Chuyện của diễn viên Hiền Mai

21.10.2013

Nghề cho tôi nhiều thứ, nhưng mà nghề cũng suýt nữa tước đoạt lấy mạng sống của tôi. Hồi lúc đóng vai cô bé Út cào nghêu trong phim Ráng chiều của đạo diễn Đỗ Phú Hải, tôi gặp tai nạn. Lần đó, cả đoàn phải gấp rút chuyển cảnh cho kịp tiến độ, tôi ngồi xe do anh Lê Vũ Cầu lái. Trời chạng vạng, xe bỗng nhiên mất thắng, lại qua khúc cua ngặt, nên lật mấy vòng vào bìa rừng...

1. Không biết tự bao giờ tôi cũng trở thành một người đàn bà thao thức.

Chuyện của diễn viên Hiền Mai

Giống má, giống chị hồi xưa, nửa đêm trở dậy vén lại cái góc mùng, áp tai vào khe cửa, nghe gió, nghe sương, nghe đêm rầm rì kể chuyện. Tôi bây giờ, ở trong ngôi nhà cách âm, cách nhiệt, tiếng gió tiếng mưa làm sao len lỏi nổi qua hai ba tầng cửa. Nhưng đêm vẫn cứ chông chênh, vui buồn vẫn dập dìu kéo về trong thao thức. Như đêm qua, má lại đau, tiếng rên yếu ớt, từng hơi, từng hơi hẫng hụt. Tôi miên man trong cơn ngủ chập chờn, thấy má, thấy tôi, thấy kỷ niệm ùa về kinh hãi. 

Thấy rõ mồn một buổi chiều định mệnh, cách đây mấy mươi năm về trước. Giữa bãi biển ồn ã tiếng người, tôi mải chơi, để sóng đánh tuột mất chiếc phao. Đôi bàn tay nhỏ xíu của đứa trẻ mới 9 tuổi đầu, cố vẫy vùng để níu lấy sự sống. Khi tất cả đã trở nên vô vọng, thì má ở đâu lao tới, ôm chặt lấy tôi rồi hai má con cứ lịm dần đi. Mở mắt ra đã thấy chiếu giường trắng toát, mặt ba se sắt lại vì đau đớn, lo âu. Má nằm cạnh bên, hơi thở xanh xao, tiếng rên đứt quãng. Hai mươi mấy ngày sau đó, má không ngừng ho ra máu. Máu vương trên tấm áo hoa, trên chiếc khăn thêu, trên mấy ngón tay nghiêng nghiêng cầm bút…

Những đốm máu khô nâu xỉn, ám rịt lấy ký ức tuổi thơ tôi. Mỗi lần bắt gặp má ho rũ rượi, rồi len lén nhìn bàn tay coi thử có máu không là nước mắt tôi chảy dài, không dưng thấy giận mình ghê gớm. Sau lần ấy, má đau ốm liên miên, cứ vài bữa nửa tháng lại nhập viện. Lần cứu tôi ngoài biển khiến má bị suy hô hấp trầm trọng, chưa kể những bệnh nan y đã sẵn có trong người. Tuổi thơ tôi xa hút theo những hành lang bệnh viện ướt nhòe nước mắt.

Má là nhà văn, ba là nhà thơ, nên dẫu đời sống có cơ cực bao nhiêu má ba vẫn đủ sức để nhìn thấy Có những buổi chiều kỳ lạ/ Mà những bông hoa có một tâm hồn – (thơ Albert Samain, Pháp – PV). Bởi vậy, lo toan cuộc sống cũng phải ngại ngần trước bậu cửa nhà tôi, khi ba ngồi đó ngâm một đoạn thơ vừa ráo mực, má trong bếp nhìn ra, có nắng trong nụ cười. Khi chị hai coi khoảng trống chật hẹp của căn nhà chung cư cũ kỹ là sân khấu tráng lệ nhất, rồi thả mình vào những vũ khúc ba lê bềnh bồng, say đắm. Khi tôi nhận đồng lương ít ỏi từ nghề phụ hồ, bưng bê, rửa chén… về nhà rụt rè dúi vào tay má, rồi vội vã chạy biến đi vì sợ nhìn thấy những giọt nước mắt to tròn sắp rớt ra khỏi đôi mắt thẳm sâu của má. Ký ức dữ dội khôn cùng, mà dịu êm cũng quá đỗi.

 

 

2. Lớn lên, tôi học Nga văn với ước muốn trở thành giáo viên đứng lớp. Thế rồi phận đời rủi may khiến tôi không thể thực hiện được ước mơ. Tôi làm trái nghề. Thấy tôi cao ráo, mảnh mai, lâu lâu lại có người đùa “sao không đi làm người mẫu”. Tôi cười cười, đời chưa đủ sóng gió hay sao mà còn chọn tiếp trắc trở cho mình. Nhưng mẹ tôi bệnh càng ngày càng trở nặng, ba cũng yếu dần, mà đồng lương hiện tại tôi nuôi mình còn thấy khó.

Biết hoàn cảnh tôi vậy, chị Minh Hạnh, giờ là nhà thiết kế nổi tiếng, khuyên tôi: “Thì mày cứ đi làm người mẫu thử đi, đời nó phức tạp với những người tự làm cho nó phức tạp thôi. Ai làm gì, nói gì kệ họ, mày đi diễn xong rồi về, mắc mớ gì đâu”. Thấy chị nói cũng đúng, tôi giành chút thời gian ngoài giờ đi làm thêm nghề người mẫu. Vài đạo diễn quen mặt, nhớ tên rồi gọi thử vai, tôi diễn được. Vậy là bắt đầu nghiệp diễn. Tôi bước vào nghề vậy đó, nhẹ như không.

Nghề cho tôi nhiều thứ, nhưng mà nghề cũng suýt nữa tước đoạt lấy mạng sống của tôi. Hồi lúc đóng vai cô bé Út cào nghêu trong phim Ráng chiều của đạo diễn Đỗ Phú Hải, tôi gặp tai nạn. Lần đó, cả đoàn phải gấp rút chuyển cảnh cho kịp tiến độ, tôi ngồi xe do anh Lê Vũ Cầu lái. Trời chạng vạng, xe bỗng nhiên mất thắng, lại qua khúc cua ngặt, nên lật mấy vòng vào bìa rừng.

Tôi mê man, không còn biết gì nữa. Đến khi lơ mơ tỉnh chỉ thấy toàn thân đau khủng khiếp, đau đến không thở được. Mặt tôi chi chít vụn kiếng xe đâm vào, cột sống tôi bị gãy. Tôi nghĩ trong lòng, chắc là mình sẽ chết. Tôi muốn gặp má, nhưng mặt đau quá, không tài nào cất nổi nên lời. Quãng đường đến bệnh viện gần hay xa tôi cũng không biết nữa, nỗi đau đớn thể xác cũng mơ hồ, tôi thấy mình lặn ngụp trong hàng loạt ký ức buồn vui. Là tôi của cái ngày tuyệt vọng chìm dần xuống đáy biển sâu, là vệt máu khô nâu xỉn má vội vàng giấu sau lần áo, là dáng ba má xa hút cuối hành lang bệnh viện tối tăm, ẩm thấp…

Tôi nghe tiếng khóc gào vọng về từ miền nào xa thẳm, tiếng khóc thảm thiết ngày càng lớn dần lên, lớn dần lên… rồi tôi choàng tỉnh. Người ta bảo với tôi thuốc mê hết rồi, chịu “khâu sống” sẽ đỡ để lại sẹo hơn. Tôi gật đầu. Và nỗi đớn đau ghê gớm ngày ấy, mỗi khi bất giác nhớ về luôn khiến tôi rùng mình, ớn lạnh.

Tôi bị gãy cột sống, chỉ nằm yên một chỗ. Cơn đau này lấn át cơn đau kia. Tất cả gương trong phòng, bạn bè tôi đem cất hết. Mà chính tôi cũng không đủ can đảm để nhìn tôi trong lúc này. Tôi đã tính đến chuyện bỏ nghề và cầu mong sao cho mình đừng bị dị tật gì để lại mang gánh nặng cho gia đình. Chuyện tai nạn, tôi giấu nhẹm ba má. Kể cả báo chí, tôi cũng xin phép không đưa tin.

Vậy không hiểu sao má tôi lại biết. Cái ngày má báo sẽ đến nuôi tôi, tôi sợ lắm, tôi sợ má sẽ xỉu ngay lần đầu tiên nhìn thấy thân thể biến dạng của tôi. Nhưng má đã không khóc, cũng không tỏ ra quá đau lòng. Má nhẹ nhàng bôi thuốc, thay băng, luôn miệng kể những chuyện vui, nói về những dự định. Những đêm cơn đau ập đến hãi hùng, tôi cắn chặt tay kìm một tiếng rên, má cũng mím chặt môi kìm một tiếng nấc.

Có những khi má quay lưng đi, lầm lũi tựa vào bóng tối, như nuông chiều nỗi đau một chút thôi, rồi lại quay sang tôi, réo rắt nói cười. Má ơi, sao má không khóc thật to, khóc thật nhiều cho nhẹ nỗi lòng. Có gì dịu dàng hơn nước mắt nữa đâu, hở má. Nhưng má không khóc, má sợ tôi khóc theo. Nước mắt tôi vừa ngập mi là má lấy khăn chùi hết, má bảo: “Dại quá, đừng có khóc, nước mắt dính vào vết thương, rát lắm con à”. Còn má, xót lòng đến tê dại, ai ngăn được đây.

Không hiểu may mắn thế nào mà sau khi đi đứng lại được bình thường thì mặt tôi sẹo cũng liền hẳn. Cả trăm vết thương chi chít trên mặt chỉ còn là những chấm mờ mờ, những vết lớn nhìn sơ cũng khó phát hiện ra. Tôi bắt đầu tin tưởng vào vận may của đời mình. Nhưng niềm tin mới nhen nhóm thì cũng lụi tàn tức khắc khi cái tin ba tôi bị ung thư ác tính đến liền ngay sau đó. Má và tôi lại một lần nữa gồng lên. Mới có mấy tháng mà má già như đã qua vài chục năm không ngủ, dẫu vẫn réo rắt nói cười, vẫn kể về “những buổi chiều, mà những bông hoa có một tâm hồn”. Ba cũng cười, nụ cười héo hắt, khô quắt từng dấu chân chim.

3. Rồi ba đi, nhanh lắm. Ngày ba trút hơi thở cuối cùng, má không khóc được. Má bắt đầu những ngày ngơ ngẩn sống, liêu xiêu sống, bước hụt bước hẫng, choáng váng giữa đời. Ngồi với má, lặng lẽ chải mớ tóc bạc mỏng mảnh như tơ, nghe buồn lẩn khuất trên từng đầu ngón tay, vời vợi ở đầu răng lược.

Tôi gặp bạn bè, không ít người ái ngại, bảo rằng nhìn vậy thôi, chớ sao cái số khổ quá. Tôi cười, giờ đỡ hơn rồi. Bạn tôi lắc đầu, đỡ hơn đâu, chẳng qua là vì quen với nỗi đau rồi nên giờ có xa xót thì cũng thấy nhẹ nhàng. Nghĩ cũng đúng, trải qua bao biến cố, bao lần đổ vỡ, tôi bỗng mạnh mẽ hơn lúc nào không biết. Bây giờ, cứ mỗi lần ra khỏi nhà là lại canh cánh ti tỉ mối lo không tên. Má ốm đau hay thấy ba về trong cơn mê sảng, mẹ chồng mắc bệnh lẫn, gọi tên con, tên cháu la mắng suốt ngày.

Tôi nói tôi không mệt mỏi là tôi nói xạo, nhưng mà đau thì nhiều hơn. Xót lòng ghê gớm, bởi hai người mẹ của tôi chẳng còn gì ngoài tuổi già và thứ ký ức nhớ nhớ quên quên. Nói dại, nhiều khi tôi muốn má tôi cũng quên được mọi thứ, để được nghĩ những điều ngây ngô, thanh thản như mẹ chồng tôi. Chớ má luyến tiếc gì chuỗi quá khứ đầy đớn đau, khổ hạnh ấy mà cứ bấu víu vào.

Và mỗi đêm về, trong ngôi nhà này lại có ba người đàn bà dựa vào đêm thao thức. Má nhớ ba ngồi bên bậu cửa đọc thơ, nhớ những trang văn ướt rượt mùi cỏ ngái, nhớ ba cười nheo nheo đuôi mắt, rồi bất giác kêu tên ba, tiếng thảng thốt rớt vào khoảng không hiu hắt. Mẹ chồng nhớ gì mà nói cười vô định, giấc ngủ không khi nào ngớt những than trách buồn vui… Tôi cũng nhớ gì mà hằng đêm thao thức nghe đêm rầm rì kể chuyện. Ngủ dễ hơn thức, nhưng vẫn thao thức để rồi buồn đau lâu lâu lại kéo về kinh hãi

 

Hồ Ngọc Giàu

Nguồn: cand.com.vn