Hoài Linh: Danh hài bình dân
Vóc dáng mảnh khảnh, ăn mặc xuềnh xoàng, khuôn mặt dường như già trước tuổi, nhưng Hoài Linh luôn được khán giả từ Bắc tới Nam hâm mộ. Anh là một trong số các danh hài được yêu mến nhất hiện nay. Mỗi dịp Tết đến xuân về khán giả lại hồi hộp chờ đợi những chương trình tấu hài do anh biểu diễn, trên sấn khấu và trong băng đĩa. Những năm gần đây sự chờ đợi ấy còn là xem phim Tết chiếu rạp có Hoài Linh tham gia nữa.
Dù cho năm ngoái, bộ phim Tết “Hello cô Ba” có Hoài Linh tham gia không được truyền thông đánh giá cao, thì năm nay không vì thế mà nói không với phim Tết. Hoài Linh chia sẻ: “Ngay sau khi dư luận phản hồi không tốt về bộ phim, tôi đã ý thức được về vai diễn của mình. Tôi cũng đã tuyên bố, đây sẽ là vai diễn cuối cùng Hoài Linh “giả gái”. Mùa phim Tết năm nay, tôi chỉ tham gia một bộ phim thôi, đó là phim “Nhà có 5 nàng tiên” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu”.
Nhà có 5 nàng tiên là phim hài. Và tất nhiên Hoài Linh không vào vai “giả gái” rồi. Anh hóa thân vào nhân vật một người cha nghèo khó, chất phác, tốt bụng và giàu tình cảm.
Ngay từ khi đọc kịch bản, Hoài Linh đã rất hào hứng: “Câu chuyện phim kể về đôi vợ chồng làm nghề lượm ve chai có tên là Tiên Cảnh và Nhỏ Nhẹ. Hai ông bà ăn ở hiền lành mà mãi vẫn không có được một mụn con. Rồi Trời Phật thương thế nào, một buổi đi lượm ve chai, hai vợ chồng nhặt được tới 5 đứa bé gái mới sanh bị cha mẹ ruột bỏ rơi. Bọn chúng đáng yêu vô cùng. Họ quyết định nhận 5 đứa trẻ làm con nuôi và hết lòng yêu thương chúng.
Xoay quanh câu chuyện về 5 đứa trẻ, sau này xinh đẹp như 5 nàng tiên, mỗi người một tính cách khác nhau, tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười, từ việc học hành đến việc tuyển rể, gả chồng làm đau đầu cha mẹ, bộ phim tuy thuộc thể loại hài nhưng ý nghĩa lại rất nhân văn, cảm động. Đặc biệt nhất với tôi là được đóng cặp với nghệ sĩ hài Việt Hương.
Việt Hương sẽ vào vai người vợ Nhỏ Nhẹ. Cả tôi và Việt Hương năm nay chỉ đóng một phim Tết duy nhất, nên hoàn toàn tập trung cho vai diễn. Chúng tôi diễn xuất cực kỳ ăn ý với nhau và trở thành một cặp vợ chồng tình nghĩa trên màn ảnh. Tôi hy vọng các khán giả sẽ thích vai diễn của mình”.
Hoài Linh vào vai người cha trong phim Tết 2013 “Nhà có 5 nàng tiên”
Ngoài lý do đóng nhiều phim sợ khán giả chán cái mặt mình, Hoài Linh còn một lý do khác để ưu tiên cho vai diễn trong phim Tết Nhà có 5 nàng tiên. Đó là anh được làm việc với đạo diễn Trần Ngọc Giàu - một người rất hiểu anh, vì họ đã từng cộng tác với nhau nhiều trên cả sân khấu và điện ảnh. Về vai diễn người cha Tiên Cảnh của Hoài Linh, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã từng chia sẻ: “Đây là một vai hài có chiều sâu. Nhân vật Tiên Cảnh không chỉ có nhiệm vụ chọc cười khán giả đơn thuần, mà còn làm khán giả rơi nước mắt vì xúc động”.
Phim Nhà có 5 nàng tiên sẽ khởi chiếu đồng loạt tại 65 cụm rạp trên cả nước, bắt đầu từ ngày 2/2/2013, thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Đây cũng là bộ phim lập kỷ lục về số bản phim phát hành nhiều nhất từ trước tới nay. Hoài Linh thở phào nhẹ nhõm khi đã làm tốt vai diễn của mình. Anh bảo, mỗi lần chờ đợi xem “đứa con tinh thần” của mình trình làng, anh đều rất hồi hộp. Có một chút áp lực với anh là phải làm sao luôn cố gắng để xứng với sự tin yêu, hâm mộ của khán giả. Nhưng đó cũng chính là động lực để ngọn lửa say nghề luôn cháy trong anh.
Hoài Linh sinh năm 1969. Tuổi ngoài 40 nhưng anh đã có gần 20 năm làm nghề. Trải qua rất nhiều thăng trầm sóng gió, lại không được học hành một cách bài bản, chỉ tự học là chính, nhưng Hoài Linh đã chinh phục khán giả bằng chính tài năng cũng như phong cách sống giản dị của mình.
Thuở còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo, Hoài Linh phải làm nghề bán hàng rong để kiếm sống. Anh tâm sự: “Tôi thường xuyên thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, mang mía, bắp ra chợ, bến xe, bến tàu bán. Bàn tay tôi phồng rộp vì bào vỏ mía, và vì hơi nóng phả ra từ những nồi bắp luộc. Cuộc sống của kẻ lang thang bán dạo giờ nhìn lại, tôi lại thấy hạnh phúc. Vì nhờ nó mà mình học được rất nhiều điều. Sau này nó lại là “tài sản” quý để mình làm nghệ thuật. Chẳng hạn như việc tiếp xúc với nhiều kiểu người tứ xứ đã giúp tôi nói được tiếng nhiều địa phương, vùng miền. Văn hóa của từng vùng miền cũng từ đây được khám phá. Tôi vốn mê âm nhạc, từ tân nhạc tới dân ca, cải lương tôi đều “nghiện”. Tiền lãi từ việc bán hàng rong, tôi thường chia làm nhiều phần: phần để giúp cha mẹ, phần để mua những cuốn sách viết về nghệ thuật cải lương, dân ca để đọc. Những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ mà tôi yêu quý như Lệ Thủy, Minh Vương, tôi đều mua vé tới xem. Nghe từ ra-đi-ô, đọc từ sách, xem từ các chương trình, lâu ngày tôi tích lũy được vốn kiến thức nghệ thuật không hề xoàng. Để rồi khi có cơ hội đứng trên sân khấu, những kiến thức ấy đã hỗ trợ và giúp cho tôi tự tin lên rất nhiều”.
Ban đầu Hoài Linh tham gia vào Đoàn Múa Ponaga, được vũ sư Đặng Hùng chỉ dẫn về nghề múa. Nghệ sĩ Thanh Lộc phát hiện ra khả năng tấu hài của Hoài Linh và ngỏ ý hợp tác. Họ thành một cặp song tấu hài ăn ý rất được khán giả yêu mến nhiều năm tại Khánh Hòa. Tướng người ốm o của Hoài Linh, diện một bộ áo bà ba với đôi dép tông lên sân khấu là khán giả đã buồn cười rồi. Thêm nữa, anh lại diễn rất ngọt, rất có duyên nên khán giả càng thích thú.
Khi theo gia đình sang Mỹ, sau thời gian đầu bỡ ngỡ, phải đi làm công nhân cho một xí nghiệp đông lạnh, Hoài Linh có cơ hội được trở lại sân khấu từ một lời mời làm điều khiển chương trình cho tiệc cưới tại một nhà hàng sang trọng. Dù chỉ ở một không gian khiêm tốn như vậy, nhưng nhiều người đã nhận ra tài năng của Hoài Linh, trong đó có ca sĩ Thanh Tuyền và ca sĩ Trizzi Phương Trinh.
Họ gợi ý anh đến Cali để có thể bắt đầu con đường nghệ thuật của mình. Sau chuyến “xê dịch” ấy, khán giả hải ngoại bắt đầu biết đến một Hoài Linh nghệ sĩ hài. Và anh nhanh chóng được yêu mến. Những chương trình lớn không thể thiếu sự góp mặt của anh.
Dù có gia đình riêng ở Mỹ, với người vợ đảm đang hết mực chăm lo cho chồng, nhưng Hoài Linh vẫn thường xuyên về nước làm việc. Thậm chí nhiều khán giả không hề biết anh sống ở Mỹ, vì họ thường xuyên gặp anh ở các chương trình trong nước. Gần đây nhất là chương trình “Gương mặt thân quen” trên VTV3 vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần, Hoài Linh tham gia với vai trò giám khảo.
Các sân khấu ở Sài Gòn cũng luôn luôn treo tên Hoài Linh trên băng rôn ở nhiều suất diễn. Nhiều năm nay, phim hài Tết gần như không thiếu sự góp mặt của Hoài Linh. Anh là nghệ sĩ mà cái tên có thể đảm bảo cho sự bán vé của nhiều chương trình.
Không ít người nhầm tưởng rằng diễn hài là rất dễ. Người nghệ sĩ chỉ cần ra sân khấu, nói dăm ba câu hài hước pha trò là có thể làm khán giả cười lăn. Thực ra hài chưa bao giờ dễ thế. Một vai diễn hài để thành công có nhiều khi còn khó khăn hơn một vai diễn nghiêm túc. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ lớn trên bầu trời sân khấu, trong đó chỉ có ít hoặc là rất ít nghệ sĩ hài. Vì hài là cái duyên, là điều gì đó tự nhiên từ trong máu, một bẩm chất đặc biệt không thể đào tạo hay cố gắng là có được. Hoài Linh là một nghệ sĩ hài được yêu mến bậc nhất, vì anh có đầy đủ những đòi hỏi kể trên. Cộng với đó là thái độ không ngừng trau dồi, rèn luyện, là tình yêu và niềm đam mê không giới hạn với nghệ thuật.
Ít ai biết rằng dù sống ở Mỹ nhiều năm, đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, nhưng Hoài Linh vẫn yêu nhất một mảnh trời ở làng quê, nơi có dòng sông, con thuyền, những buổi gặt lúa, câu cá; những câu dân ca ẩn hiện sau rặng tre buổi chiều tà. Nhìn cách anh ăn mặc, nói chuyện không có chút gì là Tây cả. Anh chia sẻ, cuộc sống kinh tế chả có gì phải lo nghĩ.
Nghệ thuật hoàn toàn có thể nuôi sống anh một cách sung túc. “Tôi muốn mua gì cũng có thể mua được. Nhưng tôi không bao giờ muốn làm người sang trọng, hào nhoáng. Tôi chỉ xài đồ “Made in Việt Nam”, không quan tâm tới hàng hiệu. Nếu được chọn một nơi để đến thư giãn vào những ngày nghỉ, thì luôn luôn tôi muốn về quê. Những buổi chân trần đi câu cá, lội ruộng, chèo thuyền, ngắm mây trời sông nước mang đến cho tôi niềm hứng khởi, yêu đời hơn tất cả những trò giải trí khác ở đô thị”.
Trong khi rất nhiều nghệ sĩ đang cố gắng chứng tỏ đẳng cấp của mình bằng tài sản, áo quần, giày dép đắt tiền, thì Hoài Linh khoe đồ biểu diễn của anh nhiều nhất vẫn là áo bà ba và dép tông rẻ tiền. Vì anh thường vào vai những ông già nhà quê, những nông dân nghèo, những người hèn kém trong xã hội. Thừa nhận “cái máu khổ hình như vẫn còn chảy trong huyết quản của tôi từ những năm tháng ấu thơ”, nên Hoài Linh chọn một đời sống giản dị nhất có thể.
Thay vì để nổi bật, anh lại luôn muốn mình lẫn vào đám đông. Ăn uống thì chỉ thích mắm rau, trang phục xuềnh xoàng, đi xe máy dễ chịu hơn cưỡi xế hộp, Hoài Linh tự do và thoải mái trong cảm giác của một người bình thường. Giống như người nông dân trước mặt là cánh đồng. Tin vào thuyết nhân quả, Hoài Linh luôn sống hồn nhiên và ít bận tâm đến những lo phiền, sân si trong cuộc sống.
Bởi Hoài Linh tâm niệm, người làm nghệ thuật thực sự phải biết nói không với những thứ nhất thời. Người nghệ sĩ thay vì chăm sóc cho vẻ ngoài lấp lánh của mình, hãy chú trọng nhiều hơn đến tri thức, tâm hồn, tình yêu và sự trải nghiệm. Mỗi vai diễn chỉ có thể neo đậu lâu bền trong tâm trí khán giả khi người nghệ sĩ đốt cháy đam mê của mình, chứ không phải bằng vẻ ngoài hấp dẫn. Anh rất có lý khi đùa rằng: “Trang phục của tôi không hàng hiệu, nhưng tình yêu của tôi thì là hàng hiệu chính cống đấy”.
Và tình yêu ở đây được hiểu là sự thủy chung, chân thành Hoài Linh dành cho bạn bè đồng nghiệp, khán giả - những hằng số bất biến trong đời nghệ sĩ. Người ta có thể mua một món đồ hàng hiệu khi có nhiều tiền. Nhưng tên tuổi của một nghệ sĩ lớn thì cái giá của nó luôn là rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu.
Và tất nhiên không thể thiếu tài năng
Bình Nguyên Trang
Nguồn: cand.com.vn