Miền trăng tối - Ngọn đồi ghi dấu những yêu thương và ám ảnh

28.08.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy

Miền trăng tối - Ngọn đồi ghi dấu những yêu thương  và ám ảnh

Tôi đọc tiểu thuyết Miền trăng tối của Vũ Ngọc Giao vào những ngày cuối tháng Bảy, sau khi chị vừa trình làng tập truyện ngắn Người đàn bà và chiếc dương cầm (Nxb Dân Trí, tháng 3/2023). Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn tôi ngay từ những trang viết đầu tiên.

Vũ Ngọc Giao là một cây bút văn xuôi đầy nội lực, chị là tác giả của nhiều truyện ngắn xuất hiện đều đặn trên các tờ báo từ trung ương đến địa phương. Ba tập sách của Vũ Ngọc Giao đã xuất bản có Búp bê Matryoshka (Tản văn - Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn 2019), Dòng chảy (Hồi ký, chấp bút, Nxb Hội Nhà văn 2022); Người đàn bà và chiếc dương cầm (Tập truyện ngắn, Nxb Dân Trí, tháng 3/2023) đã minh định một phong cách viết dung dị, nhẹ nhàng nhưng buồn thương day dứt. Trong vòng 5 tháng sau khi tập truyện ngắn ra mắt, tiểu thuyết đầu tay Miền trăng tối của Vũ Ngọc Giao tiếp tục được Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Cuốn sách có dung lượng 224 trang với 12 chương, đã dẫn dắt tôi đi qua một câu chuyện đời, chuyện tình đầy ma mị và ám ảnh nhưng không kém phần lãng mạn.

Chuyện xảy ra trên ngọn đồi năm ấy, nơi một nhóm thanh niên trí thức với tình yêu quê hương, yêu cuộc sống dâng tràn đã tình nguyện đến nơi đây và gửi lại một phần tuổi xuân tươi đẹp. Và họ đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn khi tuổi đời mỗi người mới chừng đôi mươi. Lồng trong câu chuyện ấy là bi kịch tình yêu của hai nhân vật Đăng và San, cùng nỗi cô đơn bản thể của đứa bé trai mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên ba, cho đến ngày cậu bé ấy trở thành một ông cụ tóc đã mỏng như sương…

1. Những mảnh đời và câu chuyện tình yêu đẹp trong mơ

Mượn lời kể chuyện của Hà Lam, một nữ phóng viên trẻ trong chuyến thực tế ở Thái Nguyên để viết bài phóng sự về những con suối ở miền bán sơn địa này, Vũ Ngọc Giao đã tái hiện lại câu chuyện về một tiểu đội thanh niên tình nguyện đào giao thông hào trên ngọn đồi hoang, nơi cách xa bản làng trong điều kiện sống thiếu thốn và kham khổ. Công việc nặng nhọc, gian khó nhưng họ vẫn nhẫn nại từng ngày, yêu thương và đùm bọc nhau, dù trong mỗi người đều có một góc khuất mịt mù. Nhóm bạn trẻ cả nam lẫn nữ chỉ 7 người. Đăng đội trưởng xông xáo và nhiệt huyết, anh thường dùng lời ca và tiếng đàn xoa dịu những nhớ thương, khắc khoải trong lòng mỗi người. Phi vui nhộn, tếu táo và tài hoa nhưng đầy bất hạnh. Chinh lầm lì, cộc cằn và si tình nhưng cũng không kém phần tài hoa. San, cô gái dân tộc Tày xinh như một quả rừng vừa chín. Nhã và Hạ trong sáng, thuần hậu. Đặc biệt Cầm, một cô gái gầy gò, yếu ớt, mang trong mình một nội tâm đầy u uẩn. Đêm đêm Cầm thường một mình lang thang giữa rừng khuya như một chiếc bóng đầy ám ảnh.

Vào một đêm trăng, cả tiểu đội đốt đuốc đào hầm, tránh cái nắng nóng kinh hoàng của ban ngày. Không ai ngờ đó cũng là đêm nguyệt thực (trăng máu) và họ đã bị chôn vùi mãi mãi vào lòng đất sau thảm họa đất lở. Duy nhất San sống sót dù đã mang trong mình một mầm sống, kết quả của mối tình tuyệt đẹp với Đăng trong một đêm bên bờ suối giữa mênh mông đại ngàn. Nhưng rồi, khi được cứu sống và trở về bản làng, San luôn bị ám ảnh bởi thảm họa năm nào. Cô trở nên điên loạn…

Đứa bé trai mới lên ba đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ biết tìm hơi ấm từ người bà, bởi mẹ nó đã chết trong một đêm trăng trên con suối ven rừng. Mười sáu tuổi, lại thêm một nỗi đau. Chàng trai ấy ngậm ngùi tiễn người bà về nơi chín suối. Từ ngày đó chàng trai tự mưu sinh để học hành. Mọi thứ như có sự sắp đặt của số phận, anh lên cao nguyên Di Linh lập nghiệp, cũng tại đây anh lập gia đình, có một cô con gái. Và rồi người vợ đã ra đi trong một lần hỏa hoạn. Người đàn ông một mình nuôi con ấy chính là cha của phóng viên Hà Lam - người xuyên suốt câu chuyện tình yêu đẹp hoang dại nhưng đầy bi kịch.

Câu chuyện được lồng trong giấc mơ của Hà Lam khi cô đi thực tế ở Thái Nguyên, trở lại mảnh đất xưa nơi cha mình lớn lên cùng chuỗi ngày thơ ấu đầy cô độc. Theo chân Hà Lam, người đọc tường tận mối tình tuyệt đẹp giữa rừng sâu, dù cuộc sống gian truân nhưng tình yêu vẫn là ngọn suối mát tưới tắm tâm hồn họ. Vũ Ngọc Giao đã cố ý để câu chuyện tình thêm thơ mộng khi đặt trong không gian, thời gian giữa một đêm trăng đại ngàn, được miêu tả dưới cái nhìn của Hà Lam, vừa tạo độ khách quan, vừa thấm đẫm chất trữ tình: “Dưới bóng trăng, cô gái để lộ thân hình trần trụi, nuột nà, mái tóc dài loang loáng chảy khi bơi ngược qua con thác. Theo sau bóng một chàng trai cũng lao mình xuống, bơi về phía cô gái. Họ vẫy vùng trong nước, tiếng cười khúc khích dội vào vách đá vang xa trong đêm...” (trang 65). Những con chữ tưởng như trần trụi nhưng lại đẹp như một bản tình ca miền sơn cước. Trong trẻo. Ngân rung, không gợn chút nhục dục. Nhưng rồi, đêm trăng máu, tiếng con chim lợn thảng thốt giữa rừng khuya, đất đá bỗng rùng mình giận dữ... tất cả hiện thực phũ phàng đã vùi lấp đôi trai gái ấy cùng đồng đội trong một đêm đào hầm. Dù chỉ một mình còn sống sót nhưng những kí ức của San về người yêu, về bạn bè, về thảm cảnh trong đêm trăng máu ấy vẫn tươi nguyên, điều đó đã ám ảnh, khiến cô chới với giữa hai bờ vực: Mộng và thực.

San trở về với đời thường, tưởng như mọi thứ trôi xuôi. Nhưng, một tiếng động mạnh như sấm sét, tiếng trống chiêng hội làng... luôn làm cô hoảng loạn. San chìm vào những cơn mộng mị, để từ đó cô luôn đi theo tiếng gọi trong mịt mù tâm thức và cuối cùng đã thiệt mạng trong một đêm trăng nơi khe suối.

Vũ Ngọc Giao không hề cố ý khi nói về nỗi buồn chiến tranh, nhưng độc giả sớm nhận ra những cái giá quá đắt mà con người phải trả qua những mảnh đời của San, Cầm, Chinh, Phi... và lớp lớp thanh niên mãi trinh nguyên ở tuổi hai mươi nơi cánh rừng trong những năm tháng khốc liệt ấy.

2. Nỗi cô đơn bản thể thời hậu chiến

Bi kịch thân phận cùng nỗi cô đơn của con người thời hậu chiến từ lâu đã là một đề tài được nhiều cây bút gạo cội khai thác như Bảo Ninh, Dương Hướng, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo... Nhưng hôm nay, Vũ Ngọc Giao đã đề cập vấn đề này theo một hướng đi riêng, nhẹ nhàng nhưng không kém phần ám ảnh. Bên cạnh câu chuyện tình yêu giữa đại ngàn, ngòi bút Vũ Ngọc Giao luôn xoáy vào nỗi đau thân phận và niềm cô đơn bản thể của con người. Đọc hàng loạt truyện ngắn của chị, ta đã nhận ra điều đó. Trong Miền trăng tối, có một nhân vật phụ được Vũ Ngọc Giao kí thác, gửi gắm. Người cha một mình trong căn nhà nơi cao nguyên xa thẳm, quanh năm chỉ vào ra với mảnh vườn, sửa soạn mọi thứ tốt nhất để đón cô con gái duy nhất trở về sau mỗi chuyến đi. Đêm đêm, trên chiếc giường cô quạnh, ông chỉ biết làm bạn với chiếc radio cũ kĩ và chiếc khăn choàng, kỉ vật duy nhất của mẹ ông để lại, luôn được xếp ngay ngắn bên gối…

Nhân vật người cha của Hà Lam chính là đứa bé trai mồ côi năm nào. Vũ Ngọc Giao đã dành nhiều trang viết, đến bốn chương sách để viết về nhân vật này. Cả cuộc đời, nhân vật này luôn phải sống trong nỗi cô đơn, ám ảnh. Từ lúc lọt lòng cho đến khi ba tuổi, đứa bé trai được bà ngoại chăm sóc; những buổi chiều bà lên nương, người mẹ tội nghiệp ấy lại bế nó lang thang khắp nơi, bên gốc cây, bờ suối, thủ thỉ với con những điều mà tâm hồn trẻ thơ non nớt của nó không thể nào hiểu được. Người mẹ mất đi, bé trai lớn lên, “trong ánh mắt xa xăm của nó như thiếu vắng một thứ gì đó không ai có thể lấp nổi... Tâm hồn nó tựa như chia hai nửa, một nửa ánh sáng và một nửa bóng tối… Khi những đêm trăng phủ xuống làng mạc, nó nhìn lên ngọn đồi phía sau nhà mường tượng ra gương mặt mẹ cha” (trang 165, 169, 171). Cậu bé ấy thường lang thang tìm hơi mẹ, mỗi chiều bà ngoại đi làm cậu phải ở nhà một mình, sợ đến co rúm người vì một tiếng sấm trong cơn giông, tiếng chiêng ngày hội làng, tiếng chày giã vào cối… Những nỗi sợ hãi không khác mẹ nó ngày còn sống. Cậu bé ấy còn phải chịu sự cô độc trong cuộc đời: không có bạn trang lứa chơi cùng, kẻ độc miệng cho rằng cậu mắc bệnh tâm thần như mẹ... Chỉ còn biết bám víu vào người bà nghèo khổ, gầy yếu, cậu bé lớn lên trong sự bảo bọc của bà và dần quen với mọi tiếng động. Năm cậu tròn 16 tuổi, người bà đã ra đi. Bão tố cuộc đời lại một lần nữa giáng xuống nhưng không nhấn chìm được bản lĩnh sống vốn có đã được thừa hưởng từ mẹ cha.

Người đàn ông ấy, là cậu bé ngày xưa đã trưởng thành, đã có một tổ ấm. Dù cô đơn và khổ đau đến tận cùng, nhân vật vẫn giữ được vẻ đẹp bản ngã và đây mãi là niềm tự hào cho lớp trẻ như Hà Lam, Kevin (người bạn ngoại quốc Hà Lam đã quen trong cuộc hành trình trên chuyến bay từ Liên Khương ra Nội Bài) Họ vững vàng với ước mơ tiếp nối của mình....

3. Thi pháp của Vũ Ngọc Giao trongMiền trăng tối

Câu chuyện được Vũ Ngọc Giao lấy bối cảnh ở vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Thái Nguyên, diễn ra trên một ngọn đồi thiêng nơi những linh hồn chết trẻ. Những dòng đầu tiên trong tiểu thuyết đã đầy ám ảnh, ma mị “Bầy quạ quàng quạc lượn về đậu trên nhánh cây gầy. Năm mươi năm sau hay mãi mãi, nơi này vẫn là ngọn đồi chết… từ đêm trăng ấy”.

 Giọng kể lôi cuốn, cách tạo không khí pha trộn giữa thực và mộng, ảo nhưng đời, có chút liêu trai dẫn dụ độc giả nín thở theo những dẫn dắt của người kể chuyện. Hai giấc mơ của Hà Lam được nối tiếp nhau, hài hòa khiến các nhân vật với những tính cách, chiều sâu nội tâm hiện lên rõ nét. Dù Hà Lam là con người của hiện tại: “Phải rồi, tôi là kẻ đứng ngoài thế giới của họ, thế giới của tôi và của họ chẳng thể thuộc về nhau” (trang 116). Vũ Ngọc Giao đã dùng thủ pháp đồng hiện, kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại; cách miêu tả cảnh hợp lý và giàu tính điện ảnh. Nhà văn đã chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ bối cảnh để nhân vật xuất hiện trong mỗi không gian và mang một màu sắc riêng biệt: Ngôi nhà nhỏ nơi cao nguyên Di Linh có người cha cô độc đang sống; chiếc lều bà lão bán hàng xén nơi bìa rừng; chiếc lán của những chàng trai và cô gái ấy trên đồi... Cách miêu tả từ ngoại hình đến cách sống, nội tâm nhân vật đều được Vũ Ngọc Giao khai thác một cách khá tinh tế. Mỗi nhân vật đều có một cách khắc họa riêng biệt nhưng có thể nói ấn tượng nhất là cô gái trẻ tên Cầm. Nội tâm của Cầm đầy u uẩn, và đây cũng là mảnh đời nhiều góc khuất nhất: Vừa tròn đôi mươi, yêu lần đầu thì người yêu hy sinh, người thân chỉ còn lại mẹ và đứa em trai tật nguyền. Cầm luôn khắc khoải mong được trở về để cõng em đi trên đường làng, tự tay làm cho em một cánh diều thật đẹp. Đêm đêm, Cầm lang thang một mình trên đồi để tình tự cùng cây cỏ; cô sống tách biệt và khép kín nhưng vẫn thực hiện tròn trịa mọi công việc của mình. Cũng chính Cầm là người đã nhường chút không khí cuối cùng cho San được sống để trở về. Và đâu đó, cũng vì tình yêu dành cho Đăng, nên giữa sự sống và cái chết, Cầm đã dành con đường sống cho đứa con của người mình yêu khi nó đang còn trong bụng mẹ. Những giằng xé nội tâm của Cầm cũng chính là những góc khuất của mỗi bạn trẻ khi nghĩ về hiện tại và tương lai…

Khép lại trang cuối của tiểu thuyết Miền trăng tối, người đọc không còn cảm xúc quá buồn thương. Vũ Ngọc Giao đã tinh tế khi tạo nên một kết thúc mở, một chuyến trở lại đồi thiêng của Kevin với những kỉ vật anh đào được và đặc biệt sự trở về chốn xưa của cha Hà Lam cùng ước nguyện quy tập mộ người cha ông chưa một lần biết mặt, về nằm bên mộ mẹ… Tất cả đã thể hiện một cái nhìn đầy nhân văn của tác giả, đồng thời gieo vào lòng độc giả một nỗi ấm áp và niềm tin về tình yêu thương giữa con người với con người…

N.T.T