Dân trí và Dân khí

23.04.2012
Hiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí? Bài viết của cố GS Trần Đình Hượu cách đây hơn mười năm đã đề cập đến vấn đề này.

Dân trí và Dân khí


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được những việc tuyệt vời về mặt chấn dân khí – Những tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", "đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế”, "Không có gì quý lắm độc lập tự do"- đi vào nhân dân và trở thành khí thế của toàn dân tộc, không có gì có thể khuất phục nổi. GS. Trần Đình Hượu

Dân trí và dân khí, hai khái niệm này có chỗ nhập vào nhau, khi giải quyết hai vấn đề trong thực tế nếu không phân biệt để dẫn đến bao quát một phạm vi quá rộng, chọn giải pháp tình thế không thiết thực và biện pháp không thích hợp.

Dân trí là nói về sự hiểu biết, từ chỗ không mù chữ đến mức cao hơn là có tri thức về văn hóa, về khoa học kỹ thuật... Dân khí là nói về tinh thần chung: nhất trí hay rã rời, theo đuổi mục đích chung hay mục đích riêng, quan tâm đến người khác, hợp tác hay ích kỷ hại nhân... cả hai đều thuộc văn hóa tinh thần, đều được nâng cao bằng giáo dục nhưng Dân trí thiên về tri thức, học và biết; Dân khí thiên về phẩm đức, tu dưỡng rèn luyện để có ý thức. Hai cái có liên quan đến nhau tùy thuộc vào trình độ dân trí cao hay thấp, vào sự giáo dục tốt hay xấu. Nhưng cũng không phải hoàn toàn tương ứng; có khi dân trí cao hiểu biết nhiều nhưng phẩm chất tinh thần vẫn không cao. Dân khí tùy thuộc vào tư tưởng, vào lý tưởng cuộc sống.

Đầu thế kỷ này, sau khi thực dân Pháp chiếm được nước ta và đặt xong nền thống trị thì đất nước rơi vào tình trạng đen tối nhất. Các nhà Nho yêu nước đã nhìn ra nhược điểm của dân tộc và của chính mình, tức là của chính các nhà Nho- tầng lớp có vai trò hướng đạo tinh thần nhân dân. Họ đã đề xuất khai dân trí, chấn dân khí. Chính quyền thực dân và phong kiến không để cho họ làm được gì nhiều về khai dân trí. Nhưng các nhà duy tân đó, đặc biệt là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã làm được rất nhiều về mặt chấn dân khí. Phan Châu Trinh đã vạch không thương xót những chỗ yếu hèn của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam, làm cho mọi người thấy không thể cứ sống như thế được. Phan Bội Châu đưa mọi người thoát khỏi tinh thần tự ti, sống cam chịu, trả lại cho người Việt Nam lòng tự tin, tự hào dân tộc sẵn sàng hy sinh cứu nước. Hai cụ Phan đã trực tiấp bàn giao thành quả đó cho thế hệ kế tiếp, tức là những người cộng sản đầu tiên.

Đảng Cộng sản từ khi thành lập đến làm Cách mạng tháng Tám, xây dựng chế độ DCCH thì bước ngay vào ba mươi năm kháng chiến. Nhà nước cách mạng đã có nhiều chủ trương khai dân trí nhưng trong hoàn cảnh vừa nói thì cũng chưa được nhiều. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được những việc tuyệt vời về mặt chấn dân khí. Những tư tưởng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, "Không có gì quý hơn độc lập tự do"... đi vào nhân dân và trở thành khí thế của toàn dân tộc, không có gì có thể khuất phục nổi. Chưa bao giờ người Việt Nam đạt đến nhân phẩm cao như vậy và cũng chưa bao giờ người Việt Nam tự hào về cộng đồng của mình như trong những năm kháng chiến. Trong những năm cách mạng và kháng chiến đó, chúng ta đã có dân khí cao chứ chưa có dân trí cao. Nếu không nói đến thực tế dân khí cũng đã chuyển thành dân trí, thành sức mạnh vật chất nữa, thì có thể nói chúng ta giành được thắng lợi bằng dân khí chứ chưa phải bằng dân trí.

Sau đỉnh cao năm 1975 giành được độc lập và thống nhất khí thế và phẩm chất dân tộc đạt đến cực thịnh thì tình thế chuyển biến. Hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, thực trạng nghèo nàn lạc hậu và bị tàn phá của cơ sở vật chất, sự tan rã của phe XHCN trên thế giới... Cùng với những mặt tiêu cực của cách quản lý quan liêu bao cấp, với sự hủ hóa của nhiều cán bộ cách mạng nắm được quyền hành thúc đẩy cả dân tộc đến một sự lựa chọn: không thể không đổi mới. Những nét lớn của sự đổi mới là thực hiện khoán trong nông nghiệp. cho phát triển năm thành phần kinh tế, mở rộng kinh tế thị trường, mở cửa giao lưu rộng rãi với thế giới, kêu gọi nước ngoài đầu tư. Sự thừa nhận cá nhân, kinh tế tư nhân và khuyến khích kinh doanh làm giàu cùng với tâm trạng mất lòng tin, ham mê những cái mới phương xa đến (từ hàng hóa kỹ thuật đến văn hóa tư tưởng) làm thay đổi khá lớn bộ mặt tinh thần và xu hướng của một số rất đông người. Dân trí thì không khác, thậm chí có những mặt được nâng cao hơn (ví dụ : hiểu biết về kinh doanh, quản lý, sử dụng kỹ thuật hiện đại, quen với môi trường thế giới hơn).

Nhưng dân khí thì ngược lại. Ngày nay, không nhiều người giữ được lòng tự hào dân tộc. phẩm chất anh hùng, vinh dự được làm người Việt Nam, hy sinh vì sự nghiệp chung, hy sinh vì người khác... những phẩm chất một thời là phổ biến, làm nền tảng cho dân trí. Vì những cái đó mà tuy dân trí chưa cao, kinh tế lại rất thấp kém mà chúng ta vẫn chiến thắng, vẫn lập được nhiều kỳ tích. Cho nên về chiến lược lâu dài, chúng ta cần phải mở mang dân trí mà về biện pháp tình thế thì phải chấn hưng dân khí.

Dân khí biểu hiện tinh thần chung, cao đẹp, phổ biến của một cộng đồng, cộng đồng quốc gia, cộng đồng dân tộc. Khi cộng đồng có việc, dân khí biểu hiện thành sự gắn bó, sự nhất trí, cá nhân đặt lợi ích riêng dưới lợi ích chung. Chỉ khi các thành viên thấy một cách hiển nhiên có một mục đích chung, một danh nghĩa, một lý tưởng mà lợi ích của mình phụ thuộc vào đó thì họ mới cảm nhận được danh dự, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm để sẵn sàng hy sinh cho cộng đồng. Chấn hưng dân khí ở ta ngày nay không phải là dễ.

Không kể tình trạng mất lòng tin và những khó khăn của đời sống thực tế. Một đổi thay rất cơ bản là chuyển hướng từ đấu tranh giành độc lập thống nhất sang phát triển kinh tế. Những phương hướng lựa chọn sáng suất để đổi mới như kinh tế thị trường, khuyến khích làm giàu, chấp nhận cạnh tranh, khẳng định cá nhân, kinh tế tư nhân... đều là những nhân tố làm tan rã sự gắn bó, sự nhất trí. Xu thế đó là tất yếu nhưng không phải là không có cách tránh. Lịch sử dân tộc đoàn kết, tương trợ nhau. nếp sống kháng chiến vừa qua là những nhân tố thuận lợi ít có.

Dân trí gắn với dân tộc, quốc gia. Xu thế thời đại và môi trường hoạt động ngày nay có tính thế giới. Với tư tưởng quốc gia hẹp hòi, dân tộc hẹp hòi thì không thể hòa đồng được với cuộc sống. Phải có một cách kết hợp quốc gia với quốc tế, nhà nước và xã hội, cá nhân và cộng đống thì mới khơi dậy được một dân khí thích hợp.

Có đưa nội dung kinh doanh, làm ăn xóa đói giảm nghèo, làm giàu, làm cho nước giàu nước mạnh tên thành một mục tiêu tập hợp ví như đưa dân tộc cất cánh chẳng hạn thì mới có sức mạnh tập hợp chung như giành độc lập tự do từng người mới thấy danh dự, quyền lợi của mình phụ thuộc vào mục tiêu chung của cộng đồng.

Dân khí ngày nay cũng đòi hỏi người Việt Nam có những phẩm chất khác trước, biểu hiện cách đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích cộng đồng khác trước. Tôi muốn dùng một từ khác: người Việt Nam cần phải có một "bản lĩnh” trước tình hình đã thay đổi.

Trước hết là tự giác thấy mình gắn bó với dân tộc: đất nước có cất cánh được, có hòa nhập được vào đà phá ttriển chung của thế giới thì mỗi người mới thật sự có khả năng hạnh phúc.

Thứ hai là có lòng tự trọng. Không phải tự ti mà cũng không phải là tự hào vô căn cứ chỉ lấy truyền thống anh hùng, quá khứ vinh quang mà không thấy được nhược điểm cố hữu đang kìm bước chân tiến lên phía trước. Không biết tự trọng thì không biết dừng lại trước những hành vi tàn bạo, đê hèn,dối trá khi làm thế thì kiếm được lợi. Người tự trọng không bao giờ chịu sống bằng cách ngửa tay ăn xin, xu phụ kẻ quyền thế, dửng dưng trước sự bất công.

Thứ ba là có trách nhiệm dám làm và làm kỳ có kết quả. Vì điều đó mà không cẩu thả, cầu an, chịu khó chịu khổ. Người Việt Nam giỏi chịu đựng nhưng lại dễ thỏa mãn, ít dám phiêu lưu mạo hiểm, hay dừng lại nửa chừng. Dân khí không phải để thành gàn bướng mà để hành động có hiệu quả. Bản lĩnh không chỉ là có có tinh thần, phẩm chất đạo đức mà phải kể cả trí tuệ, năng lực hành động...

Trở lại bàn vấn đề dân khí, chúng ta cần phải thấm thía bài học của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh, ba nhân vật lớn tiếp sức nhau chấn hưng dân khí nước ta để có thắng lợi ngày hôm nay. Cả ba đều là những nhân cách lớn. Khai dân trí thì có lẽ cần đến những đầu óc uyên bác, một đội ngũ trí thức giỏi. Còn chấn dân khí lại cần đến những con người "đặc biệt" mà nhân cách có sức chinh phục, gây lòng tin cho mọi người. Có dân khí mới làm cho dân trí phát huy được sức mạnh, đồng thời tránh được những chao đảo trước hoàn cảnh hiện nay.

Trong hoàn cảnh đổi mới ngày nay chúng ta cũng gặp những vấn đề tương tự như những vấn đề đầu thế kỷ. Chỉ có dân khí chắc chắn chưa phải là đã tìm được phương thuốc bách bệnh. Cùng lại phải nhìn như các nhà nho yêu nước duy tân: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh và giành dân quyền.

GS. Trần Đình Hượu
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng