Danh họa Nguyễn Phan Chánh và những bức tranh nổi tiếng
Theo nhiều tài liệu, danh họa Nguyễn Phan Chánh là một trong ít những họa sĩ có tranh đấu giá đắt nhất của Việt Nam. Tại cuộc đấu giá do Christie's International tổ chức ở Hồng Kông ngày 25/5/2015, bức "Người bán gạo" (La Marchand de Riz) vẽ từ năm 1932 của ông được bán với giá 3,03 triệu HKD (hơn 8 tỷ VND), được xem là giá bán kỷ lục của tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ.
Người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892, tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, Nguyễn Phan Chánh với bút hiệu là Hồng Nam (một sự gợi nhắc đến quê hương ở phía Nam núi Hồng Lĩnh), được gia đình cho theo học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Hơn mười tuổi, cậu bé Chánh đã nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ và viết chữ Thảo đẹp.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và các con cháu.
Năm 1922, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế, nhưng không theo nghề dạy học.Năm 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên phụ giúp gia đình nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ và tranh cuộn bán tại các phiên chợ quê. Cùng với đam mê cháy bỏng về nghệ thuật thư pháp, hình ảnh về miền quê nghèo và cuộc sống nông thôn Việt Nam in dấu trong tâm trí của Nguyễn Phan Chánh, để rồi trở thành một "nỗi ám ảnh nghệ thuật", in dấu trong tất cả sáng tác của ông về sau này.
Năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (một thành viên của Đại học Đông Dương) chiêu sinh khóa đầu tiên, Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất thuộc dải đất miền Trung đỗ vào khóa 1 (1925-1930). Trong nhật ký của mình, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tự bạch: "Tuy học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 5 năm, song mãi đến năm thứ ba thì tôi mới học vẽ lụa. Ông đốc trường có cho sinh viên xem những tranh lụa của Trung Quốc và Nhật Bản. Tranh của Nhật lòe loẹt, ví dụ như mặt trời thì cho một vòng tròn đỏ ối. Tôi không thích. Tôi thích những màu đằm thắm, êm dịu, như màu lam đậm trong tranh Trung Quốc hơn.
Trong dịp đấu xảo ở Paris, tôi có khá nhiều tranh lụa được đưa sang bày, có bốn bức in trên báo Illustrations: “Chơi ô ăn quan”, “Lên đồng”, “Rửa rau cầu ao”, “Em cho chim ăn”.
Tôi muốn nói riêng về bức “Chơi ô ăn quan” vì tranh này được nhiều người chú ý. Các em khoảng 13, 14 tuổi ở làng Kim Liên đã ngồi cho tôi vẽ. Các em chít khăn mỏ quạ, quần áo nâu sồng là đặc sắc Việt Nam hồi bấy giờ. Hòa bình lập lại, tôi tới Kim Liên, hỏi một bà cụ chừng 70 tuổi, cụ cho biết là cách đây hơn 25 năm các cô ấy đã có chồng con ở đâu cả rồi. Tranh này, vì màu nâu sồng, hơi tối, không hợp với nhân vật, cảnh tình phải tươi đẹp như lụa.
Chơi ô ăn quan.
Lụa không phải chỉ nhuộm màu, mất cả vẻ trong trắng, mềm mại, phải có những màu sắc tinh khiết, uyển chuyển, nhẹ nhàng như thường quyến rũ người xem. Nên như tôi đã nói, bức “Chơi ô ăn quan” chỉ khá thôi, vì để ở cách xa xa, không ai đoán đó là tranh lụa. Cũng như các bức “Rửa rau cầu ao”, “Em cho chim ăn”, “Lên đồng hồi ấy”, cách vẽ còn tự nhiên chủ nghĩa, như tay, chân, mặt còn chưa thoát lối Âu Tây để chuyển về dân tộc, đơn giản, thùy mị hơn. Tranh “Mẹ con”, “Rửa khoai”, “Qua suối” (cũng vẽ hồi trước Cách mạng) được bố cục đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, đề tài trữ tình, thoải mái hơn. Hồi ấy, chúng tôi thuê thuyền đi từ thị xã, loanh quanh theo dòng sông xuống, lấy cảnh đền làng, cầu ao, xóm chài... rồi thuyền đến chân núi, ra cửa bể vẽ cảnh “Tựa vách núi”, “Hun thuyền”, “Thuyền đánh cá...”.
Đi theo tôi, có cô con gái lớn đã 15-16 tuổi và con gái người chủ thuyền 13-14 tuổi để làm mẫu vẽ cho các bức tranh “Thiếu nữ tựa núi trông ra bể Đông”, “Chị em nhặt vỏ ốc trên bãi cát...”. Ở trong nước, tôi có 3 cuộc trưng bày tranh lụa, một ở Địa ốc Ngân hàng (trước Bách hóa Tổng hợp ngày nay), một ở Khai tri tiến đức (nay là câu lạc bộ Thống nhất), và một ở Hội Trí tri (Hàng Quạt)...".
Lấy cảm hứng từ vợ và các con
Trong ký ức của nhà văn Nguyệt Tú, cha mình, danh họa Nguyễn Phan Chánh là một người nghiêm ngắn và là một nghệ sĩ đích thực vì cả một đời không màng danh lợi. Vẽ với ông là sự sống còn, không có hội họa, trước hết, ông không có tiền để nuôi vợ con, nhưng trên tất cả, với ông hội họa chính là hơi thở và lẽ sống của đời ông.
Nhà văn Nguyệt Tú kể: "Năm ấy, tôi 14 tuổi, vừa thi đậu vào trường cấp 2. Cha thưởng cho tôi bằng chuyến cùng đi lấy phác thảo vẽ tranh ở cửa Sót, vùng biển Hà Tĩnh. Trên một con thuyền nhỏ, cha tôi, tôi, hai vợ chồng ông chủ đò và cô con gái nhỏ trạc tuổi tôi. Con thuyền rời bến Tân Giang, đi dọc bờ sông, ra đến cửa biển. Trời vừa rạng đông. Cha lấy phác thảo cảnh rạng đông trên biển, gọi tôi cùng ngồi xem và nói: "Con hãy nhớ màu sắc để khi nào cha vẽ lên lụa thì nhắc cha".
Lúc lên lụa bức tranh, tôi ngồi cạnh cha, trong đầu vẫn nhớ như in khung cảnh rạng đông với mây trời nhiều màu sắc, hồng, đỏ, tím, vàng chuyển đổi từng giây phút. Mặt trời chiếu lên, sóng biển dạt dào, sống động. Tôi biết, cha muốn tôi cùng cảm thụ thiên nhiên và cùng đóng góp vào sự hoàn thiện của bức tranh. Cha đưa tôi ra bãi biển cùng con gái chủ thuyền. Họa sĩ lấy phác thảo hai chúng tôi nhặt vỏ sò.
Từ buổi đi hôm ấy, cha tôi cho ra đời bức “Cô gái ngồi trước biển” đem về trưng bày trong cuộc triển lãm 1938. Những bức tranh “Cô gái trên cành đào”, “Những cô gái dưới giàn hoa thiên lý”, cha tôi đều lấy mẫu vẽ từ các thiếu nữ tuổi 14, 15 như tôi và các bạn tôi. Nhìn thấy tôi và cô bạn hàng xóm chơi trốn tìm trong vườn, ông nảy ý định vẽ bức “Trốn tìm”.
Tôi mặc áo dài làm mẫu cho cha, chân mỏi nhừ nhưng vẫn cố ngồi cho cha vẽ từng nếp gấp của chiếc áo. Trên tranh, cô gái đi trốn cố thu mình lại trong chiếc áo dài trắng. Từng mảng màu trắng của tà áo với các nếp gấp uyển chuyển khiến bức tranh sống động hẳn lên. Bức lụa “Hun thuyền”, tôi cũng làm mẫu cho cha. Lần ấy, chúng tôi đi vào xóm chài lúc mọi người đang hun khói cho những chiếc thuyền mới đóng. Ánh lửa trong đêm sáng rực, khói mịt mùng, cay sè mắt. Mặt tôi giục về vì đã khuya, cha vẫn miệt mài ngồi lấy phác thảo...
Qua bao năm tháng, mảng màu, nét bút trên tranh dù có phôi phai nhưng kỷ niệm những ngày ngồi làm mẫu vẽ cho cha và được theo cha đi vẽ, tôi không bao giờ quên. Khi tôi đã có gia đình, cha tôi vẫn bảo: "Để thầy vẽ cho con một bức tranh". Tiếc rằng vì hồi đó thiếu lụa nên bức chân dung mới chỉ được vẽ trên giấy. Bức tranh "Trốn tìm" cha cũng đã vẽ chị em tôi. Tôi nhớ đã phải ngồi đến mỏi tê cả hai chân.
Thỉnh thoảng, cha tôi lại động viên: "Con cố gắng chút nữa thôi để cha vẽ nốt những nếp gấp của tà áo trắng con ạ". Tôi ngoan ngoãn làm theo ý cha. Nhìn trên bức phác thảo chì than, chỉ thấy những nét vẽ chi chít nhưng lúc đã hoàn thành thì nét vẽ trông thật tài tình. Người xem tranh rất thích những nếp gấp màu trắng sinh động ở tà áo của cô gái ngồi trốn. Khi cha vẽ xong, chúng tôi sững sờ nhìn bức tranh, không nhận ra hai thiếu nữ trong tranh chính là mình...".
Theo nhà văn Nguyệt Tú, cha mình là người có tài nhưng cũng khái tính và bất cần. Ông đã được mời làm giáo sư giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường Bảo hộ (Trường Bưởi sau này). Với mức lương 100 đồng Đông Dương được trả mỗi tháng là một số tiền rất lớn ở thời điểm đó, Nguyễn Phan Chánh đưa vợ con và mẹ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.
Gia đình sống trong ngôi nhà rộng rãi tại phố Phó Đức Chính và nuôi 4 người giúp việc. Thế nhưng, năm nhà văn Nguyệt Tú 8 tuổi đã có một biến cố xảy ra, một hôm bà nhìn thấy gương mặt cha mình rất buồn rồi cụ nói với vợ "Bể niêu rồi!". Và sau đó gia đình bà sẽ chuyển từ Hà Nội về lại quê nhà Hà Tĩnh vì họa sỹ... bị thất nghiệp. Lý do là khi viên Tổng giám thị Trường Bảo hộ yêu cầu ông vẽ lại một bức tranh theo ý mình thì Nguyễn Phan Chánh nhất định không nghe theo.
Trong sáng tạo nghệ thuật, ông ghét sự gượng ép mà yêu thích sự tự do, phóng túng và tôn trọng bản sắc dân tộc. Những tháng ngày nuôi 6 miệng ăn trong gia đình là cả một sự khó nhọc đối với danh họa Nguyễn Phan Chánh cũng như người vợ tảo tần. Đó cũng là thời điểm ông vẽ tranh nhiều nhất. Ông vẽ để mở triển lãm ở Hà Nội và có tiền để đưa vợ con trở ra Hà Nội. Mặt khác, tại quê nhà, ông sống bằng nghề vẽ truyền thần cho những người yêu thích. Tiền công vẽ truyền thần được trả bằng gạo, ngô, khoai sắn.
Vợ ông tần tảo đêm ngày nuôi gia đình bằng nghề hàng xáo. Sáng sớm, bà mang quang gánh đi mua thóc. Tối về giã gạo lấy cám, sớm hôm sau, bà lại gánh gạo ra chợ bán. Cuộc sống quá vất vả cũng là một lý do khiến vợ ông mất khi bà chỉ mới 40 tuổi, để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho người họa sỹ tài hoa. Sau này, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ bức tranh lụa "Cô hàng xén" từ những ký ức về người vợ yêu của mình. Bức tranh vẽ một cô thiếu nữ ngồi đọc sách giữa hai chiếc sọt gánh hàng xén. Gương mặt bầu bầu, xinh xắn hiền hậu của cô hàng xén phảng phất nét mặt vợ ông hồi còn trẻ. Tác phẩm này đã đánh dấu sự trở lại với tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sau thời gian kháng chiến chống Pháp.
Không chỉ xuất hiện trong bức tranh "Cô hàng xén", thời gian còn sống, vợ danh họa đã làm mẫu trong khá nhiều tác phẩm của ông và bao giờ cũng là gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt lá răm và sống mũi thanh. Trong cuộc đời họa sỹ, những bức tranh nổi tiếng thường gắn liền với những câu chuyện tình yêu. Ông đã dành cả cuộc đời để vẽ người phụ nữ ở độ tuổi đẹp nhất - tuổi thanh xuân và vợ ông là một trong số đó. Bức tranh "Người bán gạo" với mức đấu giá cao kỷ lục.
Trong bức tranh, ta chỉ nhìn thấy người bán gạo phía sau lưng. Nhưng người mua gạo lại nhìn rõ trước mặt. Theo nhà văn Nguyệt Tú, người thiếu phụ mặc áo trắng đang đứng đong gạo chính là mẹ bà. Chiếc khăn vấn vành nâu, mái tóc đen rẽ giữa, nét mặt thùy mị, thanh tú, hình ảnh người vợ tảo tần mà ông hết mực yêu thương khi chưa đến 30 tuổi. Bức tranh rất đẹp, bố cục chặt chẽ, các mảng màu trắng nâu ấm bình dị dân dã rất Việt Nam, rất Nguyễn Phan Chánh.
Nói về mẹ, nhà văn Nguyệt Tú ở tuổi 90 đôi mắt ngân ngấn nước: "Tôi rất biết ơn mẹ. Tôi trở thành nhà văn, nhà báo là nhờ mẹ. Cha tôi đi vẽ truyền thần khắp vùng quê Hà Tĩnh, lúc được trả công một rổ khoai, khi mấy ống gạo, có hôm chẳng được gì vì bị quỵt tiền. Cha tôi tính rất nghệ sĩ, có lần ông đi vẽ truyền thần cả ngày, chỉ được trả công mấy củ khoai lang. Lúc về nhà tìm mãi chẳng thấy khoai đâu. Túi đeo bị thủng, khoai rơi mất, ông không biết. Mọi việc lo liệu trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai mẹ tôi. Tôi được tin mẹ mất khi đang công tác ở chiến khu Việt Bắc. Một bức thư từ quê gửi ra. Chưa đọc hết thư, tôi khuỵu xuống nức nở: "Mẹ ơi, con mất mẹ rồi!". Mẹ mới ngoài bốn mươi. Cuộc đời mẹ tôi, cuộc đời vợ nghệ sĩ chẳng dễ dàng gì. Đằng sau những bức tranh lụa mỏng manh của cha tôi là sức nặng cuộc đời đè trên đôi vai mảnh mai của mẹ tôi. Bao đắng cay, nước mắt âm thầm, chịu đựng hy sinh để cha tôi vẽ được những bức tranh lụa tuyệt vời".
Năm nay, nhà văn Nguyệt Tú đã 90 tuổi, nhưng dường như trong ký ức bà, những kỷ niệm về cha mình cùng những bức tranh của ông vẫn mới nguyên như ngày hôm qua. Trong phòng làm việc riêng của bà có một góc riêng dành cho bà và chồng, cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và có một góc riêng đầy trang trọng dành riêng cho người cha. Bà đang song hành vừa làm bản thảo cuốn hồi ký về nghề làm báo của mình với tựa đề "Đi và nhớ" và đồng thời cũng sắp xếp để in sách, nhật ký, tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Bà bảo rằng quãng thời gian của bà không còn dư dả nên phải tranh thủ từng phút giây. Bà thuê riêng một cô bé thư ký chuyên đánh máy và sắp xếp tư liệu để mọi việc được chỉn chu hơn. Bà và gia đình đã trả lại Nhà nước ngôi nhà quen thuộc nhiều năm ở đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), ngôi nhà mà có một thời kỳ danh họa Nguyễn Phan Chánh đã ở cùng gia đình con gái và các cháu.
Bà bảo, cụ Chánh thường không quan tâm đến danh lợi nhưng lại rất hợp về mặt tâm hồn với anh Đạo, chồng tôi (Cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo - PV) nên cụ rất phấn khởi khi ở cùng và ngôi nhà ấy cũng là nơi chứng kiến những tác phẩm về sau của cụ. Bây giờ bà đã chuyển về một ngôi nhà mới rộng rãi trên đường Đội Cấn, ngôi nhà khang trang rộng rãi và đầy yên tĩnh, cũng đủ để cảm xúc của bà thăng hoa cùng những trang bản thảo và những ký ức về người cha, người mẹ thân yêu đã theo suốt cuộc đời...
Trần Hoàng Thiên Kim(antg.cand.com.vn)