Đoàn Thạch Biền 1974 và 2013

19.07.2013

Từng tác phẩm của anh, những lần in, tái bản đều có trong thư viện gia đình. Nay là bản in mới nhất, có tập đã tái bản lần thứ 6. Sức sống còn bền. Lối trò chuyện cà tửng, cà rỡn, thông minh, đôi lúc “triết lý” hóm hỉnh giữa “ông” và “em” vẫn động đậy, lay động trong lòng thế hệ mới. Vậy là đủ.

Lại nói về cái cùi bắp. Điện thoại di động sẽ trở nên đỉnh cao của sự hoàn hảo, nếu nó chỉ có mỗi một chức năng nhắn và nhận tin. Chiều qua, kẹt xe. Khói xe mù mịt nghẹt mùi ẩm, màu nhòe của pháo tết đêm ba mươi từ thời Lê Văn Trương viết Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên.

Đoàn Thạch Biền 1974 và 2013

Tiếng động cơ ầm ầm như đại bác nã vào tai của thời Nam Cao đẻ ra nhân vật Trạch Văn Đoành. Đinh tai nhức óc. Bỗng cái cùi bắp ò ý e réo lên ồn ã như tiếng kèn kêu gọi xông trận. Nhìn xuống màn hình thấy hiện lên chữ “Ông Biền”. Vội áp vào tai nghe. Người khác thì chưa chắc. Chơi với nhau tròm trèm chừng 30 năm nên hiểu tính của bạn. Anh Biền chỉ gọi khi có việc cần thiết, bằng không chỉ nhắn tin.Chuyện gì quan trọng vậy?Chỉ nghe tiếng đực tiếng cái. Tiếng đục tiếng trong. Tiếng còn tiếng mất. Tiếng có tiếng không. Tiếng người tiếng ngợm. Tiếng tròn tiếng vỡ. Tóm lại chẳng nghe được gì. Bèn nhét luôn cùi bắp vào túi quần. Vậy mà không yên tâm. Đành gọi lại. Đại khái anh Biền cho biết vừa có sách do Công ty sách Phương Nam liên kết với Nhà xuất bản Phụ nữ mới tái bản. Vậy à? Mừng quá. Mừng bạn bè có sách mới và hẹn sáng mai tặng cho nhau. Lan man phóng xe, ngó lên trời và hình dung ra trang sách còn mới. Chữ còn thơm. Tình còn đầy. Nghĩa vẫn nặng. Mỗi lần nghe tin bạn có sách mới, tự sâu thẳm trong lòng lại reo vui như sách của mình. Hôm qua, anh Ánh cũng nhắn tin đã gửi tặng Ngồi khóc trên cây. Rồi anh Thức cũng đã tái bản thêm Vĩnh biệt mùa hè.Sáng nay đẹp. Sáng thứ bảy. Sáng của Huy Cận. Sáng của câu thơ đã từ lâu ghim vào trí nhớ một lời than thở vang vọng từ Lửa thiêng của vàng son tiền chiến:Than ôi! Trời đẹp nhưng trời buồn
Như cảnh tươi màu rạp cải lương
 
 
 
Nghe tiếng chó sủa. Nhìn ra. Đã thấy anh Biền trước cửa nhà. Đúng hẹn. Mẹ mở cửa. Mẹ y là vậy, bạn của con đến là bà cụ niềm nở, vui mừng lạ thường. Rồi lủi thủi vào phòng sau. Không bước chân ra. Như không hề có mặt trong nhà. Có lúc, con trai bày biện đãi bạn, vung vãi một bãi chiến trường những ly chén, những tiếng nói cười vô tội vạ rồi xách xe tếch đi đàn đúm theo bạn, bà cụ lại lặng lẽ dọn sạch sẽ, ngăn nắp như lúc ban đầu. Không một lời thở than. Không nửa tiếng phàn nàn.Sáng nay đẹp. Vì trời đẹp nên không việc gì phải nhậu. Lại nhớ Huy Cận của cảm giác: “Rộn ràng nhịp bước hương vương gót/ Nhựa mạnh tuôn tràn tưởng dính chân” bởi bạn có sách mới. Nhận từ tay bạn và đặt trên bàn những Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Ví dụ ta yêu nhau. Hồi hộp lật từng trang và áp sát vào mũi. Giấy thơm quá. Thời tiểu học, đầu năm học mới, y luôn chờ đợi được thầy cô giáo phát cho sách giáo khoa. Các tập sách ấy, lật đôi ra và ngửi thật nhẹ nhàng. Kính cẩn. Chao ôi! Mùi thơm của trang mới mẻ như cái lần đầu tiên được áp vào môi ngon và ngọt của dậy thì mười tám.Sách ông Biền đó ư?Từng tác phẩm của anh, những lần in, tái bản đều có trong thư viện gia đình. Nay là bản in mới nhất, có tập đã tái bản lần thứ 6. Sức sống còn bền. Lối trò chuyện cà tửng, cà rỡn, thông minh, đôi lúc “triết lý” hóm hỉnh giữa “ông” và “em” vẫn động đậy, lay động trong lòng thế hệ mới. Vậy là đủ. Với một nhà văn, sách viết từ trước 1975, ký Nguyễn Thanh Trịnh, nay vẫn tái bản dài dài. Vậy vẫn còn bạn đọc. Chúc mừng anh Biền. Mừng nữa là trong tập Tình nhỏ làm sao quên có in bài Ông Biền áo trắng. Y viết đó. Oách chưa?Trong căn phòng “Như cảnh tươi màu rạp cải lương” bởi có treo quá nhiều tranh do y vẽ. Y lật lại bản in Ví dụ ta yêu nhau, Bạn Ngọc in năm 1974 và đọc lại lời tựa của nhà văn Duyên Anh. Một cảm giác vui tươi và cảm động ùa đến vây kín cả hai con mắt đang săm soi từng chữ, từng chữ: “Tôi thấy thế này: Văn của Trịnh không cầu kỳ bay bướm, trải chuốt nhưng nó đong đầy ý tưởng. Nó tựa như hạt thóc, no đầy, hứa hẹn cho đốm mạ xanh, cho mùa gặt thơm ngời lúa. Nó là ngày mai rực rỡ khi hôm nay đã vàng vọt ở trà đình, tửu điếm, trên gác xếp, gần ven đô, trong khảo cổ, ngoài luận bàn của tất cả những nhà văn cỡ lớn của chúng ta. Những nhà văn trẻ đang làm một bình minh văn chương, trong khi, những nhà văn lớn thì đang đi vào hoàng hôn văn chương buồn bã. Đó là một điều mừng cho độc giả. Nguyễn Thanh Trịnh đang bước tới. Trịnh bước tới, bắt đầu cuộc chơi và chứng tỏ là một tay biết chơi đùa cùng văn chương. Ở bất cứ một cuộc chơi nào, ai biết chơi, người ấy sẽ thành công”.Tựa cho một nhà văn trẻ, viết vậy là ưu ái và nhìn thấu rõ tính cách một con người. “…một tay biết chơi đùa cùng văn chương”. Chính xác. Đôi lần, anh Biền tự nhủ khi hết ra sân cỏ, sẽ là huấn luyện viên; đến lúc không còn đủ sức, là cổ động viên. Với tay nghề, qua Áo trắng - một sân chơi sang trọng của thế giới văn chương trẻ miền Nam sau 1975, anh đã là bà đỡ mát tay cho một loạt tác giả mới. Một bà đỡ ngoại hạng. Khó có người thứ hai sánh với anh trong vai trò này.Cũng từ Ví dụ ta yêu nhau của bản in năm 1974, tôi đọc đôi dòng viết tay của anh, thuở ấy, cái thuở tâm hồn trong veo như lá mới, như áo mẹ mới may, vừa ủi và xếp cẩn thận trong rương, thao thức chờ mặc vào đúng sáng mồng một tết:Tác phẩm đầu tay 
Như mối tình đầu đã mất
Đẹp. Vụng dại
Và nhiều luyến tiếc.
(20.9.1974)
 
 

Với lần tái bản này, anh viết: “Một đời người dù khổ đau khốn cùng, khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống qua những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp. Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng như là mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt một đời người…”.
So với hiện nay, chữ ký đã khác. Anh bảo: “Già rồi. Nhìn cuộc đời đơn giản thì chữ ký cũng đơn giản”. Tác phẩm đầu tay cũng tựa mối tình đầu. Mối tình đầu nào vậy? Sáng nay ngồi ăn phở, anh cười cười: “Nàng xinh đẹp, thánh thiện, học trường Tây Pascal ở Đà Nẵng. Ngày nọ, lúc tan trường thấy nàng bước lên xe hơi có tài xế đưa về nhà. Nàng sang trọng, quý phái quá. Tôi cụt hứng luôn. Từ đó, bỏ cuộc, bởi biết không thể với tới”. Thật hay đùa? Chẳng rõ. Chỉ biết sau 1975, như một loạt nhà văn đã từng viết trước 1975 phải đổi tên: Từ Kế Tường (Phan Tường Niệm), Mường Mán (Trần Huế Ly), Hoàng Ngọc Tuấn (Huấn Toàn), Nguyễn Bạch Dương (Lê Trung Hiệp)… Nguyễn Thanh Trịnh ký Đoàn Thạch Biền. Anh kể: “Sau năm 1975, khi đang là công nhân xí nghiệp dệt, mỗi lần ăn trưa thấy cô “chị nuôi” Đoàn Thị Biền bán buôn “đắt như tôm tươi” nên ông “láu cá” chọn ngay cái tên Đoàn Thạch Biền! Ông thật thà: “Ước gì chương của mình đến với bạn đọc cũng như vậy! Ký cái tên ấy chắc là... hên!”. Nói nhẹ nhàng như không, nhưng thật ra để tạo một cái tên mới -  sau khi đã có tác phẩm là điều không dễ, phải là một cuộc “lột xác” chứ không đùa.Sách của bạn đang trên bàn làm việc. Và dừng lại rất lâu ở tấm ảnh ông Biền thời trẻ. Thời đó, ở Đà Nẵng mỗi lúc sang hè vẫn còn nhiều cây phượng nở xòe từng chùm lửa đỏ; dọc đường Thống Nhất vẫn còn hàng cây dầu rợp tiếng ve, lúc gió thổi, từng cánh hoa khô rơi lửng lơ trong gió và từ phía sông Hàn, gió thổi lên lồng lộng, xao xuyến những tà áo dài của nữ sinh Hồng Đức. Cảm hứng từ một thành phố nằm ven biển miền Trung đã nuôi dưỡng văn chương của ông Biền. Tuổi trẻ tươi đẹp. Ngày tháng tươi đẹp. Trang sách của ông Biền đủ sức dẫn ta về một vòm trời tươi đẹp ấy. Kỷ niệm êm đềm ấy làm trong sạch lại mệt mỏi của tháng ngày mà hở ra một chút là điện thoại di động lại réo bên tai cứ như tiếng kèn đồng gọi ta phải xông vào đời với quá nhiều bận rộn.Nghĩ như thế. Tắt luôn cái cùi bắp. Ném vào xó tủ. Để yên ổn làm việc trong ngày thứ bảy. Một ngày mừng bạn vừa tái bản sách.Sực nhớ đến nàng, bèn hỏi: “Tình nhỏ làm sao quên?”

  Lê Minh Quốc
Nguồn: cand.com.vn