Haruki Murakami: Tôi sống một cuộc đời giản dị
Tiểu thuyết gia ẩn dật Haruki Murakami đã mang lại cho người nghe những điều ngạc nhiên và thú vị khi ông trải lòng trong cuộc nói chuyện gần đây tại Đại học Tổng hợpKyoto. Bông đùa và luôn cười mỉm, tác giả best - seller được đề cử giải Nobel giữ tinh thần phấn chấn từ đầu đến cuối.
Murakami, năm nay 64 tuổi, bắt đầu buổi nói chuyện thế này: “Tôi không thường xuất hiện trước công chúng, nhưng đây là một dịp đặc biệt, vì vậy tôi đã nổi lên như một kappa (một tiểu yêu tinh chỉ có trong trí tưởng tượng của người Nhật sống chủ yếu ở môi trường nước, như con nam ở ao). Các bạn có thể hỏi tại sao tôi không thường đến những chốn công cộng. Tôi là một người sống một cuộc sống bình thường. Tôi di chuyển chỗ nọ chỗ kia bằng tàu điện ngầm và xe buýt và mua sắm tại các cửa hàng trong khu phố gần nhà. Thật là rắc rối biết bao nếu tôi thường xuyên được tiếp cận trên đường phố chỉ như là hệ quả của việc xuất hiện trên truyền hình”.
Murakami đã kể một giai thoại vui về cuộc sống hàng ngày của mình.
“Nhiều năm trước, trong một lần tôi đi gia hạn giấy phép lái xe, một nhân viên liên tục gọi ‘Haruki Murakami’. Khi đến lượt tôi, người đó hỏi: “Ông có cái tên giống tiểu thuyết gia nổi tiếng đấy nhỉ?” Tôi đáp: “Ừ”. Tôi giống như mèo rừng Iriomote đang bị đe dọa. Chỉ tha thiết không có ai đến gần và chạm vào mình”.
Bài phát biểu và phỏng vấn được tổ chức ngày 6.5.2013 tại Đại học Kyotocó tiêu đề Tamashiiwo Miru, Tamashiiwo Kaku (Nhìn bằng cả linh hồn, viết bằng cả linh hồn).
Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm sự ra đời của giải thưởng Kawai Hayao Monogatari -sho, Gakugei - sho (Giải thưởng văn học Kawai Hayao) mang tên nhà tâm lý học Hayao Kawai.
Trong sự kiện này, Murakami đã nói về tình bạn với ông Kawai.
“Tôi hiếm khi gọi ai đó là ‘thầy’ (sensei), nhưng tôi nguyện gọi ông là ‘thầy Kawai’ (Kawai - sensei), Murakami nói.
Ông cũng nhắc đến một trong những trò chơi chữ của Kawai: “(Kawai nói rằng) một ngày nọ thủ tướng đến muộn trong một cuộc họp nội các (khi đó Kawai làm việc với tư cách ủy viên về các vấn đề văn hóa). Thủ tướng xin lỗi các thành viên nội các: “Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi” (chơi chữ ‘sorry’ và ‘sori’, ‘sori’ trong tiếng Nhật có nghĩa là ‘thủ tướng’)
“Ông ấy là một người hoàn toàn ngây thơ”, Murakami nói thêm.
Murakami cũng nói về tác phẩm mới nhất của mình, Shikisaiwo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi (Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage, tạm dịch: Tsukuru Tazaki không màu sắc và những năm hành hương của anh), cuốn tiểu thuyết dài của ông trong ba năm trở lại đây.
Trả lời cho câu hỏi của nhà phê bình Yutaka Yukawa, ông nói: “Cuốn tiểu thuyết trước đó của tôi, 1Q84, nói về sự biến mất của ranh giới giữa cuộc sống đời thực và những điều kỳ lạ, song thời gian này tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết hiện thực”. “Tôi đã viết Rừng Na Uy (1987) bằng phong cách hiện thực và nó đã bị chỉ trích là một sự thụt lùi về văn học. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi cũng có thể bị chỉ trích theo lối tương tự, song đối với tôi mà nói đó là một nỗ lực mới. Tôi không nghĩ rằng mình có thể bắt tay viết cuốn tiểu thuyết ấy ba, bốn năm trước.
Bản thảo đầu tiên của tác phẩm mới nhất này - bán được hơn một triệu bản ngay sau khi phát hành vào tháng 4.2013 - được hoàn thành vào tháng 2.2011, nhưng Murakami vẫn tiếp tục hoàn thiện tác phẩm của ông cho đến tháng 8.2012. Thậm chí sau đó, ông liên tục thực hiện những thay đổi nhỏ về cách dùng từ cho đến khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành vào tháng hai năm nay.
“Tôi thích viết đi viết lại”, Murakami nói.
Murakami thường có xu hướng đưa nhạc cổ điển và nhạc jazz vào các tác phẩm và cuốn tiểu thuyết mới nhất cũng không ngoại lệ. Tổ khúc piano Years of Pilgrimage của Franz Liszt và bản Round Midnight của nghệ sĩ jazz Thelonious Monk đều xuất hiện trong câu chuyện.
Murakami tỏ ra rất vui vẻ khi được hỏi về âm nhạc trong suốt cuộc phỏng vấn. “Tôi luôn luôn dậy sớm và bắt đầu làm việc vào buổi sáng. Tôi thường nghe nhạc cổ điển khi đang làm việc”, Murakami nói. “Trước khi đi ngủ, tôi chọn những bản thu mà tôi định nghe cho sáng hôm sau. Tôi thấy âm thanh của CD không vang âm, vì vậy tôi thích bản ghi LP hơn. Khi còn ở độ tuổi hai mươi, tôi thường nghe jazz từ sáng đến tối. Ngay cả bây giờ với piano, bản ghi LP cũng giúp tôi tìm ra các hợp âm khó trong tác phẩm của Monk.
“Viết cũng giống như chơi nhạc”, Murakami nói thêm. “Tôi viết một câu văn bằng cách sử dụng nhịp điệu tương tự như trong biểu diễn âm nhạc. Khi tôi nói điều này với Seiji Ozawa (nhạc trưởng nổi tiếng thế giới), ông đã rất ngạc nhiên hỏi tôi: “Viết lách cũng có nhịp điệu cơ à?”
Vào cuối cuộc phỏng vấn, Murakami đã trả lời một số câu trong số 1.500 câu hỏi được gửi cho ông nhân sự kiện này. Trích theo Q & A:
- Nhà văn yêu thích của ông là ai?
- Natsume Soseki (1867 - 1916) và Junichiro Tanizaki (1886 - 1965) - những nhà văn có kỹ năng viết lách tuyệt vời. Ngoài ra, còn có ShotaroYasuoka (1920 - 2013) nữa. Tác giả tôi không thích là Yasunari Kawabata (1899 - 1972) và Yukio Mishima (1925 - 1970). Về mặt bản năng, tôi không thể chấp nhận tác phẩm của họ. Khi đọc Coin Locker Babies của Ryu Murakami (1980), tôi nghĩ rằng mình muốn viết một cuốn tiểu thuyết như thế. Sau đó, tôi bỏ công việc để tập trung vào viết tiểu thuyết.
- Loại bia yêu thích của ông?
- Bia hộp của Maui Brewing có vị rất ngon.
- Đội bóng chày chuyên nghiệp mà ông yêu thích?
- Khi còn bé, tôi thích Hanshin Tigers, nhưng sau đó tôi đã trở thành người hâm mộ Yakult Swallows sau khi chuyển đến sống ở gần sân vận động Jingu (sân nhà của đội này). Tôi vừa xem các trận đấu từ dãy ghế ngồi bên cánh phải vừa uống bia. Tôi thường sống ởBoston, thế nên tôi cũng quan tâm đến Red Sox. Tuy nhiên, cựu cầu thủ của Yakult là Norichika Aoki đã chuyển đến Brewers (Milwaukee) nên tôi cũng cổ vũ cho đội đó.
- Nơi chốn ưa thích của ông ở Kyoto?
- Thực ra, tôi sinh ra ởKyoto. Tôi thích khu vực xung quanh ngôi đền Nanzenji nơi tôi thường đi bộ.
- Thế còn marathon, một trong những sở thích đặc biệt của ông?
- Tôi đã chạy marathon hơn ba mươi năm. Khi tôi chạy dọc theo Kamogawariver (ởKyoto) sáng nay, tôi đã rất ngạc nhiên khi một người đi dép gỗ nói với tôi: “Hy vọng anh duy trì việc chạy thế này”. Tôi đã từng thả bộ với nhà văn John Irving trong công viên trung tâmNew York. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục chạy marathon cho đến khi 85 tuổi.
Tuệ Anh dịch
Theo Kae Morishita/ Shukan Asahi Weekly Magazine