Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

21.08.2024
P.V
Ngày 20/8, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên".

Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Tham dự Hội thảo có hơn 200 nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia, nhà quản lý… đến từ các cơ quan quản lý, các trung tâm nghiên cứu, các viện, học viện, trường đại học và lãnh đạo ngành Văn hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực III. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Ban tổ chức Hội thảo đã tuyển chọn 42 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân, cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ thực trạng và các giải pháp đột phá nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước đã được UNESCO vinh danh.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phải phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Để phát huy đúng, đủ giá trị văn hóa Việt Nam góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải phát huy được giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền trung-Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

Các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tạo nên những điểm nhấn đặc sắc trong bức khảm văn hóa miền trung-Tây Nguyên, góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam. Công tác bảo tồn và phát huy được quan tâm, có nhiều đề án về công tác bảo tồn, phát huy di sản ở các địa phương được ban hành.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, tổng kết những thành tựu đạt được, đặc biệt là thẳng thắn làm rõ những bất cập, hạn chế và xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hiện tại và tương lai. Đồng thời tập trung vào những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản quý giá này, đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng và cả nước.