Một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng tổ chức Hội ở địa phương

14.06.2022
Bùi Văn Tiếng
Hội nghị Ủy ban toàn quốc mở rộng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X vừa được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 11-12/6/2022. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận tập trung chủ đề "Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Thực trạng, giải pháp và nhiệm vụ trong thời kỳ mới". Vannghedanang trân trọng giời thiệu đến bạn đọc tham luận "Một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng tổ chức hội ở địa phương" của NNC Bùi Văn Tiếng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng.

Một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng tổ chức Hội ở địa phương

NNC Bùi Văn Tiếng phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Theo nhận thức của tôi, Hội nghị Đà Nẵng lần này của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có một ý nghĩa lịch sử: Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Điều lệ 2022) theo Quyết định số 584/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2022. Và cũng chính vì vậy, với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa X, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tôi xin tham luận về một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng tổ chức Hội ở địa phương.

Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 8 Điều lệ 2022 đã xác định “các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các Hội Văn học nghệ thuật địa phương)” là “các tổ chức thành viên chính thức” của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Thực ra, hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở từng địa phương không chỉ thể hiện qua hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tại địa phương ấy mà còn thể hiện qua hoạt động mang tầm quốc gia của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc theo quy định của Khoản 10 Điều 6 Điều lệ 2022: “Tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương và các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh về tình hình phong trào, công tác chỉ đạo, tổ chức, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, nhằm phát triển văn hóa-văn nghệ đối với địa phương, phương hướng phát triển” và thường xuyên hơn là thể hiện qua hoạt động của các chi hội địa phương trực thuộc các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Khoản 4 Điều 10 Điều lệ 2022 nêu một trong những nghĩa vụ của các tổ chức thành viên chính thức bao gồm các Hội Văn học nghệ thuật địa phương và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương là phải “phối hợp với các tổ chức thành viên trong các hoạt động văn học nghệ thuật thuộc phạm vi trách nhiệm hoặc trên địa bàn mình phụ trách”. Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả quy định vừa nêu, tôi xin giới thiệu kinh nghiệm bước đầu của Đà Nẵng về vấn đề này. Trước hết chúng tôi xem số lượng hội viên chi hội địa phương trực thuộc các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương là chỉ dấu đánh giá chất lượng của từng hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố, xem việc một hội viên hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố được các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương kết nạp vào Hội là niềm tự hào chung của cả giới văn nghệ sĩ thành phố - càng có nhiều hội viên “hai trong một” như vậy càng thêm tự hào.

Thứ nữa là động thái về công tác cán bộ - chúng tôi quan niệm quá trình “phối hợp với các tổ chức thành viên trong các hoạt động văn học nghệ thuật thuộc phạm vi trách nhiệm hoặc trên địa bàn mình phụ trách” nêu tại Khoản 4 Điều 10 Điều lệ 2022 sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu đạt được nhất nguyên chế giữa hai chức danh Chủ tịch Hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Chi hội trưởng chi hội địa phương trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương - chí ít là đạt được nhất nguyên chế giữa hai chức danh Phó Chủ tịch Hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Chi hội trưởng chi hội địa phương trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Cuối cùng là câu chuyện hỗ trợ kinh phí địa phương cho các hoạt động văn học nghệ thuật được tổ chức theo kế hoạch của từng chi hội địa phương trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Đương nhiên về lý thuyết thì nguồn tài lực phục vụ các hoạt động văn học nghệ thuật được tổ chức theo kế hoạch của từng chi hội địa phương trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương sẽ do chính các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương phân bổ/cấp phát. Tuy nhiên trên thực tế nguồn tài lực này rất hạn chế, do vậy chúng tôi thường theo hướng kết hợp “hai trong một” các hoạt động văn học nghệ thuật được tổ chức theo kế hoạch của từng chi hội địa phương trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương để có thể hỗ trợ thêm một phần kinh phí địa phương cho các hoạt động này - nhất là đối với các hoạt động diễn ra ngay tại địa phương, trực tiếp phục vụ cho công chúng văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố.

*

Tôi vinh dự được tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa IX và khóa X, được Thường trực Đoàn Chủ tịch phân công theo dõi các Hội các Hội Văn học nghệ thuật địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm tám tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Gần đây, theo nghị quyết của Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận được chuyển từ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ về sinh hoạt với khu vực Đông Nam Bộ do Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đặng Thị Phượng - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh phụ trách. Cuộc chia tay này nhằm tạo điều kiện để các đồng nghiệp Bình Thuận thuận lợi hơn về mặt cự ly địa lý khi tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật ở khu vực, và nhân đây tôi đề nghị Thường trực Đoàn Chủ tịch sớm có văn bản gửi Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng như các Hội Văn học nghệ thuật thuộc khu vực Đông Nam Bộ cùng biết.

Tại Khoản 3 Điều 15 Điều lệ 2022 có quy định: “Nếu trong nhiệm kỳ vì lý do nào đó thiếu Phó Chủ tịch thì Đoàn Chủ tịch hiệp thương cử bổ sung Phó Chủ tịch trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch theo quy định tại Điều 14 Điều lệ này và thông báo cho toàn thể tổ chức thành viên biết”. Cục bộ địa phương trong công tác cán bộ là điều không nên, nhưng trong chuyện này tôi xin phép được cục bộ địa phương một chút rằng Thường trực Đoàn Chủ tịch nên báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm “hiệp thương cử bổ sung Phó Chủ tịch trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch” ở  khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên - ưu tiên chọn người còn đủ tuổi để có thể tham gia nhiều nhiệm kỳ và là nữ giới càng tốt bởi trong Thường trực Đoàn Chủ tịch hiên nay chưa có Phó Chủ tịch là nữ.

*

Tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với Chủ tịch Liên hiệp Hội/Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh/ thành phố tham gia Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022 vừa tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk hồi trung tuần tháng 5, có ý kiến cho rằng Ủy ban Toàn quốc nên thảo luận để đi đến thống nhất một mô hình tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo tôi có lẽ vào thời điểm này chưa nên vội bàn về chuyện thống nhất tên gọi của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các Hội Văn học nghệ thuật địa phương). Kể ra thống nhất được cũng tốt, bởi ngay trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ chúng tôi hiện nay, Đà Nẵng thì gọi là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Ninh Thuận lại gọi là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, còn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đều gọi là Hội Văn học nghệ thuật. Tuy nhiên tên gọi tùy thuộc chủ yếu vào yếu tố số lượng hội viên của từng chuyên ngành trực thuộc, do vậy cũng khó lòng thống nhất tên gọi trong một sớm một chiều - ngay Điều lệ 2022 cũng gọi chung theo số đông là Hội Văn học nghệ thuật.

Theo tôi điều quan trọng hơn vào lúc này là làm sao thống nhất được nhận thức về địa vị chính trị của hệ thống tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Làm thế nào để tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực sự được xem là một tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị, được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội”, chứ không phải theo Khoản 8 Điều 8 của Luật này: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”. Thực ra Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam mặc dầu được xác định là tổ chức chính trị - xã hội (Điều 1 Điều lệ 2015) chứ không phải là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp như Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

*

Để kết thúc tham luận Một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng tổ chức Hội ở địa phương, tôi xin kể về câu chuyện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Trong các cuộc gặp mặt thường niên này, khi được mời phát biểu ý kiến, tôi luôn nói rằng tôi xin đại diện cho các trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - chứ không nói đại diện cho các văn nghệ sĩ - đề xuất với thành phố việc này, kiến nghị với thành phố việc nọ… Sở dĩ như vậy vì trong giấy mời và trên hội trường thường có dòng chữ nghe rất quen tai nhìn rất quen mắt: Cuộc gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ thành phố… làm như văn nghệ sĩ không phải là trí thức! Đương nhiên trong trường hợp này tự nhận mình và đồng nghiệp của mình là trí thức cũng không khó lắm, khó hơn nhiều là làm thế nào để có thể mang hết tài năng và tâm huyết sáng tạo nghệ thuật sao cho xứng danh là trí thức! Sứ mệnh của các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là làm sao đổi mới cách nghĩ cách làm để nâng cao hiệu quả tập hợp, đoàn kết và truyền cảm hứng, sao cho ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ xứng danh là trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của cả đất nước và của từng địa phương./. 

B.V.T