Tổng kết Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi năm 2024

30.07.2024
Thạch Hà
Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi năm 2024 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức đã tổng kết vào sáng ngày 31/7/2024.

Tổng kết Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi năm 2024

Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải B cho các em đạt giải.

Đến dự lễ tổng kết Trại có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, các em học sinh tham dự Trại và phóng viên báo đài tại Đà Nẵng.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thay mặt Ban Tổ chức trại báo cáo tổng kết Trại.

Phát biểu Tổng kết Trại sáng tác, Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Ban Tổ chức Trại cho biết: Trại sáng tác năm nay được triển khai sớm với kế hoạch chuẩn bị khá chu đáo. Qua chấm chọn có 89 học sinh được tham gia trại, trong đó có 50 em học sinh có năng khiếu văn học và 39 học sinh có năng khiếu mỹ thuật từ lớp 3 đến lớp 11. So với các năm trước, số lượng hồ sơ đăng ký sơ loại năm nay tăng cao, đặc biệt là ở bộ môn Mỹ thuật. Điều này đã chứng tỏ được sức hút của Trại sáng tác qua nhiều năm tổ chức.

Ngoài các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng tại lớp với các chuyên đề sát với quá trình sáng tạo cũng như khả năng tiếp nhận của các em học sinh do các văn nghệ sĩ là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và các họa sĩ uy tín thuộc Hội Nhà văn và Hội Mỹ thuật thành phố phụ trách truyền đạt thì BTC còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức Chương trình “Thiếu nhi văn học nghệ thuật với biển đảo quê hương”. Tại Chương trình, các em được tham quan thực tế trên tàu cảnh sát biển, tìm hiểu cuộc sống và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại đây; tặng cờ tổ quốc, tranh cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; chương trình còn có sự tham gia của các văn nghệ sĩ thuộc Hội Âm nhạc thành phố. Chương trình thực tế - nghệ thuật ý nghĩa, đặc sắc này đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng mỗi học sinh tham gia trại này. Ngoài ra, các em còn được đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa và một số địa điểm văn hóa lịch sử khác, tất cả với mong muốn khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lòng biết ơn của các em học sinh đối với sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hải quân ngày đêm bảo vệ cuộc sống tươi đẹp và cũng là để tạo cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật của các em. Đây cũng chính là cơ sở để hơn 60% số tác phẩm các em gửi về chung khảo có nội dung liên quan đến biển, đảo và những con người có cuộc sống gắn liền với biển cả quê hương.

Sau hơn một tháng diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được 228 tác phẩm của học sinh gửi về tham dự chung khảo (trong đó Mỹ thuật có 116 tác phẩm của 38 tác giả; văn học có 112 tác phẩm của 48 tác giả).

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trao giải A cho em Lê Trọng Dũng và em Nguyễn Đức Như Ý.

Ban Tổ chức đã chọn trao 02 giải A cho em Lê Trọng Dũng (lớp 9/1, Trường THCS Ngô Thị Nhậm) với tranh Lính, ngư dân và biển đảo và em Nguyễn Đức Như Ý (học sinh lớp 11/23 Trường THPT Phan Châu Trinh) với truyện ngắn Mây qua triền núi; 04 giải B cho các tác phẩm: tranh Hỗ trợ ngư dân của Trần Nguyễn Thái Hòa (9/8, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, quận Cẩm Lệ), tranh Chuyến đi hòa nhịp đáng nhớ cùng các chú hải quân của Trần Thị Minh Tình (8/4, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ngũ Hành Sơn), truyện ngắn Đôi cánh của hy vọng của Lê Khánh Hân (5/2, Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn, quận Ngũ Hành Sơn), truyện Bức tranh vẽ về tương lai của Nguyễn Thị Gia Hân (8/9, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Liên Chiểu); 10 giải C cho 5 bức tranh và 5 truyện ngắn; 55 giải Khuyến khích cho 30 tranh và 40 truyện, tản văn, thơ.

Tác phẩm Lính, ngư dân và biển đảo (Giải A) của em Lê Trọng Dũng.

Theo Ban Tổ chức trại, năm nay, bộ môn văn học có nhiều tác phẩm đa dạng trong đề tài thể hiện như: tình yêu gia đình, thầy cô, bè bạn, tình cảm của tuổi mới lớn và cao hơn là tình yêu, trách nhiệm với quê hương Đà Nẵng xinh đẹp, tình cảm thiêng liêng dành cho biển đảo và những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương qua câu chuyện dung dị hàng ngày hoặc qua những câu chuyện đồng thoại hoặc những lát cắt kỷ niệm tuổi thơ bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ thương … Ngoài ra các tác phẩm sử dụng bút pháp nhuần nhuyễn các thủ pháp nghệ thuật, đây có thể là những tài năng văn chương trong tương lai. 

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố thay mặt Ban xét chọn lớp Văn học nhận xét về nội dung và bút pháp thể hiện của các em qua những tác phẩm tiêu biểu.

Đối với bộ môn hội họa, hầu hết các tác phẩm đều tập trung vào đề tài biển đảo quê hương được các em thể hiện trên chất liệu giấy trắng canson, sử dụng màu sáp, màu nước, màu bột, acrylic, chì màu... Các em đã có sự đầu tư chỉn chu, sử dụng mảng màu tươi sáng, kỹ năng vẽ tương đối chủ động, nghiêm túc, bố cục có tìm tòi, sáng tạo. Hầu hết các tác phẩm của các em đều thể hiện được tư duy về nội dung, bố cục, màu sắc giàu sức sáng tạo, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

 

Họa sĩ Thân Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố thay mặt Ban xét chọn lớp Mỹ thuật nhận xét về các tác phẩm hội họa.

Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi 2024 là sự kế thừa kết quả của các trại trước đồng thời là sự tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát huy năng khiếu sáng tác văn học, mỹ thuật cho các em, góp phần đào tạo và phát triển lực lượng sáng tác trẻ của thành phố.

T.H