Muối mặn gừng cay cùng Thanh Quế

17.01.2013

Cầm tập 72 bài thơ chọn của nhà thơ Thanh Quế, tôi không có ý định đọc hết từ trang đầu đến trang cuối, mà chỉ đọc dần dần. Vậy mà…

Muối mặn gừng cay cùng Thanh Quế

 

Có gì đó đã níu tôi lại, không dứt ra được. Thế là đọc thêm vài bài nữa, bài nào cũng có nét riêng. Vậy là tôi đọc một mạch, từ thơ chống Mỹ đến thơ suy nghiệm đời thường đều phác họa chân dung một nhà thơ nhân hậu, cả nghĩ. Những điều có thể lướt qua với người khác thì lại đọng lại nơi ông với những câu thơ nhói sâu:

 

“Tôi cùng với bè bạn/ Ngồi uống bia, vui tràn/ Bỗng người ăn xin đến: “Lạy ông, cho vài ngàn”/ Nhìn dáng người khỏe mạnh/ Như gặp ở đâu rồi/ Cả lời than van ấy/ Cũng đã từng quen tai:“Cháu đi đường rủi quá/ Bị trộm lấy hết rồi”/ Cái người ăn xin giả/ Xin mời cô đi thôi…/ Người ăn xin đã xa/ Lại vui cùng bè bạn/ Bỗng thấy buồn vô hạn/ Có gì nhói ở tim…/ Thì người ăn xin giả/ Cũng là người ăn xin” (Người ăn xin - 2003)

 

Quả thật, người ăn xin giả là một dạng lừa đảo, đáng lên án, nhưng ngẫm lại họ đã “muối mặt” làm cái việc xấu hổ đó cũng làm cho chúng ta xót xa lắm chứ! Khó thông cảm nhưng cũng khó lòng dửng dưng.

Tôi tâm đắc nhận xét này của nhà thơ Nguyễn Minh Khôi: “Thanh Quế làm thơ như người ta trò chuyện. Anh sử dụng thành thục - có thể nói là điêu luyện - nghệ thuật đưa ngôn ngữ nói vào trang thơ, làm cho thơ mang cái dáng vẻ tâm tình, rất dễ được đồng cảm, chia sẻ. Đọc thơ anh, có cảm giác những câu thơ tự nó sinh thành, chảy ra rồi tràn lên mặt giấy, ngấm vào lòng người đọc mà không cần phải có một sự cố sức nào cả”.

 

Thật vậy, những ai đọc thơ Thanh Quế mà đòi hỏi vần điệu du dương thì sẽ thất vọng. Thơ ông rất mộc, nhưng không phải cái “mộc” của một ca sĩ không trang điểm mà bước lên sân khấu. Chất mộc của thơ ông là hoa nở tự nhiên của đất trời, đẹp mà không có dấu ấn của kỹ thuật:

 

“Tôi nói dối vợ tôi:/“Hôm nay anh không hút thuốc”/ Vợ tôi vui mừng:/ “Chứng ho của anh sẽ bớt”/ Tôi nói dối vợ tôi:/ “Hôm nay anh không uống rượu”/ Vợ tôi tin ngay:/ “Anh sẽ giảm đau dạ dày”/ Tôi nói dối vợ tôi/ Tôi nói dối vợ tôi…/ Đôi lúc giật mình tự hỏi:/ Sao những người thành thật như vợ tôi/ Lại hay tin những lời nói dối” (Lời nói dối - 1988)

 

Thơ Thanh Quế thường đắc địa ở những câu cuối, làm ta giật mình, suy nghĩ và… thấm thía! Tuy vậy, cũng có những bài lại đau đáu người đọc từ những dòng… chưa phải cuối:

 

“Ba ra đi mãi mãi/ Mình má ngôi nhà hoang/ Quay vào gặp bàn thờ/ Quay ra gặp nhang khói (…) Con về chỉ vài bữa/ Rồi biền biệt cách xa/ Má một mình thăm thẳm/ Đêm ngày hình bóng ba/ Ngôi nhà hoang đơn độc/ Dáng má bước liêu xiêu/ Hoàng hôn trắng tóc bạc/ Ruột con đau chín chiều…” (Mình má ngôi nhà hoang -1994)

 

Hay là:

 

“Em là em gái út/ “Giàu con út, khó con út”/ Nhà ta nghèo/ Em giành phần khó/ Các anh chị/ Các cháu/ Ở xa/ Mỗi khi về nhà/ Em lo từng bữa ăn, giấc ngủ/ Lúc nào/ Em cũng mặc manh áo cũ/ Ngồi vào mâm sau cùng/ Vét nồi ăn cơm cháy…” (Em út - hè 2004)

 

Vẽ chân dung những người quanh ông như thế, rồi ông lại tự vẽ mình:

 

“Tôi ít được dạo chơi/ Ít ngồi tán gẫu, uống cà phê/ Ít gặp bạn bè bàn văn chương, thời thế/ Mù tịt trước những tin giá cả, chức tước/ Dốc cuộc đời người tụt xuống/ Kẻ leo lên/ Tính nóng nảy, thường hay va chạm/ Kẻ ghét tôi khép tội dễ dàng/ Tôi ít bạn thân/ Nhưng người nào thân còn hơn máu mủ/ Họ giúp tôi nhiều hơn tôi giúp họ (…)/ Không dám nghĩ tác phẩm của mình sống lâu với thời gian/ Không tin kẻ tâng bốc mình/ Không tự ái trước những lời chê trách/ Những gì của đời tôi, tôi trải lòng ra hết/ Chỉ có vậy thôi, chỉ vậy, thật tình.” (Giãi bày - 1987)

 

Không phải là tất cả, nhưng qua đó người đọc cũng hiểu được phần nào tính cách của nhà thơ, và người đồng cảm dễ dàng quý trọng ông và yêu mến những gì ông viết. Ông trải ruột gan cùng quê hương đất nước bằng những câu thơ giản dị chân tình:

 

“Nơi anh cùng bạn bè thuở nhỏ/ đá bóng bện rơm khô/ ít đi học/ lêu lổng chơi trò đánh giặc/ bên bàu ngòi rủ nhau trưa tắm mát/ chẳng ai dạy câu buồn vẫn ngồi hát nghêu ngao (…)/ Đến bây giờ tuổi đã bốn mươi hơn/ ngồi ngẫm lại những bài thơ anh viết/ bao vùng đất, bao con người, bao cảnh đẹp/ làng quê anh sao chưa có câu nào/ cái làng nghèo suốt một đời trung thực/ dăm gốc bàng/ nhiều đụn cát/ gió xô…” (Làng Phú Thạnh -1985)

 

Hoặc:

 

“…Sao khi xa, tôi ngỡ không sống nổi/ quê hương/ tôi vội vã trở về/ để thấy/ năm ba con đường nhựa vắng hiu/ những quầy hàng thưa thớt/ như thể dưới lùm cây còn chôn núm ruột/ như thể bên lề đường người yêu còn chờ/ như thể không có Tuy Hòa/ tôi không còn là tôi nữa” (Tuy Hòa -1986)

 

Bìa sách 72 bài thơ chọn của Thanh Quế.

Không chỉ với quê mình, có những nơi thoáng qua cũng để lại nơi ông những câu thơ bất chợt, nhưng vào lòng ta lại không “thoáng qua” chút nào:

 

“Suốt một đời luôn luôn tất tả/ Tôi chưa hề dừng lại nơi đây/ Có gì thật lạ lùng xui khiến/ Nơi muốn dừng chân chẳng dừng được bao giờ… Thành phố vụt hiện ra/ thành phố vụt khuất đi chốc lát/ Chẳng kịp hẹn hò chẳng kịp chia tay.” (Phan Thiết -1984)

 

“Chẳng kịp hẹn hò chẳng kịp chia tay”, nhưng lại đọng vào thơ một khung trời mở ngỏ…

 

Sinh năm 1945, sắp vào ngưỡng “xưa nay hiếm”, có lẽ ám ảnh nhiều về lẽ sinh tử vô thường nên nhà thơ thường băn khoăn nghĩ về cái chết, nhưng đề tài này cũng được tiếp nối từ khi ông còn khá… trẻ:

 

“Hai con còn nhỏ quá/ Mà ba ốm đau luôn/ Mỗi lần nhìn con giỡn/ Ba chạnh nỗi lo buồn/ Thường những lúc đùa vui/ Ba chơi trò giả chết/ Hai con khóc ầm lên/ Níu tóc ba la hét/ Nếu một ngày nào đó/ Thần chết rước ba luôn/ Hai con còn bé quá/ Thì thế nào, hai con?” (Nói với hai con - 1988)

 

Câu hỏi cuối bài nghe…nhẹ hều, hình như nhà thơ muốn nói gì đó nữa, nhưng ông đành “lảng tránh” mà hỏi một câu ai cũng biết đáp số, bởi ông không muốn chạm vào một tầng mức sâu hơn của nỗi đau dù chỉ là giả định. Chính vì vậy, câu hỏi “nhẹ” mà lại nặng vô cùng, vì nó đã gánh những điều nhà thơ không muốn nói. Những điều này được nhà thơ trở đi trở lại nhiều lần:

 

“Tôi hay suy nghĩ vẩn vơ/ Lỡ lúc mình đang làm việc/ Trái tim ngừng đập bất ngờ/ Bao nhiêu điều dang dở hết” (Ngày ngắn - 1987)

 

Và:

 

“Vào một ngày nào đó ở một nơi nào đó/ Tôi gặp một tấm bia mộ/ Ghi tên Thanh Quế/ Đây có thể là người chết trùng tên/ Cũng có thể ai xí phần giùm tôi mộ gió/ Tôi cũng không rõ (…)/ Những ai qua đây/ Xin cùng tôi thắp một nén nhang bên bia mộ/ Một giây tưởng nhớ/ Về một con người là Thanh Quế nằm kia” (Bia mộ - 2009)

 

Những câu này có thể nói với rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khi mà “đỉnh cao phong độ” của họ đã bị tụt dốc, cũng có thể là những câu ông tự nói với chính mình.

 

Nhà thơ nghĩ về cái chết không phải để bi quan yếm thế, mà để sống tốt hơn với cuộc đời này:

 

“Đôi khi chúng ta than vãn giữa chợ đời/ Người gì mà lấn chen dữ thế/ Kiếm một việc làm thật không phải dễ/ Nhưng tôi biết có lúc rồi cô độc/ Chịu nỗi đau trên giường bệnh một mình/ Ta ao ước đến khi nào mạnh khỏe/ Cùng mọi người trong rạp hát lấn chen.” (Đôi khi chúng ta)

 

Tôi thấy thơ ông đọc để gẫm, để suy, để rút ra một điều gì tâm đắc mà sống cho phải đạo làm người. Nhà thơ Ngô Thế Oanh đã nói rõ điều này:

 

“Cùng với thời gian, thơ Thanh Quế càng về sau càng đạt đến sự cô đọng thấm lòng của một sự chiêm nghiệm sâu sắc. Những bài thơ anh viết về những đời thường quanh anh, về gia đình anh, về tuổi thơ anh… Tất cả đều mang cái đẹp của sự lắng lại và chiều rộng không chỉ giới hạn trong câu chữ”.

 

Khép lại tập thơ được ông “chưng cất” gần suốt cuộc đời, tôi vẫn còn cảm nhận vị cay của gừng già và vị muối của thời gian…

----------

* Đọc tập “72 bài thơ chọn” của nhà thơ Thanh Quế, NXB Hội Nhà văn 2012

 

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn: baophuyen.com.vn