Bác Hồ với tiếng Hán cổ và hiện đại

02.07.2012
Tháng 8/1942, Bác có việc sang Trung Quốc, thì bị bọn Quốc dân đảng bắt. Sau khi bị chúng trói, giải đi suốt mười tám nhà tù, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu. Đấy không phải là một trại giam chính cống, mà chỉ là một “cấm bế thất”, một phòng giam nhỏ hẹp ngay bên cạnh đội cảnh vệ của tướng Trương Phát Khuê. Chỉ một mình Bác bị nhốt ở đó. Lâu lâu mới có một vài sĩ quan Quốc dân đảng bị phạt vào đó năm bảy ngày. Bác lợi dụng những dịp đó để học tiếng “quan”.

Bác Hồ với tiếng Hán cổ và hiện đại

Trong thời gian 14 tháng bị giam cầm ở Quảng Tây, Bác đã viết "Nhật ký trong tù”. Cuốn sổ nhật ký đó to bằng bàn tay, dày 47 trang. Trên trang đầu ghi bốn chữ Hán "ngục trung nhật ký”, kèm theo bốn câu thơ và hình vẽ người tù hai cổ tay bị xích. Nhật ký gồm hơn một trăm bài thơ chữ Hán bất hủ. Với Bác, đó chỉ là một việc làm bằng "tay trái”, là một sản phẩm bất đắc dĩ vì "trong ngục tối biết làm chi đây”, nhưng lại là một tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Năm 1960, Nhật ký trong tù chính thức ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước. Mấy chục năm qua, tập thơ được in lại nhiều lần ở trong nước, trên thế giới, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức… Ở Mỹ, ngày 11/8/1971, một nhà xuất bản chuyên ấn hành loại sách phổ cập đã đặt in 50 vạn cuốn Nhật ký trong tù. Một tập thơ được xuất bản với số lượng lớn như vậy là điều chưa từng thấy ở Mỹ. Nhiều chiến sĩ đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, bị giam trong các nhà tù của Mỹ, cũng đã thuộc lòng một số bài thơ của Bác. Chẳng phải bây giờ người ta mới thuộc mà trước khi chúng ta xuất bản rộng rãi tập thơ đó, một số đồng chí Trung Quốc đã nhớ nhiều bài trong tập thơ đó.

Quách Mạc Nhược, nhà học giả nổi tiếng của Trung Quốc nhận xét: "… Có một số thơ rất hay, nếu xếp chúng vào tập thơ Đường, Tống, e rằng cũng không dễ gì nhận ra”. Theo Lỗ Tấn, thơ theo kiểu cổ, đến nay phần nhiều mất hết sức sống, "tất cả những bài thơ hay đến đời Đường đã làm hết rồi”, thì đủ thấy trình độ Hán học cũng như thi tài của Bác uyên thâm xuất sắc đến mức nào rồi.

Ngoài "Nhật ký trong tù” ra, Bác còn làm nhiều thơ bằng chữ Hán, Bác xen vào nhiều bạch thoại, có khi sửa lại câu thơ xưa cho hợp với hiện thực ngày nay. Điều đó chứng tỏ Bác nhớ nhiều và nhớ lâu văn chương cổ điển của Việt Nam, Trung Quốc và vận dụng độc đáo, sáng tạo linh hoạt trong tác phẩm của mình. Và cũng như trong nhật ký, ngòi bút của Bác chẳng bao giờ ngừng nghỉ, dù là viết chữ Hán đòi hỏi trí nhớ cao. Có thể nói là Bác đã "xuất khẩu thành thơ”. Mẩu chuyện nhỏ sau đây đã chứng tỏ điều đó.

Sau khi kết thúc cuộc đi thăm mười nước cộng hòa Xô viết, 19 thành phố và thủ đô trong một tháng trời, sáng ngày 1/8/1959, Bác sang thăm Trung Quốc. Trên máy bay, Bác thanh thản đọc sách và ngắm cảnh. Khi bay qua biển cát, đến núi Thiên San, thấy phong cảnh nên thơ, Bác đã làm ngay một bài tứ tuyệt như sau:

Vọng Thiên San

Dao vọng Thiên San phong cảnh hảo

Tử hà bạch tuyết bão thanh san

Triêu đương sơ xuất xích như hỏa

Vạn đạo hồng quang chiếu thế gian

Trông núi Thiên San

Xa xa trông núi Thiên San, phong cảnh đẹp

Răng tía, tuyết trắng ôm lấy ngọn núi xanh

Mặt trời buổi sáng ló ra đỏ rực như lửa

Muôn tia ánh hồng soi khắp thế gian.

Bài thơ đã được Bác tạm dịch như sau:

Xa trông cảnh núi đẹp Thiên San

Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn

Sáng dậy mặt trời như lửa tía

Muôn hào quang đó, chiếu nhân gian.

Bác đã dịch, biên dịch hoặc biên soạn được biết bao nhiêu tư liệu quý báu nhằm phục vụ kịp thời cho cách mạng. Sau hơn ba mươi năm trời xa đất nước, Bác lại trở về. Trong chiếc va-li mây của Bác (hiện còn ở Viện Bảo tàng cách mạng) chỉ vẻn vẹn có mấy thứ, trong đó có quyển Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô bằng tiếng Hán, Bác lược dịch quyển này làm tài liệu huấn luyện cán bộ. Trên chiếc bàn đá gần suối Lênin, dưới vòm dương xỉ xanh, ngày ngày Bác ngồi cặm cụi dịch quyển này, và từ đấy "Tức cảnh Pác Pó ra đời”:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Khi dịch xong, Bác đã tổ chức "ăn mừng”. Bữa ăn hôm ấy có thịt và rau tươi.

Bác còn lược dịch những điểm cơ bản trong tư tưởng chiến lược, chiến thuật quân sự của Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng 2000 năm trước đây của Trung Quốc, nhằm bồi dưỡng kiến thức quân sự cho mọi người. Và thế là, quyển "Phép dùng binh của Tôn Tử” (Binh thư Tôn Tử) ra đời. Quyển này do Việt Minh xuất bản vào tháng 2/1945, nhưng nó đã được dịch từ trước đó khá lâu.

Bác còn biên soạn quyển "Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh”. Quyển này có đề ở ngoài bìa: "Hồ Chí Minh biên dịch và bình luận”, nói về tiêu chuẩn đức tài, tư cách đạo đức và phép dùng binh cơ bản của một người tướng. Khổng Minh là nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc.

Về nghe và nói, Bác cũng thành thạo, cho nên lắm khi ứng đối tài tình với kẻ địch, khiến chúng bối rối. Tiếng Hán (dù là xưa hay nay) ở trong tay Bác đã trở thành một công cụ lợi hại, với kẻ thù là một vũ khí sắc bén "quật vào mặt chúng những làn roi cháy bỏng”, như có người nước ngoài đã nhận xét, nhưng với bạn bè, anh em thì đó lại là phương tiện mầu nhiệm, là chiếc cầu hữu nghị để hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp chung của cách mạng.

(theo "117 CHUYỆN KỂ VỀ TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”
– Ban Tuyên giáo Trung ương)