Nhìn lại thơ Đà Nẵng từ sau năm 1975 - Nguyễn Minh Hùng

11.07.2013

Nhìn lại thơ Đà Nẵng từ sau năm 1975 - Nguyễn Minh Hùng

1. “Thơ Đà Nẵng” (nhìn dưới góc độ lực lượng, sáng tác, sự vận động) không là một hình dung dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó có câu trả lời thuyết phục. Văn học - nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng, có sự vận động theo quy luật đặc thù. Nó không phân vùng địa giới hành chính (vốn thay đổi từng thời kì), không được sáng tạo ra để được sắp xếp vừa vặn vào một giai đoạn, một xu hướng hay thuộc giới hạn vùng đất cụ thể nào. Vì thế, nhìn lại một chặng đường thơ, chúng ta cần ý thức vấn đề vừa nói để đề cập tương đối đúng hướng những gì có được, chưa được và những gì còn lại của thơ Đà Nẵng đương đại.

Khi nói đến những thành tựu và hạn chế của thơ Đà Nẵng, thì phải đề cập đến những tác giả - tác phẩm được hình thành trong mối quan hệ gắn bó tinh thần giữa nhà thơ với thành phố này. Điều chúng ta quan tâm sâu sắc là, những tác giả và thơ của họ - những sản phẩm nghệ thuật - đã góp phần hình thành gương mặt thơ Đà Nẵng, diện mạo tinh thần người Đà Nẵng (và người miền Trung, người Việt Nam); và điều quan trọng không kém là thơ đã có bước đột phá gì so với trước đó.

            2. Điều cần khẳng định trước tiên là, thơ Đà Nẵng đã biểu hiện sự tồn tại, sự xuất hiện, và cao hơn, là sự không - thể - vắng - mặt trong đời sống tâm hồn, đời sống thẩm mỹ - xã hội của một vùng đất vốn giàu truyền thống nghệ thuật và thi ca. Trong mấy mươi năm ấy, đời sống xã hội và tinh thần đã có những thời gian, những không gian, những cuộc đời, những cảnh huống Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng (Chế Lan Viên). Một lẽ, vì nó còn hời hợt, ngây thơ, làm dáng, và còn là công thức, bản sao (với chính họ và người khác). Một lẽ khác, vì người đọc, đến lượt họ, không tương thích hoặc vô tình quên lãng, rằng cuộc sống nếu không có thơ thì cũng không sao !...  Năng lực đọc (đối tượng tiếp nhận thẩm mĩ) sẽ đặt “áp lực” lên thi sĩ, hay gọi là “động lực” thúc đẩy sự phát triển thơ ca, cũng vậy. Nhiều cây bút, bỏ qua yếu tố này, chỉ xem thơ như “một tấm chân tình”, “một nỗi niềm riêng”… sẽ khó có cơ hội làm cho thơ - khác - đi (ít nhất là với chính mình), để thơ trở thành cần thiết và đồng hành với cuộc sống, với thời cuộc, với tư tưởng.

            Thành phố Đà Nẵng, nhất là từ 1997 đến nay, một đội ngũ những người làm thơ cùng với một số lượng đáng kể các tuyển thơ, tập thơ, bài thơ. Chưa bao giờ, người làm thơ, tập thơ lại đông đảo, xuất hiện nhiều như vậy. Thơ in mỗi năm trên dưới 10 tập, tương ứng trên 5000 bản ra đời. Tuyển thơ Thành phố năm ngọn núi, Hội Nhà văn thành phố xuất bản năm 2003, có 78 tác giả, với 127 bài thơ; Thơ Đà Nẵng (tuyển thơ 1997-2000), Hội Nhà văn thành phố xuất bản năm 2012, tăng lên 111 tác giả, với 216 bài thơ. Riêng tác giả Ngân Vịnh và Nguyễn Quân đã có 15 tập thơ. Họa sĩ Lê Huy Hạnh, sĩ quan quân đội Lê Anh Dũng, bác sĩ Mai Hữu Phước mỗi người cũng đã có ba, bốn tập thơ với số lượng hằng ngàn bản; tác giả Vạn Lộc, tuổi ngoại lục tuần, vẫn in thơ đều đều với 8 tập in mới và tái bản. Nhà thơ Bùi Công Minh, người “đi sớm về muộn” với văn chương, cẩn trọng và âm thầm, cũng có được 4 tập. Số tác giả có một, hai tập thơ của thành phố khá nhiều... Một số tác giả “tăng cường” việc mời nhạc sĩ phổ thơ, dựng phim ca nhạc, làm đĩa DVD; tổ chức đêm thơ, đêm phát hành, giao lưu; in thơ bằng 4 thứ tiếng Việt-Hán-Anh-Pháp như nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng; rồi dịch thơ R.Tagore ra tiếng Việt như Bùi Xuân, dịch thơ mình ra tiếng Anh như Mai Hữu Phước… 

Đó cũng là tình hình chung của cả nước, khi thơ ca vốn là niềm yêu ngàn đời của người Việt, khi ngôn ngữ Việt Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát - Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh (Lưu Quang Vũ), khi việc in ấn bây giờ tương đối dễ dàng, thì thơ có lạm dụng, có phổ biến thái quá cũng là chuyện hiển nhiên. Thời gian và bạn đọc, cả tác giả nữa - khi họ biết tách ra ngoài thiên chức sáng tạo có vẻ “đầy quyền năng” để làm một người đọc đích thực, sẽ tự điều chỉnh lại. Khán thính giả đìu hiu cũng không làm họ nản lòng; họ chỉ cần một số tâm giao “họa vần”, “like” hoặc “comment” là vui rồi; họ đích thực là người “kiên gan” nhất !...

Gần bốn mươi năm qua, chúng ta vẫn có nhà thơ nối tiếp được những thành tựu giai đoạn trước của Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Bùi Công Minh, Đỗ Văn Đông, Phạm Phát… và bước tiếp dấu chân của Đông Trình, Tô Như Châu, Vũ Hữu Định, Nguyễn Nho Sa Mạc... Có người làm thơ bắt đầu với tiếng nói “riêng” như Hoàng Minh Nhân, Trần Khắc Tám, Đoàn Huy Giao, Trương Điện Thắng, Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Nhã Tiên, Trương Văn Ngọc, Trần Phương Kỳ, Nguyễn Kim Huy, Phạm Phú Hải, Bùi Xuân, Phan Hoàng Phương, Võ Kim Ngân, Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh  v.v... Mươi năm trở lại đây, có thêm những người làm thơ trẻ như Trần Tuấn, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang... Chúng ta có thể tuyển ra được vài chục bài thơ sánh vai cùng thơ ca cả nước (ở đây chưa kể những nhà thơ Đà Nẵng đang sống và sáng tác nơi khác như Ý Nhi, Lê Minh Quốc, Nguyễn Hữu Hồng Minh... hoặc những người làm thơ âm thầm khác mà ta chưa đánh giá đúng về họ). Được từng ấy, và nếu thực sự có từng ấy, là đã có thành tựu. 

            Gần bốn thập kỷ qua, thơ Đà Nẵng đã có sự chuyển động trong tư tưởng nghệ thuật của một lớp nhà thơ, dù sự vận động ấy tiệm tiến, không đột phá, không gây “hiện tượng” sửng sốt. Từ giữa thập niên 80, khi đất nước đổi mới, thơ Đà Nẵng đã xuất hiện khuynh hướng tìm tòi, chủ yếu là thay đổi cảm hứng và cách tiếp cận đề tài vốn quen thuộc một thời. Những mảng đề tài, những cách thể hiện còn trống vắng của thơ ca truyền thống và thơ ca thời chống Mỹ của thế hệ trước được các nhà thơ nỗ lực bù đắp. Cái tôi trữ tình cách mạng quen thuộc một thời dần chuyển sang cái tôi cá nhân với bao mối quan hệ phức hợp của cuộc sống tuy không còn “tiếng nổ lớn” nhưng xuất hiện “sự rạn vỡ”. Ngay cả những tác giả có sở trường và có ít nhiều thành tựu về dòng thơ lửa cháy cũng đã chuyển đổi, ít nhất là về mặt đề tài. Nhiều nhà thơ lớp trước trở nên trầm ngâm, ưu tư, đặt ra câu hỏi hơn là phấn khởi, kêu gọi, khẳng định, trả lời như cái cách mà họ từng thành công một thuở. Từ Những tháng năm vay mượn (Thanh Quế), Tên gọi mới của hạnh phúc (Đông Trình), Ngày và Đêm (Bùi Công Minh), Bóng rừng trong mưa (Ngân Vịnh)... đến Một gạch và chuyển động, Lấm tấm hạt đau, Động và Tĩnh, Ngày thường đam mê... của những tác giả kể trên là một cố gắng đổi thay đáng kể. Điều này không mới với thơ (thực ra rất cũ!) nhưng mới với tình hình thơ của nước ta một thời, nhất là của Đà Nẵng; và đương nhiên cũng là mới với người sáng tác.

Đối với tác giả trưởng thành sau 1975, bên cạnh các cây bút lẩn quẩn, thiếu sức đi xa vẫn có người mạnh dạn thay đổi cách viết, muốn tìm kiếm, muốn làm một cái gì thật khác trước, muốn hướng tới tinh thần thơ ca mới hơn, ngôn ngữ thể hiện độc đáo hơn. Thành tựu của họ chưa thật rõ ràng, song ý thức nghệ thuật đã có. Mà đã có ý thức nghệ thuật thì sẽ khởi đầu cho tác phẩm mới khai sinh. Vấn đề còn lại là tài năng và cơ hội nữa mà thôi. Trường hợp của những cây bút “lạ”, những bài thơ được xem là “khó hiểu” với Giọng nói mơ hồ (Nguyễn Hữu Hồng Minh), với biểu tượng kiểu Con chim gỗ nhìn tôi (Đoàn Huy Giao) hay Cô gái soi gương trên biển (Trương Văn Ngọc) hoặc một Mái rạ mục nát ẩm ướt (Nguyễn Kim Huy),  Ma thuật ngón (Trần Tuấn) hay một số bài thơ hơi hướng “tân hình thức” của Trần Phương Kỳ và một vài tác giả khác v.v... cho đến đầu thế kỷ XXI này không còn là điều hiếm hoi nữa. Tất nhiên, nó vẫn ở trong quá trình tìm tòi, hướng về cái mới lạ trong hình thức thể nghiệm và định hình. 

Đã từng băn khoăn rằng, có tồn tại một nền văn học của một địa phương (Đà Nẵng hoặc Đất Quảng) không?! Hay chỉ có văn học dân gian mới đúng nghĩa là văn chương của một vùng đất (gắn với làn điệu, địa danh, văn hóa, ngôn ngữ và quan trọng hơn, lực lượng sáng tác là vô danh - những nghệ sĩ dân gian)?! “Thơ địa phương” thường gắn với chữ “phong trào” (không chính xác). Nếu nhìn góc độ này thì thành phố Đà Nẵng là một trong những “địa phương” có “phong trào” mạnh với những câu lạc bộ sáng tác, biểu diễn được duy trì đều đặn và hào hứng. Các câu lạc bộ thơ Hàn Giang, Tự khúc xanh, câu lạc bộ văn học quận, huyện v.v... đã quy tụ những người yêu thơ mọi lứa tuổi, tiêu biểu là các cây bút Huy Lộc, Trương Quang Sinh, Nguyễn Thành Long, Trương Đình Đăng, Vạn Lộc, Nguyễn Nho Thùy Dương, Mai Thanh Vinh... Chính ở những nơi này, lòng đam mê thơ bộc lộ dễ thấy nhất. Các anh chị vào tuổi cổ lai hy cũng đã có vài ba tập thơ ra mắt, lại có rất nhiều thơ… tình. Trong những tập thơ ấy, tình đậm đà, dư vị tri âm phảng phất, có những câu thơ viết chân chất nao lòng... 

            3. Khi nhìn nhận một thời thơ, một giai đoạn thơ, quan trọng nhất vẫn là những bài thơ, những câu thơ còn “sống lại”, quan trọng hơn, “sống” với những giá trị tiếp nhận mới. Cả một đời thơ mà người đọc nghiêm túc nhắc nhở một bài, thậm chí một câu, thì đã là vinh dự. Mấy mươi năm ấy, cả nước này, thành phố này đã nhắc đến những bài nào, câu nào của thơ Đà Nẵng?! Thơ ngày càng nhiều hơn, dễ đến tay bạn đọc hơn mà ngày lại dường như trở nên cách trở hơn. Người làm thơ đi đâu cũng gặp mặt còn thơ thì ít được thuộc lòng… Thơ chưa đủ sức thu hút bạn đọc, trong khi người đọc có quá nhiều mối bận tâm với cuộc sống náo động hôm nay, có quá nhiều phương tiện để nối nhịp cầu tri âm. Hay thơ đi chậm không phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ mới? Hay là, do thơ đã chuyển đề tài, chuyển cách thức biểu hiện trong khi người đọc vẫn còn nguyên “khẩu vị” xưa ?!... Hay tại giới phê bình của thành phố chưa hoàn thành nhiệm vụ tuyển chọn và mang thơ hay thực sự đến với công chúng ?!... Thơ nhiều quá nên không quý hiếm ?! Trả lời cho những câu hỏi đó, dễ ngộ nhận là nên có một hội thảo là giải quyết xong. Không phải vậy. Bản chất muôn đời của thơ ca và nghệ thuật chính là sự tự do thưởng ngoạn và tự sắp xếp chỗ đứng trong đời sống tinh thần con người. Bao nhiêu người vì được “lăng xê” mà thành “sao”, mà “hút hàng” và “lên giá”. Chưa thấy ai làm thế mà thành công với thi ca đích thực...   

            4. Để thơ ca trong thời gian tới - thường là rất nhiều năm - ngay từ bây giờ, những người làm công tác quản lý, xuất bản và cơ bản là đội ngũ làm thơ Đà Nẵng cần phải nghĩ ngợi nhiều, phải chuẩn bị nhiều, thậm chí phải trả giá nhiều.

Trước hết, về phía những người viết. Không có trường lớp dạy làm thơ chuyên nghiệp mà phải trông cậy vào tài năng bẩm sinh. Nhưng có tài năng mà thiếu đam mê, học vấn, văn hóa thì cũng khó lòng đi xa. Có tài, có văn hóa, quyết một đời sống chết vì thơ mà không có lấy một cơ hội - một không gian xã hội thơ ca tích cực -  thì tác phẩm cũng khuất lấp, chôn vùi. Cùng với sự chuyển động của xã hội, sự giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kì hội nhập, thơ bắt buộc không dừng lại cách nghĩ và kiểu dáng cũ. Chính người làm thơ phải tự biết được thơ của mình rất…cũ (không phải rất hay). Phải viết khác đi hoặc không viết nữa, đừng lặp người khác và lặp chính mình. Có như vậy mới hình thành một bản sắc, một giọng nói, một hình thức riêng. Thơ “tân hình thức”, “hậu hiện đại”, thơ “trình bày”, “sắp đặt”... lờ mờ bóng dáng, phá bung mọi thứ, ít người ủng hộ, được ít mất nhiều nhưng cũng là điều nhà thơ cần tìm hiểu, suy ngẫm; để trong mớ “hỗn mang” ấy, chọn một lối riêng, nhằm góp một tiếng nói đặc biệt cho đời sống thơ ca lúc nào cũng như đang trở dạ. Tất nhiên, đổi mới hình thức thơ là một việc, còn thơ có hay không lại là một việc khác.

Về phía các nhà quản lí xã hội và quản lí văn nghệ, cái cần làm là tạo ra một đất sống cho văn nghệ, cho thơ ca sinh sôi. Đất sống - cao hơn là miền đất hứa - không hẳn là đầu tư tiền bạc, mở rộng cơ ngơi khang trang hiện đại (mặc dầu điều này rất cần), là “làm” Ngày thơ Việt Nam rộn ràng!... Nhìn lại lịch sử thơ ca thế giới và Việt Nam, những nhà thơ lớn, những trào lưu thơ ca nổi bật, những tác phẩm thơ ca để đời lại không sinh nở từ sự “đầu tư” kiểu đó. Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y, sống lay lắt héo mòn để có một Gái quêĐau thương; Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... làm nên kì tích thơ ca khi còn là những học sinh - sinh viên tuổi trên dưới đôi mươi giữa xã hội thực dân phong kiến đang lộn sòng hoặc ngay trong bạo bệnh sắp từ giã cõi đời. Nhiều bài thơ không ai công nhận, là nguyên cớ làm tan nát đời thi sĩ bỗng dưng sáng láng, trường tồn. Nhà thơ phải được tự do thể nghiệm, được viết hết mình và có thể sai lầm nghệ thuật. Người quản lí, người đọc phải khuyến khích sự tìm tòi, sự sáng tạo và cho họ được thất bại trước khi tìm một giá trị thi ca đích thực miễn họ không chống lại con người.

            Đối với công tác của hội chuyên ngành, việc đầu tiên là cần rà soát, tập hợp đội ngũ những người có đam mê và khả năng làm việc. Người làm thơ cần có những điều kiện tối thiểu để gặp gỡ, trao đổi và được nâng đỡ tinh thần - chủ yếu là phải “đọc được họ”. Họ cần được tiếp cận với các khuynh hướng, phương pháp nghiên cứu, phê bình và sáng tác mới. Nên tổ chức các cuộc hội thảo nghiêm túc và chuyên sâu về tác giả, tác phẩm - ưu tiên cho các tác giả, tác phẩm của địa phương và những vấn đề thời sự văn học, những tác phẩm được gọi là “có vấn đề”. Tạp chí của hội chuyên ngành phải là một “trường văn”, tạo ra một diễn đàn sôi động, có nhiều tiếng nói, thực sự có tranh luận, biết chấp nhận những ý kiến khác nhau.

Việc trao giải thưởng cũng phải căn cứ những tiêu chí đánh giá khách quan và kỹ lưỡng. Một giải thơ phải là sự đánh giá thực chất mức độ thành công của tác giả đó và của thơ; không đạt thì không trao. Các sinh hoạt văn học như hội thảo, giới thiệu tác phẩm - tác giả, đêm thơ, ngày thơ Việt Nam… cần được tổ chức chu đáo, trang trọng, công phu và chuyên nghiệp hơn. Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là sự quan tâm đến lực lượng viết nhỏ tuổi. Cần sớm phát hiện những năng khiếu ngay từ trên ghế học đường. Với đối tượng này, cần có một chiến lược dài hơi, bài bản, đúng phẩm cách văn nghệ để mong chờ một lực lượng có thể đi xa hơn trong tương lai.

Nhìn chung, thơ Đà Nẵng đương đại có lực lượng đông đảo, có ý thức chuyển mình, trang viết đó đây vẫn gây được ấn tượng. Người đọc vẫn chưa thờ ơ với thơ, vẫn mong mỏi, đợi chờ. Vùng đất thi ca chưa biến mất đi trong bản đồ thi ca đất nước là một điều đáng trân trọng. Nhưng cũng thấy rằng, trong khoảng thời gian bằng một thế hệ ấy, nơi đây, chưa xuất hiện nhưng tài năng tầm cỡ, những tác phẩm thơ nổi tiếng thực sự hay một hiện tượng thơ gây được sự ngưỡng mộ đúng nghĩa. Nếu so với những tiền bối của Đất Quảng từng tung hoành trên thi đàn nửa đầu thế kỷ trước như Phan Khôi, Phạm Hầu hoặc gần hơn, nếu so với các cây bút như Bùi Giáng… thì chúng ta vẫn buộc miệng Hậu bất tri lai giả (Trần Tử Ngang)... Các giải pháp đều nhắm vào sự kích thích sáng tạo, tạo ra một bầu không khí đầy những thôi thúc quyết liệt và âm thầm...

Nhìn lại chặng đường thơ là để chuẩn bị và hy vọng cho một ngày thơ “bỗng nhiên” xuất hiện.

Đà Nẵng, Tháng 01-5/2013

N.M.H