tạo hình để biết đâu, nay mai sẽ có những chân dung nghệ thuật trên toan cho một chuyến đi. Còn tôi, lại tâm sự với anh đến nửa đêm và để nghe anh hát một khúc ca Nga nổi tiếng một thời ở Việt Nam: “Chiều Mat-xcơ-va”. Giọng anh ấm, và đẹp như những vai diễn của anh, cứ lấp lánh với thời gian.
Những kỷ lục khó quên
Có lẽ trước hết phải kể đến kỷ lục hết sức hài hước, đó là chuyện nghệ sĩ Mai Ngọc Căn được đóng vai người bị chết nhiều nhất, và “được” đưa ảnh lên bàn thờ, 6 lần; và ra mộ, 3 lần. Trong phim “Mùa khế”, anh đóng vai chính cuối cùng cũng bị chết. Chân dung anh lại thêm một lần ngự trên bàn thờ. Khi tôi hỏi, anh nghĩ thế nào về vận đen này; thì anh hóm hỉnh nói, đó là sự bất tử chứ không phải cô hồn, nghệ thuật mà. Tôi cũng nghĩ biết đâu đó là điềm báo anh sẽ rất thọ. Bởi hiện nay, ở tuổi 74 mà anh luôn luôn rong ruổi dặm trường với các đoàn làm phim. Lịch làm việc của anh dày đặc. Mới đầu năm nay, anh đã lên tỉnh Điên Biên Phủ để đóng vai ông già bản trong phim “Đường lên Điện Biên”, rồi lại quay về Hà Nội để tham gia phim “Tình yêu màu nắng”… Trong mấy tháng trời anh đóng liền bốn phim, tính ra đường hành quân của anh tới ngàn cây số có lẻ. Ít có nghệ sĩ lớn tuổi như anh có sức khỏe đến vậy.
Bên cạnh đó là con số 90 phim mà anh tham gia cũng đáng kể là một kỷ lục đáng nể, mà ít ai sánh bằng. Mỗi phim có một đời sống nhân vật mà anh hóa thân, đã sống hết mình, và bao giờ cũng để lại một dáng dấp lưu dấu trong lòng người xem. Nếu kể từ vai đầu tiên, trong phim “Trên vĩ tuyến 17”, năm 1960; đến vai thứ 90 của phim “Ngoại tình”, năm 2014, thì sự nghiệp điện ảnh của anh đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Và điều đặc biệt, giờ đây nhắc đến phim nào anh đều nhớ rất cụ thể từng nhân vật của mình, bởi anh có thói quen ghi nhật ký điện ảnh của mình. Chính vì lẽ đó mà mỗi nhân vật của anh là một mầu riêng, không trùng nhau tạo nét mới cho mỗi lần đứng trước máy quay. Xem cuốn sổ ghi chép của anh mới hay sức lao động của một nghệ sĩ thật đáng nể phục. Đó là sự cháy hết mình, cho dù chỉ xuất hiện trong một đoạn phim ngắn, nhưng phải là số phận, hay mảnh đời có ý nghĩa.
Thêm nữa, nói đến Mai Ngọc Căn là người ta kể lại những chuyện anh đi dậy học, làm đạo diễn sân khấu và tác giả của những vở diễn. Nhưng có lẽ kỷ lục về giảng dậy của anh thật sự được nhiều người ghi nhận. Thời gian anh dậy học ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, từ năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Nga về, đã ghi dấu ấn đáng kể. Anh là Trưởng khoa Diễn viên nên được mời đi giảng dậy nhiều nơi. Anh cũng nổi tiếng là cần mẫn và đam mê với nghề “bán cháo phổi”. Từ trường Sân Khấu TP.HCM, hay trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, hoặc trường Xiếc Việt Nam… Thày giáo Mai Ngọc Căn luôn luôn nhận lời mà không nề hà khó khăn, hay xa xôi trở ngại. Thậm chí anh còn sang Lào để đào tạo lớp diễn viên mà không đòi hỏi điều kiện gì cao sang của một chuyên gia. Sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, anh được điều về Cục Nghệ thuật Biểu diễn, lại càng có nhiều dịp đi giảng dậy ở nhiều địa phương.
Không ít nghệ sĩ nổi tiếng hay những đạo diễn giỏi nghề đều có một thời cắp sách học anh về nghệ thuật biểu diễn. Không ở trường, thì ở các lớp ngắn hạn, hay ngay tại các đoàn kịch, qua mỗi vở diễn mà anh dàn dựng. Có những cái tên được nhắc đến là không thể quên công ơn của anh như: Thạc Chuyên, Chiều Xuân… kể cả những đạo diễn lừng danh như Khải Hưng, Nguyễn Hữu Phần cũng đã từng ngồi nghe anh truyển đạt trên lớp học. Khi anh đi đóng phim, có đạo diễn vẫn gọi anh là thày. Chính vì thế mà có lẽ anh là một thạc sĩ nghệ thuật duy nhất đi đóng phim. Thày đi đóng phim của học trò, điều này không dễ mấy ai gạt bỏ được cái “Sĩ” như anh, để dấn thân vào phim trường.
Nút kết của bản tình ca
Khi tâm sự về người vợ thân yêu của mình, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn nở một nụ cười mãn nguyện, nhưng vẫn còn đó những ký ức chẳng thể nào quên. Ngày ấy của năm 1967, máy bay giặc Mỹ ném bom liên tục thủ đô Hà Nội, khách đến dự đám cưới đã phải cùng cô dâu chú rể chạy xuống hầm trú ẩn tới 4 lần. Cô dâu là nghệ sĩ biên đạo múa Tống Thị Thanh Sơn, người đã dàn dựng vở kịch múa “Xô Viết Nghệ Tĩnh” nổi tiếng một thời.
Cả hai cùng là nghệ sĩ quân đội, thường theo đoàn đi biểu diễn xa, nên tính thời gian vợ chồng được ở với nhau, chỉ được hai đến ba tháng trong một năm. Đến nay cả hai đều về hưu, nhưng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn còn bận hơn trước, với những hợp đồng vai diễn cho cả năm. Lại những ngày xa cách và vẫn còn đó nỗi nhớ mong như thuở ban đầu. Tính ra đã gần nửa thế kỷ hạnh phúc, đầu đã bạc, răng đã long, nhưng mỗi lần xa vợ, người nghệ sĩ vẫn bùi ngùi nhớ nhung. Đôi lúc buồn anh nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy cứ phảng phất đâu đây “Đời trôi như nước xuôi dòng/ Người qua nhạt gió trống không cả chiều”. Nhưng rồi nhớ đến vòng tay vỗ về an ủi của người vợ thân yêu, đang đời chờ bên cánh cửa, anh lại hát một bài ca nước Nga: “Triệu đóa hoa hồng”. Đó là một bản tình ca say đắm lòng người. Tôi bất ngờ hòa giọng cùng anh: “Dưới ánh nắng sương long lanh. Triệu cành hồng khoe sắc thắm… Ai đang yêu, ai đang yêu, yêu say mê, tình trong sáng. Sẽ mãi mãi trao cho em suốt cuộc đời…”
Vương Tâm
(Trích tập “Nước mắt thời gian”)