Bế Kiến Quốc - Những ẩn ức về cái đẹp

24.07.2017

Nhà thơ Bế Kiến Quốc (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh ngày 19-5-1949 tại Nam Định; mất ngày 25-6-2002 tại Hà Nội vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi mất ông từngg là biên tập viên rồi Trưởng ban Thơ, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ và Tổng biên tập báo Người Hà Nội.
Tác phẩm của Bế Kiến Quốc ngoài hai tập thơ thiếu nhi là 4 tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994); Mãi mãi ngày đầu tiên (20023); Đất hứa (2003) và Tuyển tập thơ Bế Kiến Quốc (2014).

Bế Kiến Quốc - Những ẩn ức về cái đẹp

Bế Kiến Quốc đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012; trước đó ông đã từng nhận các giải thưởng: Giải B cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 cho chùm thơ Những dòng sông, Giải A của Hội Nhà văn Hà Nội cùng Giải A của  Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2002) cho tác phẩm Mãi mãi ngày đầu tiên, cùng nhiều giải thưởng văn học và báo chí khác.

Bài viết của tác giả Phạm Hồ Thu: "Bế Kiến quốc - những ẩn ức về Cái Đẹp" góp một góc nhìn về thơ Bế Kiến Quốc  - một nhà thơ được nhiều bạn đọc yêu mến...

 

Tôi còn nhớ rất rõ, vào những năm tháng cuối cùng của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong một lần "lang thang" trên những trang sách, báo, tạp chí để tìm chép những câu thơ hay, những bài thơ hay (cách học của những học trò "làng văn" hồi đó), tôi đã "gặp" Bế Kiến Quốc lần đầu:

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng

Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông

Rồi:

Em ta yêu có gì như dòng sông

Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng...

Đấy, Bế Kiến Quốc đấy! Chẳng có gì, một câu thơ thật giản dị, sao gõ vào trái tim ta một điều gì đó, và ta nhớ... Tôi còn nhớ: đó là một bài thơ in trên một tập san "lưu hành nội bộ" dành cho sinh viên Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những tập san in rô-nê-ô, có màu giấy đen xỉn, nhưng được truyền tay cho rất nhiều sinh viên đọc. Ở những tập san có màu giấy đen xỉn ấy, sau này tôi còn gặp những Pon E-lu-a, Pôn Véc-len, A-pô-li-ne, Ê-xê-nhin, On-ga Béc-gon hay nhà viết kịch Ác-bu-dốp...

Sau này, tôi "gặp lại" bài thơ của Bế Kiến Quốc trong chùm thơ dự thi của tuần báo Văn nghệ. Bế Kiến Quốc đã giành giải Nhì trong cuộc thi rất danh giá ấy - một cuộc thi thơ mà sau này lưu danh rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của thế hệ thơ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Anh... Lúc ấy, Bế Kiến Quốc đang là sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp, khoảng 20-21 tuổi. Anh trẻ nhất trong số những tác giả lên nhận giải.

Cũng có thể nói thêm rằng: Thế hệ chúng tôi hồi ấy, cả người viết lẫn người đọc, người yêu văn chương, phần lớn sáng trong, đầy nhiệt huyết và đặc biệt là hay mơ mộng. Cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc ấy đang vào thời kỳ ác liệt. Rất nhiều người cầm bút lên đường. Nếu nói về những nhà thơ viết về chiến tranh, thổi bùng lên những ngọn lửa  nhiệt huyết hay mơ mộng lúc ấy phải nói đến một Phạm Tiến Duật với Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Lửa đèn; một Bằng Việt với những Tình yêu và báo động, Nhớ lại Pau-tốp-xki; một Lưu Quang Vũ với Phố huyện, Vườn trong phố, một Xuân Quỳnh với Gió Lào cát trắng, Thuyền và biển v.v.... Thỉnh thoảng có gặp tác giả Những dòng sông trên báo nhưng hình như anh không cùng nhịp điệu với những bài thơ hào sảng tha thiết nói về chiến tranh, những sự tích anh hùng hay cuộc chiến đấu dựng  xây đất nước sau chiến tranh rất phổ biến hồi ấy...

Không dưng lòng chợt tơi bời

Bốn bề tịnh vắng chẳng người tri âm...

Không dưng lòng chợt nhói đau

Sóng xô trắng xóa bãi dâu thuở nào...

(Không dưng, viết 1991)

Và trong bài Chợt nghĩChợt nghe trong đêm/ Tiếng ai gọi... có thể có một người đang lạc đường trơ trọi/ Có thể có điều gì đe dọa một cô gái/ Có thể có kẻ nào khảo tra một trẻ thơ vô tội/ Hoặc có ai đang gặp điều oan trái/ Khóc - nước mắt âm thầm cầu gọi/ Ai cứu tôi/ Ai giúp tôi/ Ai thương tôi với..". Hay bài thơ anh viết cho con chó yêu của mình - bài Thơ cho Lou : Đôi khi suốt buổi chiều ngồi nhìn vào mắt Lou/ tìm thấy niềm cảm thông/ Mắt Lou buồn thật buồn/ Thương con người cứ phải làm con người.....

Có điều gì xảy ra ở đây nhỉ? Tôi đã đọc thật kỹ tập thơ Cuối rễ đầu cành của Bế Kiến Quốc - tập thơ riêng đầu tiên của anh (không tính hai tập thơ viết cho thiếu nhi trước đó), xuất bản năm 1994, 25 năm sau chùm thơ anh được giải thưởng, tuyệt nhiên không thấy nhà thơ có một giọng điệu nào hào sảng hay sự "thương vay khóc mướn" nào đó. Cả tập thơ là một điệu tâm tình - tâm tình về tình yêu, tình bạn, tình mẹ, tình cha con. Tâm tình về lẽ sống ở đời, về sự sống hay cái chết. Đặc biệt là những tâm tình của một kẻ "đứng về phe nước mắt", bênh vực và tỏ bày nồng nàn về tình yêu với Cái Đẹp. Bài Thành Chương vẽ là một ví dụ: Như chùm ớt treo lửng lơ bờ giậu/ Càng đắng cay càng tự chín trong vườn/ Thành Chương vẽ/ Vẽ và đang cất giấu/ Từng mảnh rời tuyệt mỹ của nhân gian/... Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang cầu nguyện/ Cho phục nguyên Thế Giới tả tơi này... (bài viết tháng 10 năm 1993). Tất nhiên chẳng ai nghĩ đây là một bài thơ đơn thuần ngợi ca tình bạn. Mà ở đây là sự liên tài giữa hai tâm hồn nghệ sỹ, sự liên minh cùng nguyện cầu, cùng tuyên ngôn chống lại cái xấu và cái ác, cái tầm thường...

Cùng một âm hưởng này, trong nhiều bài thơ khác, cuộc "trò chuyện" của Bế Kiến Quốc với những nhân vật có tên tuổi như Cao Bá Quát, Văn Cao, Trần Mai Ninh, Đào Tấn, P.Verlaine, Nadim  Hik-met v.v... , hay các cuộc "trò chuyện" với thiên nhiên, hoa lá cỏ cây, là một hành trình hướng nội để giãi bày một tâm hồn nhậy cảm, đầy buồn thương hướng về Cái Đẹp, hướng về cái mà thi sĩ mơ ước và mơ mộng...

Sỹ phu trằn trọc trong cơn loạn

Ba, bảy con đường - biết chọn đâu

 

Đúng, sai ai tính cho trọn vẹn

Chưa kịp từ quan đã bạc đầu...

(Chiều Văn Xương Các - 1986)

Thế rồi Bế Kiến Quốc ra đi - anh đi quá sớm! Tài sản văn chương anh để lại lúc ấy chỉ vẻn vẹn một tập thơ in riêng - Cuối rễ đầu cành và hai tập thơ thiếu nhi. Thật là ít ỏi so với một sự nghiệp văn chương! Chỉ khi Đỗ Bạch Mai cho in và tặng bạn bè hai tập thơ sau này của Bế Kiến Quốc - tập Mãi mãi ngày đầu tiên và tập Miền đất hứa, thì bạn bè và người đọc đã từng yêu quý anh thêm sững sờ và tiếc nuối một cuộc đời, một tâm hồn thi nhân ẩn chứa bao điều về Cái Đẹp... Riêng tôi, tôi đã "gặp lại" Bế Kiến Quốc trong ấn tượng ban đầu: thi nhân ấy - người mải miết đi tìm Cái Đẹp...

Tôi có gì mà nói thuở xưa đâu

Tôi chỉ có tình yêu, chỉ có niềm hy vọng

Cánh hải âu như chiếc thuyền giấy trắng

Sông đưa đường, lát nữa đã trùng khơi

(Sông Lấp, viết tháng 7-1975)

Lại sông! Đọc ba tập thơ của Bế Kiến Quốc với hơn 230 bài thơ, nếu để ý, ta sẽ thấy thi sĩ viết rất nhiều về sông. Hay nói đúng hơn, sự tha thiết, mải miết chảy như một cách tha thiết hiến dâng của những dòng sông luôn tạo cảm hứng cho nhà thơ... Anh đã từng viết: Em ta yêu có gì như dòng sông từ thuở ban đầu, rồi lại viết: Sự cô đơn của anh, anh ghét nó trong bài có tựa đề như một lời kêu gọi: Hãy nhìn anh như nhìn một dòng sông. Và trong bài Ấn tượng Tây Nguyên, anh viết: Anh còn giấc mơ/ Giấu sau cơn giông/ Anh còn nỗi nhớ/ Nuôi trong dòng sông... Rồi anh lại viết: Nào, ta lại khởi đầu/ Khơi lại những con sông đang sắp sửa cạn dòng/ Quét dọn khắp bầu trời và treo lên những vì sao mới... / Đặt tên lại những niềm tin để gọi... (Bài Khởi đầu).

Đã rất nhiều thi sĩ, nhạc sĩ viết về dòng sông, viết hay, nhờ khai thác những kỷ niệm đẹp, ấn tượng đẹp. Riêng với Quốc, có những dòng sông chảy trong tiềm thức và được anh khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, như khai thác sự phong phú tiềm ẩn trong chính tâm hồn mình...

 

*

Có một lần tôi nói với nhà thơ Đỗ Bạch Mai (vợ Bế Kiến Quốc) rằng thơ Bế Kiến Quốc buồn quá, buồn thật buồn. Nỗi buồn là "đặc sản" của thơ anh. Và tôi thích. Quốc từng viết:

Hay là lên núi thanh tu

Hay là vào giữa mùa thu lánh đời

Không cười khóc, không buồn vui

Không thương, không giận, không vơi, không đầy....

(Bài Bên sông 2, viết 2002)

Và đây nữa: Mà thế giới vẫn như xưa/ Thế giới thậm chí nhạt nhòa hơn, thậm chí xác xơ hơn/ Gió đứng lặng cuối đường, biết sức người yếu đuối/ Và anh buồn như lá mướp nằm sương (Bài Chiều đã muộn viết năm 1993). Sao cứ mong một cái gì hoàn thiện trong cõi đời không thể nào hoàn thiện/ Sao cứ muốn một điều gì vĩnh cửu/ trên thế gian không vĩnh cửu bao giờ/ Anh - kẻ suốt đời đuổi theo những giấc mơ..." (Bài Không tên số 10, viết năm 1999). Có nỗi đau chẳng thốt nên lời/ Nhốt vào trong ngực/ Chôn sâu đáy mắt/ miệng cười đắng cay.../ Tôi sợ buồn thu thánh thót vang (Bài Đàn thất huyền cầm, viết năm 1988)... v.v và v.v.

Có rất nhiều câu thơ buồn bã như thế trong các tập thơ của Bế Kiến Quốc.

Có một lần đọc sách, tôi dừng lại trước ý này của một tác giả: trong thế kỷ tao loạn chúng ta đang sống đây, rất nhiều người nghèo khổ, còn rất nhiều oan trái, bất công, đen thành trắng, thật thành giả.... , kẻ nào không biết đắng cay, buồn bã, phẫn nộ, kẻ ấy chắc hẳn là kẻ vô lương, ít nhất là vô tâm... Và một tác giả khác viết: khi biết nhìn thẳng vào sự thật, người ta sẽ không buồn... Tôi nhớ lại những ý này khi đọc thơ Bế Kiến Quốc và càng tiếc nuối một thi nhân đích thực. Anh từng tha thiết : Nhà thơ ơi/ Thế giới vô bờ/ Biển khổ mênh mông/ Đừng nói mọi điều đã làm xong/ Khi anh chưa phải người sau cùng/ Thanh thản đến ngồi dưới bóng cây. Và khóc... (Bài Gửi Na-dim Hik-met)

Trong một bài thơ, Bế Kiến Quốc lấy câu thơ này của nhà thơ Nga Puskin làm đề từ: "Giữa thế kỷ bạo tàn/ Tôi ca ngợi tự do!". Và khi vào một Ngôi đền (ngôi đền thật hay ngôi đền mộng tưởng), Bế Kiến Quốc thành kính: Thuần khiết một ngôi đền niềm tin/ Tôi bước vào ngôi đền/ và thắp lên/ Trên mười ngón tay mười ngọn nến/ Tôi chỉ có đời tôi dâng hiến/ Không nói một lời (Bài Ngôi đền, viết năm 1988)

Đọc đến đây, ta càng hiểu thêm rằng vị buồn bã thấm đẫm thơ anh chính là tâm hồn anh, quan điểm nghệ thuật của anh - anh thể hiện vẻ đẹp của nỗi buồn - một trong những  vẻ đẹp tinh túy và sâu sắc nhất: Chẳng gì thay đổi được dòng sông/ Cứ trôi đi, mang tất cả theo cùng/ Không trở lại, chẳng bao giờ trở lại (bài Mặc kệ đi, viết năm 1995). Cảm ơn nỗi buồn đích thực đã cho anh những câu thơ buồn thật hay gửi lại cho chúng ta:

Bâng khuâng ngồi gõ phím đàn

Nghe rơi từng miếng không gian óng buồn

(Bài Lục bát số 25)

Nhìn chùm phượng chín trên cây

Đừng ai nhức cháy một ngày đợi trông"

(Bài Chờ mùa gặt)

Và: Chỉ e khi trở về, những đóa sen /Không nhận ra mình nữa/ Chỉ e khi trở về đóa sen cũng đã khác xưa/ Hai mươi năm đã quá xa để nhớ người con gái hái sen ngủ quên trên thuyền... / Ta đã vấy mùi bùn. Em đã thừa cay đắng/ Nhìn nhau không nhận ra nhau... (Bài Nhớ đầm sen, viết năm 1999)

Đọc Bế Kiến Quốc, ta có thể miên man trong những câu thơ miên man như thế...

 

*

Trong một "Lời tựa" của cuốn sổ tay chép thơ tình của mình (sau này được in trong tập thơ Miền đất hứa), Bế Kiến Quốc đã từng bộc bạch: Làm sao tôi có thể chối cãi rằng chính mình đã có những năm tháng không gắn bó mình được vào cảm hứng chung của thế kỷ chúng ta... Nhưng may mắn sao, và cũng là tất yếu thôi, trong đời sống cá nhân, tôi đã có những thay đổi đẹp, tạo điều kiện cho tôi hôm nay có thể hòa nhập trọn vẹn với tất cả mọi người... Một trong những thay đổi cơ bản nhất đó là sự có mặt của Em trong cuộc đời tôi. Vì thế tôi đã ca ngợi và sẽ ca ngợi... Và thật dễ hiểu khi ta thấy rằng thơ của Bế Kiến Quốc dành rất nhiều cho người tình, cho tình yêu... Em đến/ Thả tóc lên vai tôi/ Đặt bàn tay vào trong tay tôi/ Và thế giới bắt đầu với tôi/ Một thế giới lung linh mong manh/ Như bàn tay em, như mái tóc... (Bài Không tên số 8)

Và :Từ giấc mơ, anh đã làm ra em/ Ấm như nắng và mát lành như gió/ Đó là em. Thơm như hoa, là em/ Đậm như muối và ngọt ngào như quả/ Trong như nguồn, đó là em, là em... (bài Tình ca).

Và: Anh chỉ muốn thế gian này tốt đẹp/ Trên mặt em không vướng chút u buồn... Vì yêu em, mọi tro tàn đã mất...". Bế Kiến Quốc cứ miên man như thế trong một tình cảm tưởng như là bất tận. Đặc biệt, trong bài Vườn mơ, thi sĩ như kể ta nghe một câu chuyện tình trong cổ tích:

"Treo lại ngọn đèn trên cành tầm xuân/ Người đi trong vườn đêm làm sao tìm ra em/ Không hương, không mầu, không ngọt ngào, không ngát.../ Làm sao tìm ra em/... Tận góc vườn một đóa hoa đơn độc không hương thơm, không màu sắc, không tên..."

Khi cứ miên man trong những bài thơ tình không dứt của Bế Kiến Quốc, tôi đã nói với Đỗ Bạch Mai: Bạn là một người đàn bà thật hạnh phúc khi gặp được một người để yêu, được yêu và biết yêu. Bao nhiêu thi sĩ là bấy nhiêu người có thể cầm bút viết thơ ca ngợi người yêu và tình yêu, nhưng không phải ai cũng biết "tỏ tình" như Bế Kiến Quốc, không phải ai cũng biết đắm say, đặt tình yêu vào vị trí thiêng liêng, sang trọng như Bế Kiến Quốc. Bởi vì, với những người như Quốc, tình yêu là một vẻ đẹp sâu sắc nhất, tình yêu là Cái đẹp có thể khiến cho con người có thêm sứcc mạnh vượt lên gian truân, cô đơn, vượt lên cái tầm thường, cái ác... Bỗng có em, anh không tin , anh buồn, anh đã sợ những giấc mơ quá đẹp/ Cho tới lúc tin rằng em có thật, anh chắp tay, anh tạ ơn trời đất đã mang em ban tặng cuộc đời anh; Anh đập tan nỗi buồn quanh anh/ Anh xóa hết những lời đau thuở trước/ Anh từ bỏ cái lý trí lạnh lùng, anh đón nhận trái tim... (Bài Bỗng có em, viết tháng 9-1975)

Và rất nhiều tuyên ngôn:

Tôi yêu em. Tôi tốt với cuộc đời/ Tình yêu đã đưa tôi tới những ngày Sáng thế/ Một người khác trong tôi có từ khi em tới/ Đưa tôi đi gặp gỡ với chân trời (Bài Một người khác, 1975); Từ giấc mơ anh đã làm ra em /... Vì yêu em, mọi tro tàn đã mất... (Bài Từ giấc mơ, 1975)...

Đôi khi to tát: Người đàn bà và người đàn ông/ Chúng ta phải gặp nhau để nâng cao nhân loại! Rồi: Ta sẽ gửi những mật mã di truyền cho thế kỷ mai sau (bài Trong ngày anh gặp em, viết 1975)

Đôi khi mơ mộng:

Yêu như yêu một vì sao

Từ tinh vân bỗng mơ vào bàn tay

Thiên hà xa lạ nào đây

Ngàn năm ánh sáng vẫn bay giữa trời...

 (Bài Mơ và thực, 1975)

Thơ tình của Bế Kiến Quốc không chỉ tràn ngập trong Miền đất hứa (tập thơ được viết trước nhưng in sau cùng) và cũng tràn ngập trong di sản thơ mà Bế Kiến Quốc để lại... Và dù anh đã đi xa, tôi nghĩ Bế Kiến Quốc đã làm trọn cải phẩm hạnh của một thi nhân luôn đứng vè phía Cái Đẹp....

Trước khi ngồi viết những dòng này, vào đầu tháng 4 năm 2017, mấy nhà thơ nữ chúng tôi, trong đó có Đỗ Bạch Mai, có chuyến đi thực tế về đồng bằng sông Cửu Long. Có cái may của chuyến đi - chúng tôi về đúng nơi mà trước dây thi sĩ đã từng đi thực tế và có một mối tình "say nắng" xảy ra. Một mối tình thoáng qua nhưng dư âm của nó còn mãi, ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu, nhất là khi bài thơ ấy được một nhạc sĩ tài danh phổ nhạc: Bằng lòng đi/ người yêu nhỏ bé... (bài Ngẫu hứng lý qua cầu )

Chúng tôi cùng hát bài hát ấy, để nhớ Quốc - người đau đáu đi tìm vẻ đẹp vĩnh cửu của tình yêu và thời gian...

 
Phạm Hồ Thu

(Văn nghệ số 24/2017)