Tản mạn tạp chí Non Nước Xuân Tân Sửu - 2021

06.02.2021
Huỳnh Văn Hoa
BBT: Tạp chí Non Nước số Xuân Tân Sửu, 2021, đã đến tay bạn đọc. Tạp chí dày 120 trang, khổ 16 x 24 cm. Bìa 1 tranh sơn mài "Xuân về" của Dương Văn Sen, bìa 4 tranh sơn dầu "Chào xuân Tân Sửu" của Ngô Thanh Hùng. Tại buổi gặp mặt cộng tác viên tạp chí vừa qua, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa có phát biểu vài cảm nghĩ tản mạn về tạp chí Non Nước số Xuân Tân Sửu, ban biên tập trân trọng gửi đến bạn đọc bài phát biểu này.

Tản mạn  tạp chí Non Nước Xuân Tân Sửu - 2021

Sau một giáp, kể từ Xuân Kỷ Sửu 2009, đến Xuân Tân Sửu 2021, chúng ta gặp những gương mặt của 12 năm xưa. Đó là Thanh Quế, Nguyễn Nho Khiêm, Ngân Vịnh, Nguyễn Nhã Tiên, Lê Nguyên Ngữ, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Đông Nhật, Mai Hữu Phước, Vạn Lộc, Nguyễn Xuân Tư, Trần Trung Sáng, Hoàng Hương Việt, Lê Huy Hạnh. Sau mười năm, bút lực vẫn sung sức, vấn đề nêu ra vẫn hấp dẫn. Gừng càng già càng cay. Vậy đó.

Các số báo Xuân của Non Nước những năm trước, chưa chú ý đến các hội chuyên ngành. Năm nay, có đủ bảy gương mặt các Hội chuyên ngành: Qua phát biểu của 7 Chủ tịch hội chuyên ngành, dưới mỗi góc nhìn, mỗi hội đều đặt ra kế hoạch sáng tác và dự tính thực hiện, nói như nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng,  năm 2021, sẽ "có những thành tựu "Trâu vàng" trong lao động sáng tạo nghệ thuật văn chương của mình, đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội và bắt kip nhịp chảy sôi động của đời sống thế giới hiện đại đầy biến động hiện nay". Mong lắm thay ! 

Những bài viết yêu thích:

- Bài của Bùi Văn Tiếng, Góp vào Cuốn sổ tay của đường phố Đà Nẵng viết về Những con đường - Những dòng họ, nơi tập hợp những dòng tộc nổi tiếng trong lịch sử, trong văn hóa Việt Nam: từ Thời đại Hùng Vương, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trần, đến nhà Nguyễn, nhất là các chúa ở Đàng Trong (Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525–1613, Chúa Sãi (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên (1563–1635), Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (16011648), Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687), rồi các tộc như tộc Đặng (Đặng Thái Thân, Đặng Thai Mai), tộc Cao (Cao Xuân Dục, Cao Xuân Huy) ở Nghệ An, tộc Hoàng (Hoàng Diệu), tộc Phan (Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Khôi, ...) tộc Phạm (Phạm Phú Thứ, Phạm Phú Tiết ), tộc Phan (Phan Quang, Phan Khoang, Phan Du) ở Quảng Nam, ... Một bài viết thú vị.

Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh của Hoàng Hương Việt viết về nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Xuân Sanh. Một bài viết cảm động về tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa văn chương của những khóa sinh bồi dưỡng để đi B trước 1975. Nguyễn Xuân Sanh, con người đôn hậu, hiền lành, giỏi tiếng Pháp, am tường văn học phương Tây, có những câu thơ, bài thơ để đời của thời Xuân Thu nhã tập. Tôi nghe bạn tôi, anh Nguyễn Nhật Ánh, dự Trại viết Vũng Tàu kể về Nguyễn Xuân Sanh hệt như Hoàng Hưng Việt kể.

- Ký ức ngày xuân, bài viết của Châu Yến Loan, một hoài niệm về nơi chốn cũ, sinh hoạt cũ, chuyện cái xà lét đựng thức ăn ngày tết  vừa cúng xong, gia chủ đưa ra đặt ở trên cây nơi có ngã ba đường hoặc treo lên cành cây trước nhà hay chuyện về bài chòi ngày xuân. Bài viết vẽ nên không khí ngày xuân ở miền Trung, ở quê Quảng Nam, vẫn còn đọng lại nơi tâm hồn bao người, nhất là sự xao xuyến của những người xa quê.

- Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa:mối liên kết của người với thần linh (Trần Kỳ Phương), Hình tượng con trâu trong văn học Việt Nam (Trần Trung Sáng), Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình (Huỳnh Thạch Hà), Chuyến xe trâu ngày giáp tết (Lê Nguyên Ngữ), Năm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người Cơtu (Long Vân) là các góc nhìn trong mối quan hệ:

Con trâu - con người - thần linh

Con trâu - văn học Việt

Con trâu - nghệ thuật tạo hình.

- Thơ, có 33 tác giả, mỗi người một góc nhìn: 

Cái lọ hoa, một bài lục bát chỉ 4 câu  của Trương Điện Thắng, mượn cái lọ đang tìm hoa để nói đến người tìm người và ta tìm em, vì, bàn tay nào chẳng đang cần bàn tay. 

Bóng xuân, bài thơ của Nguyễn Nho Khiêm viết về tập Dấu xưa của Lương Hoàng Hạc đầy thương cảm và chia sẻ: Giữa trời hoàng hạc bay ngang / Bóng xuân in dấu từng trang sách ngời. 

Mùa xuân trong nỗi nhớ của Tần Hoài Dạ Vũ, hai câu thơ : "Em mắt huyền ngày tháng gọi đầy vơi / 36 phố mùa xuân trong nỗi nhớ" chắc là viết gần đây, khi về Hà Nội dự Đại ội nhà văn lần thứ... 

Em giấu trong đêm xuân ..., Nguyễn Kim Huy, qua 5 lần giấu: dấu nụ cười/ một trái tim thổn thức, dấu gương mặt / một cõi lòng giá băng, dấu trong vòm lá xanh / một nụ hôn mười tám tuổi, dấu bầu trời sâu thảm / mối tình thuở đôi mươi, trong đêm xuân yên tĩnh / dấu tiếng thở dài

Em-người thiếu phụ, những mùa xuân qua đi, không dấu được xuân sắc tàn phai. Một bài thơ tình buồn và đẹp.

Ngày mùa xuân của Đinh Thị Như Thúy, viết về các cung bậc của ngày mùa xuân: Ngày mùa xuân chim ríu thơm thơmNgày mùa xuân không ai cầm tay ta / Ngày mùa xuân luôn có một ai đó, luôn có một điều gì đó, đáng để ta chờ đợi... nhưng những Đau thương - Bình yên -  Yêu thương - Hồn nhiên ... đã qua rồi, ở trên cao, thôi rực rỡ ... ẩn dấu một con tim không bình yên, ẩn chứa một tâm hồn yêu thương nhưng đầy khắc khoải, đa mang ... 

Đóa xuân lòng của Nguyễn Hoàng Thọ là tiếng lòng của người cha gửi cho đứa con yêu ở một cõi khác, dằng dặc nỗi nhớ thương, khi xuân về, mong tươi trong nghìn trùng. Giống anh Nguyễn Ngọc Hạnh gần đây sắp tết, nhớ về người con gái đã mất.

Đà Nẵng ân tình, Vạn Lộc viết về quê hương Duy Xuyên, về Đà Nẵng, nơi một đời cưu mang, nay đã xế chiều, đã bát thập, chỉ biết "Cúi đầu tôi lạy bao nhiêu ân tình". Một bài thơ chân tình. 

Về văn, Đãi kiến một bữa, một truyện ngắn của Quế Hương, truyện ngắn của Quế Hương bao giờ cũng có dư vị đăng đắng. Chuyện có 4 nhân nhân vật: một bà cụ, một đàn kiến, một bé Thảo, một miếng đường đen. Bi kịch của ký ức, bi kịch của hoài niệm, thứ bi kịch - ngọt ngào, như tác giả gửi gắm. Một truyện ngắn hay.   

Đường đen, thứ đường quen thuộc mọi nhà ở quê Quảng Nam, ám ảnh suốt một đời bà cụ, bà từng ăn đường với cơm nguội, ngào đường, chặt đường từng miếng, không vụn. Cái Bát đường ký ức, vào cuối đời, bà cụ năn nỉ: cứ cho tao chết với cháo đường đen, Và cuối cùng, cụ chết ngọt ngào với đường bát đen, như nguyện vọng cuối đời.

Ngày xuân, nhớ Xuân Diệu - Huỳnh Văn Hoa, viết về niềm cô đơn chất ngất của Xuân Diệu. Cô độc trên mọi nẻo đường đời. Dường như, đối với thi sĩ, tất cả thanh sắc trần gian phải được ôm, được riết, được uống, được cắn, ông không chịu được sự nguội lạnh, thờ ơ:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm .... (Giục giã)

Thế nhưng, Xuân Diệu đã không được tình yêu, hạnh phúc riêng tư mỉm cười. Sinh thời, ông sống cô đơn. Vào những ngày tết nhất, khi thiên hạ bận bịu lo toan, sắm sanh các thứ, khi gia đình quây quần bên nhau, Xuân Diệu lại một thân một mình với chiếc bàn viết. Xuân Diệu vẫn biết mùa xuân đang đứng bên ngoài. 

Trong bài thơ Khung cửa sổ, ta nghe một tiếng nói chân tình, cô đơn của Xuân Diệu. Xuân Diệu thèm một mái ấm, một bàn tay, nhưng nào được. Một nỗi sợ lan tỏa, trống vắng, với nhiều cái "không" đè nặng lên tâm hồn, lên cuộc sống:  

Anh có nhà có cửa 
Nhưng không vợ không con 
Sợ cái bếp không lửa 
Sợ cái cửa không đèn. 

Những đêm đi xa về 
Tận xa nhìn cửa đóng 
Không ánh sáng đón mình. 
Không có ai trông ngóng. .

Thương quá! Những dòng thơ thật cảm động. 

Nói thêm, tranh bìa của Dương Văn Sen, có tên Xuân về, sơn mài. Đẹp. Nhã. Hương xuân. Đó là hai khuôn mặt thiếu nữ có sức sống.

Cảm ơn Ban Biên tập Tạp chí Non Nước đã có số Xuân với nhiều bài hay, thích đọc.

22/1/2021

H.V.H