65 năm tuổi Đảng, nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con quê gốc Hải Dương, sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Huế - đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc. Ở tuổi 85, nhạc sĩ vẫn minh mẫn và luôn có mặt trong các cuộc họp bàn về âm nhạc của Đài TNVN cũng như của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với 3 ca khúc nêu trên đã góp phần làm nên một “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật cho riêng ông./.
Ba bài ca hay về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên
Khi còn làm việc ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), nhạc sĩ Phạm Tuyên là Thủ trưởng của tôi, lại cùng sinh hoạt ở một chi bộ. Lúc ấy, tôi là đàn em nên thường được anh Tuyên giúp đỡ nhiều mặt. Ấy thế mà anh không ngần ngại hỏi cả đàn em khi anh sáng tác.
Ví như hồi “12 ngày đêm” năm 1972, tôi cùng anh Tuyên, anh An được Ban Văn nghệ phân công trực chiến ở Hà Nội. Khi sáng tác ca khúc “Hà Nội Điện Biên Phủ”, viết xong rồi, anh Tuyên còn phân vân mấy chữ “Đâu chỉ vì riêng nước non này”. Anh hỏi tôi nên dùng chữ “riêng nước non này” hay “non nước riêng này”? Thế là chúng tôi thống nhất như hơn 40 năm nay vẫn hát “riêng nước non này”. Những ngày trực chiến ấy, tôi cảm phục anh về sức làm việc và vai trò quản lý, tôi đã học được anh điều đó.
Những năm 1960, chúng tôi cùng ở khu tập thể của Đài 128C Đại La. Tôi ở trên tầng hai nhà 2 tầng, còn gia đình anh Tuyên ở nhà cấp 4 phía sau. Chị Ánh Tuyết (vợ anh Tuyên) là người cùng Khu 4 nên tôi hay qua lại trò chuyên và tập đánh đàn Piano ở nhà anh chị. Có lần tôi ngẫu hứng vừa đánh đàn vừa hát bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Anh Tuyên khen tôi “tay chạy ngón được”, rồi anh thủ thỉ tâm sự...
“Tố Hữu không chỉ nổi tiếng với những áng thơ định hướng về tính lý tưởng, mà ông còn là dịch giả một số bài thơ rất hay như ‘Đợi anh về’ của nhà thơ K.Simonov. Và đặc biệt là bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, của nhà thơ - Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp L Aragon: ‘Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ, tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông…/ Đảng đã cho tôi màu sắc nước non nhà/ Đảng tôi ơi, cảm ơn người dạy dỗ/ Từ đây lòng tôi sướng vui, đau khổ và tình yêu căm giận hóa lời ca…’.
Tôi đã phổ nhạc thành bài hát, với một giai điệu thành kính, tin tưởng, dễ hát dễ thuộc, các anh Quý Dương, Trung Kiên hát rất hay, thể hiện được tình cảm của nội dung ca khúc, đó là vào năm 1959.
Năm 1960, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, tôi lại sáng tác bài ‘Đảng đã cho ta một mùa xuân’ theo nhịp valse 3/4 trong sáng, nhịp nhàng: ‘Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời… Bạn ơi, mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta’”.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển sang phụ trách Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Ông đã góp phần mình tạo sự khởi sắc trong các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình quốc gia. Những lần vào thành phố Hồ Chí Minh, ông đã viết thành công nhiều ca khúc hay như “Khi ta có mặt trời chân lý” (trong đó có những câu thơ của Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim…”), “Gửi nắng cho em” (thơ Bùi Văn Dung), “Con kênh ta đào” (thơ Bùi văn Dung)… Đặc biệt ca khúc “Màu cờ tôi yêu” (thơ Diệp Minh Tuyền) - một sáng tác về Đảng rất thành công nữa ra đời năm 1978.
“Hồng như màu của bình minh
Đỏ như màu máu của mình tim ơi
Búa liềm vàng rực giữa trời
Là niềm hy vọng chói ngời tim ta
Trong đêm tối lúc mưa sa
Màu cờ đỏ vẫn sáng loà hồn tôi
Thênh thang trên bước đường đời
Ôi màu cờ ấy là lời giục tôi.
Cờ bay màu của niềm tin
Đỏ như lời hứa của mình em ơi
Suốt đời lòng dặn giữ lời
Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau.
Trong vui sướng giữa thương đau
Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi
Ru em trong ánh mặt trời
Ôi màu cờ ấy là lời tình yêu.”