Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình

28.01.2013

Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình

             ...Hỡi lòng tê tái thương yêu

               Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh

               Ngổn ngang bên nghĩa bên tình

               Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?...

                                                    (Tố Hữu)

            Trong hành trình suốt mười lăm năm gian truân của một kiếp người, thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành của người con gái "hồng nhan" nhưng "bạc phận"- Thuý Kiều. Cùng với tiếng đàn, vầng trăng, ngọn gió..., tiếng gà gáy đã thực sự chia bùi sẻ ngọt với nàng qua mỗi chặng đường lưu lạc.

 

            Thời điểm hiện diện đầu tiên của "tiếng gà" là cái lúc "vạ gió tai bay" bỗng dưng phủ xuống đầu gia đình của nàng tố nga đã từng khiến "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Để rồi, Kiều phải chứng kiến cảnh cha và em: "già giang một lão một trai/ một dây vô lại buộc hai thâm tình" và không thể không đi đến quyết định đau lòng: "bán mình chuộc cha". Để rồi, Kiều phải hứng chịu "một đêm mưa gió nặng nề" và trong tình cảnh chẳng còn muốn "thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương", nàng đã "toan bài quyên sinh" nhưng suy đi nghĩ lại "truy nguyên, chẳng kẻo luỵ vào song thân", lại thôi. Giữa cảnh rối bời ấy, có một tiếng gà.., Vâng, một tiếng gà xuất hiện. Thảng thốt, liên hồi như xé từng khúc ruột:

            Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường  

            Có lẽ lần đầu tiên trong văn học nước nhà mới xuất hiện hai từ "gáy sôi" để diễn tả ruột gan tan nát của người trong cuộc: Tiếng gà mà đã "gáy sôi" thì nỗi lòng nàng Kiều quặn đau biết nhường nào!

            Khi Thuý Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, trong cái thế cùng đường, phải đành "nhắm mắt đưa chân", vội vội vàng vàng theo gã "bạc tình nổi tiếng lầu xanh"- họ Sở tên  Khanh- chạy trốn. Tiếng gà gáy trong "đêm thâu khắc lậu canh tàn" ấy thật bi thương làm sao:

             Tiếng gà xao xác gáy mau

            Với hai từ "xao xác", Cụ Nguyễn Tiên Điền như muốn gieo vào lòng người đọc ấn tượng thật nặng nề với một tâm trạng bất an, đầy nghi hoặc.Giữa khung cảnh ảm đạm "gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương", tiếng gà "xao xác" hình như báo trước điềm chẳng lành?

            Quả thế thật. Khi biết cuộc đào tẩu bất thành, Sở Khanh đã nhanh chân "rẽ dây cương lối nào", bỏ mặc nàng Kiều "một mình khôn biết làm sao/ Dặm trường bước thấp, bước cao hãi hùng"

Người con gái liễu yếu đào tơ lại rơi vào tay Tú Bà và một phen hứng chịu cơn thịnh nộ:

            Hung hăng chẳng khảo chẳng tra

            Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời

            Đã thế, nàng còn bị chính tên chủ mưu cuộc chạy trốn- Sở Khanh- quát mắng đùng đùng và trâng tráo: "Sấn vào vừa rắp thị hùng ra tay".

            Nếu như ở hai tình huống trên, tiếng gà càng vội vàng, sục sôi bao nhiêu thì đến khi Thuý Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư tiếng gà càng trở nên hiền hoà bấy nhiêu!

          Hãy nghe tác giả miêu tả:

            Mịt mù dặm cát đồi cây

Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương         

"Thi trung hữu hoạ", đây quả là hình ảnh tuyệt vời trong thi tứ: một âm thanh "độc nhất vô nhị" (tiếng gà gáy), một lều tranh lẻ loi bên đường, một bóng trăng tà và một con người chạy trốn! Tiếng gà hiền lành như chính người lữ khách đáng thương: "Cảnh khuya thân gái dặm trường,/... Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà". Tiếng gà là người bạn đồng hành chung thủy của Thúy Kiều, tiếng gà rơi rơi theo từng dấu giày hãi hùng trên chiếc cầu phủ đầy sương giá lạnh buốt.

            Đột ngột ở cuối Truyện Kiều, bỗng nghe một tiếng gà khác hẳn: khoan thai, đĩnh đạc, hoàn toàn tương phản với tiếng gà "gáy sôi" mười lăm năm trước. Thực ra đó chính là tiếng gà gáy sáng rất đỗi quen thuộc của một làng quê yên bình

            Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông        

Ấy là lúc đoàn viên, kết thúc "đoạn trường" của một phận má hồng:

            Tình nhân lại gặp tình nhân

             Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình

Đôi bạn trẻ Thúy Kiều- Kim Trọng sau thời gian dài xa cách mải mê hàn huyên giãi bày nỗi lòng đến lúc gà gáy sáng mà vẫn "chưa cạn tóc tơ". Tiếng gà gáy báo hiệu một cuộc đời mới đang đến hay là một kết thúc có hậu mà tác giả ưu ái dành cho nhân vật chính của mình?

            Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã rất thành công trong việc xây dựng "tiếng gà gáy" trong văn học. Cùng một tiếng gà đêm nhưng giá trị biểu đạt và cung bậc tình cảm khá đa dạng và sinh động: khi căm giận sục sôi, lúc nôn nao, lo lắng đến xé ruột xé lòng; khi hiền hòa, thơ mộng, lúc vui tươi, phấn chấn. Người đọc như đồng cảm hơn với những thăng trầm của một thân phận con người sống trong một xã hội đầy rẫy xấu xa, vô nhân tính. Âu đó là biệt tài, là "cái thần" trong bút pháp của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới khiến hậu thế luôn ngưỡng mộ mà chẳng cần chờ đến ba trăm năm sau!

 

 

V.T

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình