Hội họa và những sự chuyển đổi

27.10.2022
Phạm Minh Quân
Hội họa là một giao điểm kì lạ. Trước đây, người ta vẫn thường quan niệm kiến trúc là môn nghệ thuật tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như hội họa, điêu khắc. Nhưng bài viết này sẽ không bàn đến hội họa với vai trò tổng hợp như vậy. Thay vào đó, điều được nhấn mạnh ở đây, hội họa là chốn giao duyên của nhiều nẻo đường, có thể là xuất phát điểm, nhưng cũng có thể là đích đến. Và sự chuyển đổi qua/ở hội họa mang lại những cái nhìn thú vị.

Hội họa và những sự chuyển đổi

Họa sĩ Lê Minh Phong và các tác phẩm của mình

Sáng tạo nghệ thuật, với tư cách nghệ sĩ nói chung, hay nhà thơ, nhạc sĩ hoặc họa sĩ nói riêng, thì khắc khoải sáng tạo và khao khát tự làm mới mình luôn thường trực hiện diện. Lâm vào lối mòn là cáo chung chí tử đối với sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, người làm nghệ thuật luôn ý thức tự vận động để tìm ra hướng đi mới cho bản thân. Và để tìm đến cái mới, không có con đường nào khác ngoài con đường chuyển đổi. Phải có chuyển đổi, thì mới có vận động phát triển.

Đối với tự thân một họa sĩ, sự chuyển đổi cơ bản và phổ biến nhất là chuyển đổi về chất liệu hoặc phong cách. Chuyển đổi chất liệu, là sự hoán cải giữa các phương tiện thể hiện: sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, màu nước trên toan, giấy dó, lụa… Có thể, người họa sĩ xuất phát được đào tạo ở một chất liệu sở trường, nhưng khi chuyển sang một chất liệu mới, lại tìm hiểu và làm quen những vật liệu lẫn kĩ thuật mới, từ đó hữu ý hoặc ngẫu nhiên khám phá ra những khả thể triển khai ý tưởng, trước hết là khác, so với cách thức cũ.

Chuyển đổi về phong cách cũng là một sự chuyển đổi có tầm quan trọng bậc nhất. Trong sự nghiệp sáng tác xuyên suốt của mỗi một cá nhân họa sĩ, có những chuyển đổi nhỏ, mang tính nội tại. Nghĩa là, người họa sĩ này có thể chuyển từ hiện thực lịch sử, với các đề tài quen thuộc như phong cảnh, tái hiện đời sống sinh hoạt, sang các phong cách khác như trừu tượng, biểu hiện, lập thể… Cần nói thêm ở đây, sự thay đổi này vượt qua chất liệu và kĩ thuật thuần túy. Nó đánh dấu cả sự thay đổi về quan niệm thực tại và phản ánh thực tại, lẫn quan niệm thẩm mĩ của người họa sĩ. Lấy một ví dụ nổi tiếng là Picasso qua các giai đoạn xanh, hồng, ảnh hưởng châu Phi, lập thể phân tích, lập thể tổng hợp. Đồng thời, cá nhân họa sĩ cũng chịu ảnh hưởng của chuyển đổi lớn, về nguyên lí và mang tính chất thời đại của toàn bộ sinh quyển nghệ thuật. Lịch sử nghệ thuật đã chứng kiến những sự thay đổi lớn, một chuỗi phát triển liên tục và thậm chí chồng lấn gối tiếp, từ hội họa Trung cổ sang Phục hưng, rồi từ Phục hưng sang baroque, và rồi bùng nổ những làn sóng như ấn tượng, lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng, ý niệm… Những hội nhóm và trường phái lần lượt sản sinh.

Trọng tâm chính của bài viết này, như đã đề cập ở mở đầu, tiến đến hội họa như một địa hạt giao thoa. Chính ở địa hạt này, xuất hiện một sự chuyển đổi cực kì độc đáo, nếu không muốn nói là làm giàu thêm cho hội họa, đó là chuyển đổi ngôn ngữ. Bề ngoài của nó tưởng như rất thông thường, nhiều khi hiện diện như một lựa chọn sở thích: Một ai đó ở bên ngoài hội họa chính quy hay một dân ngoại đạo quyết định chọn hội họa làm ngôn ngữ biểu đạt chính của mình. Họ có thể là những họa sĩ tay trái, một nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư, đạo diễn, nhà quay phim, người làm nghiên cứu, thậm chí dân văn phòng, chuyển qua vẽ tranh. Họ là những nghệ sĩ phức hợp. Đặc trưng của nghệ sĩ phức hợp là họ có phong cách nghệ thuật phức hợp, đồng thời có tác phẩm mang tính chất của gesamtkunstwerk (nghệ thuật tổng hòa), là chỉnh thể kết hợp của nhiều thành tố hay cấu kiện đến từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như văn chương, âm nhạc, kiến trúc, hội họa… Và nhiều khi, đặc sắc trong nghệ thuật của họ đến từ việc họ mang ngôn ngữ nghệ thuật sở trường của mình vào hội họa.

Phương tiện biểu đạt (means of expression) của văn học, âm nhạc và hội họa là khác nhau, lần lượt là ngôn từ, nốt nhạc và màu sắc lẫn đường nét, cho nên chúng khởi tạo những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Nếu thi sĩ sử dụng sáng tạo từ ngữ và những quy tắc kết hợp của ngôn ngữ thông thường (ví dụ như niêm luật trong thơ), thì họa sĩ sử dụng sáng tạo thành phẩm do giác quan mang lại, đó là các đối vật hữu hình, sự tổ chức của đường nét và màu sắc bên trong chúng, và mối quan hệ giữa chúng trong không gian thực tế. Đương nhiên, cho dù xuất phát từ đối vật thực tế, nhưng người họa sĩ vượt ra khỏi rào cản những giác quan thông thường, để vẽ nên hình tượng có mối quan hệ mô phỏng (mimesis) hay biểu trưng (representation) với đối vật. Và hình tượng có tính chất phản ánh mối quan hệ của họa sĩ với thế giới thực, quan niệm thực tại và cách thức tái tạo thực tại. Cách họa sĩ nắm bắt đối vật thực tế cũng giống hệt như cách nhà thơ tận dụng con chữ vốn đã có sẵn ý nghĩa. Khi nhà thơ bắt đầu với nghĩa có trước mà không thể từ bỏ nó, thì đồng thời họ cũng vượt thoát nó để tạo ra một nghĩa mới, còn họa sĩ bắt đầu từ đối vật hữu hình nhằm biến đổi và cấp cho nó một hình dạng mới mang ý nghĩa tự thân của riêng nó. Nếu không có sự sáng tạo, thì cả hai quá trình chuyển đổi này đều là bất khả.

Nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ thi ca là nó không thể tồn tại ở ngoại biên của ngôn ngữ thông thường, và sự sáng tạo của nó đến từ đơn vị biểu nghĩa (kí hiệu - Saussure), hoặc con chữ và quy tắc kết hợp của chúng. Nếu ngôn ngữ thi ca sử dụng một hệ thống quy tắc của các kí hiệu, và chất liệu của hệ thống này là ngôn ngữ thông thường, thì chính ngôn ngữ thông thường là cơ sở của ngôn ngữ thi ca. Điều này không thể áp dụng cho ngôn ngữ biểu trưng của hội họa, bởi nó không có cơ sở dựa trên một ngôn ngữ có sẵn. Song, đây lại là đặc trưng khiến cho ngôn ngữ hội họa có thể tích hợp và chuyển đổi ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác. Đơn cử là hội họa có thể mang nhạc tính, lấy một ví dụ điển hình là Wassily Kandinsky. Tuyên ngôn nghệ thuật của Kandinsky là vẽ nên âm nhạc, và điều này được phản ánh rõ trong cấu trúc tác phẩm nghệ thuật của ông. Trong đó, nhịp điệu và sự cân bằng của đường nét lẫn hình khối mang tính chất lưỡng trị, vừa trực giác vừa cẩn trọng đến từng chi tiết. Tranh của Kandinsky là sự ứng tác (improvisation), một yếu tố hiển nhiên của âm nhạc. Những chi tiết trong tranh là các chương của một bản giao hưởng, trong đó chứa đựng tổ hợp của rất nhiều thanh âm ngân lên tới tai người chiêm ngưỡng.

Ở Việt Nam hiện nay, đầu tiên và dễ thấy nhất là sự chuyển đổi từ ngôn ngữ thi văn sang ngôn ngữ hội họa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ tranh từ 2005 trở lại đây. Tranh của ông mang đậm tính thơ. Song, chúng không đơn thuần chỉ là sự minh họa thơ. Đó là sự đứng lên, trỗi dậy và thành hình của những bài thơ do ông sáng tác. Bên trong là những chủ đề giàu tính văn chương. Chủ đề tự sự được ngôn ngữ tạo hình cởi trói khỏi ngôn từ để trở nên sinh động. Mặt khác, ngôn từ (tức lời thơ) trở thành một phụ gia mang tính trang trí bổ trợ, được nhà thơ “đắp” lên những hình tượng trong tranh. Thơ Nguyễn Quang Thiều lúc này đã mang hiệu ứng thị giác của một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa, sự xoắn luyến hài hòa giữa thơ ca và hội họa.

Xuất phát điểm của họa sĩ xứ Huế Lê Minh Phong là một nhà văn. Văn chương của Lê Minh Phong đậm chất biểu hình. Truyện của anh có khuynh hướng đặc tả những chiều cạnh thị giác, hình học, thậm chí nén ép chuyển động và thời gian vào trong không gian. Sang hội họa, anh gần như cởi bỏ gánh nặng biểu hình, chỉ còn mang đến thứ hội họa biểu ý. Bởi, ngôn ngữ của hội họa - đường nét, màu sắc, hình khối - đã giải quyết được vấn đề trình hiện về mặt thị giác mà ngôn từ văn bản gặp phải. Trong tranh của Lê Minh Phong, thế giới thực hay cụ thể là hình tượng con người duy thực đã không còn là tham chiếu chính được nhấn mạnh. Cái anh đào sâu vun xới là những cơ thể nghịch dị, những ảnh tượng phóng chiếu một thế giới tiềm thức, trên quang cảnh cánh đồng siêu thực. Những ẩn dụ, ngụ ngôn về ám ảnh và thương tổn được người xem nhận diện trong tranh của Phong, thực chất, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những linh hồn đọa lạc. Nghệ thuật là thứ băng qua mọi giả tạm và trá ngụy, mở khóa căn buồng tối trong tiềm thức mỗi con người.

Chu Hồng Tiến đã có hơn 30 năm làm thơ, và cũng từa tựa như con đường thi ca, anh lặng lẽ vẽ. Sau tập Phố đồng thảo (2009), anh ít xuất hiện. Trái lại, anh tìm cách bộc lộ tâm hồn tưởng như chìm khuất mà rộng thênh của mình qua những bức tranh được cập nhật hằng ngày trên mạng xã hội. Tranh của anh cũng đầy chất đồng dao, ngây thơ, hồn nhiên, nguyên khôi mà tràn ngập kỉ niệm như thơ của anh vậy. Từ những màu sắc, hình tượng mộc mạc mang hơi hướm hội họa trẻ thơ, hiện lên một thế giới trong trẻo thuần khiết và giản dị, để ta lắng lại chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm và tìm thấy một chốn yên bình cho bản thân.

Có những cái tên du hành từ bộ môn nghệ thuật thứ bảy để đến với hội họa. Điện ảnh vốn là nghệ thuật của những hình ảnh chuyển động, nhưng khi chuyển sang một dạng thức “tĩnh” như hội họa, cũng đem đến những phát hiện lí thú. Cách đi nét cọ của đạo diễn Phạm Thanh Phong khiến cho người xem cảm nhận trong tranh có một sự chuyển động về màu sắc, có thể được diễn tả bằng những từ láy như lao xao, rì rào, lấp lánh, lung linh, bềnh bồng, lăn tăn… Còn nghệ sĩ quay phim Trần Hùng, có lẽ nghiêng nhiều hơn về nhiếp ảnh, nên chú trọng tới thâu chụp khoảnh khắc, cho dù là khoảnh khắc của tĩnh vật. Bởi dù bất động hay trong trạng thái bất biến, sự vật luôn có cái “thần” của nó. Do đó, Trần Hùng thấy sức hút mê hoặc đến từ những chiếc bình Bát Tràng. Doãn Hoàng Kiên thì từ diễn viên, nghệ sĩ xiếc bước sang hội họa và thậm chí là nghệ thuật sắp đặt. Tranh của anh trình hiện một chiều kích nghịch dị và ẩn chứa cả những nguyên lí ngũ hành thần bí.

Không thể không nhắc đến sự trở về hội họa của hai kiến trúc sư Dũng Trống (Trần Tiến Dũng) và Hoàng Đỗ Cường. Cả hai đều có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2021. Những tưởng đam mê hội họa đã được cất kín để nhường chỗ cho thực hành nghề nghiệp, thì ở thời gian được coi là “nhàn rỗi” của đời người, đam mê này đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Gây ấn tượng thị giác đối với người xem bởi cách hòa màu thuần nhiên thể hiện hiệu quả cảm xúc và tâm trạng, nhưng điều đáng chú ý hơn cả là lẩn khuất trong tranh của Dũng Trống ẩn tàng một kết cấu hết sức chặt chẽ, có sự tính toán hài hòa về bố cục lẫn tỉ lệ - một đặc trưng của kiến trúc. Ngược lại, Hoàng Đỗ Cường không hề mang theo những nguyên lí cân bằng, đối xứng, nhịp điệu, thứ bậc, bố cục nghiêm ngặt của kiến trúc. Anh thủ tiêu tất cả các nguyên lí để quy giản về một lối hội họa biểu hiện phi kiến trúc, phi phối cảnh trên một không gian phẳng hai chiều.

Dù là sở thích tay trái, hay đơn thuần là cuộc rong chơi, thì những nghệ sĩ phức hợp kể trên cũng đã cho thấy những độc lạ trong cách thể hiện hội họa của mình, thông qua sự chuyển đổi nghệ thuật.

(VNQĐ)