Kí ức tuổi thơ

02.05.2012

Kí ức tuổi thơ

NguyỄn Minh HẰng

Ngày còn bé, tôi sống với bà ngoại trong một căn nhà nhỏ với khu vườn nhỏ bên dòng kênh Điện Hòa. Ba bận công tác xa, lâu lâu mới về, còn mẹ ngày ngày đi dạy ở một trường cấp hai trong huyện.

Hồi ấy, xóm tôi toàn người lớn, cả ngày không có tiếng trẻ con (trừ nhà tôi) nên cũng không có nhà trẻ. Mẹ để tôi ở nhà với ngoại. Vì đi làm xa, lại không có xe máy, nên mẹ ở lại trường đến chiều mới về. Cả ngày, tôi quanh quẩn trong nhà, không đồ chơi, không bạn bè, chỉ biết bám riết theo ngoại hoặc tìm một lỗ hổng nào đó trong hàng rào dâm bụt chui vào ngồi và đợi ngoại hớt hải đi tìm.

Tuổi thơ tôi trôi qua bình yên, nhẹ nhàng và ngộ nghĩnh như vậy đấy. Mãi đến khi tôi lên năm, gia đình tôi mới chuyển lên thành phố. Còn ngoại, vẫn ân cần với "căn nhà nhỏ bên dòng kênh Điện Hòa”.

Khoảng thời gian sống bên ngoại là khoảng đời tôi nhớ nhất khi có ai nhắc đến hai tiếng "tuổi thơ”. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để kí ức có thể gắn liền với "triền đê”, với "cánh diều”, với "cưỡi trâu, đánh trận” hay "đào giun, bắt dế”,... Tất cả những gì tôi nhớ nhất khi nhắc đến tuổi thơ là ngoại, là vườn rau, là hàng rào dâm bụt, là gà, là chó. Tôi nhớ như in, có lần, tôi cùng ngoại ra vườn trồng rau. Ngoại vừa cuốc đất vừa phải để mắt đến tôi. Tôi thì đi lang thang quanh vườn, tay ôm chú chó con, người bạn thân nhất của tôi lúc đó. Chúng tôi khám phá từng ngóc ngách của khu vườn, khi đã tìm ra một lỗ hổng đủ lớn để có thể chui vào, tôi chợt nhận ra, có cái gì đang động đậy bên kia hàng rào. Tôi tò mò thò đầu qua, tay vẫn ôm chặt chú chó nhỏ. Một con rắn. Một con rắn có cái đầu màu đỏ. Tôi hét lên, chạy nhanh về phía ngoại, cảm giác con rắn đang đuổi theo sau mình. Tôi ôm chầm lấy ngoại, đòi ngoại bế lên, đánh rơi chú chó xuống đất. Tôi giục ngoại chạy đi, chạy đi, vậy mà ngoại cứ đứng yên ở đó. Tôi cào cấu, khóc thét, hét lớn vào tai ngoại. Ngoại cười, bế tôi vào nhà rồi lại ra vườn làm tiếp. Sau lần ấy, tôi sợ không dám ra vườn. Vậy là mất toi một thú vui. Tôi không thể rúc rào được nữa. Không biết trò gì vui hơn, tôi đâm ra giận dỗi ngoại mặc dù lỗi chẳng thuộc về ai. Từ hôm đó, tôi tìm mọi cách để làm ngoại lo lắng. Tôi hái hết ớt trong vườn, cả trái xanh, trái đỏ vứt xuống giếng. Tôi nhảy vào thùng nước ngồi để mặc vòi nước đang chảy. Tôi mon men lại gần hàng rào, nhưng còn sợ nên tôi trốn ngủ trưa tự mình ra đường lớn, đợi người đi qua kêu bà ra dẫn vào(!!!). Hay có lúc, tôi ra sau nhà, đứng cạnh cây mít, ngay dưới chỗ cuốn mít vừa bị cắt ra và... hứng mủ. Và, còn bao nhiêu trò nghịch ngợm khác mà một con Bé Con loắt choắt như tôi đã cố nghĩ ra để chọc giận bà ngoại.

Giận dỗi là thế, ngây ngô là thế, nhưng tôi vẫn thương ngoại nhất, thương hơn cả ba mẹ, vì tôi luôn nghĩ ngoại là người thương tôi nhất, hơn cả ba mẹ thương tôi. Ngày ngày, sau những lần tôi bày trò quậy phá, ngoại quát tôi, rồi tắm rửa cho tôi, đút cơm tôi ăn, khuấy sữa tôi uống và còn hát hò khoan ru tôi ngủ nữa. Tôi cứ thế chìm vào giấc ngủ trong vòng tay gầy guộc mà ấm áp của ngoại...

Mười năm trôi qua kể từ ngày gia đình tôi chuyển lên thành phố. Sống giữa lòng thành phố đổi thay từng ngày, tôi cùng đã thay đổi nhiều. Tôi lớn lên, chững chạc hơn và không còn ngô nghê chọc giận mọi người như tôi đã làm với ngoại trước kia nữa. Thỉnh thoảng, ngoại có lên thăm gia đình tôi, ở chơi vài ngày rồi lại về. Tôi nhận ra, mình không còn gắn bó với ngoại như xưa nữa. Tôi dằn dỗi mỗi khi bị ngoại mắng. Tôi không còn ngủ với ngoại mỗi tối và đặc biệt, tôi tỏ ra không thích khi nghe ngoại hát hò khoan - giai điệu âm thanh đã đưa tôi vào giấc ngủ thời thơ ấu. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình, sao lại thay đổi đến vậy? sao mình lại có thể "ác” với ngoại như thế?... Nhưng biết sao được, tôi đã không còn là cô "Bé Con” của ngày xưa nữa.

Mấy ngày gần đây, ngoại trở bệnh. Gia đình tôi lo lắng ra vào bệnh viện chăm sóc cho ngoại. Ngoại bị suy tim. Ngoại mất trí nhớ. Bà không còn biết gì hết. Bà không nhận ra tôi, nhưng trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ ngoại vẫn nhắc đến tên tôi trong những câu nói lạc lõng. Tôi biết, ngoại vẫn thương tôi lắm, thương lắm " tôi” ơi!

Ngoại yếu nửa người, không đi lại được, mọi sinh hoạt của Ngoại đều phụ thuộc vào người khác. Nhìn mẹ chăm sóc ngoại như chăm em bé, lòng tôi quặn thắt. Bao kỉ niệm trong căn nhà nhỏ bên dòng kênh lại chợt ùa về ...

Ngoại ơi!

Đêm qua con lại nằm mơ ngoại à. Con mơ thấy mình trong vòng tay ngoại, mơ thấy con đang giục ngoại chạy đi vì sợ rắn, mơ thấy tóc con dính đầy mủ mít, ngoại là người gỡ từng sợi tóc rối cho con, mơ thấy ngoại hớt hải tìm con giữa bộn bề cây cỏ, mơ thấy bà hàng xóm dắt con vào mắng với ngoại vì để con lang thang hái ớt nhà người ta... Ngoại ơi, con xin lỗi ngoại, con xin lỗi ngoại, con vẫn tự trách mình sao lại làm ngoại lo lắng, vất vả, sao lại dằn dỗi ngoại. Con thèm nghe ngoại hát hò khoan, con thèm ăn cơm ngoại đút, ngoại ơi! Con ước gì thời gian quay trở lại để con trở thành Bé Con của ngoại, được nấp sau ngoại mỗi khi sợ hãi, được ngoại bồng bế, vỗ về, con sẽ không ra thành phố sống nữa đâu, con muốn được ở mãi bên ngoại. Ngoại của con đâu rồi? Con có thể làm gì để đền đáp ơn ngoại đây? Đã muộn rồi, ngoại không còn là ngoại của ngày xưa nữa, ngoại quên hết rồi, quên đứa cháu ương ngạnh này rồi...

"Ngoại ơi, con thương ngoại lắm!

Ngoại biết không...”.

N.M.H

Bài viết khác cùng số