Hồ Chí Minh - tấm gương sáng mãi về rèn luyện đạo đức

04.05.2015

Hồ Chí Minh - tấm gương sáng mãi về rèn luyện đạo đức

Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”1.

Không nghiêm khắc với bản thân mình, không thường xuyên rèn luyện, học tập thì cán bộ ta nhất định sa vào những ý nghĩ tầm thường và sẽ đánh mất dần những phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Cho nên, trong hoàn cảnh hiện nay, trước những thử thách mới, tiến về phía trước hay bị tụt hậu, điều đó tùy thuộc vào sự phấn đấu của bản thân mỗi người, ở chỗ mỗi người có kiên trì rèn luyện bản thân, có vươn được tới những phẩm chất đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từ bao năm đã dạy dỗ cán bộ ta, nhân dân ta hay không.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là một quá trình liên tục của sự gian nan, rèn luyện với tinh thần kiên trì của người cộng sản và phương pháp khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức giải phóng cho con người và của con người được giải phóng. Đạo đức ấy bao gồm những phẩm chất cao đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng. Đạo đức ấy vì thế đã hoàn toàn trái ngược với mọi đạo đức cũ cả về mục tiêu chiến đấu và biện pháp rèn luyện. Nó tạo ra một khối óc sáng suốt, một trái tim nồng nhiệt, một khí phách anh hùng từ trong lò lửa chiến đấu. Biện pháp của nó dựa vào nhận thức khoa học chứ không phải dựa vào niềm tin mù quáng. Biện pháp ấy làm cho con người ngẩng cao đầu đầy niềm tin, tự hào trước trách nhiệm chinh phục và cải tạo thế giới chứ không làm cho con người nhỏ bé đi như một kẻ tội lỗi, yếu hèn.

Suốt đời gian nan rèn luyện, Hồ Chí Minh đã nâng mình lên tới đỉnh cao của trí tuệ và tài năng, tạo cho mình một ý chí bền vững như núi sông, kiên cường như sắt thép.

Do sự thôi thúc của tình cảm cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm được những quy luật phát triển của lịch sử. Khi con đường cứu nước và thắng lợi của ngày mai đã rực sáng trước mắt Người thì tình cảm càng sâu sắc, tin tưởng càng vững vàng và ý chí của Người đã không có gì lay chuyển được nữa.

Học tập Người, không ngừng nâng cao nhiệt tình cách mạng và nhận thức cách mạng, những đảng viên, cán bộ và những thế hệ thanh niên đã tầng tầng lớp lớp tiến lên như sóng bão: Không sợ khó, không sợ khổ, không sợ chết… Trong nhà tù đế quốc cũng như ngoài chiến trường, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, khi đi vào cao trào cách mạng cũng như lúc chiến đấu âm thầm, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, noi gương Hồ Chí Minh đã nêu cao ý chí anh hùng, không bao giờ nản lòng, nhụt chí. Đó là tinh thần “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”2.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là một chuỗi dài những thử thách ghê gớm nhất trước giàu sang, nghèo khổ và uy lực. Nhưng ý chí của Người là một chất kim cương không sắt, lửa nào có thể hủy diệt. Tâm hồn Người luôn luôn rực rỡ như mặt trời không thể có mây đen nào che khuất.

Ra đời trong hoàn cảnh nghèo khó của quê hương Nghệ An, Người không bao giờ nghĩ riêng cho mình một cuộc đời sung sướng. Nghèo khó chỉ khiến Người càng thông cảm hơn nữa với đồng bào, càng nung nấu quyết tâm giải phóng cho đất nước.

Những ngày xa Tổ quốc cũng là những ngày nay đây mai đó, trải qua mười hai nghề vất vả từ anh phụ bếp, đốt lò đến người thợ rửa ảnh, nhà báo... Trong thời đó, nghèo khổ không chuyển lay được lòng Người mà mọi kiểu giàu sang, mua chuộc và quyến rũ từ phía tư sản và thực dân cũng đều bị Người coi như bợn rác dưới chân. Bao lần bị kết án tử hình và trải qua ba mươi nhà tù, nhưng không uy vũ nào khuất phục được Người. “Thân thể ở trong lao” nhưng tinh thần của Người vẫn ở ngoài lao, hướng về Tổ quốc và tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của cách mạng. Đói rách, ghẻ lở, Người vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan và nằm ngủ với “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Mặc dầu bị trói chân tay, Người vẫn vui vẻ trước cảnh “Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”.

Những ngày ở hang Pác Bó, ốm đau và rét buốt, ăn cơm ngô với măng rừng, Người vẫn tràn đầy khí phách anh hùng, chỉ đạo toàn quốc đánh Pháp, đuổi Nhật. Một tháng trước ngày tổng khởi nghĩa, Người đã từ trên giường bệnh chỉ thị: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”3.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp của Cách mạng Tháng Tám, trong những ngày kháng chiến chống Pháp vô cùng gian nan ở núi rừng Việt Bắc, Người vẫn bình tĩnh, ung dung với tư thế của một người độc lập tự chủ, tràn đầy nghị lực và mưu trí.

Người không bao giờ để những ham muốn tầm thường làm bận tâm. Sống ở thủ đô các nước lớn, giữa cảnh xa hoa phù phiếm, Người vẫn giữ một tâm hồn trong sáng, một lối sống giản dị. Cuộc đời của Người, từ khi còn ở trong ngõ hẻm Pari, đến khi làm Chủ tịch nước, vẫn giữ một cuộc đời thanh đạm, cần lao, khắc khổ. Hành lý vị Chủ tịch nước sang dự hội nghị đàm phán với Chính phủ Pháp năm 1946 chỉ xếp gọn trong chiếc va li nhỏ với hai bộ quần áo. Ngày nay, “tài sản riêng” của Người để lại cũng chỉ có hai bộ ka ki, một đôi dép cao su, cái quạt giấy cũ và chiếc đồng hồ mặt đã mờ… Suốt đời, Người luôn luôn rèn luyện trí tuệ và thân thể, không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết. Học lý luận cũng như học ngoại ngữ, học nói cũng như học viết, Người đều để công sức và thời gian rèn luyện, nhẫn nại và kiên trì đạt tới đỉnh cao nhất.

Người thường xuyên rèn luyện thân thể, Người tập thể dục đều đặn, làm quen với cái nóng, cái rét, giá sương, tạo cho bản thân một sức khỏe khá tốt để làm việc được dẻo dai và khắc phục những trở ngại của ốm đau, thiếu thốn.

Người nhấn mạnh tinh thần phê bình, tự phê bình, luôn luôn nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Phải kinh qua cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong bản thân mình: Một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục”4.

Với tinh thần gian nan rèn luyện, Hồ Chí Minh đã đạt tới mẫu mực hoàn chỉnh của đạo đức mới, đạo đức của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, đạo đức của thời đại anh hùng, đạo đức của nhân loại trên con đường tiến bộ.

Mai đây hàng loạt những vấn đề mới của cách mạng sẽ còn tiếp tục được đặt trước Đảng và nhân dân ta. Cuộc chiến đấu sẽ còn được diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và tư tưởng. Đời sống hằng ngày sẽ đem lại nhiều đổi mới trong suy nghĩ, tình cảm và hành động. Đạo đức cũ còn để lại tàn dư trong xã hội mới và đạo đức phản động còn tiếp tục tấn công từ bên ngoài. Đạo đức mới của chúng ta còn tiếp tục đứng trước rất nhiều thử thách.

Chân lý đạo đức cũng như mọi chân lý mang tính chất tương đối. Nó là sự phản ánh của tồn tại xã hội nên tất nhiên sẽ thay đổi theo sự thay đổi của xã hội ngày mai. Nhân dân ta, con người trong xã hội ngày mai sẽ xuất phát từ yêu cầu cụ thể của hoàn cảnh lúc ấy mà quy định hành vi đạo đức của mình. Hồ Chí Minh không ghi sẵn cho chúng ta những giải pháp cụ thể, nhưng đạo đức của Người với tinh thần, thái độ và phương pháp ấy của Người sẽ vĩnh viễn là kim chỉ nam cho đạo đức của chúng ta, trước mọi diễn biến của cuộc sống.

Chúng ta noi gương Người ở tinh thần suốt đời kiên trì đấu tranh cho độc lập, tự do, cho chủ nghĩa cộng sản.

Chúng ta noi gương Người ở thái độ sống đầy tình yêu thương đối với toàn thể nhân dân lao động, lấy đó làm hạnh phúc cao nhất của mình.

Chúng ta noi gương chiến đấu, lao động và học tập của Người, đem hết tài năng và trí tuệ để cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên làm cho Tổ quốc ta và trái đất này ngày thêm tươi đẹp.

Dưới ánh sáng của Người, chúng ta tràn đầy tin tưởng và tự hào, không ngừng vươn tới những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của dân tộc và loài người trong xã hội ngày mai.

Ngày nay, tiếp tục sự nghiệp của Người trong hoàn cảnh mới, Đảng đã phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một cuộc vận động to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Câu nói của Người: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”5 đã trở thành sức mạnh tinh thần thôi thúc biết bao hành động dũng cảm hy sinh và tượng trưng cho đạo đức cao đẹp của dân tộc ta.

Lòng trung thành vô hạn đối với Đảng và Tổ quốc, niềm tin tuyệt đối vào lời dạy và tấm gương của Bác Hồ là động lực bên trong của hành động dũng cảm, của khí phách anh hùng, không sợ khổ, không sợ chết, quyết chiến và quyết thắng, vượt qua muôn vàn thử thách để đạt mục đích cuối cùng là độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc.

Tinh thần hy sinh dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta được thể hiện rực rỡ trước mọi nhiệm vụ, mọi khó khăn, mọi kẻ thù trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong kháng chiến trước đây và trong xây dựng hòa bình ngày nay và cả mai sau.

Hăng hái và dũng cảm nhất thời trong một số trường hợp nào đó chưa đủ để trở thành một người có đạo đức cách mạng. Ngược lại, âm thầm chiến đấu năm này qua năm khác trong lòng địch hoặc ở những nơi xa vắng không ai biết tới, bình tĩnh tin tưởng ngay cả khi bị hiểu lầm, không rời bỏ mục tiêu cuối cùng của cách mạng trong không khí hòa bình, không nao núng trước mọi cám dỗ về vật chất, đó mới chính là tinh thần dũng cảm của những người cách mạng chân chính, những người làm chủ được bản thân mình.

Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại đang đặt lên vai các tầng lớp công nhân, nông dân và trí thức một trách nhiệm lịch sử rất vẻ vang nhưng vô cùng nặng nề.

Nếu trong thời kỳ kháng chiến, đạo đức cách mạng trước hết là ở tinh thần chiến đấu kiên cường “thà chết không chịu làm nô lệ” thì ngày nay, đạo đức cách mạng phải thể hiện ở tinh thần lao động và sáng tạo trên cơ sở những thành tựu cao nhất của trí tuệ để cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập toàn cầu.

Nếu trước đây, sức mạnh thôi thúc ta là cái nhục của một đất nước nghèo nàn và lạc hậu thì ngày nay, đứng trước những diễn biến vô cùng phức tạp trên phạm vi thế giới, đứng trước muôn vàn khó khăn của đất nước đi lên, nhân dân ta càng thấy rõ nhu cầu học tập theo gương đạo đức của Bác.

Từ bao lâu nay, cán bộ và nhân dân ta rèn luyện đạo đức và phấn đấu theo khẩu hiệu: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Khẩu hiệu này thể hiện sự thống nhất biện chứng và hoàn chỉnh giữa tình cảm cách mạng, ý chí cách mạng và nhận thức cách mạng. Hay nói theo truyền thống đạo đức phương Đông thì đó là sự thống nhất giữa trí, nhân, dũng. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) khi nhắc tới đạo đức của Hồ Chí Minh đã nói: Đó là con người đại trí, đại nhân, đại dũng. Chúng ta cho rằng nhận định trên là đúng đắn và có thể hiểu rằng ở Hồ Chí Minh, đại trí là sự sáng suốt của chủ nghĩa Mác - Lênin, đại nhân là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, đại dũng là chủ nghĩa anh hùng chân chính trong sự nghiệp lâu dài và vẻ vang của cách mạng.

Với những phẩm chất đạo đức hoàn chỉnh và cao thượng ấy, Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường dài của văn minh và hạnh phúc.

Vũ Khiêu

Trích trong “Học tập đạo đức Bác Hồ”,

 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2014.

Chú thích 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 612.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50.

3. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ở Tân Trào tháng 7-1945. Xem Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960, tr.96.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.378.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534.

Đức Lâm (st)
(http://www.bqllang.gov.vn/)