Khoảng sân trước nhà; Bến đỗ - Trần Nguyên Hạnh

06.11.2019

Khoảng sân trước nhà; Bến đỗ - Trần Nguyên Hạnh

Khoảng sân trước nhà

Trước nhà tôi có một khoảng sân rộng. Tầm bảy giờ sáng nắng đã tràn khắp sân. Ở đó ngày ngày mẹ vẫn lặng lẽ mang từng thúng ba an nào lúa, đậu, khoai sắn trải khắp sân phơi. Mùa nào thức ấy. Quanh năm, khoảng sân trước nhà bao giờ cũng lỉnh khỉnh những sản vật do mẹ tự tay trồng.

Ngày trước khi nhà tôi còn là nhà tranh, vách đất khoảng sân ấy là khoảng sân đất, đá sỏi chông chênh rồi được mẹ san bằng, lấy hết đá sỏi trải bạt phơi lúa, phơi khoai... Qua biết bao mùa lúa, mùa khoai như thế nhà tôi mới khấm khá hơn. Khoảng sân ấy được san sửa rồi xây lên bằng gạch. Bây giờ nó đã được láng

xi măng.

Khoảng sân trước nhà ấy in bóng mẹ tảo tần nắng mưa. Bao mùa lúa, mùa khoai vẫn có mình mẹ lặng lẽ làm lụng. Nhà tôi đất ít nên một năm phải trồng nhiều vụ mới đủ ăn. Hết mùa lúa mẹ lại tất tả với mùa khoai, mùa đậu. Khoảng sân ấy trải qua bao lần san sửa là bao giãi dầu mưa nắng mẹ mang bên mình.

Khoảng sân trước nhà ấy lưu dấu kí ức tuổi thơ tôi những ngày lon ton theo mẹ cùng mẹ phơi lúa, phơi khoai. Mùa lúa, mùa khoai qua đi mùa đậu, mùa ngô lại đến. Những kỉ niệm tuổi thơ tôi gắn liền khoảng sân trước nhà có bóng mẹ giãi dầu nắng mưa. Qua mùa lúa, mùa khoai, mùa đậu mẹ dùng khoảng sân đó để phơi những loại quả trong vườn nhà. Nào chuối, nào thơm,... Nhà chỉ có mình mẹ những quả chín trong vườn nhà ăn không kịp mẹ đều đem phơi rồi cất kĩ trong chum để khi chúng tôi về có quà quê mang đi. Ngày còn nhỏ mỗi khi đi học về chúng tôi lại xin mẹ vài lát chuối khô.Tuổi thơ ngày ấy chỉ có vậy mà trôi qua trong tràn ngập tiếng cười. Tôi còn nhớ món chuối ép mẹ làm vào những ngày mưa. Cái vị ngọt đậm đà ấy nhiều lúc vẫn nhắc tôi nhớ rằng mình đã từng có những tháng ngày tuổi thơ êm đềm đến vậy. Cũng trên khoảng sân ấy, cạnh nơi mẹ vẫn thường phơi lúa, phơi khoai mẹ dành một khoảng để trồng giàn mướp nho nhỏ. Mùa này mướp ra trĩu quả. Nồi canh mướp mẹ nấu là hương vị vẫn ám ảnh tôi sau mỗi lần xa nhà.

Một thân một mình, những vui buồn mẹ đều gửi gắm vào khoảng sân trước nhà. Mẹ là người sống nội tâm và giàu tình cảm. Có nỗi niềm gì mẹ cũng để trong lòng mà chẳng nói với ai. Năm ngoái vụ đông - xuân thất bát tôi thấy mẹ buồn hiu, lẳng lặng ra trước hiên ngồi nhìn khoảng sân rộng thoáng và vô thức buông những tiếng thở dài. Khoảng sân càng rộng nỗi buồn trong lòng mẹ càng đầy.Tôi biết, tất cả chi phí trang trải cho việc học của chúng tôi đều trông cậy vào những thứ mẹ phơi trên khoảng sân này.

Trên khoảng sân trước nhà qua bao mùa lúa, mùa khoai mẹ chắt chiu từng đồng nhỏ chăm lo chị em chúng tôi ăn học nên người. Cuộc đời của mẹ gánh trên vai trọng trách là trụ cột gia đình lại thêm những đau khổ, tủi hờn của một người đàn bà bị chồng phụ bạc. Vậy nên mẹ chỉ có chúng tôi, hai đứa con bé bỏng để mẹ hi vọng vào đời sống và trông đợi chúng tôi sẽ làm nên điểm sáng cho cuộc đời vốn nhiều thăng trầm của mẹ. Ý thức được điều đó, ngay từ khi là một đứa trẻ chúng tôi đã tự nhủ phải phấn đấu và nỗ lực hết mình.

Chúng tôi lớn lên từ khoảng sân ngập nắng in hằn bóng mẹ nhưng cũng từ khoảng sân ấy mẹ lại ngày một già đi. Bao năm gắn bó với công việc nhà nông vất vả tôi thấy mẹ gầy nhiều, khuôn mặt teo tóp, làn da ngăm đen chẳng còn mịn màng như ngày trước. Thương mẹ tôi chỉ biết cố gắng học thật giỏi để mẹ vui lòng.

Chiều nay, tôi vội vã bắt xe về nhà khi kì thi học kì vừa kết thúc. Men theo con ngõ tôi bước vào nhà. Trời đã xế chiều nhưng khoảng sân trước nhà vẫn đong đầy nắng. Tôi thấy mẹ lặng lẽ đứng đó - dưới nắng hè vàng vọt, hong từng đợt lúa. Chiếc nón cời mỏng manh che hết cả khuôn mặt và một phần bờ vai mẹ, chỉ để lộ nửa thân áo bà ba đã mục chỉ bạc màu. Nhìn mẹ trong dáng vẻ ấy mới nhỏ bé và mong manh làm sao. Tôi đứng đó hồi lâu, nhìn dáng mẹ tỉ mẫn săn sóc từng hạt lúa. Không kìm được xúc động, tôi chạy tới ôm mẹ, lau giọt mồ hôi  đang lấm tấm trên trán mẹ, tôi nói: “Mẹ ơi! Con về rồi. Để con hong lúa giúp mẹ”. Nghe tiếng tôi, mẹ quay người lại, gương mặt rạng ngời.

 Năm nay được mùa, lúa trải kín sân...

 

Bến đỗ

Những vạt nắng chiều ấm áp đang phản chiếu khắp mặt sông - những dòng chảy bình yên và hiền hòa như bao năm vẫn thế, dù cho những cuộc đời gắn liền với sông, kẻ ở lại - người rời đi. Nhưng cũng có những người như ông tôi - rời bỏ dòng sông của mình để đi qua biết bao dòng sông, đến lúc cuối đời trở về mới nhận ra dòng sông quê mình là đẹp nhất.

Có bao giờ bạn nghe nói - một dòng sông, một ngọn núi hay một bờ bãi ở một mảnh đất nào đó - tự dưng bỗng trở thành điều kết nối những người sống trên mảnh đất ấy - để một khi đi xa - họ đau đáu nhung nhớ. Tôi không định nghĩa được điều này là gì. Nhưng khi mang một tình yêu đủ lớn - người ta có thể cảm nhận được những dòng chảy của sông đang chảy trong người mình như cách mỗi

lần ông tôi nói về dòng sông của ông. Những cuộc trở về âu có lẽ cũng bởi những tiếng gọi réo rắt và liên tục như thế trong tâm thức.

Tám tuổi, như bao đứa trẻ ở sông, ông đã có thể bởi từ bờ này để đến bờ bên kia. Mười tuổi ông theo cha trên những chuyến đò dọc, đò ngang. Mười hai tuổi ông đã một mình chèo thuyền bủa lưới. Dòng sông chính là ấu thơ của những người như ông, sinh ra cuộc đời đã gắn liền với dòng nước. Sống ở một nơi mà sông là kế sinh nhai - một đứa trẻ lớn lên bắt buộc phải thuộc lòng những dòng chảy của sông như cách người miền núi dạy con trẻ phải thuộc lòng những con đường. Thật khó để chúng chắc chắn điều gì là điều mình yêu thích?

Mười tám tuổi, một cậu trai thích khám phá là ông bắt đầu mơ đến những chân trời khác. Theo những con tàu lăn bánh, ông vào Nam sinh sống, bỏ lại giấc mơ về những bến bờ. Những dòng chảy bình yên của sông khép lại, thay vào đó là những con phố náo nhiệt đông người. Cuộc sống ở phố không giống những dòng chảy êm dịu của sông, người ta chỉ có thể lao vào mưu sinh, không có thời gian vừa thở vừa thong thả ngẫm nghĩ về cuộc đời. Chẳng biết có phải vì nhung nhớ - như cách người ta nhớ một điều đã thành thói quen mà ông kể nhiều lúc lạc trong dòng chảy xô bồ của người và xe giữa những ánh đèn vàng đỏ rực rỡ - ông cứ nhớ về sông trong những đêm trăng mờ.

Và rồi, cái tuổi đã không còn có thể tự chèo thuyền trên dòng sông của mình, khi mà phố xá với cơ sở vật chất và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe đủ đầy để một người già sinh sống quãng đời còn lại, ông lại lặn lội trở về làm một người của sông. Có lẽ ông yêu cái dòng sông này bởi vì ông yêu những đứa trẻ của sông, cả cuộc đời gắn liền với sông nước. Ông nói rằng, mỗi khi từ quê trở về, được nghe thấy tiếng cười của bọn trẻ hòa trong dòng chảy của sông, ông bỗng thấy lòng mình trong trẻo lạ thường - như được sống lại một đoàn đời thơ ấu trong những tháng ngày lội sông tắm mát, vui đùa cùng chúng bạn. Một người tuổi đã già như ông, còn mong gì hơn nữa.

Tôi thường nghe ông kể về tiếng góp của sông, về những âm vang của sông vọng về trong tiềm thức, về vẻ đẹp quyến rũ của sông trong những đêm trăng rằm, về những buổi chiều ảm đạm ngồi trên mặt sông nghe những câu hò ru con từ đâu vọng về hay câu chuyện ngày thơ ấu đợi những chuyến thuyền của cha. Những diều êm đềm như một khúc ca vẫn thường dội ngược về trong tâm hồn con người khi tuổi tác đã lớn. Nếu tuổi trẻ có thể khiến ông bỏ lại sông để tìm đến chân trời khác và xem những khó khăn, trở lực của cuộc sống như một điều phải vượt qua. Thì tuổi già ông lại rời phố - để tìm về những dịu dàng, êm ả mà chính mình từng đánh mất.

Như cách chúng ta bỏ lại những câu chuyện cổ tích để trưởng thành, người già chọn từ bỏ nhiều thứ đạt được thời trai trẻ để tìm về hoài niệm lại tuổi thơ yên bình. Tuy nhiên, dù là hai thế hệ, tôi và ông đều là một phần của sông. Và một người sinh ra ở sông có những cách nghĩ và lí lẽ của riêng mình. Chúng tôi biết rằng, không ai phải có trách nhiệm yêu một nơi chốn nào đó khi mà họ không sinh ra ở đó. Nhưng nếu có một người yêu chúng ta mà không thể yêu được cái nơi ta sinh ra. Điều đó, đã chẳng thể gọi là tình yêu được.

Thi thoảng tôi tự hỏi rằng, cuộc đời có bao nhiêu cơ hội để chúng ta có thể trải nghiệm lại cùng một điều như cách ông chọn rời đi và trở về? Và khi nghĩ về điều đó, tôi bỗng hình dung đến những người, cuộc đời chỉ cho họ trải nghiệm điều gì đó một lần, để rồi, nếu một lần bỏ lỡ hoặc sống với những chọn lựa khác, họ đã đánh mất cơ hội được trở về. Khi nghĩ về điều này, bản thân tôi tự thấy lòng mình sao buồn quá, bởi có rất nhiều điều tôi đã bỏ lỡ để đổi lấy những tháng ngày trưởng thành - mà tôi biết mình sẽ không thể nào tìm lại được.

Bây giờ ông tôi đã già và đi lại khó khăn nhưng ông vẫn một mực ở lại với sông, sống quãng đời còn lại để mỗi ngày được nghe những chiếc thuyền nổ máy rời đi và trở về cập bến trong những buổi chiều tà, để mỗi ngày được nghe tiếng dòng sông thủ thỉ, nghe con nước êm đềm khua khoắng. Sông bây giờ không chỉ là tình yêu mà còn là bến đỗ của cuộc đời ông. Còn với tôi, dù yêu sông như yêu một điều mình đã gắn bó vẫn chọn cách rời đi để kiếm tìm một cuộc đời mới, liệu có khi nào cũng trở về, để lại làm một người của sông như cách ông tìm lại ấu thơ của mình, tìm lại câu chuyện cổ tích ông từng đánh rơi ngày ông rời sông đi ở tuổi mười tám?

T.N.H