Chiếc lá của tôi

23.02.2021
Phan Bội Anh Tuyên
Quả là tạo hóa chơi cắc cớ thật. “Ngài” kiến tạo nên con sông Giồng Trôm thật là độc đáo: Sông lại bắt nguồn từ chợ huyện. Thật là… không giống ai. Dòng sông này như gã công tử nhàn hạ, đủng đỉnh vẽ rồng vẽ rắn chừng mươi cây số thì hòa tan vào ngã ba sông Bến Tre và kinh Chẹt Sậy. Có sự đặc thù nữa là, nơi đầu ngọn sông có một chi lưu, rón rén tõe ra hướng tây, lặng lẽ, trôi không quá một cây số thì hợp cùng sông Chợ Mới.

Chiếc lá của tôi

Sông Chợ Mới uốn lượn song song với dòng Giồng Trôm qua các khu vườn cây ăn trái, hơn ba cây số, chừng như chưa thỏa chí tung hoành thì ngoặt về hướng đông, “qui hàng”, nhập vào sông Giồng Trôm. Giữa hai con sông này đã tạo nên một ốc đảo có tên gọi Đông Ngô. Địa danh gợi lên nền văn hóa miệt vườn, gợi lên khí phách cha ông thời mở cõi. Xem ảnh Flycam, ấp Văn hóa Đông Ngô như chiếc lá, như con thuyền khổng lồ, trôi bồng bềnh trên sông nước hữu tình. Nơi này là máu thịt, là quê ngoại thân yêu của tôi. Tôi đã có một phần đời sống trong đầy ắp tình yêu thương trên mảnh đất này. Vậy hà cớ gì tôi không nâng niu, trân trọng đặt “chiếc lá” ấy, “con thuyền ấy”  lên trang viết của mình kia chứ.


Từ những bước thiên di xuôi về phương Nam, tiền nhân đã nhận ra nơi đây là đất lành, nên trụ lại vùng hoang sơ nê địa này rất sớm. Mảnh đất không quá một trăm ba mươi mẫu với ba trăm hộ, hiện tại chừng một ngàn ba trăm dân. Nơi đây xưa kia là đầm lầy với những cây dại, dây leo, dừa nước… Theo các bô lão kể lại, đầu thế kỷ hai mươi hãy còn heo rừng, kỳ đà, chồn, khỉ… Ba họ tộc lớn nhất ở đây là họ Đỗ, họ Đinh và họ Nguyễn. Qua bao đời họ đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” dày công khai phá, tạo dựng nên diện mạo Đông Ngô cho cháu con thừa hưởng, tự hào. Với trầm tích thổ nhưỡng, cộng với phù sa giàu có bồi đắp của hai con sông đã tạo nên mảnh đất này, ngoài thơ mộng còn sự trù phú và thi vị. Năm sáu mươi năm trước, mảnh đất nơi đây, con người nơi đây do cần cù lao động đã tạo nên thương hiệu quýt đường Đông Ngô rất có chỗ đứng ở thị trường khắp nơi… Hồi ấy người thành thị về đây là quyết sang đò cho bằng được để thưởng thức, hay mua về làm quà cho gia đình, họ hàng… vài chục quýt đường… Ngoài những ưu điểm kể trên, cây trái ở Đông Ngô trước kia có tuổi thọ rất cao. Điển hình như vườn quýt của cụ Đinh Văn Nâu, năm mươi năm trước, có cây “thọ” đến tám mươi năm. Vì khi quýt đã lão, cụ Nâu cưa nhánh, cho phân bón vào, cây ắt sẽ đâm chồi, nhằm “trẻ hóa” cho cây. Cụ Nâu trồng đu đủ nơi gò cao, “ăn” đến ngoài hai mươi năm cây mới tàn. Thật là chuyện thật như đùa. Ngay như tôi từng sống nơi mảnh đất Chợ Lách trù phú cũng chưa nghe cây ăn trái nơi đây có tuổi thọ “dữ trời” như xứ Đông Ngô này. Và cũng từ những “địa lợi” đó, nên không ít nông dân biết tận dụng từ thế mạnh “ơn đất” đã làm giàu lên. Như cụ Lê Văn Nhường, cụ Nguyễn Văn Nhĩ, thầy Đỗ Duy Tỵ… Tiếc rằng gần đây nước mặn xâm nhập, nên vườn cây Đông Ngô có ít nhiều khác đi. Những nông dân thuộc nết đất như thuộc lòng bàn tay mình, nên đã uyển chuyển đối phó bằng cách chứa nước ngọt với nhiều hình thức để sinh hoạt, tưới cây. Cũng như thiết kế hệ thống tưới nhiều kiểu hiện đại, không ít nông dân nhiều nơi tới học tập mô hình ở đây.

Cũng từ sự dư ăn dư để nên con cháu các cụ được học hành tử tế. Người con trai lớn của thầy Tỵ là giáo sư – nhà khoa học Đỗ Duy Phước, một con người xuất chúng. Năm 1968, ông Phước đã có suất học bổng du học bên quốc gia văn minh Pháp. Ông sở hữu ba bằng tiến sĩ và là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Mảnh đất tình người, giàu truyền thống văn hóa này đã chảy vào huyết quản ông một tình yêu quê hương da diết, nồng nàn. Nên dù song thân đã qua đời, nhưng đôi ba năm là ông quay về quê hương, thăm viếng xóm làng. Ông không quên ngày họp trường, họp lớp với những bạn đồng môn ngày nào dưới mái Trường Trung học Tư thục Bình Hòa. Như cựu Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ông Trần Đông Phong (Bùi Quang Tôn, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương), cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Thới. Đất Đông Ngô còn có một tiến sĩ, hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế và Qui hoạch thủy sản của Việt Nam. Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông là con của liệt sĩ Nguyễn Thanh Lễ, từng giữ chức Trưởng Ban binh vận huyện Giồng Trôm. Gia đình của vị tiến sĩ Tùng có năm anh chị em là sĩ quan công an, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, tất cả đều rất thành đạt, cống hiến tài năng cho xã hội. Để có một gia đình như thế, mẹ Trần Thị Điệp, (vợ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Lễ) phải sống trong âm thầm góa bụa từ tuổi mới ngoài ba mươi, mẹ phải làm lụn vất vả nuôi con ăn học. Ngập chìm dưới bom đạn, tù đày tra tấn, nỗi gian khổ đã oằn cong đời mẹ… Sự điểm xuyết, tạo dấu ấn lớn cho mảnh đất Đông Ngô còn có gia đình cụ bà Đỗ Thị Hai. Cụ là người nữ Đảng viên kiên trung, trí dũng song toàn đầu tiên nơi ấp Đông Ngô, của xã Bình Hòa. Dù sống bên “nách” trung tâm huyện, nhưng nhà cụ được chọn làm cơ sở cách mạng để họp hành, lên kế hoạch tổ chức tấn công địch… Những năm chiến tranh chống Mỹ, chính cụ mang tinh thần dũng cảm vào tận chợ huyện, thuyết phục bà con tiểu thương, thương gia làm nghĩa vụ thuế, góp phần cho công cuộc cách mạng. Bấy giờ dinh quận, chi cảnh sát tọa lạc phía trước chợ, vậy nên không ít người lo lắng cho tính mạng cụ. Nghe đâu thời ấy, Ban Kinh tài Tỉnh ủy từng tin tưởng giao cho cụ giữ hàng chục ki-lô-gam vàng. Cụ có năm người con trai thì ba người đã hy sinh, hai người là thương binh hạng nặng. Đồng thời chồng cụ cũng ngã xuống cho mảnh đất này. Đau thương đến đến tột cùng, mất mát không gì bù đắp được. Nên ngày cụ vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, cụ nghẹn ngào thốt lên tận đáy lòng nỗi đau bao năm bị đồn nén: “Thôi, mấy cậu mang Bằng chứng nhận về đi, bắt giặc Pháp, giặc Mỹ trả lại chồng con lại cho tôi!”. Những người có mặt ngày hôm đó đều lặng người thương cảm, xót xa… Câu chuyện ấy xảy ra đã gần ba mươi năm rồi, vậy mà như nhác chém. Hễ mỗi lần nhắc lại, ông Trần Đông Phong, con trai cụ đều rưng rưng nhỏ lệ! Từ trĩu nặng nỗi niềm đó, nên dù ông chẳng phải người cầm bút chuyên nghiệp, nhưng ông đã dành thời gian, tâm huyết để viết nhiều bút ký tản văn về người mẹ, dòng sông và mảnh đất Đông Ngô. Tác phẩm ông đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản với tựa đề Mẹ và dòng sông được bạn đọc gần xa hân hoan đón nhận. Đất Đông Ngô còn sinh ra một người con ưu tú, tài hoa, đó là nhạc sĩ - liệt sĩ Bùi Ngọc Ẩn. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc ở Sài Gòn. Nhưng ông không chọn nơi phồn hoa này để sống, mà theo “tiếng gọi non sông”, tham gia hoạt động ở Đài Phát thanh Giải phóng. Nhạc sĩ Bùi Ngọc Ẩn đã hy sinh oanh liệt trong trận càn Junction City của Mỹ ở địa bàn Đông Nam bộ năm 1967. Điều còn canh cánh bên lòng trong gia đình, vì hài cốt của ông đến nay vẫn chưa tìm được để qui tập về nghĩa trang huyện nhà.

Mảnh đất tuy nhỏ bé, nhưng cụ Đinh Văn Tấn, (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre), lúc sinh thời, bên chung trà với những vị cách mạng lão thành ở xứ sở này từng xưng tụng, tự hào là “hào khí Đông Ngô”, là “đất học”, nên có người bảo rằng “không ngoa chút nào”. Con người nơi này luôn mang tinh thần trượng nghĩa. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” theo suốt cuộc diễn trình hàng mấy trăm năm qua. Nếu không thế thì vì sao  luật sư Đỗ Duy Khanh, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày xưa, từ Sài Gòn xa xôi quay về, đứng ra làm giấy khai sinh cho con của “tên Việt Cộng” khét tiếng Trần Đông Phong khai nhận là con mình, hài nhi đó mang tên Đỗ Duy Phi? Vì sống có đạo nghĩa, “hào khí Đông Ngô” đã chiến thắng nỗi sợ hãi vì sự mạo hiểm đó. Nếu như nghĩa cử cao đẹp ấy, hành vi nghĩa khí ấy bị lộ, ông Khanh không khỏi đối mặt với Tòa án binh của Quân đội Sài Gòn đến tù tội, hay giặc cho ông “hóa ra ma” cũng không chừng. Biết đâu được, chiến tranh mà. Và cũng từ ân tình sâu nặng của người em họ đó, nên khi đất nước thống nhất, ông Trần Đông Phong hối hả đi tìm người, cưới vợ cho ông Đỗ Duy Khanh, khi tuổi đã gần bốn mươi. Mảnh đất này rất nhiều giai thoại được sinh ra từ họ Đỗ, họ Đinh, họ Nguyễn… Từ đó đã tạo ra cho du khách “cú hích” rất mạnh. Đông Ngô là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Ngoài những gì đã kể trên, xứ này thời nào cũng có những người con yêu quê hương, đất nước, ra đi theo kháng chiến. Từ các nhà cách mạng lão thành tiền bối, như cụ Lê Văn Phú, tiểu đoàn trưởng một đơn vị Việt Minh. Thời ấy, ông từng theo bảo vệ cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn, giai đoạn hoạt động ở Nam Bộ. Ông Phú có bảy người con đều một lòng đi theo kháng chiến. Trong đó có họa sĩ Lê Dân. Ra đi từ mảnh đất này, nên đề tài chủ đạo xuyên suốt tranh vẽ của Lê Dân đều là sông nước, vườn tược, và hình ảnh những người mẹ khổ đau vì cuộc chiến. Ngoài ra, Đông Ngô còn có nhiều nhà hoạt động cách mạng “thời chín năm” đến giai đoạn sau này rất tên tuổi. Như ông Đỗ Duy Dậu, Đỗ Duy Mậu, Đỗ Duy Phái từng gây cho giặc Pháp sợ. Hay như đại tá Lê Thanh Hùng, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Giồng Trôm. Ông Đỗ Duy Phót, (Đỗ Hoàng Hải) một trí thức tên tuổi, gạt bỏ mọi vinh hoa, theo kháng chiến, từng giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Thành ủy, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phót có hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội. Dòng chảy của “hào khí Đông Ngô”, của vùng “đất học”, của chiếc nôi cách mạng xuyên suốt đã truyền cảm hứng, khích lệ cho giới chính khách, tướng lĩnh, về đây để trải nghiệm, tham quan, thưởng lãm… Từ cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, đôi vợ chồng cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Các tướng lĩnh như Đại tướng Lê Văn Dũng, Võ Viết Thanh, Nguyễn Hữu Vị… Và cũng không ít văn nghệ sĩ từng háo hức đến nơi này tham quan, hay tìm cảm xúc sáng tác. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, ca sĩ - nhạc sĩ Nhất Sinh… nhà biên kịch Nguyễn Hồ, nhà văn Vũ Hồng, họa sĩ Đặng Văn Long cũng bị “mê hoặc” bởi địa danh Đông Ngô mang hơi hướm truyện Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung rất kỳ thú này. Bên kia sông Chợ Mới còn có ấp Tây Kinh, gần đây được nối liền bởi chiếc cầu bê-tông. Nơi đây cũng không kém trù phú và đầy thú vị. Không ít người cho rằng, Đông Ngô và Tây Kinh là do cụ Đỗ Duy Vạc, giàu chữ nghĩa đặt tên. Ông là quan võ, dưới trướng của đại soái Mạc Cửu, được vị tướng lĩnh đất Hà Tiên sai phái về đây chỉ huy dân đinh khai phá, mở rộng bờ cõi, đất đai để canh tác. Ngôi mộ cụ Vạc và người em gái tên là Đỗ Thị vẫn còn ở thị trấn Giồng Trôm, cách Đông Ngô một quảng đường. Hằng năm luôn được cháu chắc mang tấm lòng thành đến tảo mộ cho tiền nhân theo đạo lý, tập quán văn hóa của người Việt. Và, ngôi từ đường họ tộc Đỗ Duy tọa lạc bên dốc cầu Đông Ngô càng minh chứng hùng hồn cho mảnh đất này còn lưu dấu ấn lịch sử, văn hóa của cha ông thời mở cõi cho đến hôm nay.

Đất Đông Ngô hằng năm còn đón nhạc sĩ Võ Đăng Tín, cựu Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh. Ông không thể nào quên mảnh đất thấm đẫm ân tình này. Đứng trước di ảnh cụ Hai, nhạc sĩ bao giờ cũng thành kính thắp nén hương để tỏ lòng tri ân. Ông có ý định mở trại sáng tác ca khúc, nơi mảnh đất từng cưu mang ông để trả nghĩa. Chính cụ Đỗ Thị Hai đã từng nhận nuôi ông ăn học khi tuổi lên bảy lên tám. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín là con của cụ Võ Văn Phẩm, từng làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, giai đoạn Bến Tre Đồng khởi. Dù biết rước con của vị “thủ lĩnh” này từ Ba Tri về nuôi là vô cùng nguy hiểm. Vì nhà cụ Hai rất gần đồn giặc, nhưng vì nghĩa cả, cụ sẵn sàng chấp nhận dù có hy sinh, tù đày. Ông Tín từng xúc động, nói: “Chính chiếc kèn armonica mẹ Đỗ Thị Hai tảo tần, dành tiền mua tặng tôi ngày xưa, đã manh nha tình yêu âm nhạc trong tôi. Từ đó nên sau nầy tôi mới có nhiều tác phẩm, trong đó có bản giao hưởng Ký ức Đồng khởi. Tác phẩm bất hủ này được ông dẫn đoàn đi công diễn ở Nhật Bản. Dịp đó đoàn nhạc giao hưởng của Mỹ nhã ý mua bản quyền, nhưng ông không bán, mà tặng không cho họ, nên Ký ức Đồng khởi lâu nay được biểu diễn khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.

Cảm nhận được truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng kinh tế, du lịch, gần đây vị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng về đây, xuống xe đi bộ cùng với chính quyền, bà con để khảo sát, tìm cách nhằm mở rộng thêm cầu đường cho người dân đi lại và phát triển kinh tế... Xin khách phương xa hãy về đây để nghe kể về cụ Đỗ Thị Hai khôn ngoan, dịu dàng mà đanh thép đối đáp với giặc. Tấm lòng nhân ái, đôn hậu của cụ Hai là biểu tượng của phụ nữ Đông Ngô cũng như phụ nữ Bến Tre. Khi đất nước thống nhất, cụ từng nhiều lần cầm đèn dầu soi cho con cháu, xóm giềng sum hợp liên hoan yến tiệc. Mọi người ái ngại, năn nỉ thế nào cụ vẫn đứng đó. Cụ soi rõ từng gương mặt lũ con cháu dù “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” đã dứt bỏ hận thù, định kiến, mở lòng vị tha, ôm ghì lấy nhau trong ngày đoàn tụ, sum vầy. Về đây để nghe về chuyện bà Phạm Thị Mỹ Liêm, phu nhân của ông Trần Đông Phong, lúc yêu nhau trong chiến tranh, ông nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm mua tặng cho bà chiếc áo dài. Bà không mặc, mà cắt ra, may cho người yêu chiếc võng, để “chém dè” trên ngọn dừa “bó đọt” mỗi khi giặc càn qua. (Vì ông đã tặng chiếc võng quí giá của người mẹ tảo tần gửi ra cho đồng đội mình). Dòng máu ấy, tinh thần ấy đã âm thầm chảy, đã hun đúc, truyền qua bao đời con cháu. Những người con của họ đỗ, họ đinh, họ nguyễn… đã thừa hưởng, mang hoài bão, khát vọng lớn, nên họ đã trở thành những người có ích cho xã hội. Đơn cử như người con gái của ông Trần Đông Phong là bà Bùi Thị Diễm Thu, hiện là Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Bà Diễm Thu có người con gái “lấy” bằng tiến sĩ sinh học bên Nhật khi tuổi hai mươi bảy. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã “tình nguyện đầu quân” làm con rể xứ sở này. Có lẽ cũng từ cảm kích về mảnh đất Đông Ngô, con gái Đông Ngô mỹ miều, nét na, hiếu học… nên ông cưới bà Bùi Thị Diễm Thu làm vợ. Như tiến sĩ Phước, tiến sĩ Tùng hễ từ Hà Nội về quê là mang quà đi thăm từng bà con trong xóm. Gần đây, tôi gặp lại ông Tùng ở Đông Ngô. Dịp này tôi “khai thác” ông. Mới vỡ lẽ, ông có hai người con và chín người cháu gọi bằng cậu, bằng chú, bằng bác. Vậy mà đã có bảy người đã tốt nghiệp đại học và bốn người đang “ngồi” học phổ thông. Trong đó có người du học bên Mỹ, rồi làm việc, sinh sống cùng người thân bên đó. Họ đều nên danh phận rỡ ràng, càng làm giàu thêm truyền thống văn hóa cho xứ Đông Ngô này. Không phải những trí thức trẻ hôm nay ở Đông Ngô có nguồn gốc từ gia đình trung lưu, thượng lưu, mà không ít tầng lớp nông dân, lao động khác cũng góp phần tạo nên tiếng thơm cho quê hương. Nếu du khách về đây sẽ được nghe về gia đình anh Nguyễn Văn Trọng. Anh chỉ là người làm bảo vệ trường học, vợ ở nhà lo trồng trọt, chăm sóc mảnh vườn quýt theo tập quán lao động ông bà, nhưng ba người con của anh, người là sĩ quan quân đội, hai người là kỹ sư nông nghiệp. Vậy phải chăng từ “hào khí Đông Ngô”, từ  vùng “đất học” đã ảnh hưởng, tác động lên các thành phần khác cho cuộc sống thêm phong phú, sinh động? Điều đó thực hư thế nào bạn đọc hãy gặp vợ chồng anh Trọng, với làn da rám nắng, nét mặt đầy tự tin, cương nghị hồ hởi, tỉ tê cho mà nghe. Hay như bà Phạm Thị Ngọc Trà, Giám đốc ngân hàng Chính sách huyện Giồng Trôm, chỉ có hai ái nữ nhưng đều là học sinh giỏi của trường chuyên, rồi vào đại học.  Khi hỏi về việc thành đạt của con cái, dù bà khiêm tốn, chỉ cười nhẹ nhàng, “không nói ra”, nhưng xứ Đông Ngô này ai cũng biết hai tài năng trẻ này.

Và, Đông Ngô có không ít giai thoại về những cô cậu thời ngồi tiểu học. Từ chuyện cả bọn trai gái “già đầu” rồi mà vẫn còn… rủ nhau đi tắm mưa. Hồi ấy chiến tranh, có thời gian dài cầu Đông Ngô từ thị trấn Giồng Trôm bắc qua đây bị bom pháo giặc đánh sập, học trò đi học phải “lụy đò”. Không ít lần lũ học trò tới bờ sông, rống cổ gọi đò đến khản giọng, mà đò đâu chẳng thấy. Vậy là vì cái chữ thôi miên, nhiều cô cậu đành tìm lùm cây dại vắng vẻ, kín đáo, cởi quần áo, băng qua ngọn sông này để đến trường lớp. Ấy vậy mà những “chiến sĩ đặc công thủy” ngày nào, nay có nhiều người đã trở thành ông này, bà nọ… Giờ gặp nhau, nhắc chuyện xưa, ai cũng đỏ mặt vì mắc cỡ…

“Chiếc lá của tôi” đầy tiềm năng cho xây dựng khu du lịch sinh thái, luôn mời gọi mọi người. Gần đây đã có đơn vị làm du lịch tận Sài Gòn về cậy ông Trần Đông Phong dẫn đi khảo sát, nhằm mở cơ sở, khai thác ngành công nghiệp không khói hốt bạc này. Ngoài ra, thạc sĩ kiến trúc Bùi Hoàng Phương, hiện là Phó Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre cũng có ý niệm khi hưu trí, sẽ quay về quê nhà Đông Ngô để mở khu nghỉ dưỡng mà ông từng tâm đắc. Đông Ngô tọa lạc dọc theo tuyến đường tỉnh 885 không quá hai trăm mét. Điều lợi thế hơn nữa có hai con đường dẫn về đây, qua cầu Đông Ngô và cầu Phước Thiện rộng gần ba mét. Xe con mặc tình bon bon xuyên qua xóm ấp. Với khói óc, ý chí con người, một ngày không xa, tuyến đường này sẽ mở rộng thêm,  “trổ” ra ấp Tây Kinh, dẫn đến xã Tân Thanh, Tân Hào, nối liền  với Quốc lộ 57C dẫn về huyện biển Ba Tri một cách đường hoàng - Anh trưởng ấp trẻ Nguyễn Văn Thiện ở Đông Ngô này cho tôi biết điều đó. Người dân ở đây “rất ngộ”, nếu thấy khách phương xa “hợp gu”, là sẵn sàng giữ chân, “dẫn dụ” khách về nhà đãi rượu, uống trà. Thậm chí còn dúi lên xe khách ít trái bưởi mang về lấy thảo. Họa sĩ Đặng Văn Long có lần về đây với tôi, anh rất “khoái” về người Đông Ngô ở tính hiếu khách, hào phóng đậm chất “người phương Nam” này. Ở đây với những khu vườn cây ăn trái, như quýt đường, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh trĩu quả, đứng ngay hàng thẳng lối, như sẵn sàng hân hoan chào đón khách… Với những biệt thự, nhà lầu đầy hoa kiểng, giăng giăng rất khang trang dọc theo hai bên con đường về tận xóm ấp. Ấp văn hóa Đông Ngô sông nước hữu tình này không khí thật trong lành, môi trường sinh thái đạt đến độ chuẩn mực. Đời sống kinh tế, văn hóa bậc nhất nhì trong huyện. Vậy nên, tuổi thọ người dân nơi đây rất cao. Cụ Đỗ Thị Hai, cụ Đinh Văn Tấn, thời trẻ dù phải chịu nhiều đau thương, mất mát, khổ hạnh, tù đày, nhưng hai cụ đều sống đến tuổi chín mươi tám. Cụ Nguyễn Văn Tân, lúc tuổi tám mươi sáu mà vẫn đôi ba tuần đi bộ thăm con cháu, xa đến những chín mười cây số. Ấn tượng hơn, hiện nay cụ bà Nguyễn Thị Thơi chín mươi sáu tuổi mà thần thái vẫn tươi tỉnh. Anh Nguyễn Xuân Đoàn, con trai cụ, tự hào, khoe mẹ mình đến nay vẫn chưa sử dụng đến “ quyền trợ giúp” từ chiếc gậy. Mặt khác, cụ Thơi vẫn còn khá vững vàng, thỉnh thoảng ngồi xe gắn máy cho cháu chở đi ăn giỗ, đi công việc ở chợ tỉnh, xa gần hai mươi cây số, mỗi năm đôi ba bận.

Ánh điện luôn luôn tỏa sáng dẫn vào từng xóm nhỏ, nước máy sẵn sàng tuôn trào đầy đủ, mỗi khi cần ở miệt vườn này. Đây là hai yếu tố không thể thiếu góp phần xây dựng khu du lịch sinh thái. Mặt khác, đất Đông Ngô cứ chừng một trăm mét là có con rạch nối liền sông Giồng Trôm qua sông Chợ Mới. Rất lợi thế cho tổ chức hệ thống du lịch bằng xuồng ghe song song với việc tạo cho khách du lịch rong ruổi, thưởng ngoạn bằng xe gắn máy, xe đạp. Ở đây không ít những địa danh đầy sức gợi cảm, tạo sự tò mò. Như búng Bà Xèng, xẽo Cây Trôm, xẽo Bà Tám… Ngoài cây ăn trái nhiều chủng loại, Đông Ngô còn là nơi để cá tôm sinh sản, trú ngụ tuyệt vời. Đêm xuống, dọc hai con sông loài đom đóm từng đàn nhấp nháy trên vòm cây bần thật lung linh, huyền ảo. Khiến cho du khách không khỏi bồi hồi một nỗi buồn trong. Một sự gợi nhớ xa xăm ngọt ngào, rất cần cho những tâm hồn duy cảm trong cuộc sống đương đại, luôn sống dưới ánh đèn điện sáng choang mỗi khi đêm xuống. Mặt khác, người dân Đông Ngô có phông văn hóa vững vàng, miệt vườn rất yên bình, ắt sẽ tạo sự tin cậy cho du khách.

Khát vọng về một viễn cảnh thêm tươi rạng cho Đông Ngô, tôi chợt nhớ đến đất nước hoa hồng Hunggary. Chừng hai mươi năm trước, dân số của họ chỉ trên dưới mười một triệu, vậy mà hằng năm có đến chín triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan. Vì đâu mà quốc gia này có một hiện thực khả quan như vậy? Xin thưa: Đó là nhờ sự nhạy bén nắm bắt của cơ quan chức năng, của chính quyền. Họ chủ trương cho ngành ngân hàng “rót xuống” cho đối tượng vay vốn làm ăn với lãi suất thấp. Tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở cho khách “du lịch nghỉ qua đêm” - Homestay và các dịch vụ khác cho khách. Không đâu xa xôi, ở Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh của thành phố Bến Tre, mô hình kinh tế này cũng đã có từ lâu. Họ ăn nên làm ra, nên Khu Du lịch sinh thái Lan Vương I xây dựng, đi vào hoạt động không lâu thì anh Trần Bá Sanh, chủ cơ sở này mở ra Lan Vương II, gần đây đã có cả Lan Vương III. Vậy, hỡi những người con của Đông Ngô, chính quyền sở tại, chúng ta phải làm gì cho “chiếc lá của tôi”, con thuyền của chúng ta sớm khởi hành, rẽ sóng, vững vàng lao nhanh về phía trước?

(baovannghe.vn)