Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Thánh thiện như quê hương mình
Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là tác giả của nhiều bức tranh trong sưu tập cá nhân ở Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Ba Lan… Ông là tác giả của nhiều bức tranh được lưu giữ ở nhiều Bảo tàng ở Việt Nam và Bảo tàng Châu Á - Thái Bình Dương (Vácsava - Ba Lan).
Từ năm 1999 đến nay, ông là người đã có đến 34 lần tham gia triển lãm tranh quốc gia và quốc tế.
Ông cũng là người đoạt khá nhiều giải thưởng và được coi là "ông vua" vẽ tranh cổ động, áp phích (đoạt giải A ba năm liền từ 1981 đến 1983 và một số giải nhì, giải ba khác ở nhiều cuộc thi cấp quốc gia). Tôi không nhớ cụ thể lần đầu tình cờ gặp ông vào năm nào, nhưng mỗi lần gặp ông, tôi lại như phát hiện thêm một điều gì đấy thật thú vị, sâu sắc.
Năm 1966, Nguyễn Đăng Phú đã có giấy gọi vào Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng đến phút chót, ông lại quyết định theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Giải thích cái lý do "vì sao lại thế?", Nguyễn Đang Phú nói: "Vì tôi yêu hội họa từ thuở thiếu thời, cho dù cũng là người có năng khiếu văn thơ ngay khi còn là học sinh phổ thông". Nhắc đến kỷ niệm ở tuổi học trò có dính dấp đến hội họa, Nguyễn Đăng Phú vẫn nhớ thuở còn là học sinh trường cấp 3 Vĩnh Bảo (Hải Phòng), thường buổi sáng ông đi học văn hóa, còn buổi chiều ông đi vẽ chân dung kiếm tiền. Vào năm 1964, ông có một kỷ niệm buồn nhưng cũng thật đáng nhớ.
Sau đó, người ấy buộc phải bán tới 6 đồng cân (tức 6 chỉ) vàng quý giá mới "tậu" nổi một chiếc xe đạp Thống Nhất bán theo giá phân phối. Mỗi đồng cân vàng ngày ấy chỉ có giá 50 đồng thôi, trong khi lương một kỹ sư khoảng 60 đồng/ tháng. Rồi chúng tôi phải "chung lưng đấu cật" mãi mới khắc phục được "sự cố" này. Chúng tôi chia nhau đi làm đá ở Quảng Ninh, vẽ tranh vui và làm thơ châm biếm gửi đăng báo kiếm tiền".Ông kể: "Ấy là lần chúng tôi bị mất cắp một chiếc xe đạp của một người đã cho mượn vào năm 1964. Đây là một vụ thực sự nghiêm trọng, vì hồi ấy, chiếc xe đạp là cả một gia tài lớn và có khi là tất cả đối với nhiều gia đình. Tôi nhớ trước khi Chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra tại miền Bắc nước ta (trước 5-8-1964), có một người đứng tuổi ở kế bên nhà tôi cũng bị mất cắp một chiếc xe đạp và người ấy đã khóc. Hình như là xe đạp thương hiệu Phôlít do Pháp sản xuất thì phải.
Trong đám bạn bè của Nguyễn Đăng Phú thuở ấy, có một số trở thành thương gia và có một người đã trở thành nhà văn là ông Vũ Hữu Ái. Đến khi trưởng thành, có một số năm, Nguyễn Đăng Phú lang bạt sang tận Ba Lan. Ông ở Vácsava và Pôznanh đến 9 - 10 năm, từ 1990 đến 1999.
Trong 9 - 10 năm ấy, ông vừa sáng tác tranh, vừa trang trí nội thất, vừa bán hàng để sống. Có một dạo, ông còn là biên tập viên và là họa sĩ trình bày Tạp chí Phương Đông (một tạp chí của cộng đồng người Việt ở Ba Lan). Năm 1996, ông mở một triển lãm tranh sơn dầu cá nhân tại Vácsava. Trước đó, vào năm 1986, ông đã có một niềm vui: Đoạt Huy chương Đồng triển lãm đồ họa tại Brunô (Tiệp Khắc).
Khi tôi thắc mắc: "Nghe ông nhắc đến Ba Lan, tôi lại nhớ chợ "Sân vận động mười năm". Năm 2008, khi đi dự Festival thơ mùa thu Vácsava, tôi có ghé chơi chợ giời này. Đây là chợ giời lớn nhất châu Âu một thời thì phải. Nhưng tại sao người ta lại gọi là "sân vận động mười năm" hở ông?"
Nguyễn Đăng Phú giải đáp: "Vì sân vận động này được xây sau 10 năm Ba Lan được giải phóng. Nhưng rồi thì người ta bỏ hoang và nó bị biến thành chợ giời. Đã và đang có hàng vạn người, trong đó có nhiều người Việt Nam, bám vào cái chợ giời này để kinh doanh đấy. Có dạo người Việt bên ấy nói: Chúng ta đang tồn tại nhờ "nền kinh tế sân vận động". Câu nói này rất giống câu nói "nền kinh tế vỉa hè" ở ta vậy".
Đến cuối năm 1999, Nguyễn Đăng Phú trở về nước với lý do rất dễ hiểu: Ở Ba Lan, ông có quá ít bạn bè tri kỷ và bản thân ông lại "mắc bệnh" nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ quê hương và bản thân ông thấy rất cô đơn. Ông bảo: "Cô đơn trong nghệ thuật thì rất hay, nhưng cô đơn trong cuộc sống thì không được hay cho lắm. Vả lại, tôi rất thích một câu thơ của một nhà thơ nước ngoài: "Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình".
Về nước, ông có rất nhiều việc để làm: Dạy học, sáng tác tranh, minh họa cho các báo, các nhà xuất bản và có dạo tham gia hoạt động cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam với danh nghĩa Phó chi hội Đồ họa Hà Nội. Nguồn thu nhập chính của ông là bán tranh. Đã có nhiều gallery đặt mua tranh của ông. Có gallery đặt mua tranh của ông trị giá gần một trăm triệu đồng.
Nhận xét về đời sống mỹ thuật ở ta hiện nay, Nguyễn Đăng Phú bảo: "Khác trước nhiều lắm. Hòa nhập với thế giới thật nhanh. Giao lưu và cập nhật ngày một dễ dàng hơn. Tự do sáng tác ngày một được đề cao. Sẵn sàng chấp nhận mọi trường phái, mọi sự tìm tòi, khám phá. Riêng các họa sĩ trẻ ngày một dũng cảm hơn và có điều kiện làm nhiều cái mới không chỉ đơn giản vì tiền. Tuy nhiên, số lượng họa sĩ chuyên nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% thôi, chỉ tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú.
Là nghệ sĩ, anh hãy nhanh chóng chọn ra một lối đi riêng và phải nhớ: Cái của mỗi người mới là quan trọng và hãy tìm những gì ở chính mình, ở trong con người mình. Chính xuất phát này mới tạo ra sự khác biệt. Nhân đây, tôi cũng nhấn mạnh thêm: Trong giới này, sự phân hoá giầu nghèo cũng ngày một gia tăng ghê gớm. Và cũng có lúc tôi cảm thấy hơi giật mình và tự đặt ra câu hỏi: Vì sao nhiều họa sĩ đoạt giải trong nước (giải Nhà nước chẳng hạn) lại thường không bán được tranh? Phải chăng họ đã vẽ theo tiêu chí khác và được định giá theo tiêu chí khác?"Tôi thấy mừng vì giới hoạ sĩ chúng tôi đã qua thời "cào bằng" và bây giờ nếu một ai đó có tài thì đều có thể sống được bằng nghề của mình. Nếu ông Kim (người sáng lập ra Tập đoàn Daewoo) viết một cuốn sách để khẳng định: Trái đất rộng lớn và còn nhiều việc phải làm, thì tôi cũng có thể nói thêm: Nghệ thuật là rộng mở và sức sáng tạo của mỗi cá nhân là vô cùng.
Theo quan sát của Nguyễn Đăng Phú thì những người mua tranh có thể chia thành ba đối tượng. Thứ nhất, mua vì mục đích souvernir. Thứ hai, mua vì mục đích sưu tập. Thứ ba, mua theo mốt.
Về đặc điểm chính của tranh cổ động, Nguyễn Đăng Phú nói: "Đó là loại tranh giản dị nhưng khó làm, vì loại tranh này đòi hỏi sự đơn giản, súc tích, có trí tuệ, có tư tưởng. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động ở ta có nhiều hạn chế: Đào tạo thiếu căn bản, thường "vẽ tay trái" hoặc "biến tay trái thành tay phải". Trên thế giới có Ba Lan là nước rất mạnh về tranh cổ động. Ở Ba Lan, cứ hai năm người ta lại tổ chức cuộc thi tranh cổ động một lần ở cấp quốc gia. Ba Lan cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có hẳn một bảo tàng tranh cổ động. Còn ở châu Á, quốc gia mạnh nhất về tranh cổ động là Nhật Bản".
Khi có người hỏi: "Ông có bao giờ giấu nghề không?". Nguyễn Đăng Phú dứt khoát: "Không bao giờ. Tôi luôn truyền nghề cho các học trò của mình. Tôi vui mừng vì nhiều học trò của tôi cũng đã đoạt giải cao qua một số cuộc thi vẽ tranh cổ động ở nước ta. Có học trò của tôi đã đoạt giải trị giá vài chục triệu đồng".
Nhân nhắc đến kỷ niệm một thời, Nguyễn Đăng Phú nói: "Hồi còn làm họa sĩ minh họa ở báo Hải Phòng (năm 1970), có lần tôi đi thực tế và vẽ tranh ở Cát Hải, được một cô gái nhớ và gọi tên. Tôi cảm thấy thật vui. Còn khi đã lập gia đình, tôi có ba người con trai. Tôi đặt tên chúng là Gôganh, Sôpanh và Anhxtanh. Ba cái tên này rất Tây, là tên của ba danh nhân thế giới cả và cũng rất độc đáo. Và cũng vì ba cái tên này, tôi đã từng rất phiền lòng khi bị người ta vặn vẹo: Sao anh lại đặt tên con như thế? Có người còn hỏi đi hỏi lại: Thế Gôganh là ai? Có vấn đề gì không? Sao ông lại đặt tên con theo kiểu gì mà lạ thế? Đây là những kỷ niệm buồn. Tại sao người ta có quyền xúc phạm sự tự do cá nhân và quyền đặt tên con của tôi như thế nhỉ?"
Đến nay, 3 người con của ông đều đã phương trưởng. Gôganh và Sôpanh đã là hai kiến trúc sư. Tuy không có "truyền nhân", nhưng ông cũng được an ủi phần nào vì dù sao kiến trúc cũng là một loại hình nghệ thuật và cũng gần gũi với hội họa. Cả Gôganh và Sôpanh đều nói với cha: Chúng con muốn đi sâu vào cuộc sống hơn và sống thực tế hơn.
Với họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Hạnh phúc nhất trong nghề là đựợc yêu nghề và luôn tìm được niềm vui trong nghề. Còn phương châm sống của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là không thích cuộc sống đều đặn, tẻ nhạt. Có hai câu thành ngữ mà ông ưa thích nhất: "Trâu chết để da, người chết để tiếng"; "Tiết kiệm thời gian là sự tiết kiệm lớn nhất".
Đặng Huy Giang(vnca.cand.com.vn)