Họa sỹ Trần Nguyên Đán: Tôi không phấn đấu để sang
Có những lí giải giản đơn, chưa thuyết phục: Thể loại tranh in này đã cũ, hạn chế về kỹ thuật, chất liệu, gỗ càng ngày càng hiếm, tranh khắc gỗ truyền thống vì thế mà? hiếm theo, bây giờ người ta chủ yếu dùng ván ép gỗ công nghiệp để thay thế, hay cảm hứng của nghệ sỹ bị rơi rụng nhiều bởi sáng tác tranh khắc gỗ trải qua quá nhiều công đoạn v.v…
Trần Nguyên Đán thừa nhận hiện trạng tranh khắc gỗ truyền thống ngày một cô đơn: "Khi vào trường học, ai cũng được học môn này. Song họa sỹ chuyên tâm chỉ có số ít, đa số các họa sỹ chỉ làm lốp ba lốp bốp". Ông có cách lí giải của người làm nghề: "Có hai nguyên nhân. Đó là cách nhìn nhận của xã hội. Châu Á thì thích châu Âu. Trong hội họa người làm nghề thích theo sơn dầu vì hợp thời và hội nhập hơn. Tranh hội họa là độc bản, còn tranh đồ họa là nhân bản, tức là người ta có thể in đến 20 cái, mấy chục cái, bản ra nhiều không quí.
Cũng có quan niệm nữa là, hội họa in dấu cái tôi nghệ sỹ, chứ không phải là thợ. Làm tranh khắc gỗ mang tính thủ công, phải chế bản. Cũng giống như người ta quan niệm phải vào trường Yết Kiêu mới thành họa sỹ, vào Mỹ thuật Công nghiệp không thành nghệ sỹ". Quá rõ thực trạng và quan niệm về dòng tranh đã qua thời hưng thịnh nhưng Trần Nguyên Đán chưa lúc nào chạnh lòng, bởi lí do đơn giản: Tôi không phấn đấu để sang.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Hành trình "nghiện" thụ động
Trần Nguyên Đán quê ở Bắc Ninh, mảnh đất đã đi vào thơ Hoàng Cầm với vẻ đẹp mênh mang huyền thoại của núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, tranh Đông Hồ, những khuôn mặt búp sen thuần khiết...? Người ta biết đến ông gắn bó mấy chục năm với Bảo tàng mỹ thuật, từng giữ vị trí Phó giám đốc, ít ai biết trước đây Trần Nguyên Đán đã có chục năm công tác tại cơ quan trùng tu di tích. Việc tiệm cận với khối di sản mỹ thuật đồ sộ, cùng với tầng văn hóa dày dặn của quê hương như một nguồn mạch ngấm vào ông từ từ, vô thức. "Có những người thấy đoàn người đông đã lặng lẽ đi nhánh khác và nếu chịu khó, họ cũng thành công" (Họa sĩ Trần Nguyên Đán).
Trần Nguyên Đán ví von khá hay về câu chuyện "nghiện" thụ động tinh hoa văn hóa của mình: "Có người hút thuốc lá nhiều thì nghiện chủ động, còn người không hút thuốc sống gần người nghiện nên nghiện một cách thụ động. Tôi là người nghiện thụ động, nói như thế nghĩa là những tinh hoa của mỹ thuật cổ (và cả hiện đại) đã xâm nhập "thụ động" trong tôi từ lúc nào không biết. Chính vì sự tiếp thu thụ động đó mà tôi có được cả tình cảm khách quan lẫn tình cảm chủ quan. Nói một cách khác cụ thể là tôi học được rất nhiều nhưng không bị lệ thuộc vào một khuôn mẫu nào của mỹ thuật- kiến trúc cổ và những tinh hoa nghệ thuật đó vừa là thầy, vừa là bạn đồng hành khơi gợi mạch chảy trong tôi để từ đó tôi thiết lập nên diện mạo riêng".Dám nhận mình đã thiết lập được "diện mạo riêng" hẳn là Trần Nguyên Đán đầy tự tin trên con đường mình theo đuổi. Người ta nhìn thấy trong tranh của Trần Nguyên Đán sự kế thừa của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ nhưng người ta cũng thấy sự tài hoa của người nghệ sỹ trong việc in tách các màu tương phản, bố cục đồng hiện, phức tạp, nhiều nét khắc tinh tế, tạo nên sự đan kết giữa truyền thống và hiện đại.
Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: "Tranh của họa sỹ Trần Nguyên Đán luôn gợi một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ. Nó làm ta nhớ đến bản in kinh phật hay những bản khắc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ nhưng nó có cái vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính súc tích và đa dạng của đường nét".
Chủ đề sáng tác của Trần Nguyên Đán xoay quanh phong cảnh, phong tục, đề tài lịch sử, sinh hoạt, làng nghề... Có thể kể đến những tác phẩm lớn của ông: Chăm học chăm làm, Nghệ nhân tranh Hàng Trống, Hội Đền Hùng, Trở lại Tam Bạc...
Họa sỹ dành tình cảm đặc biệt với Hội An và Huế: "Năm 1984, lần đầu tiên đến Huế, tôi thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên đẹp nên thơ của sông Hương núi Ngự, con người và giọng nói Huế cùng những tà áo dài tím với cách sống và những phong tục tập quán rất riêng biệt... Và năm 1992 đến với Hội An, ấn tượng, cảm giác của tôi lại hoàn toàn khác lạ so với Huế: Không qui mô, đồ sộ song những đầu hồi, nóc ngói cao thấp lô xô hay những nấc cửa và cầu Nhật Bản đan xen cùng văn hóa Việt Nam, Trung Quốc tạo nên một cảm giác sống động, hoài cổ".
Trần Nguyên Đán có một chuỗi sáng tác tụng ca vẻ đẹp Huế, Hội An: Sông Hương, Nhớ Huế, Huế thơ, Nét Huế, bộ tranh Hội An trong mắt tôi...
Thấy đoàn người đông rồi, phải biết tách ra
Từ nhỏ Trần Nguyên Đán đã mong muốn trở thành họa sỹ. Giấc mơ thành hiện thực khi ông trở thành sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, tốt nghiệp năm 1971.
Trong quá trình học ông được tiếp xúc với tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài... nhưng cuối cùng Trần Nguyên Đán nhận ra chỉ có tranh khắc gỗ mới thật hợp với mình: "Thời đó, nghĩ đơn giản thôi, vật liệu của tranh khắc gỗ rẻ tiền. Sinh viên ngày ấy đói, làm gì có tiền mua vật liệu đắt". Thế rồi ông cứ làm việc thầm lặng, tìm tòi, sáng tạo, không ồn ào, không quảng cáo. Nhưng họa sỹ tự tin: "Suốt từ khi ra trường đến hôm nay, tôi vẫn bán được tranh, ngôi nhà gia đình tôi đang sống cũng từ tranh khắc gỗ mà ra, tôi không mặc cảm sang hèn, họa sỹ phải biết sở trường, sở đoản của mình hay trong cuộc sống người nào biết thân biết phận người ấy sẽ trường thành".
Giới trẻ hôm nay đổ xô vào dòng chảy chọn trường "hot", nghề "hot" có lẽ sẽ giật mình trước lời khuyên của người đi trước đã có những gặt hái trong nghề như Trần Nguyên Đán: "Trên đời này, có những người đã thấy đoàn người đông rồi họ vẫn thích nhập vào để đông thêm nhưng có những người thấy đoàn người đông đã lặng lẽ đi nhánh khác và nếu chịu khó, họ cũng thành công".
Tác phẩm của Trần Nguyên Đán.
Đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng họa sỹ vẫn không ngừng lao động. Phải sau nhiều cuộc hẹn, tôi mới gặp được Trần Nguyên Đán, bởi ông bận đi, bận làm. Bí quyết để sống thọ với nghề của ông là: "Dùng kỷ luật để khống chế thời gian với những ham muốn vui chơi đời thường...? Và tôi thường vận dụng sáng tác theo kiểu tranh thủ bất cứ thời gian rảnh rỗi nào dù ít hay nhiều để vẽ".
Tranh vừa bán, vừa cho, "đại gia" không ngó
Mặc dù thị trường tranh ở ta như ai cũng biết, đang không gặp thời nhưng không vì vậy mà giá tranh được hạ xuống cho hợp hoàn cảnh. Nói đến giá trị vật chất của bức tranh ít họa sỹ nào dùng tiền Việt làm thước đo. Còn Trần Nguyên Đán thật thà "khai": "Tranh khắc gỗ về mặt kinh tế giá không cao, số người thích không nhiều. Bức tranh khổ lớn bán 20 triệu đồng, tôi cũng muốn bán để lấy tiền tiêu. Bức thấp nhất của tôi có giá từ 5 triệu đồng trở lên, gọi là bán non để lấy tiền". Ông cũng đồng thời công nhận: "Chưa có đại gia nào gõ cửa" và cũng thản nhiên: "Đến thì đến không đến thì thôi". Hiện nay, Trần Nguyên Đán còn kho tranh lớn tới vài trăm bức, ông để trên gác và trong hòm ở nhà. Có những họa sỹ không muốn bán những đứa con tinh thần của mình, còn Trần Nguyên Đán lại khác: "Tranh của mình có người giữ, người sưu tầm, nó tỏa đi được các nơi là rất tốt. Tôi không có ý làm bảo tàng riêng cá nhân. Kể cả còn bản cuối cùng người ta mua vẫn cứ bán. Khách nhiều tiền tôi bán kiểu khác, khách ít tiền tôi bán kiểu khác, uyển chuyển về giá cả. Bán cho nhà nước thì vinh quang, nên tôi không cò kè xin thêm. Tôi từng bán 7 bức cho bảo tàng, còn 3 bức xin biếu. Nói thật, tranh là thứ xa xỉ, anh yêu quí thì nó mới có giá trị. Anh tặng người không yêu quí thì họ cũng không lấy đâu".
Nông Huyền Diệu
(tienphong.vn)