Hồ Chí Minh và dự cảm hậu hiện đại

15.09.2021
Ngô Tự Lập
Nhiều cuộc cách mạng nghệ thuật bắt đầu một cách tình cờ, không phải bởi các lý thuyết gia được trọng vọng, mà bởi các tác giả bên lề, thậm chí không chuyên. Sappho và Murasaki là hai ví dụ.

Hồ Chí Minh và dự cảm hậu hiện đại

Thơ Sappho được ca ngợi vì ngôn từ trong sáng và ý tưởng sâu sắc, nhưng trên hết là vì tính người của nó. Ở Hy Lạp cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, khi các thi sĩ nam vẫn đang say sưa viết về thần linh, anh hùng và những tư tưởng cao siêu, thì Sappho viết về tình yêu, nỗi buồn và những lo âu đời thường của người phụ nữ. Trong thơ bà, thay cho những điển tích nặng nề là tiếng chim trong vườn, trái táo trên cây hay bầu trời đầy sao bên khung cửa sổ. Thay cho chiến tranh với gươm đao xủng xoảng là tiếng trở mình trằn trọc:

Mặt trăng và chòm Tua Rua đã lặn

Nửa đêm đã qua rồi

Thời gian vùn vụt trôi

Tôi nằm trên giường, đơn độc.

Bằng cảm nhận tinh tế của một người đàn bà, Sappho đã chuyển thi ca từ trời cao xuống đất, nơi con người thay thần linh giữ vị trí trung tâm. Bà được coi là mẹ đẻ của thơ trữ tình.

Murasaki Shikibu là một cung nữ. Vào thời đại của bà, đàn ông Nhật vẫn còn say sưa với chữ Hán, nhưng nhiều phụ nữ đã sử dụng thành thạo chữ Hiragana. Chồng chết sớm, Murasaki Shikibu ở trong cung điện một thời gian rồi lui về sống bên hồ Biwa, nơi bà hoàn thành Genji monogatari (Chuyện Genji) vào khoảng từ năm 1004 đến năm 1012. Chỉ xoay quanh cuộc đời Hikaru Genji, con trai một tỳ thiếp của vua, cùng với cuộc sống cung đình, những mối quan hệ xã hội và tình cảm riêng tư, Genji monogatari phá vỡ khuôn mẫu của văn chương đương thời, trở thành cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên trên thế giới - trước Don Quixote của Tây Ban Nha và Hồng Lâu mộng của Trung Quốc tới sáu thế kỷ.

Hồ Chí Minh là một trường hợp tương tự. “Ngâm thơ ta vốn không ham” – ông viết trong bài thơ “Khai quyển” mở đầu tập Nhật ký trong tù.1 Văn chương đối với Hồ Chí Minh mới đầu có lẽ chỉ là sở thích tự nhiên của một thanh niên ham hiểu biết, sinh ra trong một gia đình khoa bảng. Nhưng về sau, nó được ông sử dụng như là một công cụ hoạt động cách mạng, theo tinh thần Thực tiễn nhân đạo thấm đẫm toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Bất kỳ ai lần đầu tiên tiếp cận Hồ Chí Minh Toàn tập cũng bị bất ngờ. Sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh đồ sộ và đa dạng hơn rất nhiều so với những gì ta thường nghĩ. Nhưng có một điều khiến cho các nhà nghiên cứu hàn lâm phải bối rối: tác phẩm của ông được thể hiện bằng những lối viết hết sức khác nhau, đôi khi đến mức gần như là trái ngược. Nhưng sự bối rối sẽ nhanh chóng tan đi nếu ta hiểu rằng đằng sau sự đa dạng ấy là đóng góp quan trọng nhất của tác giả: một quan niệm về văn chương đi trước thời đại. Hồ Chí Minh, theo chúng tôi, chính là tác giả Việt Nam đầu tiên dự cảm và thực hành sáng tác theo tinh thần Hậu hiện đại.

Nhưng trước khi bàn tiếp, chúng ta cần phải trình bày một cách vắn tắt về Chủ nghĩa Hậu hiện đại và những gì phân biệt nó với Chủ nghĩa Hiện đại.

Văn chương Tiền hiện đại là văn chương của sự tuân phục: tác phẩm văn học đích thực phải chứa đựng những ý tưởng thiêng liêng của thần linh và vua chúa, phải được viết bằng ngôn ngữ thiêng liêng trong kinh sách, phải tuân theo những quy tắc thiêng liêng chặt chẽ  bất di bất dịch mà người viết - nghệ nhân chỉ là người diễn giải. Roland Barthes viết rất hay về vấn đề này: “…trong các xã hội nguyên thuỷ, việc trần thuật xưa nay không bao giờ do một người thường đảm nhiệm, mà qua một kẻ trung gian, thầy cúng hoặc là người xướng mà, nếu nói chặt chẽ, người ta bao giờ cũng chỉ có thể ngưỡng mộ sự “biểu diễn” (tức là khả năng làm chủ mã trần thuật) chứ không phải là “thiên tài” của họ”2. Trong văn chương tiền hiện đại, hầu không bao giờ có nhân vật ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”).

Văn chương Hiện đại là văn chương của tác giả. Ở đây, con người duy lý của tác giả đóng vai trò của Thượng đế trong sự sáng tạo nên tác phẩm mà giá trị là tính văn chương (thuật ngữ của Roman Jakobson) được chứa đựng trọn vẹn trong văn bản và có thể được nhà phê bình chỉ ra một cách khách quan. Hệ quả của quan niệm này là sự tôn vinh tính độc đáo và phong cách, được hiểu như là sự thể hiện của cái tôi - tác giả. Độc đáo đồng nghĩa với giá trị - ý niệm nền tảng này của nghệ thuật Hiện đại dẫn đến sự nở rộ của những thủ pháp “lạ hóa” (thuật ngữ của Shklovsky), sự tôn vinh những trường phái thể nghiệm, sự sùng bái phong cách tác giả và sự nỗ lực giải phóng “Cái tôi” theo kiểu Freud. 

Chủ nghĩa Hậu hiện đại đã có mầm mống ở Hume và Nietzsche, xa hơn nữa là ở những nhà triết học Sophist thời cổ Hy Lạp, nhưng người khởi đầu thực sự của nó là Marx. Nghịch lý là ở chỗ Marx xuất phát bằng tư duy Hiện đại, cố gắng tìm ra “quy luật khách quan” của lịch sử, nhưng cái ông phát hiện ra lại là bản chất xã hội của mọi hiện tượng tư tưởng mà ông đúc kết trong một câu nổi tiếng: “Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội”. Những người kế tục Marx, như Voloshinov, Medvedev và Vygotsky, trong thập niên 1920, đã chỉ ra rằng “Lý trí” và “Cái tôi/chủ thể” chỉ là những kiến tạo xã hội, rằng mọi hiện tượng tư tưởng như pháp luật, chính trị, nghệ thuật v.v, đều có bản chất ký hiệu. Ý nghĩa và giá trị của chúng không phải là cái gì ổn định, cố hữu, hoàn toàn do cấu trúc nội tại quy định như trong quan niệm của các nhà tư tưởng Hiện đại. Trái lại, ý nghĩa và giá trị của chúng là kết quả của tương tác liên nhân ở một tình huống cụ thể, dựa trên mối liên hệ với các hiện tượng tư tưởng khác trong quá trình giao tiếp xã hội không ngừng. Những lập luận nền tảng này về sau được các nhà tư tưởng Hậu hiện đại phát triển để phê phán thẩm quyền của khoa học (Lyotard), hình thành lý luận Giải kiến tạo (Derrida) và phân tích quan hệ quyền lực trong các diễn ngôn (Foucault). Cả Lyotard, Derrida và Foucault đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Marx.

Văn chương Hậu hiện đại đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận tác phẩm một cách biện chứng và năng động. Theo đó, tác phẩm văn chương không phải là văn bản, mà là văn bản trong quá trình tiếp nhận mang tính tình huống. Cùng một văn bản, khi được những người khác nhau tiếp nhận trong những bối cảnh khác nhau sẽ là những tác phẩm khác nhau với ý nghĩa và giá trị khác nhau. Medvedev chỉ ra rằng ngay cả một câu nói bình thường, hay thậm chí từ bình thường, cũng có thể được tiếp nhận là nghệ thuật3. Điều này nói lên vai trò quyết định của người đọc và bối cảnh trong đó sự đọc diễn ra. (Điều này tương tự việc cái bồn tiểu của Marcel Duchamp trở thành kiệt tác Fountain (1917) chỉ vì nó được đặt trong tủ kính ở Viện bảo tàng nghệ thuật để người xem tiếp nhận nó như là nghệ thuật). Roland Barthes, một trong những nhà lý luận văn học Hậu hiện đại xuất sắc nhất, khẳng định: “Sự ra đời của người đọc phải trả giá bằng cái chết của Tác giả”4.

 *

*      *

Tóm lại, văn chương Hậu hiện đại từ bỏ những quan niệm trung tâm của chủ nghĩa Hiện đại: sự tôn sùng tính độc đáo, sự thần thánh hóa tác giả, sự tuyệt đối hóa văn bản, định kiến về thể loại và sự phân biệt giữa văn chương cao cấp với văn chương bình dân. Đối với văn chương Hậu hiện đại, như Roland Barthes đã viết, thay cho một phong cách ổn định của tác giả là những lối viết khác nhau căn cứ vào ba câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

Bạn có thấy những câu hỏi này quen không? Bạn có nhớ đã đọc chúng ở đâu không? Xin thưa, đó chính là những câu hỏi Hồ Chí Minh thường nhắc đi nhắc lại, chẳng hạn trong bài giảng có nhan đề Cách viết tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-19535. Ba câu hỏi này phù hợp với không chỉ quan niệm của Hồ Chí Minh về văn chương như là công cụ hoạt động cách mạng và còn phù hợp hơn nữa với tinh thần Thực tiễn nhân đạo của ông. Những câu hỏi đó trở thành kim chỉ nam cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh, khiến ông trở thành tác giả hậu hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam. 

Hồ Chí Minh là một trong những nhà văn Việt Nam sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ nhất (Pháp, Việt, Trung, Nga). Ông sáng tác ở hầu như mọi thể loại (thơ, vè, câu đối, ký, truyện ngắn, truyện dài, kịch, hồi ký, phóng sự), đồng thời cũng là người hòa trộn và xóa bỏ ranh giới các thể loại một cách táo bạo và bất ngờ nhất. Truyện ngắn Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam mượn hình thức bản dịch tác phẩm của một ông Culixe nào đó6. Truyện ngắn Paris lại có hình thức trích đoạn “Những bức thư gửi cô em họ” do tác giả tự dịch từ tiếng An Nam7. Những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh đồng thời cũng là những khẩu hiệu chính trị, còn khẩu hiệu đoàn kết lại hóa thành một bài thơ, phụ đề cho tranh cổ động, như bài Hòn đá8.  Để ca từ bài Quốc tế ca dễ phổ biến, Hồ Chí Minh không ngần ngại biến nó thành một bài thơ lục bát. Tiểu sử hoạt động cách mạng của ông hóa thành “Những mẩu chuyện” trong sáng tác của Trần Dân Tiên còn bài học lịch sử dân tộc lại hóa thành một bài vè mộc mạc9. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Ngâm thơ ta vốn không ham”, nhưng hai câu thơ vẫn xuất hiện trong Di chúc của ông: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, cũng như của Hồ Chí Minh sau này, đa dạng về lối viết đến mức khó tin: khi cầu kỳ như trong Paris, khi cổ điển như trong những bài thơ Đường luật của Nhật ký trong tù; khi hài hước một cách thâm thúy như trong Động vật học, khi lại giản dị như trong Giấc ngủ mười năm. Truyện Con rùa đầy chất trào lộng mà sau này ta sẽ gặp lại ở Nguyễn Công Hoan, còn Lời than vãn của bà Trưng Trắc lại đầy chất mộng mị, ma quái mà ta có thể nhận thấy rất rõ dù đã qua dịch thuật:

Đêm tối quằn quại dưới làn mưa nhỏ hạt dầm dề. Mảnh trăng vàng vọt cố bíu trên những mái lều tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va nhau thành tiếng kinh rợn. Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái, và những đám nước bị từng cơn gió đột ngột quất, cứ nức nở. Cảnh vật nước Nam, lồng trong cây cỏ um tùm, vốn tươi vui và thơ mộng thế dưới ánh trăng, nay buồn thảm lạ lùng. Cơn hấp hối đang chơi vơi khắp. Tai ương lảng vảng đâu đây10.

Ở Hồ Chí Minh không còn sự phân biệt giữa văn chương với báo chí, không còn sự phân biệt thể loại và cũng không còn ranh giới giữa văn học bác học và văn học bình dân. Điều này nhất quán ngay từ những tác phẩm đầu tiên, ngay từ những tác phẩm viết chung. Yêu sách của nhân dân An Nam, tác phẩm chung của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc, được viết bằng ba thứ tiếng: hai bản văn xuôi – bằng tiếng Pháp cho chính quyền Pháp; chữ Hán cho các nhân sĩ Hán học lão thành - và một bản văn vần tiếng Việt, hẳn là dành cho thợ thuyền đa số chưa biết chữ (Nếu tôi không nhầm thì còn có thêm một bản bằng tiếng Anh dành riêng cho phái đoàn Hoa Kỳ).

*

*       *

Việc sử dụng bút danh ở Hồ Chí Minh còn thú vị hơn. Với hơn một trăm bút danh, Hồ Chí Minh có lẽ là tác giả nhiều bút danh nhất trên thế giới11. Điều này ngoài lý do bảo mật còn có lý do phương pháp luận, một lý do phương pháp luận rất Hậu hiện đại. Khi gửi bài từ Quảng Châu để đăng trên tờ Работница (Nữ công nhân) của Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc chọn bút danh là Loo Shing Yan. Ông giải thích trong thư gửi ban biên tập: “Khi tôi còn ở Quốc Tế Cộng Sản, tôi rất phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì tôi ở đây hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức “Những bức thư từ Trung Quốc” và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy bài viết có tính chất độc đáo hơn và phong phú hơn đối với độc giả, đồng thời cũng đảm bảo giữ được tên thật của tôi”12.

Khảo sát các bút danh của Hồ Chí Minh ta thấy chúng luôn được lựa chọn với một chủ ý nhất định và có thông điệp riêng.

Có những bút danh mang ý nghĩa khẩu hiệu, như Nguyễn Ái Quốc, Xung Phong, Hy Sinh, Chiến Thắng, Thắng Lợi, Newman.

Có những bút danh giản dị, như hàm ý rằng đó là tiếng nói của một người bình thường, như Trần Lam, Ly, Lê Thanh Long, Ng. Văn Trung, Nguyễn Kim, Đinh Văn Hảo.

Có những bút danh như ngụ ý rằng tác phẩm là tiếng nói đại diện của một tầng lớp, giai cấp hay một dân tộc, như Culixe, Công Nhân, Chiến Sĩ, Un Annamite, Một Người Việt Nam, Một người Việt kiều ở Pháp về.

Khi viết về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, Hồ Chí Minh chọn những bút danh “nữ tính” như Mộng Liên, Hương Mộng, Diệu Hương, Kim Oanh. Có lẽ, chúng ngụ ý: “Đây là tâm tình của phụ nữ chúng mình”.

Tùy yêu cầu của địa bàn và tình hình hoạt động, Hồ Chí Minh có thể có những bút danh kiểu Pháp (Albert de Pouvourville, Paul, Victor Lebon), Nga (Nilopxki, Linov), Anh - Mỹ (Newman, Jean Fort), Trung Quốc (Wang, Lee) hay Việt Nam (Thầu Chín, Già Thu).

Nhưng nhiều nhất, đặc biệt trong giai đoạn sau 1945, là những bút danh viết tắt bằng một vài chữ cái: A, X., N.K., A.P., C.B, T.T., H., Đ.X., K.K.T., K.O., X.Y.Z., v.v… Ở đây không có sự độc đáo, không có phong cách cá nhân, không có lạ hóa và thể nghiệm. Những bài viết này gần như vô danh, gần như không có ai là tác giả. Giống như những tờ truyền đơn lá của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, chúng dường như muốn nói rằng: “Đây là lời của của nhân dân, đây là lời sông núi!”

Hồ Chí Minh chỉ dùng tên thật cho các văn bản chính thức, những bài thơ chúc Tết đồng bào đồng chí và những lá thư gửi thiếu niên, nhi đồng. Đó là khi chính quyền cần nghe tiếng nói của Chủ tịch nước, khi nhân dân cần nghe tiếng nói của Lãnh tụ và khi trẻ thơ muốn nghe tiếng nói Bác Hồ.

_______

1 Nam Trân dịch. Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.3. Chính trị quốc gia, Tr. 306.

2  “… dans les sociétés ethnographiques, le récit n’est jamais pris en charge par une personne, mais par un mediateur, shaman ou récitant, dont on peut à la rigueur admirer la « performance » (c’est-à-dire la maitrise du code narratif), mais jamais le « génie ». Roland Barthes, La morte de l’auteur, trong Le bruissement de la langue, Seuil, 1984, tr. 61.

3 Medvedev, P.N, The Formal Method in Literary Scholarship, Albert J. Wehrle dịch, John Hopkins U.P, 1978, tr. 144.

4 “La naissance du lecteur doit se payer de la mort de l’Auteur”. Roland Barthes, La morte de l’auteur, trong Le bruissement de la langue, Seuil, 1984, tr. 67.

5 Xem bài Cách viết trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.8. Chính trị quốc gia, tr. 205

6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.1. Chính trị quốc gia, Tr. 72-74

7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.1. Chính trị quốc gia, tr. 85-92.

8 Báo Việt Nam độc lập, số 123, ngày 21-4-1942. Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T3. Chính trị quốc gia, tr. 270-271.

9 Xem bài Lịch sử nước ta trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.3. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 257-267.

10 Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.1. Chính trị quốc gia, Tr. 95

11 Sưu tầm tên gọi, bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, Trang thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/suu-tam-ten-goi-bi-danh-va-but-danh-cua-chu-tich-ho-chi-minh-qua-cac-thoi-ky-2554

12 Hồ Chí Minh, Toàn tập, in lần thứ ba, T.2. Chính trị quốc gia, tr. 3.

(baovannghe.com.vn)