Lặng lẽ góp vị ngọt cho đời

26.12.2013

Các hội viên của Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) là những nốt trầm, những khoảng lặng, những con ong chăm chỉ níu bước thời gian, để  dòng đời bớt vội vã...

Ông Võ Văn Hòe, Hội trưởng Hội VNDG Đà Nẵng cứ say sưa kể về Giao thoa văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tín ngưỡng dân gian, công trình theo ông là công phu nhất trong năm 2012 của Hội. Giao thoa văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tín ngưỡng dân gian gồm 11 chương là kết quả của chuyến đi thực tế kéo dài suốt mấy tháng của ông và 2 đồng tác giả khác vào vùng Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận, những vùng có người Chăm sinh sống ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Lặng lẽ góp vị ngọt cho đời

Thành quả sau những chuyến đi

Ông Hòe cho biết, trước đây không ít công trình đã đề cập đến vấn đề giao thoa văn hóa Việt - Chăm ở phương diện văn hóa dân gian nhưng định tính nhiều. Văn hóa cần những khảo tả, định lượng rõ ràng. Văn hóa dân gian cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, lâu nay, chuyện người Chăm ảnh hưởng văn hóa, lối sống Việt và gần như “Việt hóa” đã được đề cập khá nhiều. Đó là sự tất yếu. Cuốn sách Giao thoa văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tín ngưỡng dân gian đặt ngược vấn đề về việc người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Chăm như thế nào, qua lời ăn tiếng nói, trong âm nhạc, ẩm thực, trong ca dao tục ngữ, thành ngữ, trong truyện kể dân gian... với mong muốn có cái nhìn nhiều chiều, khách quan hơn trong sự giao thao văn hóa Việt - Chăm.

Ông Hòe còn tự hào khoe những tác phẩm vừa được in, những công trình mới hoàn thành trong năm nhưng chưa kịp in của các hội viên của hội như: Nông cụ cổ truyền Nam Trung Bộ (khảo tả chức năng nhiệm vụ của các nông cụ cổ truyền còn lại trong dân gian, của hội viên Ngô Văn Ban); Nhà nông Tiên Phước qua câu hát dân gian (công trình giảng bình nghề nông qua câu hát dân gian của hội viên Võ Khoa Châu); Câu đối dân gian và câu đối Hán - Nôm của tác giả Phan Thế Tài; Đình làng Đà Nẵng của Hồ Tấn Tuấn; Hò khoan đối đáp của Đinh Thị Hựu; cuốn phim về Người Ve nơi đại ngàn, Hò đưa linh của Trần Hồng...

Ông Hòe nói rằng, trong khó khăn chung, các anh em làm được vậy là nhiều, là quý. Vừa lần dở, vừa giới thiệu từng trang sách, bản thảo với tất cả sự nâng niu, trân trọng, ông cứ lo người trẻ không kịp hiểu. Nên chốc chốc ông lại ngẩng lên, cười hiền và cố giải thích cặn kẽ hơn.

Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đoạt giải đồng Sách hay toàn quốc, tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam năm 2010, với tác phẩm Tập tục lễ hội đất Quảng.

Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đoạt giải đồng Sách hay toàn quốc, tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam năm 2010, với tác phẩm Tập tục lễ hội đất Quảng.


Lấy đam mê làm niềm vui

Ông Hòe cho biết, trong hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu hoàn thành, có dăm ba tác phẩm được các nhà xuất bản cho in là quý lắm. “Còn không thì mỗi người tự in lấy một cuốn, bạn bè đến thì khoe, cuối năm đem đến Hội (Hội VNDG - PV) khoe, vài bữa lại cất vào tủ, thỉnh thoảng lấy ra ngắm, còn thời gian để dành cho những chuyến đi và công trình khác”.

Tôi hỏi: “Vậy thì động lực nào để các bác say sưa với văn hóa dân gian, khi tất cả những gì làm ra cứ rơi vào im lặng như thế?”, thì ông nói rằng, niềm vui của người làm văn nghệ dân gian rất giản đơn, có thể gói gọn vào chữ “đam mê”. Niềm vui không gì khác là những phát hiện, những bất ngờ sau mỗi chuyến đi, về những điều khoa học chưa lý giải hết. Đó là niềm vui về nguồn, được hòa mình với cuộc sống của người lao động. Đó là sự thích thú khó tả mỗi khi “bắt” được sợi dây văn hóa nối dài giữa đời xưa với đời nay, thấm hiểu những kinh nghiệm quý báu, những bài học vô giá mà cha ông để lại… “Mỗi lần như thế, chúng tôi thấy phải ghi lại nhanh, phải ghi gấp kẻo một mai không còn thì sao”, ông Hòe bảo thế. Vì vậy, ông và bạn bè trong những chuyến đi ấy “đâu còn thời gian để tính toán xem được mất điều gì”.

“Chỉ cần được ghi chép lại thành bản thảo, lưu giữ cẩn thận sẽ không bị mất. Bây giờ không in được, sau này sẽ có người in, những giá trị đích thực nhất định sẽ còn mãi với thời gian, sẽ được trao truyền cho các thế hệ, từ đời này sang đời khác”, nhạc sĩ Trần Hồng, hội viên Hội VNDG, người một đời miệt mài sưu tầm, gìn giữ các khúc nhạc dân gian tâm niệm.

Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng là tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khối Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố, được thành lập theo Quyết định số 8195/QĐ-UB, ngày 24-2-2001 của UBND thành phố Đà Nẵng. Tôn chỉ của Hội là “sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian đất Quảng”.Sau gần 12 năm thành lập, đến nay, Hội có 46 thành viên, xuất bản được 12 đầu sách, trong đó có 5 tác phẩm đoạt giải A trong lần trao giải 5 năm lần thứ hai của thành phố Đà Nẵng, 1 tác phẩm đoạt giải đồng sách hay toàn quốc 2010...

Bài và ảnh: THANH TÂN

Nguồn: .baodanang.vn